Chúa Nhật 22 Thường Niên
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 14:1.7-14)
Thật là nực cười câu chuyện xảy ra tại nhà người
Pha-ri-sêu! Chúa Giê-su được một thủ
lãnh nhóm Pha-ri-sêu mời đến nhà dùng bữa.
Chúng ta đừng vội hẹp hòi lên án ông này có ý mời Chúa đến để cho nhóm
Pha-ri-sêu “cố dò xét Người”, hoặc để
“khoe” với bà con lối xóm mình quen ông lớn.
Chắc chắn Chúa Giê-su cũng có những người bạn Pha-ri-sêu tốt, và ông này
là một trong số những người bạn ấy! Dầu
sao đây cũng là cơ hội để Chúa Giê-su dạy mọi người bài học khiêm nhường. Người ta dò xét Chúa để tìm cách bắt bẻ. Còn Người thì “nhận thấy khách dự tiệc cứ
chọn cỗ nhất mà ngồi”, nên thẳng thắn dạy họ!
Bài học của Chúa ngắn gọn, được trình bày bằng một dụ ngôn và ý nghĩa
của nó. Nói là dụ ngôn, chứ thực sự đây
cũng là những gì đang xảy ra trước mặt Chúa Giê-su và mọi người khách được mời.
Vậy dụ ngôn của Chúa Giê-su mở đầu bằng một lời
khuyên: khi được mời dự tiệc, đừng ngồi
vào cỗ nhất. Tại sao lại có lời khuyên
như vậy? Thời nay trong những bữa tiệc
quan trọng, khách được mời thường đã được xếp chỗ trước, với bảng tên đặt ngay
tại chỗ họ đã được sắp xếp trước. Nhưng
thời Chúa Giê-su không có việc xếp chỗ rõ ràng như vậy, mà tùy gia chủ và cảm
tình của ông đối với khách mời. Ông muốn
mời ai ông quý trọng ngồi cỗ nhất là quyền ở ông. Do đó mới có cảnh dở khóc dở mếu là ông phải
đành lòng xin người khách tự ý ngồi vào cỗ nhất hãy nhường chỗ cho người khách
chính ông muốn đặt ngồi ở cỗ nhất. Dụ
ngôn đơn sơ vậy thôi. Mục đích của dụ
ngôn chỉ là để nói lên chân lý sau đây: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Trong bữa tiệc, ai là kẻ tôn mình lên và ai là kẻ hạ mình
xuống? Kẻ tôn mình lên là người tự ý
ngồi vào cỗ nhất, không đợi chủ nhà sắp đặt.
Họ muốn chiếm chỗ ngồi đó để tỏ cho người khác biết họ là nhân vật quan
trọng. Họ không cần biết chủ nhà quý
trọng họ tới mức nào, vì họ tin rằng với thanh thế hay địa vị xã hội của họ,
nhất định chủ nhà phải dành chỗ danh dự cho họ.
Trái lại, kẻ hạ mình xuống là kẻ tự ý ngồi vào chỗ cuối. Họ ngồi vào chỗ cuối không phải với ý đồ để sẽ
được chủ nhà mời lên chỗ cao hơn, nhưng là họ tin vào cảm tình của chủ nhà và hoàn
toàn phó thác cho sự sắp đặt của ông.
Đây là thái độ khiêm nhường đích thực.
Như thế, dụ ngôn cho chúng ta một định nghĩa cụ thể, thế nào là một
người kiêu căng tự tôn mình lên và thế nào là một người khiêm nhượng. Đứng trước mặt Thiên Chúa là chủ nhà mời
tiệc, kẻ kiêu căng sẽ bị hạ xuống và kẻ khiêm nhượng sẽ được nâng lên.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Dụ ngôn Chúa Giê-su kể chú trọng tới tương quan giữa khách
được mời với chủ nhà, và chỗ ngồi tùy thuộc vào mối tương quan ấy. Đó cũng là mối tương quan giữa chúng ta với
Chúa. Nếu chúng ta nghĩ là mình quan
trọng, không cần tới Chúa, không cần đến sự sắp đặt của Chủ tiệc và tự ý ngồi
vào chỗ danh dự, thì chúng ta đâu có nhìn nhận mình tương quan với Chúa. Còn nếu chúng ta nhận biết chỗ đứng của Chúa
trong cuộc đời chúng ta, phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa,
Người sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Càng
sống mối tương quan ấy, tức là sống đúng với thân phận nghèo hèn của chúng ta
trước mặt Chúa, chúng ta càng giống như người đi dự tiệc ngồi vào chỗ
chót. Khiêm nhượng như vậy, chúng ta sẽ
được Chúa “nâng cao và ban của đầy dư”, điều Mẹ Ma-ri-a đã xướng lên trong bài
thánh ca Magnificat. Chỗ chúng ta không
chỉ là chỗ ngồi ở cỗ nhất, mà là chỗ ấm áp nhất trong trái tim Thiên Chúa!
Lm. Dominic TTL