Chúa Nhật 18 Thường niên

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 12:13-21)

 

          Hẳn Chúa Giê-su phải nổi tiếng và có thế giá lắm nên mới được người ta xin Người can thiệp vào cả những vấn đề hết sức riêng tư và nội bộ gia đình, thí dụ việc tranh giành gia tài giữa hai anh em.  Nhưng Chúa Giê-su từ chối vì nó không thuộc phạm vi sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người.  Người đã lợi dụng cơ hội này để dạy đám đông bài học về sự tham lam.

          Sở dĩ người em đến xin Chúa Giê-su bảo người anh của anh ta chia phần gia tài cho anh ta là vì người anh quá tham lam, muốn giữ trọn phần gia tài về cho mình.  Do đó, Chúa Giê-su lấy đề tài lòng tham để giảng dạy.  Lòng tham phát xuất từ tâm hồn con người và nạn nhân của lòng tham không chỉ là người xa lạ, mà có thể là chính những người thân trong gia đình.  Hơn nữa, đối tượng của lòng tham có thể là gia tài, vật tư hoặc những những món tiền kếch sù, nhưng cũng có thể chỉ là đồ vật tầm thường hay món tiền nhỏ.  Bao nhiêu chuyện trên báo chí tin tức cho thấy, có khi chỉ vì một cái áo, một chiếc xe đạp… mà vì lòng tham, người ta có thể giết người để chiếm đoạt.  Chính vì lòng tham là một động lực lớn có thể gây nên tội ác hoặc làm cho đời sống con người thêm khổ sở, nên điều đầu tiên Chúa Giê-su cảnh báo, là “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”.  Chúng ta thấy Chúa nhấn mạnh “mọi thứ tham lam”, nghĩa là tham lam lớn nhỏ hoặc dưới mọi hình thức.

          Tham lam ảnh hưởng rất lớn đối với lối sống chúng ta, nhất là tham lam của cải và mải mê làm giàu.  Nó khiến chúng ta hiểu sai hoàn toàn về giá trị của tiền bạc của cải, tin rằng “mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải”.   Mạng sống con người đời này còn chưa được bảo đảm nhờ của cải, huống chi là mạng sống con người đời sau, tức là sự sống đời đời!  Để lời dạy dỗ thực tế hơn, Chúa Giê-su kể câu truyện dụ ngôn về nhà phú hộ chỉ lo “tích trữ của cải đời này” mà “không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.  Ông ta đã bị Thiên Chúa gọi là “đồ ngốc”!  Số phận của ông ta cũng giống như số phận của cải thôi, nghĩa là sẽ không tồn tại mãi mãi.

          Nhận thức tính cách ưu tiên của việc lo làm giàu trước mặt Chúa, thánh I-nha-xi-ô Loyola đã để lại cho chúng ta kinh nghiệm Linh Thao vô cùng quý giá, giúp chúng ta sắp xếp lại cuộc sống cho đúng với những bậc thang giá trị, để chúng ta đạt cứu cánh cuộc đời là được cứu rỗi linh hồn.  Mạng sống đời đời của chúng ta được bảo đảm là nhờ những của cải đích thực của Thiên Chúa, tức là những ân sủng Người ban cho chúng ta, đặc biệt Ân Sủng sung mãn là Chúa Giê-su Ki-tô mà chúng ta cần phải chiếm hữu.  Cũng như thánh Phao-lô đã coi Đức Ki-tô là “mối lợi tuyệt vời”, chúng ta cũng phải “vì Người (Đức Ki-tô), tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Phi-líp-phê 3:8-9).

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

Chúa Giê-su không phủ nhận giá trị của tiền bạc của cải, nhưng Người nhắc nhở chúng ta về thái độ đối với tiền bạc của cải, tức là lòng tham lam.  Có biết bao người giàu có, nhưng họ không tham lam, mà lại rất quảng đại trong việc sử dụng tiền bạc để giúp đỡ người khác và những công việc chung.  Trái lại có nhiều người thật nghèo, nhưng lại tham lam hết sức.  Cuộc sống chúng ta cần có tiền bạc và chúng ta phải làm việc để kiếm sống, lo lắng cho gia đình.  Nhưng quan trọng là làm sao giữ được sự quân bình giữa cuộc sống vật chất và đời sống thiêng liêng đạo đức.  Nỗ lực làm việc và tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời phải là lối sống của mọi Ki-tô hữu chúng ta vậy.

 

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C