Chúa
Nhật 17 Thường Niên Năm C
Cầu Nguyện Không Ngừng
(Khởi nguyên 18,20-32; Thư Côlôsê
2,12-14; Tin Mừng Luca 11,1-13)
Phúc Âm: Lc 11, 1-13
"Các
ngươi hãy xin thì sẽ được".
Ngày kia,
Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ
thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy
môn đệ ông". Người nói với các ông:
"Khi các con cầu
nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước
Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha
nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng
con sa chước cám dỗ'".
Và Người còn bảo các
ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với
người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi
đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có
tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi
đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo
các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó
cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà
cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
"Và Thầy bảo các
con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
"Người cha nào
trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại
cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư?
Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt,
phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Suy Niệm:
Rõ ràng Lời Chúa hôm
nay muốn dạy chúng ta về việc cầu nguyện. Bài sách Khởi
nguyên cho chúng ta thấy gương cầu nguyện nơi Abraham. Thánh Luca trong bài Tin Mừng ghi lại giáo huấn của Chúa về sự cầu
nguyện. Còn bài thư Phaolô khẳng định Thiên
Chúa đã chấp nhận chúng ta nên chúng ta không còn lý do gì để ái ngại khi cầu
nguyện. Chúng ta hãy suy nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay để
đổi mới việc cầu nguyện của chúng ta.
1. Abraham Cầu Nguyện
Chúng
ta hẳn còn nhớ chuyện Abraham tiếp khách. Ông đã tỏ ra quảng
đại khiêm cung lạ thường. Ông mời khách vào nhà, nhào
bột làm bánh, bắt dê làm thịt và đứng hầu hạ khách. Xong
rồi ông lại tiếp khách lên đường. Chính đang lúc khách
đi về phía Sôđôma đã xảy ra câu chuyện hôm nay.
Khách
đây là chính Chúa. Người nói cho Abraham biết: có tiếng cáo tội Sôđôma vang đến tai Người. Người muốn đến tận nơi xem có
đúng như vậy không?
Sự thật thì Chúa đâu
cần phải đi quan sát như vậy? Có gì che dấu được mắt Người, ngay cả những uẩn
khúc đen tối nhất của lòng người mà ca dao tục ngữ các dân tộc vẫn bảo là không
thể dò thấu? Ðối với Chúa, chẳng có gì che dấu được.
Nhưng sở dĩ tác giả sách Khởi nguyên viết rằng: Chúa muốn đến tận Sôđôma để
biết sự thật thế nào là để mạc khải sự thật đó cho Abraham, và nhất là để gợi
lên ý tưởng Chúa còn để thời gian cho Abraham có thể thỉnh cầu Người cho dân
thành tội lỗi.
Abraham
hiểu như vậy. Hơn nữa tác giả sách Khởi nguyên vừa nhắc (18,18)
ơn gọi phổ cập của ông. Chúa đã chọn ông để mọi dân tộc được chúc
phúc. Thế nên hạnh phúc của Sôđôma, bề ngoài như không
dính dáng gì tới ông, nhưng thật sự cũng đang tùy ở ông.
Abraham
đã đóng vai trò là cha muôn dân của mình. Ông mạnh dạn thưa với Chúa: "Phải
chăng Người sẽ tiêu diệt kẻ lành làm một với người dữ?".
Ông muốn nại đến công bình và công lý sao? Không, ông đã đi xa hơn nữa. Vì nếu chỉ
muốn nói đến công lý và công bình thì ông sẽ xin Chúa đưa người lành ra khỏi
thành trước khi giáng phạt Sôđôma. Công việc tất nhiên
Chúa sẽ làm. Không ai phải nhắc Người điều ấy. Và Abraham cũng chẳng có giá trị gì khi xin một ơn như thế. Nhưng sự thật ông đã không muốn nói đến công lý và công bình.
Ông đã đi xa hơn để đóng đúng vai trò trở thành nguồn hạnh
phúc cứu độ của muôn dân. Ông thỉnh cầu cho chính dân thành tội lỗi, cho
chính những kẻ lẽ ra sẽ bị phạt... Ông muốn xin Chúa, vì sự
hiện diện của những người lành, tha thứ cho kẻ tội lỗi.
Lời
cầu xin của Abraham vì thế là lời cầu bầu. Ông là vị trung gian
bầu chữa cho kẻ có tội. Những người này chẳng thuộc
gia đình dòng dõi ông, thành ra Abraham ở đây là người của mọi người và của mọi
dân tộc. Ông đang đóng vai trò tổ phụ muôn dân.
Ông đang thực hiện Lời Chúa hứa làm cho ông trở nên nơi chúc
phúc cho các dân tộc.
Chúng
ta không thể nào không mến phục ông khi thấy ông vừa kính trọng công lý của
Chúa nhưng đồng thời vừa tha thiết với sự rỗi của mọi người. Mỗi khi ông xin Chúa
giảm con số những người công chính từ 50 xuống 45, 40, 30 rồi 20, chúng ta thấy
rõ hai tâm tình ấy. Kiểu cách ông xin cũng tỏ ra rất tế nhị
và không thiếu những ám chỉ thần học. Lúc thì ông thú nhận mình chỉ là
tro bụi trước mặt Chúa, lúc thì ông lại xin Chúa nghĩ xem nếu để kẻ lành bị phạt
lây với một kẻ dữ há chẳng bất công hơn là tha thứ cho một số đông người có tội,
vì sự hiện diện của những người lành kia sao? Có lẽ điểm thần
học đáng lưu ý nhất trong câu chuyện này là sự có mặt của người công chính ở
giữa tội nhân có thể là một sự che chở cho những người này. Nói đúng hơn, xã hội loài người nhiều khi còn được hưởng sự khoan
dung của Chúa, là vì trong xã hội ấy còn có một số ít người công chính.
Và điều này là một
khích lệ đối với chúng ta, những người có niềm tin. Chúng ta
giúp ích cho xã hội trước hết bằng nỗ lực sống thánh thiện. Nếu nơi nào có một số những con người cố gắng nên thánh, Chúa còn
có thể khoan dung đối với xã hội nơi ấy, cho dù ở đó có nhiều kẻ tội lỗi muốn
lôi kéo sự trừng phạt của Chúa công minh. Nhất là khi những nơi ấy lại
có những con người nguyện giúp cầu thay cho kẻ tội lỗi, tiếp nối thái độ cầu
bầu của Abraham trong câu chuyện này.
Và đây cũng là lý do vì
sao trong tôn giáo chúng ta luôn luôn có việc thúc đẩy nhau cầu nguyện cho mọi
hạng người, kể cả những người xa lạ với chúng ta.
Chỉ
có điều tiếc trong câu chuyện này là Abraham đã không dám tiếp tục nài xin Chúa
thương tha cho dân thành tội lỗi, nếu không tìm được 10 người công chính. Ông đã dừng lại nơi
con số này vì ông tưởng đó là con số tối thiểu có thể sánh bằng được với con số
đông đảo những kẻ tội lỗi. Ông chưa hiểu hết lòng Chúa.
Người sẽ phán trong sách Giêrêmia rằng: nếu tìm được ở Giêrusalem một người mà
thôi biết giữ công lý, Người cũng sẽ tha tội cho cả thành (5,1).
Và trong sách Êzêkien, Người cũng nói: nếu tìm được người nào đứng trước nhan
Người để bầu chữa cho xứ sở, Người cũng sẽ ngưng trút thịnh nộ xuống (22,30). Những lời khẳng định ấy phải làm chúng ta phấn khởi
hơn nữa trong nỗ lực nên thánh và cầu nguyện cho xã hội...
Nhưng
cũng chính những lời này có lẽ lại biện minh cho thái độ của Abraham. Có
thể tìm được một người công chính trong thành Sôđôma không? Vẫn biết Chúa sẽ cứu ông Lot với gia đình ông, nhưng có thể vì
Abraham hơn là vì
Dù
sao câu chuyện này cũng rất sống động và ý nghĩa. Nó khiến
chúng ta thêm lòng cảm mến vị tổ phụ và kính yêu Thiên Chúa nhân lành nhiều
hơn. Nó thúc đẩy chúng ta cố gắng nên thánh hơn nữa
cho xã hội và cầu nguyện nhiều hơn cho mọi người nhất là cho kẻ tội lỗi.
Lời cầu nguyện của chúng ta có cơ may hiệu nghiệm nhiều hơn lời cầu xin của
Abraham, nếu chúng ta được phép so sánh như vậy, bởi vì chúng ta đã được chính
Ðức Giêsu Kitô dạy cho biết phải cầu nguyện thê� nào, như trong bài Tin Mừng chúng ta đã nghe đọc.
2. Chúng Ta Phải Cầu
Nguyện
Tác
giả Luca không cho chúng ta biết rõ lần ấy là lần nào và đã xảy ra ở đâu. Nhưng
những lời đầu tiên Người đã viết ra rất là ý nghĩa. Người nói hôm ấy Ðức
Giêsu vừa cầu nguyện xong không những Người muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng:
Ðức Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài hay đi cầu nguyện nơi vắng vẻ; Ngài
thường cầu nguyện lúc đêm khuya; Ngài cầu nguyện thiết tha đặc biệt trước khi
làm những công việc ý nghĩa trọng đại và trong những trường hợp hơi khác
thường. Nhưng tác giả Luca còn muốn làm chứng rằng: luôn luôn Ðức Giêsu làm và
dạy. Ngài làm trước và dạy sau. Ngài
cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện.
Ở
đây, Luca nói rằng các môn đệ đến xin Ngài dạy họ cầu nguyện như Gioan đã dạy
các môn đệ của ông. Vì sao họ phải nại đến Gioan? Cách Chúa cầu nguyện không đủ lôi kéo họ muốn cầu nguyện sao?
Có lẽ không phải như vậy. Ðúng hơn khi thêm chi tiết,
Gioan đã dạy môn đồ ông cầu nguyện, Luca có ý làm chứng rằng câu chuyện các môn
đệ xin Chúa dạy họ cầu nguyện là có thật vì có chi tiết lịch sử kia làm chứng
và kinh Chúa dạy hôm nay có một nguồn gốc chắc chắn; nhưng đồng thời Luca cũng
muốn ám chỉ rằng cầu nguyện là một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ tôn giáo
và phong trào đạo đức nào. Ðến như nhóm Gioan còn có cách cầu
nguyện riêng, huống nữa là chúng ta, các môn đệ của Ðức Giêsu.
Vậy khi cầu nguyện,
chúng ta hãy nói: Lạy Cha...
Tác giả Luca bỏ chữ
"chúng con" hay chúng tôi trong bản văn của Matthêu. Cũng như Người
không viết thêm: "Cha chúng con ở trên trời". Dường như Người muốn để
câu kinh được trực tiếp và gần gũi; Người muốn nó như thật
là lời nguyện thoát ra từ môi miệng Ðức Giêsu... Bản văn của
Matthêu có màu sắc Do Thái hơn vì nói đến Thiên Chúa là Ðấng ngự trên trời và
là Cha của mọi loài. Bản văn của Luca đưa chúng ta vào
đạo nhập thể nhiều hơn vì Con Chúa Trời sinh ra làm người, Ngài vẫn đang ở giữa
chúng ta và dạy chúng ta cầu nguyện như Ngài vẫn cầu nguyện.
Rồi
chúng ta cũng thấy Luca bỏ câu "xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời". Theo ý người tư tưởng này đã được bao hàm trong hai lời xin cho
Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Việc rút gọn này khiến chúng
ta phải để ý đến tính cách tổng hợp đầy đủ của phần đầu kinh Lạy Cha, chứ không
phân tách và trải rộng ra quá nhiều khía cạnh khiến làm mất sức mạnh và sự chú
ý của sự cầu nguyện. Theo ý Luca, đối tượng cầu nguyện
của chúng ta là sự hiển thánh của Danh Thiên Chúa, thể hiện trong việc Nước Cha
trị đến (và Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời). Tức là chúng ta
phải cầu xin cho Nước Chúa lan rộng, cho Danh Người
được thể hiện. Tất cả những điều đó chỉ là một, diễn tả theo
ba lối khác nhau.
Và
như vậy khi cầu nguyện chúng ta phải lập tức đặt mình vào quan điểm của lịch sử
cứu độ. Và cầu nguyện là kết hợp ngay với Thiên Chúa đang
muốn cứu độ loài người thêm nữa. Cầu nguyện là tiến bộ, và tiến bộ trong
phạm vi đạo đức, là muốn lịch sử tiến lên, lịch sử
Thiên Chúa cứu độ loài người.
Không
có một chút quan điểm cá nhân ích kỷ nào trong lời cầu nguyện như thế. Phải
có tinh thần cứu thế mới xứng đáng đọc lời cầu nguyện này. Và tinh thần cứu thế ấy bao trùm tất cả hạnh phúc loài người, cả
phần hồn và phần xác. Nó là nguyện ước và khát vọng đạo đức vì quan niệm
hạnh phúc kia nằm trong tình yêu của Chúa và đang ở
trong tay Người.
Ước
gì khi cầu nguyện và khi đọc câu đầu của kinh Lạy Cha, không những chúng ta có
lòng sốt sắng kính mến Chúa, nhưng cũng phải chan chứa tinh thần yêu thương
loài người, tha thiết cho nhân loại được hạnh phúc trong ơn nghĩa của Chúa. Một lời cầu xin như
thế vừa cao cả lại vừa phổ quát hơn lời cầu nguyện của Abraham hôm nay, vì
trong khi vị tổ phụ chỉ quan tâm đến xã hội hiện tại của một thành Sôđôma,
chúng ta mỗi khi đọc kinh Lạy Cha lại trực tiếp muốn đưa lịch sử của tất cả
loài người đến chỗ tốt đẹp hơn.
Như
vậy phần sau của kinh Lạy Cha này có vẻ không còn đẹp nữa sao? Chúng ta xin cho được
lương thực hằng ngày, được ơn tha tội, được thoát cơn thử thách. Thật ra đây là những lời xin cụ thể và cần thiết để áp dụng lời cầu
nguyện trên và làm cho lời cầu xin này không phải chỉ là ước nguyện suông.
Ở trên chúng ta đã cầu nguyện để lịch sử cứu độ tiến lên, thì
giờ đây chúng ta phải muốn điều ấy thực hiện trong đời sống cụ thể của mọi
người. Và ở đây chúng ta thấy bản văn của Luca có nhiều nét khác bản văn
của Mátthêu.
Luca không xin cho
"hôm nay" có của ăn nuôi sống mình, nhưng
nguyện rằng mỗi ngày trong đời sống được Chúa nuôi dưỡng. Người ta có thể tự
hỏi cả hai tác giả muốn nói đến thức ăn phần xác hay
lương thực phần hồn tức là Lời Chúa và Thánh Thể? Nhưng tại
sao chúng ta lại không nghĩ đến cả hai, bởi vì con người hằng ngày vẫn cần cả
hai thứ lương thực hồn xác để được đầy đủ. Tuy nhiên
điều đáng chú trọng hơn nữa trong lời xin này chính là thái độ và tư cách đạo
đức. Xin cho hằng ngày dùng đủ là gì nếu chẳng phải là ước nguyện không
rơi vào những thái cực hoặc giàu có hoặc nghèo nàn vì cả hai theo
truyền thống của Kinh Thánh đều không tốt. Ðàng khác thái độ hằng ngày phải cầu
xin cho được dùng đủ là tư cách đạo đức của những thành phần mà Kinh Thánh gọi
là "những nghèo khó của Thiên Chúa", tức là những người được Ngài
quan tâm ưu ái nhất. Và như vậy, đây là lời xin để cho mình luôn được kể trong
hàng ngũ những người được Chúa chọn và dưỡng nuôi, những kẻ khó nghèo được rao
giảng Tin Mừng và sống hoàn toàn cậy dựa vào tình thương của Chúa.
Thế
mà điều cản trở người ta ở trong dân Người chính là tội lỗi. Cũng
như điều kiện để Danh Cha hiển thánh là Nước Cha trị đến. Do đó người ta
phải lập tức xin ơn tha thứ tội lỗi. Và ở đây Luca cũng muốn trải rộng lời xin
này ra khắp cả đời sống bởi vì khác với Mátthêu nói đến những lời
"đã" xúc phạm đến chúng ta, Luca viết chúng ta tha cho mọi kẻ có nợ
với mình để tỏ ra mình đang khao khát ơn được tha thứ.
Luca cũng không nhắc
đến việc xin cho khỏi quỷ dữ mà chỉ kết thúc kinh Lạy Cha bằng câu xin cho khỏi
sa cơn thử thách; vì Người đã hiểu rằng mọi thử thách có hại cho người đạo đức
đều đến bởi Satan, nên câu của Người có tính cách tổng hợp. Nó cũng có tính
cách phổ cập vì cơn thử thách mà Người nói ở đây là bất cứ thử thách nào có hại
cho Nước Trời, chứ không tất nhiên chỉ là những thử thách lớn lao thời thế mạt
thường được nhắc đến trong tác phẩm của Mátthêu.
Chúng ta có thể kết luận,
bản kinh "Lạy Cha" trong cái nhìn của Luca, là lời cầu nguyện cho
Nưới Cha được trị đến, khởi sự từ chính nơi mỗi người, đem kết quả là ân sủng
và đặc biệt là ơn tha thứ đến cho mỗi người và xa tránh hết mọi thử thách có
hại cho ơn cứu độ. Lời cầu nguyện như vậy rõ ràng vừa phổ quát nhưng đồng thời
lại có ý nghĩa dấn thân, xin cho ơn cứu độ phổ quát đến với mọi người, biến mọi
người nên thành phần dân Chúa luôn được hưởng ân huệ và
sự bảo hộ của Người.
Ý nghĩa của lời kinh
này được hai ví dụ sau xác định: dĩ nhiên câu chuyện người bạn xin bánh và
người con xin cá trực tiếp muốn nói lên lời khuyên phải cầu nguyện kiên trì và
tin tưởng. Nhưng câu kết luận của hai câu chuyện ấy và của bài Tin Mừng hôm nay
rõ ràng khẳng định là lời cầu nguyện của chúng ta phải nằm trong viễn tượng
Nước Trời. Tác giả Luca viết: Cha các ngươi sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin
Người. Ðiều này dường như muốn đáp lại một lời khác của Chúa,
là "các ngươi hãy tìm Nước Thiên Chúa trước và mọi sự khác sẽ được thêm
cho".
Chúng ta có đủ lý do để
kiểm điểm lại việc cầu nguyện của mình. Và ước gì bài Tin Mừng hôm nay giúp
chúng ta đổi mới được việc cầu nguyện! Nhất nữa theo
thư Phaolô hôm nay, chúng ta còn có tư thế hơn Abraham ngày trước nếu chúng ta
có thể nói được như vậy.
3. Tư Thế Của Chúng Ta
Vị tổ phục không dám
nài xin Thiên Chúa cho đến cùng để dân thành Sôđôma khỏi bị phạt, là vì một
đàng Người còn sợ đức công minh của Chúa, và đàng khác Người không chắc chắn
chúng ta ngày nay có một tư thế khác. Thánh Phaolô khuyên ta
suy nghĩ về ơn gọi của mình. Há phép Rửa đã không biến đổi chúng ta nên
những người con mới sao? Chúng ta đã cùng được mai táng với
Ðức Kitô và đã cùng được sống lại với Người. Phép Rửa
đã làm cho chúng ta công việc ấy. Và như vậy chúng ta
đã chết cho tội lỗi và đã hồi sinh trong Ðức Kitô. Ân
sủng do mầu nhiệm thánh giá của Người đã ân xá cho ta mọi điều sa ngã, đã thủ tiêu
văn khế tội nợ của ta. Chúng ta đã được trở nên công chính và
trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Ðiều cần duy nhất
là chúng ta phải ở lại luôn mãi trong tư thế ấy để luôn luôn nhận được lòng
thương xót của Chúa. Nhưng giả như chúng ta không chắc chắn về ân sủng nơi mình chúng ta vẫn phải tin tưởng chắc chắn vào ân
sủng nơi thánh giá Ðức Kitô. Người đã trở nên của lễ đền tội
đời đời cho nhân loại, để Hội Thánh không ngừng có thể được ơn tha thứ tội lỗi.
Như thư Hipri viết: Chúng ta đã có Ðấng cầu bầu đảm
bảo ở trước mặt Thiên Chúa... Thế nên chúng ta hãy dạn dĩ tiến gần đến ngai ân sủng...
Chúng
ta hãy dạn dĩ cầu nguyện, và cầu nguyện không ngừng. Hãy
cầu nguyện cho mình và cho xã hội. Hãy cầu nguyện như Chúa đã dạy trong
kinh Lạy Cha và hãy cầu nguyện tin tưởng như thư
Phaolô khuyên bảo. Chúng ta có tư thế mà trước đây Abraham
không có. Không những chúng ta có Ðấng cầu bầu bảo đảm
là Ðức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng có khả năng để được Chúa nghe lời
vì chúng ta đã trở nên nghĩa tử của Người và được cầu nguyện bằng chính lời của
Con yêu dấu Người... Giờ đây tham dự thánh lễ chúng ta lại
được đổi mới tâm hồn và được đồng hóa với Ðức Giêsu Kitô nhiều hơn. Ðể làm gì nếu không phải một phần nào để trở nên tư tế của các dân
tộc, luôn luôn cầu nguyện cho thế giới được ơn cứu độ? Chúng ta hãy suy nghĩ về nhiệm vụ cầu nguyện của mình để không
ngừng đổi mới công việc ấy nhờ giáo huấn của Lời Chúa hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)