Chúa Nhật XVIII Thường
Niên C
Đời Sống Chẳng Nhờ Nơi
Của Cải
Lc: 12:13-21: 13 Có người
trong dân chúng nói với Ngài: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia
tài với tôi". 14 Ngài nói với nó: "Này anh! ai đã đặt Ta làm thẩm
phán, hay làm trọng tài trên các anh". 15 Rồi Ngài nói cùng họ: "Hãy
coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam, vì không phải ai được sung
túc, là đời sống người ấy (được chắc chắn) nhờ nơi của cải".
16 Ngài
nói cùng họ một ví dụ, rằng: "Có ngươì phú hộ, ruộng nương được mùa, 17
nên suy tính với mình rằng: Ta phải làm gì? vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ
hoa màu nữa. 18 Ðoạn người ầy nói: Ta sẽ làm thế này: Phá quách các lẫm đi, mà
xây dựng lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa má, và của cải vào đó, 19 rồi ta sẽ nhủ
hồn ta: Hồn ơi! mầy có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi!
hưởng đi! 20 Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi
ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai? 21 Như thế
đó, kẻ lo chất kho cho mình, mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa".
Đoạn 12:13-21 nằm trong
mạch văn của hành trình lên Giêrusalem; thuộc giai đoạn thứ nhất (9:51-13:21). Mạch
văn gần là đoạn 12:1-13:9, bàn đến việc chuẩn bị cho sự phán xét sắp đến, về hành
vi và thái độ đối với những chuyện ở đời nầy. Đoạn 12:13-21 nằm giữa hai đoạn đều
bàn về sự sống dưới hai khía cạnh khác nhau: - Khuyến dụ đừng sợ những người chỉ
giết được thân xác; do đó chỉ sợ Đấng cất luôn cả sự sống phần hồn (12:1-12); và
- Khuyến dụ đừng quá lo lắng về của ăn cái mặc, mà chỉ lo tích trữ kho tàng trên
trời (12:22-34). Liên hệ chặt chẽ với hai đoạn trước và sau, đoạn 12:13-21 đưa
ra một dụ ngôn minh họa sự phi lý của sự tham lam và tích trữ của cải để mong bảo
đảm sự sống đời nầy. Hai đoạn đối đáp giữa Chúa Giêsu với một người nào đó giữa
đám đông (12:13-15) và dụ ngôn (12:16-21) có thể liên kết với nhau thành một câu
chuyện và một chủ đề duy nhất.
Đoạn 12:13-15. Lời yêu
cầu của một người từ giữa đám đông chuyển sự chú ý qua chủ đề về của cải: phần
gia sản (c. 13), mọi thứ tham lam, sung túc, của cải riêng (c. 15). Trong câu
trả lời, Chúa Giêsu trước tiên ngỏ trực tiếp đến người ấy (c. 14); sau đó, Người
cho “họ”, là các môn đệ và dân chúng, một giáo huấn về thái độ đối với của cải.
Một người nào đó đặt ra vấn đề chia gia tài (c.13). Ông gọi Chúa Giêsu là “Thầy”,
như là người có uy quyền phán xét việc nầy (x. Ds 27:8-11; 36:7-9; Đnl 21:17). Vấn
đề cụ thể về chuyện gia tài giữa hai anh em không được ghi nhận, nên có thể hiểu
là nó không quan trọng. Điều đáng chú ý là lời yêu cầu về điều nầy. Từ vựng
“chia phần”, merizō (c. 13), “người
chia phần” meristēs (c. 14) trong lời
đối đáp giữa Chúa Giêsu và người ấy rất quan trọng. Người ấy muốn chia phần gia
tài, nghĩa là muốn chiếm giữ riêng phần gia sản thuộc về mình. Người ấy có thể
hy sinh sự bình an của gia đình bởi đòi hỏi nầy (x. 15:12).
Chúa Giêsu từ chối can
thiệp (c.14). Khi gọi “Nầy ông!” Người biểu lộ sự không hài lòng đối với người ấy.
Câu hỏi của Người đặt ngược lại với người ấy là có phải Người được cắt đặt để làm
chuyện ấy không. Động từ kathistēmi có
nghĩa là “cắt đặt”, “thiết lập”, bổ nhiệm một người để làm một việc gì: chẳng hạn
chăm sóc các gia nhân (12:42), tài sản của chủ nhân (12:44). Chúa Giêsu không để
người ấy nhầm lẫn về sứ mệnh Người. Người không được sai đến để giải quyết những
chuyện thế trần như thế. Hơn nữa, Người không chỉ từ chối làm người chia của cải,
mà còn xem đòi hỏi của người ấy như là một sự tham lam (c.15). Đối với Luca và
cộng đoàn của ông, của cải không phải là một sở hữu của riêng ai. Được thừa hưởng
là để phân phát và chia sẻ. Luca ghi lại cách sống lý tưởng của những tín hữu đầu
tiên và nhiều mẫu gương có thái độ đúng đắn nầy trước của cải (x. Cv 4:32.34-35.37).
Chúa Giêsu kêu gọi giữ
mình khỏi lòng tham lam (c.15). Luca muốn nhấn mạnh nên dùng liên tiếp hai động
từ ở thể mệnh lệnh: “Hãy coi chừng!”, nghĩa đen là “hãy nhìn”; và “Hãy giữ mình!”,
phylassō. Luca dùng động từ phylassō ở thể chủ động, chỉ việc thức đêm
để quan sát và bảo vệ súc vật (2:8), canh giữ nhà cửa an toàn (11:21); tù ngục
(Cv 12:4; 23:35). Luca dùng động từ nầy theo nghĩa bóng để chỉ việc giữ mình khỏi
bị rơi vào thói xấu tham lam; tương tự như giữ mình khỏi những thức ăn đã cúng
cho các ngẫu thần (x. Cv 21:25). Từ “tham lam”, pleonixia, chỉ xuất hiện một lần trong Luca, và được dùng nhiều
trong các thư. Đó là ước ao cách ham hố chiếm hữu nhiều hơn, đặc biệt những điều
thuộc về người khác (x. Rom 1:29;
Eph 4:19;
5:3; Col 3:5;
1 Thess 2:5;
2 Phêrô 2:3);
nên đây là ước muốn chiếm đoạt và thống trị.
Lý
do của hai mệnh lệnh trên được biện bạch trong mệnh đề tiếp theo “bởi vì không phải người ở trong sự
dư dật, sự sống của họ là bởi của cải của họ” (c.15b). Từ perisseuō không chỉ có nghĩa là sung túc, đầy đủ, mà trong Luca còn
có nghĩa là dư dật, dư thừa; chẳng hạn 12 thúng bánh vụn (9:17); người giàu bỏ
tiền dư thừa vào hòm cúng đền thờ (21:4). Từ hypachō chỉ “của cải” (8:3; 11:21; 12:33.44; 14:33; 16:1…). Như thế,
Chúa Giêsu chỉ cho thấy người tham lam sai lầm khi nghĩ rằng sự sống được bảo đảm
nơi những gì họ có; nên họ tìm cách thu góp hơn cả những gì cần thiết cho cuộc
sống. Điều nầy sẽ thấy rõ hơn trong dụ ngôn người giàu ngốc. Câu nầy được dùng
như vừa kết luận phần đầu và chuyển ý sang dụ ngôn tiếp theo.
Dụ ngôn người giàu có ngốc (12:16-21)
Bố
cục của đoạn nầy: - Người giàu có và suy nghĩ của ông (c. 16-17); - Việc làm của
ông (cc. 18-19); - Việc của Thiên Chúa (c. 20); - Kết luận (c. 21). Đặc tính của
câu chuyện này là độc thoại; tương tự người con hoang đàng (15:17-19); người quản
lý bất trung (16:3-4); người quan toà bất công (18:4-5); người Pharisêô và người
thu thuế (18:9-14). Vấn đề Luca muốn đặt ra được trình bày qua chân
dung “một người” (x. 10:30; 14:2.16; 15:11; 16:1.19; 18:2; 15:8; 7:37). Đây là
một người giàu có. Sự sung túc và dư dật của ông được mô tả qua sự phong phú của
từ vựng: “người giàu có”, “ ruộng nương được mùa” (c. 16), “tích trữ”, “hoa màu”
(c. 17), “xây lẫm lớn”, “lúa má”, “của cải” (c. 18), nghỉ, ăn uống, hưởng (c.
19). Chōra của ông có thể hiểu là đất
nước, vùng (x. 3:1; 8:26; 15:14), cũng có nghĩa là cánh đồng (2:8). Euphoreō “được mùa” “sai trái”, tương đương với từ telesphoreō trong dụ ngôn Người gieo giống
(8:14-15). Đất đai sinh hoa màu dư dật cho ông là điều tích cực; tuy nhiên, điểm
Luca chú tâm chính là lời từ miệng ông “hoa màu của tôi” (c. 17), “của cải của
tôi” (c.18). Ông có ý định phá kho lẫm cũ để xây cái lớn hơn
đủ sức chứa hoa màu và của cải của ông (c.18). Sau lời độc thoại (cc. 17-18), ông
nói với linh
hồn của ông, psychē. Trong Luca psychē đồng hoá với con người (1:46; 6:9;
9:24; 10:27; 14:26; 17:33; 21:19). Lời của ông bộc lộ sự gắn bó bản thân ông vào
những gì ông đang có: “Mầy có bao của cải” (c.19), và bày ra chương trình cho
cuộc sống của ông. Điều sai lầm là ông quên rằng của cải đời nầy gắn liền cách
bền vững với sự sống của ông và việc cố giữ sự sống nầy thì sẽ mất (x. 9:24;
14:26; 17:33).
Chúa Giêsu gọi người giàu
có ấy là “ngốc!” (c. 20). Chữ “ngốc” trong Luca chỉ người không có một sự phán đoán
đúng đắn (x. 10:40). Họ không hiểu thực tại, biết điều đúng để làm,
và nhất là không biết ý của Thiên Chúa. Lời Người nói với ông như một phán quyết.
“Đêm nay” gợi lên bóng tối của sự chết, hãi hùng, và sự việc sẽ xảy ra cách
nhanh chóng. “Linh hồn ngươi”chính là người giàu có. Luca thường dùng động từ
“chuẩn bị” cho việc dọn đường Chúa đến cứu độ (1:17.76; 3:4; 9:52; 12:47…). Tuy
nhiên ở đây, những gì người giàu có nầy chuẩn bị của cải vật chất để thụ hưởng,
thì dự tính ấy không thực hiện được, của cải ấy sẽ không thuộc về ông nữa và ông
còn mất luôn cả sự sống!
Câu
kết luận xác quyết cách gián tiếp là người giàu có đã tích trữ của cải “không
trong Thiên Chúa” (c. 21), và những ai hành động như ông thì cũng sẽ bị đối xử
như ông đã chịu. Cách làm giàu trong Thiên Chúa sẽ được đề cập đến trong đoạn
tiếp theo. Đó là bán của cải mình có và cho người nghèo (12:33-34). Làm như thế
là tích trữ kho tàng không hư mất trong Thiên Chúa.
Sự
phi lý và sai lầm của con người là tìm bảo đảm cuộc sống trong của cải, nên tìm
cách chiếm hữu nhiều chừng nào có thể, và dừng lại trên nó. Cái chết đến sẽ cho
thấy điều nầy là sai lầm. Chỉ Thiên Chúa mới là sự sống của con người.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến