Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm C
Trở Về Đường Ngay Chính
(Xuất hành 32,7-11.13-14; 1 Timôthê 1,12-17; Tin Mừng Luca
15,1-32)
Phúc Âm: Lc 15, 1-32
"Trên trời sẽ
vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Khi ấy, những người
thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy
vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp
những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".
Bấy giờ Người phán
bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất
một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con
chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác
chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng:
"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng
vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải
hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người
đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà
và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em
bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi
đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của
Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Người lại phán rằng:
"Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha
cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít
ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn
chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn
đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho
một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ
heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự
nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở
đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy
cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha
nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và
trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng
thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa
rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là
con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và
mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con
bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã
mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả
đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi
một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về
và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi
giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời:
'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà
không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn
thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay
trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.
"Nhưng người cha
bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải
ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".
Suy Niệm:
Chúng ta hãy gọi Chúa
Nhật hôm nay là Chúa Nhật của lòng thương xót. Thiên Chúa đã xót thương Israen
tội lỗi và tha thứ cho họ. Người đã đoái thương thánh Phaolô khi biến đổi một
con người hung hăng lùng bắt các tín hữu trở nên vị tông đồ kiệt xuất của Tin
Mừng cứu độ. Và Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng không những cho chúng ta thấy
Người đã xuống thế để đi tìm các chiên lạc là loài người tội lỗi; mà Người còn
khẳng định điều đó biểu lộ lòng thương xót của chính Thiên Chúa.
Sau những tuần lễ nói
hơn nhiều về các đòi hỏi của Tin Mừng, Phụng vụ hôm nay đem đến cho chúng ta
một làn khí mát dịu. Ðành rằng Lời Chúa vẫn không thiếu êm ái và lôi cuốn khi
đưa ra các yêu sách của đời sống làm con cái Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa
Giêsu Kitô; nhưng dù sao những bài Kinh Thánh hôm nay lập tức đã đưa chúng ta
vào một bầu khí trìu mến và biết ơn. Chúng ta hãy cố gắng đón nhận hết mọi khía
cạnh của lòng thương xót Chúa, tức cũng là nhiệt tâm tìm hiểu hết lời Mạc Khải
của Người hôm nay.
1. Dân Ðược Tha Thứ...
Bài sách Xuất hành
nghe rất thuận tai. Câu chuyện hấp dẫn: Cấu trúc thông thái khiến chúng ta có
thể đoán ngay bài sách đã được viết vào một thời đại văn hóa đã cao. Chắc không
phải thời Môsê, nhưng sau thời các tiên tri. Nói cách khác nội dung câu chuyện
thời Môsê đã được các nhà thần học sau thời tiên tri viết lại.
Môsê bấy giờ đã ở
trên núi Sinai lâu ngày với Thiên Chúa. Dân chúng ở dưới sốt ruột. Họ xin
Aharôn đúc cho họ một thần tượng để họ có một tôn giáo như mọi dân tộc khác.
Tâm lý của loài người ở cách chúng ta trên dưới 3,000 năm khó giữ vững được
tinh thần trong một tôn giáo không có hình tượng nào cả. Mọi dân chung quanh
đều có thần tượng của họ. Vì sao con cái Israen lại không có tượng để thờ.
Do đó việc xin Aharôn
đúc cho họ một tượng, chẳng qua cũng vì yếu đuối... nhưng vẫn là một xúc phạm
tới Thiên Chúa và là một bội phản Giao ước. Thiên Chúa đã buộc họ không được
đồng hóa, hình dung Người dưới bất cứ biểu tượng nào, vì Người là Ðấng Thánh,
tức là Ðấng khác hẳn mọi sự hữu hình. Vẫn biết người ta không có ý đồng hóa
Người một cách hoàn toàn với hình một con bê đâu. Những tâm trí sáng suốt vẫn
chỉ nghĩ Người đứng trên một con vật như thế. Nhưng với đa số quần chúng có não
trạng thô sơ thời bấy giờ bê bò là những con vật có sức mạnh. Từ quan niệm
Thiên Chúa ngự trên Ngai mạnh mẽ uy dũng, họ dễ tưởng tượng Người ở trong sức
mạnh của con vật biểu tượng kia. Tượng bò bê trở thành hình ảnh của Thiên Chúa
uy dũng.
Aharôn biết như vậy.
Nhưng ông yếu đuối không dám đi ngược ý dân. Thiên Chúa thấy cần phải chặn đứng
chiều hướng xuống dốc của dân ưu tuyển. Người bảo Môsê phải xuống lại với dân.
Và có lẽ ở đây các thần học gia Do Thái sau thời tiên tri đã góp thêm ý kiến
của mình vào. Họ thấy con cái Israen đã bội phản liên tiếp trong suốt lịch sử,
kể từ ngày đúc tượng tại Sinai. Họ nhìn thấy Thiên Chúa đã nhiều lần trừng phạt
dân phản loạn này. Nên ở đây sau khi nói Thiên Chúa thấy dân bội phản, họ viết
luôn rằng Người tỏ ý phẫn nộ muốn tiêu diệt dân cứng cổ để làm một dân mới khởi
xuất từ Môsê.
Nhưng ông này đã tỏ
ra là một người thánh, xứng đáng trở thành hình ảnh của Ðức Giêsu Kitô sau này.
Môsê đứng ra van xin Thiên Chúa cho dân. Xin Người đừng mâu thuẫn với Người.
Người đã không tuyển chọn Israen sao? Thiên hạ sẽ không nói rằng Người đã thất
bại khi giải cứu họ ra khỏi Ai Cập sao? Và lời hứa với Abraham sẽ thế nào, vì
ông đã được đoan chắc có miêu duệ đông đúc chiếm hữu đất chảy sữa và mật?
Môsê đã không bao
biện cho dân tội lỗi. Ông không thấy mình xứng đáng là tổ phụ một dân mới, vì
có gì chắc dân này sẽ không cứng cổ. Ông chỉ nhìn vào chính Thiên Chúa, nại đến
chính tình thương xót của Người đã tỏ lòng ưu ái nhưng không khi chọn Israen,
khi cứu dân này và khi cam kết cho họ có tương lai rực rỡ... Ông đã nói đúng
vào trái tim của Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương loài người và không thể bỏ rơi
họ, huống nữa là tiêu diệt họ.
Lời van xin của Môsê
vì thế đã hiệu nghiệm. Nó báo trước hậu quả lớn lao hơn nữa của lời nguyện xin
của Ðức Giêsu Kitô trong Mầu nhiệm Thập giá. Thiên Chúa không thể bỏ rơi bản
tính loài người mà Người đã kết hợp nơi Ðức Giêsu Kitô, cho dù bản tính ấy đang
mặc hình thức tội nhân. Niềm tin này khiến hết thảy tội nhân chúng ta chạy đến
với Ngai ân sủng là thánh giá Chúa Giêsu Kitô để ở nơi Người luôn luôn chúng ta
lãnh nhận được ơn cứu độ. Chính Người hôm nay làm chúng ta tin tưởng biết bao
trong bài Tin Mừng Luca mà giờ đây chúng ta muốn tìm hiểu.
2. Phải Vui Mừng!
Bài sách tuy dài
nhưng có một chủ ý rõ rệt: chúng ta hãy vui mừng với Thiên Chúa khi thấy anh em
lầm lạc trở về đường ngay chính. Chúa Giêsu nói với chúng ta như vậy, nhân một
câu chuyện xảy ra trong đời Ngài. Hôm ấy Ngài đang giảng dạy. Có nhiều người
thu thuế và tội lỗi đến gần để nghe. Các biệt phái và luật sĩ, tỏ vẻ khó chịu.
Họ vẫn sống trong kỳ thị. Những người không như họ đều không đáng tham dự các
hồng ân của Thiên Chúa. Họ nói lên tâm trạng âm thầm của chúng ta. Ðối với
chúng ta, những người khác với chúng ta cũng không đáng được các ân huệ của
Thiên Chúa. Chúng ta thường có não trạng của người con cả trong bài Tin Mừng.
Anh ta so đo tính toán. Anh nói: Ðã bao năm con hầu hạ Cha mà Cha không bao giờ
cho riêng một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn với thằng con của Cha
kia (anh ám chỉ đứa em phung phá) Cha lại sai làm thịt con dê béo ăn mừng...
Lời Chúa Giêsu hôm
nay muốn nói với những kẻ giữ đạo có não trạng so đo hơn thiệt và kỳ thị phân
chia loài người thành tốt xấu như vậy. Lời Chúa nhiều ít nói với chúng ta hết
thảy.
Chúa Giêsu dùng ba dụ
ngôn để diễn tả ý nghĩ của Người. Câu chuyện mất chiên và câu chuyện mất tiền
giống nhau hầu như hoàn toàn. Tự nhiên ai mất như vậy cũng đi tìm, và tìm được
tự nhiên ai cũng vui. Nhưng điều khác với tự nhiên và hơn hẳn tự nhiên, là ở
trên trời và Chúa Trời hân hoan khác thường khi thấy một người tội lỗi trở lại.
Và điều khác thường này được Chúa Giêsu nói lên khi kể chuyện người tìm được
chiên và tiền đã kêu gọi các người lân cận "hãy chia vui, chia mừng với
tôi" vì tôi đã tìm thấy của đã mất. Thường ra người ta không làm như vậy,
mặc dù thâm tâm người ta có niềm hân hoan đó. Chúa Giêsu bảo: "Nước Trời ở
trong lòng các ngươi...". Và trên trời người ta sống thật sự chân lý sâu
xa đó, nghĩa là trên trời các thần thánh vui mừng khôn tả khi thấy một người
tội lỗi ăn năn.
Như vậy bài Tin Mừng
đã đi xa hơn bài Cựu Ước. Bài sách Xuất hành đã cho chúng ta thấy một Thiên
Chúa nguôi giận, không trừng phạt dân tội lỗi. Bài viết của Luca biểu lộ lòng
hân hoan của Thiên Chúa khi thấy người ta hối cải. Hơn nữa Người còn muốn mọi
người chia sẻ niềm vui to lớn của Người.
Nhưng loài người
thường khó thi hành điều này. Họ thường là người con cả trong dụ ngôn thứ ba.
Biệt phái và luật sĩ đã khó chịu khi thấy thu thuế và tội lỗi đến nghe lời Ðức
Giêsu. Người Do Thái sau này sẽ bực tức khi nghe nói Phaolô quyết tâm đi giảng
đạo cho lương dân. Chúng ta ngày nay không muốn cho kẻ mình không ưa thích được
những sự lành. Chúng ta luôn có đầu óc kỳ thị và tính toán so đo, ngay trong
phạm vi tôn giáo. Chúng ta giữ đạo để được ban riêng cho những ơn mà mình nghĩ
Thiên Chúa đừng ban cho kẻ "khác". Chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa
nói qua miệng lưỡi người Cha trong dụ ngôn.
"Hỡi con, con
luôn ở với Cha và mọi sự của Cha đều là của con". Nghĩa là giữa Thiên Chúa
và chúng ta không có quan hệ làm thuê ở mướn nữa; nhưng đã là Cha-Con trong nhà
thì tất cả đã nên của chung. Chân lý này, người Cha trong dụ ngôn cũng đã nói
với đứa con phung phá. Anh ta trở về chỉ muốn được xử như một người làm công.
Nhưng người Cha chỉ muốn nhận anh như là con.
Chúng ta hãy suy nghĩ
nhiều về chân lý này để sống thân mật hơn với Thiên Chúa chứ đừng giữ đạo vì óc
lợi lộc, biến tôn giáo thành một thứ mặc cả mua bán, làm con người cư xử như nô
lệ đối với Thiên Chúa, đang khi chính Người đã muốn kết hợp với con người trong
một thân thể để sống mật thiết với họ bằng tình yêu.
Và đã không hiểu biết
tình Cha, nên người con cả cũng không hiểu biết tình anh em. Anh ta nói với Cha
về người em rằng: còn thằng con Cha kia..., anh bộc lộ tâm trạng của anh. Anh
khó chịu thấy Cha lấy tình phụ tử xử với thằng tội lỗi ấy mà bây giờ cũng như
đã từ lâu anh không nhận nó là anh em nữa. Anh ta đã nói lên não trạng hèn hạ
của loài người sánh với lòng thương cao cả của Thiên Chúa. Anh đã cho chúng ta
thấy rõ tâm lý loài người đã chê chối nhau và phủ nhận nhau là anh em đồng bào.
Thiên Chúa hôm nay
không phải chỉ muốn biểu lộ tình thương lạ lùng của Người, mà còn muốn chúng ta
nhìn lại nhau như anh em một nhà. Người nói qua miệng người Cha trong bài dụ
ngôn: Hỡi con, phải ăn tiệc vui mừng vì em con (chứ không phải là thằng ấy,
thằng con của Cha chứ không phải là em của con), em con đã chết nay sống lại,
đã mất nay đã tìm thấy.
Thế nên khi gọi bài
Tin Mừng hôm nay là chuyện thằng con phung phá hay là chuyện về tình Cha hay
thương xót, chúng ta đừng quên nhớ đây là bài học Chúa dạy cho chúng ta hãy
nhìn nhận nhau lại như anh em một nhà, như đồng bào cùng một khúc ruột; và
chúng ta hãy sống vui mừng hớn hở với nhau cũng như trên trời đang sung sướng
vì loài người nay đã được cứu chuộc trong Ðức Giêsu Kitô.
3. Noi Gương Thánh
Phaolô
Thánh tông đồ trong
bài thư hôm nay rõ ràng có sự vui mừng mà Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hô hào
chúng ta phải có. Ðọc đoạn thư này chúng ta thấy lòng thánh Phaolô sung sướng
lạ lùng. Người cảm tạ Thiên Chúa cách rất trung thành sâu xa, vì Người đã được
lòng thương xót của Chúa. Nếu Thiên Chúa đã không thương xót Người, thì Phaolô
suốt đời sẽ là Saul, một kẻ rất thông thái nhưng chẳng hiểu biết Chúa và do đó
cũng chẳng hiểu biết anh em và luôn lùng bắt sát hại đồng bào của mình. Saul
thời trước cũng là biệt phái, sống với não trạng và thái độ kỳ thị; chỉ có mình
và phe của mình là đáng được hưởng ân huệ của Thiên Chúa và của hạnh phúc; còn
những kẻ khác, thuộc bọn ấy, không xứng đáng và đáng diệt đi. Nhưng Saul đã xử
sự như vậy vì không biết. Ông không biết Chúa là Ðấng Thương xót mà cứ nghĩ là
Ðấng thưởng phạt. Chúng ta có thể đọc lại câu chuyện người biệt phái lên đền
thờ cầu nguyện. Rõ ràng não trạng tôn giáo của biệt phái, của Saul là tôi giữ
đạo thì đáng được thưởng; còn kẻ thu thuế tội lỗi kia chỉ đáng phạt. Lầm lẫn về
Chúa, sinh ra sai lỗi về đồng bào, kỳ thị người khác và hết coi họ là anh em.
Nhưng Saul đã nhận
được lòng thương xót của Chúa. Ông thấy Ðức Giêsu tiếp đón các tội nhân ngày
trước, bây giờ là Chúa. Chúa tỏ cho ông biết điều này là để ông hiểu rằng Thiên
Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người xuống thế để cứu
chuộc tội nhân. Lập tức thay vì đứng đối lập với những người mà xã hội lên án
là có tội, ông đã gia nhập hàng ngũ của họ để được hưởng lòng thương xót của
Thiên Chúa. Ông đã không xử giống như người con cả trong bài Tin Mừng: thấy
người Cha thương yêu đón nhận người em đã mất nay tìm lại được, anh ta đã không
muốn chia sẻ tình thương, khiến tâm hồn càng trở nên gay gắt đến nỗi phủ nhận
cả em mình. Saul đã không làm như vậy. Ông thấy lòng thương xót của Chúa ở đâu,
ông chạy đến đó và ông đã được thương xót. Và chính khi ông trở thành thánh
Phaolô: nhận ra lòng Chúa thương xót mình quá đỗi nên từ nay chỉ còn biết cao
rao lòng thương xót ấy. Phaolô trở nên tông đồ rao giảng Tin Mừng này là: Thiên
Chúa đã xót thương nhân loại nên đã sai Con Một của Người đến cứu chuộc những
người có tội, mà tiêu biểu là chính Phaolô.
Tất cả chúng ta đều
có thể là những tông đồ như vậy vì hết thảy chúng ta đã là tội nhân và đã được
thương xót. Tất cả chúng ta phải trở nên những tông đồ như Phaolô nếu chúng ta
biết noi gương Người đón nhận ơn Chúa. Không những chúng ta luôn vui mừng vì ơn
cứu độ, mà còn ý thức về lòng thương xót vô biên của Chúa đối với mình, chúng ta sung sướng muốn chia sẻ tình thương đối với mọi
người. Không còn não trạng tính toán so đo nữa, chúng ta cũng bỏ hẳn óc kỳ thị
và phủ nhận anh em. Chúng ta luôn theo gương Chúa Giêsu Kitô không chê chối
loài người tội lỗi, nhưng đã đến ở giữa, trở nên anh em của họ, và cứu chuộc họ
trong thái độ khẩn nài trong mầu nhiệm thập giá.
Giờ đây trên bàn thờ
Chúa Giêsu Kitô, không phải chỉ như Môsê ngày trước. Không những Người van xin
Thiên Chúa cho chúng ta, Người còn dùng Lời nói trong Kinh Thánh kêu gọi chúng
ta đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Người dâng mình chịu chết cho
loài người để kết hợp chúng ta vào ý chí cứu độ của Thiên Chúa hầu thôi thúc
chúng ta hãy nhìn lại mọi người như anh em đồng bào.
Tham dự mầu nhiệm cứu
thế nơi bàn thờ như vậy không những là trở nên con cái Thiên Chúa một cách hoàn
toàn hơn mà đồng thời cũng trở thành anh em với nhau mặn mà hơn trong tình
thương xót của Thiên Chúa.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)