ĐI ĂN CƯỚI
(Bài Đọc
I: Isaia 62: 1-5, Bài Đọc II: 1Côrintô 12: 4-11, Bài Phúc Âm: Gioan 2:1- 11)
Linh Mục Anphong Trần
Đức Phương
Cuối
tuần, vào ngày Thứ Bảy, nhất là trong Mùa Hè, các linh mục thường được mời đi
“ăn cưới”. Có khi phải đi dự cả hai hay ba tiệc cưới. Đến chỗ này một lúc, chỗ
kia một lúc để cho công bằng, khỏi bị phân bì. Có đám cưới còn xin các cha đến
sớm để làm phép bữa tiệc, làm bằng tiếng Việt, rồi làm tiếng Anh (trường hợp cô
dâu chú rể thuộc hai chủng tộc khác nhau).
Có
người nói là “nhà tu” mà cũng đi dự tiệc cưới, vừa mất giờ, vừa không thích
đáng; nhưng Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 2: 1-11) cho chúng ta thấy “Chúa Giêsu
và các môn đệ cũng đến dự tiệc cưới” ở Cana, xứ Galilêa, và có cả sự hiện diện
của Mẹ Maria. Lại chính nhờ lời yêu cầu của Mẹ Maria mà Chúa Giêsu đã làm phép
lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để cứu vãn danh dự cho đám cưới này.
Hôm nay,
chúng ta lại có dịp cùng nhau bàn về giá trị và hạnh phúc gia đình, nhất là
trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay, gia đình đang gặp nhiều thử thách, khó
khăn vì những phong trào luyến ái tự do, ly dị bừa bãi, nam cưới nam, nữ cưới
nữ vẫn thành vợ chồng, mà nhiều nơi được chính quyền và cả một số giáo phái
công nhận và thực hành!
Hạnh phúc
của mỗi người tùy thuộc rất nhiều vào hạnh phúc gia đình: “Người chồng vui mừng
vì người vợ…” (Bài Đọc I). Con cái vui mừng vì thấy cha mẹ hòa thuận, thương
yêu nhau. Gia đình là “Tổ Ấm”. Mọi người đều cảm thấy mong muốn trở về với “Mái
Ấm Gia Đình” (Home sweet home!) Hạnh phúc gia đình trần gian dọn đường đưa đến
hạnh phúc gia đình Nước Trời.
Gia đình
là nơi huấn luyện tuổi trẻ, là học đường đầu tiên mà chính cha mẹ là “Thầy, Cô”
tuyệt diệu, là nhà giáo dục hiểu biết rõ nhất học trò của mình (vì là chính con
của mình). Mọi người đều đau đớn khi gia đình tan vỡ; vợ chồng đau đớn; con cái
đau đớn, ông bà cha mẹ cũng ngậm ngùi khổ đau, các vị Chủ Chăn trong giáo xứ
cũng buồn lòng. Giáo Hội Công Giáo cũng rất quan tâm về thảm trạng này, nên đã
tổ chức những Hội nghị về Gia đình, để tìm những phương cách cứu vãn. Giáo Hội
cũng đòi buộc các vị Chủ Chăn phải chuẩn bị kỹ càng cho các đôi hôn phối trước
khi cho kết hôn theo lễ nghi Công Giáo; đặc biệt phải dự đủ các lớp “Dự Bị Hôn
Nhân”. Giáo Hội cũng kêu gọi các bạn trẻ hãy cầu nguyện và suy nghĩ cẩn thận
trước khi quyết định kết hôn thành vợ chồng và cùng nhau xây đựng một gia đình
mới. Ngoài ra, các bạn trẻ nên tham khảo và lắng nghe ý kiến các bậc cha mẹ
trước khi kết hôn; không nên “yêu cuồng sống vội!”
Có thể
chịu Bí Tích Hôn Phối ngoài Thánh Lễ, nhưng hầu hết các gia đình muốn con cái
được kết hôn trong Thánh Lễ. Đó là điều rất tốt lành! Nhưng quan trọng là cần
dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để chịu ơn thánh và chuẩn bị cho một giai đoạn
mới rất quan trọng của cuộc đời. Có nhiều bạn trẻ đã nhận thức được điều đó,
nên đã ghi danh đi tĩnh tâm một cuối tuần để cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận Bí
Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và chuẩn bị cho ngày rất trọng đại được Chúa chúc lành
và kết hiệp nên Một, thành vợ chồng và bắt đầu một cuộc đời mới. Tuy nhiên,
cũng có những bạn trẻ quá lo tổ chức ‘đám cưới linh đình bề ngoài mà coi nhẹ
phần tinh thần, đạo đức, đưa nhau đến nhà thờ chỉ để lấy lệ cho qua. Đó là điều
đáng tiếc, và ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống chung trong tương lai.
Sau Khi
đã kết hôn, các bạn trẻ nên nhớ câu: “Mình với ta tuy hai mà Một. Ta với mình
tuy một mà Hai!” Vợ chồng đã được Chúa kết hiệp nên một và sống chung suốt đời
trong một gia đình (Mình với ta tuy hai mà một!); nhưng cần thông cảm các khác
biệt nam nữ của nhau để bổ túc nhau cho có sự hải hòa (Ta với mình tuy
một mà hai!). Hơn nữa, cần thông cảm những khuyết điểm của nhau, vì tất cả
chúng ta đều chỉ là nhựng con người bất toàn. Hiểu như thế để dễ dàng tha thứ
cho nhau “nếu người này có điều gì làm mất lòng người kia” (Colose 3: 13), dù
phải tha thứ “bảy mươi bảy lần bảy…” Việc cầu nguyện chung trong gia đình cũng
là điều rất cần thiết để giữ vững hạnh phúc gia đình. “Gia đình nào biết cầu
nguyện chung, sẽ luôn bền vững” (“The family that prays together, stays
together”, Father Patrick Peyton). Hãy có Chúa và Mẹ Maria ở trong gia đình
chúng ta thì chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng những khó khăn hơn (noi gương gia
đình tổ chức tiệc cưới Cana trong Bài Phúc Âm hôm nay.)
Thực tế,
gia đình nào cũng có những ngày mùa xuân tươi đẹp; nhưng cũng có những ngày mùa
đông ‘lạnh giá’ và nhiều khi cũng có bão tố. Con thuyền gia đình có bao nhiêu
ngày lướt đi êm đềm trên biển, yên sóng lặng, nhưng cũng không thiếu những ngày
sóng to, gió lớn. Vợ chồng hãy cùng chung tay chèo chống, đừng trách trời,
trách người, đừng đổ lỗi cho nhau sinh ra những bất hòa vào chính lúc cần hòa
hợp yêu thương để vượt qua sóng gió. Lâu lâu, nên cùng nhau xem lại các hình
ảnh thân thương cũng như những cuốn phim đã quay rất đẹp và tốn kém trong ngày
thành hôn ngày nào để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm đó.
Khi gặp
những khủng hoảng quá lớn, hãy bày tỏ với các vị trưởng thượng, các Chủ Chăn,
nhất là vị đã lo công việc hôn phối cho mình. “Đóng cửa bảo nhau” là điều tốt,
nhưng khi vấn để đã không thể giải quyết được giữa hai vợ chồng, thì cần được
sự nâng đỡ và giúp ý kiến của những người thân thương , thành thực giúp đỡ;
những vị này thường có cái nhìn khách quan hơn, hiểu rõ vấn đề hơn, và đưa ra
những giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên. Chính chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều
cặp gặp khủng hoảng, đi đến giải quyết êm thắm.
Để đề
phòng những căng thẳng, những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, vợ chồng cần
dành thời giờ để thương yêu nhau! Dành thời giờ để chăm lo cho con cái. Dành
thời giờ để cùng đi dâng Thánh Lễ, cầu nguyện với nhau. Đi chơi chung gia đình,
tham dự các sinh hoạt của Giáo xứ, tham gia ca đoàn, các hội đoàn, rộng rãi
giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo khó, bệnh tật, lâm cảnh khốn cùng
(“hạnh phúc là sống cho người khác”). Đừng chỉ lo sống cho gia đình mình. Đừng
mải mê “làm giầu” nhiều quá mà không còn thời giờ sống cho nhau và sống cho
Chúa và cho tha nhân. Một gia đình biết sống cởi mở sẽ tránh được nhiều khủng
hoảng, căng thẳng. Sống cho tha nhân, khi cần tha nhân lại tiếp tay với chúng
ta.
Xin Chúa
và Mẹ Maria luôn hiện diện trong gia đình chúng ta, chúc lành cho gia đình
chúng ta. Xin cho mọi người trong gia đình biết nâng đỡ lẫn nhau, cầu nguyện
cho nhau, cùng nhau vui sống trong mái ấm gia đình, cùng nhau vượt thắng những
khó khăn thử thách. Trước hết và trên hết xin cho chúng ta biết thương nhau và
tha thứ cho nhau.
“Đâu có
tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời!
Đâu có
lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người!
Đâu có
tình Bác Ái, thì Chúa chúc lành không ngơi!
Đâu ý hợp
tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui!”
(Vinh
Hạnh, Thánh Ca “Đâu Có Tình Yêu Thương)