YÊU
THƯƠNG VÀ THA THỨ
(CHÚA
NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Chúa Nhật hôm nay nói đến tình yêu thương và
tha thứ của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết thật lòng ăn năn hối cải:
“Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tôi lỗi ăn năn hối cải hơn là chín mươi chín
người công chính không cần ăn năn hối cải.” (Luca 15: 7).
Bài Đọc I (Xuất Hành 32: 7-11, 13-14): Trong
cuộc hành trình trở về Đất Hứa, Dân Chúa đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa, thờ
“Bò Vàng”, thờ các thần ngoại bang, nên Chúa có ý định sửa phát nặng nề, nhưng
nhờ lời ông Moisê khẩn thiết van xin, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ. Bài Đọc II
(1 Timôthê 1: 12-17): Lòng thương xót của Chúa sẵn sàng tha thứ các tội nhân
biết ăn năn sám hối, bỏ đàng tội lỗi để trở về ‘đường ngay nẻo chính’. Thánh
Phaolô đã khiêm nhường đưa ra một thí dụ cụ thể là chính ngài cũng được Chúa
tha thứ và thánh hóa để ngài có thể trở nên một tông đồ nhiệt thành. Bài Phúc
Âm (Luca 15: 1-32): Trong đoạn này, Chúa Giêsu đã kể ba dụ ngôn rất cảm động để
nói lên Chúa là Người Cha Nhân Hậu, luôn chờ đợi mọi người tội lỗi ăn năn hối
cải để được ơn tha thứ và trở lại làm con con cái Chúa, như người con phung phá
xin trở về với Cha mình.
Trên con đường dài vất vả vượt qua sa mạc khô cằn, Dân Chúa đã nhiều lần
phạm tội cùng Chúa, nhất là tội bỏ Chúa “thờ bò vàng.” Chúa đã đe dọa phạt họ,
nhưng ông Moisê xin Chúa thứ tha, và Dân Chúa đã sám hối, ăn năn, nên Chúa đã
tha thứ, và tha thứ nhiều lần. Sau cùng, Dân Chúa cũng tiến được về Đất Hứa.
(Xem Bài Đọc I). Trong cuộc hành trình
đức tin trường kỳ và đầy gian khổ, chúng ta cũng gặp biết bao cám dỗ, và vì
tính yếu đuối của con người, chúng ta cũng nhiều lần phạm tội mất lòng Chúa và
anh em mình. Nhưng, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha
luôn thương xót tha thứ, khi chúng ta nhận ra tội của mình, và quyết tâm hối
cải. Thánh Phaolô nhấn mạnh điều đó trong Bài Đọc II, khi ngài viết: “Chúa
Giêsu Kitô đã đến trần gian để cứu độ những người tội lỗi, trong số đó có Cha
là người thứ nhất…”
Trong bài Phúc Âm, để trả lời cho những người
Biệt Phái và Luật Sỹ kết án Chúa : “Ông này tiếp đón những người tội lỗi, lại
còn ngồi ăn uống với họ!” Chúa đã đưa ra ba dụ ngôn để trả lời họ và nói lên lòng
Chúa là Người Cha Nhân Từ biết bao, sẵn sàng tha thứ cho tất cả những người tội
lỗi đến với Chúa để xin ơn tha thứ, mặc cho áo trắng tinh tuyền, và cho được dự
tiệc Nước Trời.
Trước khi dâng Tiệc Thánh Thể, chúng ta cùng
thú nhận tội lỗi qua kinh Cáo Mình, và nhờ lời Mẹ Maria và các Thánh bầu cử,
xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng ta, và tha thiết cầu xin “Xin Chúa Thương Xót
Chúng con…” Bí Tích Hòa Giải (Giải Tội) cũng là một kỳ công của lòng Chúa
thương xót để tha thứ mọi tội lỗi của
chúng ta, khi chúng ta nhận ra mình là người có tội, ăn năn sám hối, xưng ra
các tội lỗi với Chúa qua vị đại diện của Chúa có chức Linh Mục, rồi quyết tâm
chừa tội, và làm việc đền tội bằng cách dâng mọi đau khổ của mình hợp với công
nghiệp của Chúa Giêsu đã hy sinh chết trên Thánh Giá để chuộc tội chúng ta.
Chúng ta không lợi dụng lòng nhân từ của Chúa để cứ lao mình vào đường tội lỗi,
nhưng chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối để xin Chúa thứ tha và nâng đỡ chúng ta
trong cuộc sống hằng ngày, gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.
Noi gương lòng nhân từ của Chúa, chúng ta đừng
vội kết án ai, trái lại, hãy yêu thương, nâng đỡ những người trót sa ngã cách
này hay cách khác, dù họ là ai, dù là người vợ, người chồng, hay con cái chúng
ta. Đừng bao giờ hờn giận, từ bỏ, xa tránh, nhưng yêu thương, nâng đỡ, và cầu
nguyện xin Chúa thương cứu vớt.
Chỉ có “Chúa là Đấng Thánh” (Kinh Vinh Danh),
còn chúng ta đều là những con người yếu đuối dễ sa ngã, lầm lỗi. Chúng ta cần
yêu thương thông cảm, tha thứ cho nhau như trong kinh Lạy Cha chúng ta thường
đọc “Xin tha thứ tội lỗi chúng con, như chính chúng con cũng tha cho những
người xúc phạm đến chúng con.”
Hơn nữa, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta không
biết bao nhiêu lần, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau không phải bẩy lần
nhưng là bẩy mươi lần bẩy.” (Matthêu 18: 21-29). Thánh Phaolô trong thư gởi giáo
dân Côlôssê (3: 13) cũng nhắc nhở chúng ta: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em,
anh em cũng hãy tha thứ cho nhau…” Yêu thương và tha thứ đưa đến sự hòa
hợp; kết án và hận thù đưa đến chia rẽ, và tan vỡ những mối tình cao qúy nhất,
dù là tình bạn hay tình yêu gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Biết
rõ điều đó, nên những kẻ ác tâm luôn dùng kế ly gián “chia rẽ để trị” và những
kể chống đối Chúa và Giáo Hội luôn luôn dùng mọi mưu mô xảo quyệt đưa ra không
biết bao nhiêu những tin tức sai lạc, để chia rẽ các Tôn Giáo, chia rẽ hàng
Giáo Phẩm và Giáo Dân. Nhưng, những tín hữu của Chúa đều nhận rõ điều này: “Những
người có thành tâm thiện chí luôn cố gắng xây dựng sự đoàn kết, yêu thương; còn
những kẻ cố gắng đưa ra những tin tức gây chia rẽ, hận thù đều thuộc về mưu mô
của những kẻ ác tâm.
Chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để chúng
ta được đủ ơn Chúa để từ bỏ tội lỗi, “tránh xa dịp tội” (Kinh Ăn Năn Tội) và
biết dâng mọi đau khổ, vất vả hàng ngày để đền tội. Chúng ta cũng yêu thương và
cầu nguyện cho những người tội lỗi, những kẻ chống đối Chúa và Giáo Hội, kể cả
những kẻ bách hại đức tin của chúng ta như Chúa nói: “Các con hãy yêu thương kẻ thù
địch, làm ơn cho những người ghét chúng con, chúc lành cho những người nguyền
rủa các con, cầu nguyện cho cả những người vu cáo chúng con…”(Luca 6:
27-28). Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cũng xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ
đã lên án bất công và giết Chúa bằng khổ hình Thập Tự Giá: “Lạy Cha, xin tha
cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”(Luca 23: 34).
Mọi sự đều qua đi với thời gian. Bao quyền lực
thế gian, bao đế quốc hùng mạnh từ Đông sang Tây, kể cả Đế Quốc Rôma, chế độ
Cộng Sản Vô Thần tại Liên Sô, đã gây nên bao cuộc chiến tranh thảm khốc cho
nhân loại, giết chết bao nhiêu triệu người vô tội, cũng đã sụp đổ và qua đi;
chỉ có TÌNH YÊU THƯƠNG THA THỨ là vĩnh viễn tồn tại và và góp phần xây dựng Hòa Bình.