Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm C

Tỉnh thức và cảnh giác

(Sách Khôn ngoan 18,6-9; Thư Hipri 11,1-2.8-19; Tin Mừng Luca 12,32-48)

 

Phúc Âm: Lc 12, 32-48

"Các con hãy sẵn sàng".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

 

Suy Niệm:

Hẳn chúng ta còn nhớ giáo huấn của Lời Chúa trong Chúa nhật trước. Các bài Thánh Kinh hôm đó nhắc nhở chúng ta đang khi sinh sống ở trần gian đừng quên nghĩ đến tương lai và định mệnh cuối cùng của mình. Như vậy Lời Chúa hôm nay rõ ràng muốn tiếp tục giáo huấn chúng ta theo phương hướng ấy.

Bài sách Khôn ngoan cho chúng ta thấy con cái Israel vì đã được báo trước về tương lai nên đã bình tĩnh xử sự trong hiện tại như thế nào? Và thư Hipri nêu cao gương sáng của Abraham khi đã tin vào tương lai thì vững vàng tiến bước trên đường trần gian làm sao? Cuối cùng trong bài Tin Mừng Ðức Giêsu dạy chúng ta phải làm gì đang khi chờ đợi ngày Chúa trở lại? Nếu chúng ta muốn tìm hiểu lại các bài Kinh Thánh hôm nay theo diễn tiến thời gian, thì chúng ta hãy bắt đầu với thư Hipri, rồi đến bài sách Khôn ngoan, và sau hết chúng ta sẽ đọc lại bài Tin Mừng.

 

1. Bài Thư Hipri

Chúng ta biết thư Hipri là một bản văn đầy tính cách an ủi. Tác giả muốn khuyến khích các tín hữu của Chúa đang gặp khủng hoảng về đức tin. Chương 11 mà hôm nay chúng ta trích đọc một đoạn về Abraham, trình bày gương sáng đức tin của các tổ phụ, để có "cả đám mây nhân chứng lớn lao dường ấy quanh ta, thì cả ta nữa ta hãy... nắm lấy kiên nhẫn, chạy vào trận tuyến chờ ta, đăm nhìn lên Ðấng khơi nguồn và viên thành đức tin là Ðức Giêsu" (12,1-2).

Nhưng trước hết tác giả đã muốn định nghĩa đức tin là gì và khẳng định đó là nhân đức chung của mọi tổ phụ. Hơn nữa các người được vinh quang như ngày nay, hoàn toàn nhờ ở đức tin.

Vậy "tin là cách chiếm hữu điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy". Các tổ phụ tin khi họ chắc chắn rằng các điều Chúa đã hứa cho họ về tương lai sẽ xảy đến cho họ và các điều vô hình Người nói với họ đều có thực.

Abraham là người đầu tiên có một đức tin như vậy. Chúa nói với ông ở đất Haran: "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi... đến đất Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn". Abraham tin vào lời đó và đã ra đi, chẳng hiểu sẽ đi đến chỗ nào, nhưng chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn mình đến đất sẽ trở thành quê hương xứ sở của mình và mình sẽ có con đàn cháu đống ở đó. Chính niềm tin đã đưa ông lên đường; và cũng chính niềm tin đã khiến ông không dừng lại lấy nơi nào làm quê hương không phải là nơi Chúa sẽ chỉ cho. Do đó, ở đâu và qua chỗ nào, ông cũng luôn sống trong lều vải, cũng như Isaac và Giacóp con cháu ông sau này, luôn luôn đợi ngày được xây đô thị cư ngụ vĩnh viễn theo ý Chúa sắp đặt.

Ðang khi ấy từ ngày này qua ngày khác, tháng trước qua tháng sau, năm cũ qua năm mới, Abraham bình tĩnh nhưng không khỏi nóng ruột muốn biết Chúa sẽ thực hiện Lời Chúa thế nào để ông có con đàn cháu đống làm nên một dân đông nhiều như sao trên trời như cát ngoài biển. Lời hứa này có lẽ còn khó tin hơn cả lời hứa về đất đai, vì cả Sara bạn ông và chính ông đều đã già nua tuổi tác. Dù vậy Abraham vẫn tin. Ông vẫn một mực tin vào Lời Chúa, cả khi Người bảo đem Isaac vừa lớn lên giết đi để tế lễ Người. Ông giơ tay sẵn sàng đem giết đứa con độc nhất đang khi vẫn ý thức một cách chắc chắn rằng miêu duệ mình sẽ không sức nào đếm nổi. Lòng tin thật lạ lùng. Nó là động lực của những hành động phi thường không thể nào hiểu thấu. Nó là bình an vững bền cho tâm hồn con người đang lữ hành trần gian. Nó mở cửa đời sau cho người ta bước vào một cách bình thản.

Tác giả thư Hipri hôm nay viết: "Thể theo lòng tin, các người ấy đã chết hết thảy mà không lĩnh được các điều đã hứa, nhưng chỉ nhìn xa xa và với chào". Các người ấy ở đây không những là Abraham và Sara, mà còn là Isaac và Giacóp, là Môsê và hết thảy các tổ phụ. Sách Ðệ Nhị Luật kể, Chúa đã đưa Môsê lên núi Nêbô. Người chỉ cho ông thấy tất cả đất hứa ở đằng xa. Con cái Israel sẽ vào, nhưng chính ông sẽ không được đến đất ấy (34,1-4).

Abraham và hết thảy các tổ phụ một cách nào đó cũng như Môsê. Họ chỉ được thấy đất hứa và tương lai dân tộc ở đàng xa, tức là trong niềm tin. Nhưng như vậy cũng đã đủ là lẽ sống cho họ. Họ tin vào Lời Chúa và lời hứa của Người. Họ từ bỏ mọi sự khác để sống phù hợp với niềm tin ấy. Nếu họ đã nản chí thì họ đã trở về quê hương cũ, nơi họ xuất phát và khởi hành. Nhưng vì tin và tiếp tục tin, họ luôn coi mình là lữ khách và kiều dân ở mọi nơi chưa phải là đất hứa. Và họ coi tất cả mọi sự không thuộc về Lời Hứa đều không quan trọng.

Thái độ này là điều mà phụng vụ muốn khuyên chúng ta hôm nay, chúng ta hãy đi trên đường đời như Abraham và các tổ phụ. Hãy nhìn Lời Hứa ở đàng xa và với chào. Hãy để cho tương lai và định mệnh ấy đưa chúng ta lên đường và cất bước không nao núng trong khi vui cũng như lúc âu sầu. Ðức tin đã cho chúng ta một hướng đi, thì trong những ngày u tối nhất chúng ta vẫn thấy sáng sủa; và khi gặp những cản trở to lớn, chúng ta vẫn không sờn lòng. Ðang khi ấy chúng ta đừng quên có "cả một đám mây nhân chứng lớn lao ở quanh ta" và có thể nói đang cùng ta tiến bước. Ðó không phải chỉ là gương sáng của tiền nhân mà còn là Hội Thánh. Dân Chúa đang cuốn ta cùng đi. Bài sách Khôn ngoan có thể giúp chúng ta suy nghĩ thêm về điểm này.

 

2. Bài Sách Khôn Ngoan

Những chương cuối cùng của tác phẩm này suy nghĩ về các biến cố trong việc xuất hành của con cái Israel ra khỏi Ai Cập. Và đoạn chúng ta đọc hôm nay ngẫm suy về chính đêm lịch sử đã giải thoát người Do Thái. Ðêm này, các tổ phụ đã được biết trước. Không những Chúa đã báo trước cho Abraham (Khởi nguyên 15,13-14) mà chính Môsê mới đây cũng bảo cho con cái Israel biết (Xh 12,21-28). Họ chỉ biết, nếu họ có niềm tin. Họ có tin vào Chúa và lời của Người, họ mới chờ đợi cái đêm hôm ấy. Niềm tin đây là niềm tin của tất cả cộng đồng, chứ không phải là niềm tin của từng cá nhân nữa. Tất cả cộng đồng con cái Israel đêm nay sống một niềm tin chung. Toàn thể dân Chúa chờ đợi đêm nay để thấy các thánh được cứu độ và thù địch bị diệt vong. Thế nên, họ hội họp nhau, dâng lễ vật vượt qua, thi hành các thánh chỉ, nhất trí một lòng cùng chung phúc may và hiểm họa, biểu hiện niềm tin duy nhất bằng cách cất tiếng hát.

Thực ra tác giả Khôn ngoan đã không hoàn toàn chỉ mô tả chính đêm Vượt qua. Ông đã nhìn vào lễ nghi Vượt qua ở thời ông để diễn lại đêm lịch sử nguyên thủy. Các ông đọc lại lịch sử càng cho chúng ta thấy ý nghĩa phong phú cứu độ của biến cố Xuất hành. Và chúng ta sung sướng ghi nhận những suy nghĩ của ông.

Với ông chúng ta thấy rằng con cái Israel đã được giải thoát nhờ niềm tin, một niềm tin vững vàng căn cứ nguyên vào Lời Chúa. Niềm tin này toàn dân phải sống. Hết thảy phải hội họp nhau trong đêm ấy, phải chắc chắn hành động cứu độ sắp xảy đến. Phải thi hành mọi chỉ thị của Chúa, phải nhất trí đồng hội đồng thuyền sẵn sàng chịu chung phúc họa.

Niềm tin này thật ra trong đêm lịch sử đầu tiên đã không được hoàn toàn như vậy. Hôm ấy con cái Israel chưa có kinh nghiệm và chưa thấy cánh tay mạnh mẽ của Chúa... Chính từ ngày thấy Chúa giải thoát dân bằng cánh tay hùng mạnh, người ta mới có kinh nghiệm và khuyến khích để tin vào những lần giải cứu khác mà Chúa nói là sẽ còn kỳ diệu hơn nữa. Tác giả sách Khôn ngoan là một trong những người tin mạnh mẽ vào hành động cứu độ của Chúa trong tương lai. Ông viết lại đêm xuất hành thời Môsê, tô điểm cho nó bằng niềm tin của ông, để khuyến khích con cái Israel mỗi khi ăn lễ Vượt qua và mỗi khi trông chờ ơn cứu độ, phải có niềm tin vững vàng, niềm tin tập thể, niềm tin Chúa sẽ cứu cộng đồng trong đó có mình.

Do đó nếu bài thư Hípri lấy gương Abraham để khuyến khích mỗi người chúng ta luôn luôn tiến bước về tương lai với niềm tin vững chắc, thì với bài sách Khôn ngoan này, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta đặt niềm tin tương lai vào sự gắn bó với tập thể là Hội Thánh.

Dân Chúa hãy cử hành các buổi lễ Vượt qua là mầu nhiệm thánh thể trong một niềm tin chung. Dân Chúa mỗi khi gặp nhau, hãy một lòng một ý tiến về tương lai. Niềm tin tập thể đã giải cứu con cái Israel thế nào thì sẽ giúp dân mới vượt qua huy hoàng hơn nữa. Chúng ta không tiến về tương lai một mình, nhưng cùng với toàn thể nhân loại được cứu độ. Chúng ta phải cất cao bài hát của các tổ phụ, tức là nói lên niềm tin vững vàng phấn khởi vào Thiên Chúa và Lời Hứa của Người.

Nhưng nói như vậy có lẽ vẫn chưa cụ thể. Bài Tin Mừng Luca hôm nay truyền lại cho chúng ta giáo huấn rõ ràng hơn của Chúa.

 

3. Bài Tin Mừng Luca

Thoạt đầu Chúa nói với tất cả các môn đệ, tức là với hết thảy mọi người tin Chúa. Về sau Chúa nói riêng với các tông đồ tức là với những người có trách nhiệm trong Hội Thánh.

Với tất cả mọi người, Ðức Giêsu có một lời khích lệ âu yếm, Người nói: "Ðừng sợ, hỡi đàn chiên nhỏ bé, vì Cha các ngươi đã khấng ban nước Trời cho các ngươi". Lời nói vắn tắt nhưng rất thâm thúy. Nó có sức an ủi vì khêu lên niềm tin vững vàng. Nó cho chúng ta thấy rõ Chúa thấu suốt hoàn cảnh hiện tại của chúng ta..., nhưng Người cũng khẳng định thân phận của chúng ta rất tốt đẹp.

Hiện tại chúng ta là những con chiên nhỏ, vừa nhỏ vừa ít ỏi, vừa nhỏ vì yếu thế. Hội Thánh luôn luôn như vậy vừa ít số vừa không có thế lực. Thường khi chỉ là con thuyền nhỏ trong cơn bão táp trần gian. Nhưng Chúa bảo đừng sợ vì Chúa Cha đã khấng ban Nước Trời cho chúng ta.

Hơn nữa, Hội Thánh đang là chính Nước Trời ấy có sự sống phong phú của Thiên Chúa và nắm vững mọi phương tiện cứu rỗi. Những ai tin như vậy sẽ thấy bình an và vững vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên đức tin không phải chỉ là cái nhìn bình an. Nó là khởi điểm và là động lực. Nó đã làm cho Abraham lên đường và giúp ông luôn luôn cất bước cho đến hết cuộc đời. Nó đã khiến con cái Israel tập họp trong đêm xuất hành để vượt qua. Nó cũng phải đưa chúng ta vào hành động.

Vì thế Chúa nói với tất cả các môn đệ: Các ngươi hãy xắn áo đai lưng và đèn chong sáng, tức là cả đêm ngày luôn ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Người Do Thái mặc áo dài lụng thụng, nên khi làm việc vừa phải sắn lên, vừa phải đai lại.

Ðó cũng còn là thái độ Chúa đòi khi họ ăn lễ Vượt qua (12,11). Nó nói lên ý nghĩa sẵn sàng. Còn khi nói phải chong đèn sáng, dĩ nhiên có ý tưởng bảo phải tỉnh thức và cảnh giác; nhưng cũng có ý nói: Tất cả chúng ta đã là con cái sự sáng, con cái của ban ngày, nên luôn luôn phải làm việc và làm việc trong sáng. Chúng ta cũng có thể nhớ lại lễ nghi rửa tội trong đó có việc trao nến sáng để nhắc nhở con cái Chúa phải nên như ánh sáng thế gian và phải giữ đèn sáng đi đón Chúa.

Ở đây, Chúa cũng gợi lên ý tưởng này. Người tự ví mình như người chủ đi ăn cưới chẳng biết lúc nào về. Phúc cho đầy tớ nào còn thức để mở cửa ngay cho chủ khi ông vừa về tới nhà. Nhưng Chúa không phải là người chủ thường...

Chẳng người chủ nào làm như Người đã làm và sẽ làm. Người sẽ cho đầy tớ Người là chúng ta ngồi vào bàn ăn và Người sẽ đi dọn bữa cho chúng ta. Với bất cứ người nào sẵn sàng mở cửa khi Chúa gõ, Người cũng sẽ đi vào nhà linh hồn người ấy, ban máu thịt, ân sủng và Lời Người cho họ làm lương thực và Người cũng sẽ dùng bữa ăn tại nhà người ấy.

Và không những được thêm ơn, những tâm hồn sẵn sàng đón Chúa như vậy còn được đảm bảo chẳng khi nào mất ơn. Kẻ trộm vào nhà sao được khi người trong nhà tỉnh thức? Chúa dùng toàn kiểu nói và hình ảnh thông thường để chúng ta dễ hiểu ý Người. Nhưng chúng ta không được dừng lại ở hình ảnh và kiểu nói. Còn phải đi xa hơn để thấy thái độ tỉnh thức mà Chúa căn dặn ở đây chính là sự cởi mở, nhậy cảm và là một thứ linh tính và giác quan và những điều có hệ đến Nước Trời, tức là đến Chúa và Hội Thánh, đến ơn cứu độ của Người hằng muốn ùa vào trong đời sống của chúng ta qua các biến cố to nhỏ hằng ngày. Chỉ khi nào người ta giữ tâm hồn cởi mở và nhạy cảm đối với những gì có thể làm tăng ơn Chúa và mở rộng Nước Người, lúc đó họ mới là con người sắn áo đai lưng và chong đèn sáng, họ mới có tư thế con người làm việc và sẵn sàng.

Một đức tin như vậy mới sống động và tích cực. Nó mới giống đức tin của Abraham và của cộng đồng dân Chúa nói trong các bài Kinh Thánh nói hôm nay.

Riêng đối với những người có trách nhiệm trong Hội Thánh Chúa muốn căn dặn qua câu trả lời cho Phêrô. Họ phải tỏ ra quản lý trung thực và khôn ngoan. Không những phải tỉnh thức và sẵn sàng đón chủ trở về, mà trong khi chờ đợi còn phải phục vụ gia nhân cho tươm tất đầy đủ; xả kỷ, yêu thương chứ không trục lợi, gắt gỏng, tàn ác. Kẻ biết rõ ý chủ mà không thi hành sẽ bị loại bỏ và coi như phường bất tín, tức là ra khỏi sản nghiệp dành cho những người có niềm tin. Còn ai hiểu biết ý chủ ít hơn, sẽ không bị phạt nặng bằng.

Thiết tưởng Chúa nói như vậy cũng đã đủ cho chúng ta suy nghĩ. Người luôn trung tín giữ mọi điều Người đã hứa. Không lời hứa nào đầy đủ hạnh phúc hơn Lời Người đã nói với chúng ta trong đức tin. Chính khi gọi chúng ta tin Người, Người đã hứa ban cho chúng ta mọi sự. Abraham đã nhận thấy như vậy và đã tin. Và vì tin ông đã có một đời sống tích cực như thế. Con cái Israel cũng đã tin lời Chúa như thế và đã thi hành chỉ thị của Người. Họ đã được Người đưa vào hứa địa, nơi chảy sữa và mật.

Ðến lượt chúng ta có cả một đám mây nhân chứng lớn lao dường ấy quanh ta, thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy chạy vào trận tuyến chờ ta...! Và lời thư Hípri nói tiếp: "Chúng ta hãy đăm đăm nhìn lên Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn và viên thành đức tin".

Chúng ta hãy nhìn lên Người trong mầu nhiệm Thánh Thể này, Người chứng tỏ một niềm tin lớn lao dường nào khi ra đi chịu chết. Người làm lễ vượt qua của Người với đầy lòng tin, hoàn thành niềm tin của Abraham khi ra đi và của con cái Israel khi xuất hành... Người khơi đức tin lên nơi chúng ta để dự lễ rồi chúng ta sống đạo, sống đức tin, nhạy cảm với mọi sự có hệ đến phần rỗi của mọi người và tìm phục vụ trong yêu thương chứ không tìm ích kỷ trong hại người.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C