Chúa Nhật XX Thường
Niên C
Ném Lửa Trên Mặt Đất
Lc 12:49-53:
49 "Ta đã đến ném lửa xuống đất, và nào Ta ước mong gì, nếu nó đã được
nhen lên. 50 Có thanh tẩy Ta phải chịu, và Ta những bồn chồn chờ đến lúc hoàn
tất!" 51 "Các ngươi nghĩ: Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư?
Không đâu! Ta bảo các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ: 52 Vì từ nay,
trong một nhà có năm người, sẽ có chia rẽ: ba với hai, hai với ba. 53 Họ sẽ
chia rẽ với nhau: cha với con, con với cha, mẹ với con gái, con gái với mẹ; mẹ chồng
với nàng dâu, nàng dâu với mẹ chồng".
Đoạn 12:49-53 và đoạn
trước liên hệ với nhau qua chủ đề “Chúa đến” (12:49.51;
12:36.37.38.39.40.43.45). Tuy nhiên, đoạn trước quy chiếu về ngày Chúa Giêsu đến
trong quang lâm; còn ở đây, sứ mạng của Người trên trần gian. Đối với đoạn tiếp
sau (12:54-59), Luca đề cập đế những người không biết nhận ra chính Người và sứ
mạng của Người qua những việc Người đang thực hiện. Ý tưởng và bố cục của đoạn
nầy có thể phân chia như sau: - Sứ mạng qua hình ảnh lửa và nước (12:49-50); -
Những phân rẽ do chọn lựa (12:51-53).
Hai câu 49-50 nói đến sứ
mạng của Chúa Giêsu trên trần gian. Động từ “đến” (c. 49) một đàng xác định sứ
mạng của Chúa Giêsu khi Người đến (x. 5:32; 7:34; 12:49.51; 19:10); đàng khác
chỉ chính Người là “Đấng Đang Đến”, erchomenos.
Thể aorist của động từ “đến” chỉ sự kiện đã xảy ra là Chúa Giêsu đã đến trên trần
gian nầy. Những động từ khác “muốn”, “có” thanh tẩy, “bồn chồn” (c. 50) đều ở
thì hiện tại. Chúng nói đến tình trạng hiện đang xảy ra nơi Chúa Giêsu: Người ước
ao mọi sự được hoàn tất. Sứ mạng của Người được trình bày qua hai hình ảnh ẩn dụ
là “lửa” (c. 49) và “nước (c. 50).
“Tôi đã đến ném lửa trên trần gian” (c. 49)
Luca thường dùng cách nói “ném vào lửa”. Hành động
“ném lửa trên mặt đất” khác với “mang
lửa xuống từ trời”. Gioan và Giacôbê
muốn đem lửa từ trời xuống để trừng phạt dân làng
“Có một thanh tẩy Tôi phải chịu” (c. 50)
Theo ý tưởng của văn mạch, lửa Chúa Giêsu mang
đến liên hệ với thanh tẩy (c. 50), đồng thời cả sự chia rẻ giữa những quan hệ
thân thiết nhất trên trên gian nầy (c. 51-53). Trong đoạn song song với Luca, Marcô
đặt “chén” bên cạnh thanh tẩy (Mc 10:38) để chỉ cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sẽ chịu.
Điều nầy soi sáng cho việc hiểu “thanh tẩy” ở đây. Nó cũng ám chỉ cuộc khổ nạn
Người sẽ chịu. Lửa chỉ sứ mạng trải dài; trong khi “chịu thanh tẩy” là lúc sứ mạng
ấy kết thúc. Chúa Giêsu không rơi vào định mệnh đã sắp sẵn. Ngược lại, Người đã
tiên báo điều nầy (9:22; 18:31), và Người “bồn chồn” mong sớm thực hiện thanh tẩy
ấy.
Những phân rẽ do chọn lựa (cc. 51-53)
Luca dùng cách diễn tả
“Các ông nghĩ…. Không! Tôi nói với các ông…”, tìm thấy lại trong 13:2-3.4-5, để
kéo chú ý vào điều được nói ở vế sau. Ở đây là sự chia rẽ, đối nghịch với bình
an như người ta thường nghĩ (c. 51). Dẫn chứng là sự chia rẽ trong gia đình
(cc. 52-53). Chúa đến làm cho con người phải chọn một thái độ. Không thể có thái
đột trung lập. Đem đến bình an là mục đích của sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu
(x. 1:79; 2:14; 10:5-6; 19:38). Ai đón nhận Người, được hưởng bình an. Bình an
nơi con người là tình trạng thông hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa (x. 7:50), là trật
tự tự nhiên hoàn hảo như ý Thiên Chúa muốn (x. 8:48). Đối lại bình an là chia rẽ,
chống đối, chiến tranh, gươm giáo (c. 51b). Trong đoạn song song Matthêô nói đến
“lưỡi gươm” (Mt 10:34). “Chia rẽ”, diamerismos,
bởi động từ dia-merizō, có nghĩa là “chia
làm hai” (x. 11:17; 12:51.53). “Chia rẽ” gợi lên nhiều khía cạnh khác với “gươm”.
Chia rẽ là sự bất đồng ý kiến, khác biệt quan điểm, đặc biệt giữa các thành phần
trong cùng một đơn vị, tổ chức. Trong sự chia rẽ, mỗi bên đều chịu trách nhiệm
về sự việc nầy.
Chúa đến, không phải ai
cũng đón tiếp Người. Nhiều lần Người nói đến sự từ chối, chống đối, và cả thù
ghét Người nữa. Thái độ của họ tỏ ra bên ngoài là không tìm hiểu những “dấu hiệu”
để nhận ra Người (cc. 54-56). Bởi đó, do việc chọn lựa đi theo Người hay từ chối
Người, sự phân chia không thể tránh khỏi hình thành. Sự phân rẽ nầy Simôn đã báo
trước (2:34).
Sự phân rẽ nầy vào tận quan hệ mật thiết nhất của gia đình (c.
53). Gia đình gồm năm người và chia thành hai nhóm: nhóm 2 người là cha và mẹ,
cũng là mẹ chồng; nhóm ba người là con
trai, con gái và dâu. Sự xung đột giữa họ có tính cách hỗ tương; bên nầy chống đối
bên kia. Điều nầy khác với việc thế hệ trẻ nổi lên chống đối thế hệ già trong
Matthêô (x. 10:35; Mica 7:6). Sự chống đối nầy bắt đầu ngay “từ nay trở đi”. Cụm
từ nầy chỉ thời gian từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng. Mọi sự nên hiệu lực từ
lúc Người nói ra (x. 5:10; 12:52; 22:18; 22:69).
Sứ mạng của Chúa Giêsu
là cứu chuộc, ban bình an, và qui tụ
mọi người nên một trong Người. Tuy nhiên Người trở nên cớ cho con người phân rẽ
với nhau, tùy theo sự chọn lựa của họ.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến