Chúa Nhật 17 Thường niên,C

2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 11:1-13)

 

          Các sách Tin Mừng kể lại nhiều sinh hoạt của Chúa Giê-su với các môn đệ, nhưng đa phần là những lời dạy dỗ Thầy Giê-su căn dặn môn đệ và những việc Người làm vì lợi ích cho họ.  Có lẽ đây là lần đầu tiên mới có một môn đệ lên tiếng xin Người:  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.  Và có lẽ cũng là lần đầu tiên Chúa Giê-su đã trả lời ngay tức khắc, để đáp lại thỉnh cầu của môn đệ.  Những điều này hẳn phải nói lên tầm quan trọng của vấn đề cầu nguyện.  Chúa Giê-su không đưa ra những phương pháp tu đức về việc cầu nguyện như chúng ta đọc trong sách vở ngày nay, nhưng Người bảo:  “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói”.  Thực ra phương pháp cầu nguyện cũng quan trọng, nhưng cầu nguyện điều gì còn quan trọng hơn nữa.  Cho nên chúng ta mới có kinh Lạy Cha là kinh Chúa Giê-su đích thân dạy chúng ta.  Kinh Lạy Cha không chỉ là một mẫu cầu nguyện, nhưng là nội dung việc cầu nguyện của chúng ta.  Khi cầu nguyện, chúng ta cứ “nói” với Cha trên trời, như con cái nói với cha mẹ.  Nghĩa là tất cả những điều chúng ta phải “nói với Cha trên trời” trong mọi nơi mọi lúc đều nằm trong danh sách điều cầu xin của kinh Lạy Cha. 

          Sau khi dạy chúng ta phải “xin” những điều gì khi cầu nguyện, Chúa Giê-su còn đặc biệt lưu ý chúng ta phải xin như thế nào.  Người lấy thí dụ một người vào lúc nửa đêm đến nhà bạn mình để chỉ “vay ba cái bánh” thôi.  Người bảo chúng ta hãy bắt chước thái độ của người ấy:  “Vì anh ta cứ lì ra đó”.  Rồi Người so sánh cái lì trước người bạn với cái lì của chúng ta trước Thiên Chúa và đi tới kết luận tất nhiên:  “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời?”  Một thái độ thật đơn giản, nhưng cũng cốt yếu khi chúng ta cầu nguyện là “cứ lì ra đó” trước mặt Chúa.

          Chẳng lẽ bài học về cầu nguyện đơn giản như thế sao?  Đúng vậy.  Chúng ta xin Chúa cho chúng ta trở nên dụng cụ để giúp cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến ý Cha thể hiện.  Chúng ta xin Chúa ban cho những nhu cầu của chúng ta:  lương thực hằng ngày, ơn tha thứ tội lỗi, khỏi sa chước cám dỗ, được cứu khỏi sự dữ.  Chúng ta xin những điều trên với thái độ của con cái cứ lì ra với Đấng chúng ta gọi là Cha.  Và đương nhiên kết quả của cầu nguyện là cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha là điều chúng ta được dạy từ khi còn nhỏ mới biết nói.  Rồi chúng ta “đọc” kinh Lạy Cha rất thường xuyên, khi lần hạt, trong Thánh lễ, trước khi ăn cơm… Nhưng liệu chúng ta có thực sự “nói” với Cha bằng tất cả con tim hay chỉ kể lể và xin xỏ?  Chúng ta có quan tâm đến mối tương quan Cha-con giữa Chúa và chúng ta bằng cách phục vụ cho danh Cha, Nước Cha và ý Cha không, hay chỉ ích kỷ nghĩ đến mình thôi?  Chúng ta có xác tín nhu cầu vật chất của chúng ta là sự đầy đủ đúng mức hay còn giữ lòng tham lam không đáy?  Đặc biệt nhu cầu thiêng liêng, xin được ơn tha thứ tội lỗi mình và biết đối xử nhân ái với anh chị em, có là điều chúng ta cần phải xin và sống hằng ngày không?  Sau hết, đứng trước những cạm bẫy của tội lỗi ma quỷ, chúng ta có xin Cha bảo vệ và giúp chúng ta thắng vượt không?

          Ước mong khi cầu nguyện kinh Lạy Cha là chúng ta sống mối tương quan với Chúa trong hoàn cảnh sống hằng ngày, để thái độ “cứ lì ra” của chúng ta trước mặt Chúa sẽ là dấu chỉ nói lên rằng hết thảy chúng ta là con một Cha và anh chị em với nhau.                   

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C