Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm C
Chúa Ðòi Chúng Ta Phải Lựa Chọn
(Amos 8,4-7; 1 Timôthê 2,1-8; Tin Mừng Luca 16,1-13)
Phúc Âm: Lc 16, 1-13
"Các con không
thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý, và
người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo
rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì
từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải
làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn
mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ
có người đón tiếp tôi về nhà họ'.
"Vậy anh gọi
từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao
nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy
văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng:
'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo
người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người
quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử
với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
"Phần Thầy, Thầy
bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền
bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.
"Ai trung tín
trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ,
thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc
tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
"Không đầy tớ
nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục
chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi
tiền của được".
Suy Niệm:
Mặc dù câu chuyện
người quản lý bất lương muốn chúng ta xem xét lại cẩn thận, chúng ta vẫn không
được quên câu chuyện ấy nằm trong cả một văn mạch và hơn nữa còn ở trong cả
phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Ðặt nó lại vào giữa các bài đọc Kinh Thánh mà
chúng ta vừa nghe, có lẽ ý nghĩa của nó sẽ dễ nhận ra hơn. Vì thế chúng ta cứ
theo tổ chức của Phụng vụ, bắt đầu tìm hiểu bài sách Amos trước, rồi đến bài
Tin Mừng và sau cùng đến bài thư gửi Timôthê. Chúng ta sẽ thấy giáo huấn của
Phụng vụ hôm nay dạy chúng ta đừng thờ tiền, nhưng hãy thờ Chúa; đừng tìm của
cải nhưng hãy tìm Nước Trời. Và giáo huấn này đã nằm ngay trong bài sách Amos.
1. Chúa Nhớ Hết Các
Hành Ðộng Của Kẻ Tham Lam
Sách Amos không dày
như các sách Isaia, Giêrêmia, Ðanien và Êzêkien, nên tác giả được liệt vào sổ
các tiên tri nhỏ. Nhưng thực ra, uy tín của ông không bé. Nó đã làm rung động
cả miền Bắc nước Do Thái. Và ngày nay đọc sách của ông, người ta vẫn thấy tư
tưởng của ông còn rất mạnh mẽ và hợp thời. Là vì ông nói nhiều về nếp sống xã
hội.
Amos quê ở miền
Amos tuyên sấm đối
với hạng người tham lam của cải: "Hãy nghe điều này, hỡi quân chà đạp kẻ
khó nghèo và muốn tận diệt những người khiêm tỵ trong xứ". Nếu được dùng
các danh từ thời đại, chúng ta có thể đơn sơ viết rằng: Amos coi hạng buôn bán
là phường bóc lột. Và các nạn nhân chính là những thành phần khó nghèo, khiêm
hạ trong xã hội.
Amos đã dẫn chứng như
sau: bọn con buôn sốt ruột khi thấy tôn giáo có những ngày sóc, tức là ngày đầu
tháng; và các ngày Sabát. Ðó là những ngày hưu lễ, phải đóng cửa tiệm, không
được buôn bán. Dân làm ăn ghét những ngày như vậy. Họ bị thiệt vì không buôn
bán được gì. Họ sốt ruột chờ những ngày ấy qua đi để mở lại cửa tiệm. Rõ ràng
họ không còn tôn giáo gì nữa. Họ chỉ ao ước có một sự: tiền! Và đồng tiền chỉ
vào nhiều khi buôn bán gian lận.
Nào là họ bóp nhỏ đấu
đong lại, thêm nặng quả cân và làm sai các cán cân giả mạo. Ðó là những cách
gian lận trong nghề buôn bán nhỏ. Chưa chắc ngày nay đã hết! Và ngày nay có
cách gian lận khôn ngoan hơn, nhưng bóc lột hơn!
Với những xảo kế như
vậy, người thời xưa làm cho những người nghèo cứ nghèo hơn đến nỗi có ngày phải
bán thân làm nô lệ, như Amos viết: người ta tậu lấy người nghèo bằng giá bạc.
Và đau lòng hơn nữa người ta còn mặc cho việc mua bán bóc lột ấy một hình thức
pháp luật đàng hoàng. Người Do Thái có tục lệ dứt khoát các vấn đề đổi chác
bằng bên này cởi dép trao cho bên kia (xem chuyện bà Rút 4,2). Thế nên Amos
viết: "Người ta tậu lấy người khó với một đôi dép".
Nhưng đây là phán
quyết của nhà tiên tri ở trước những cảnh bóc lột gian lận và trắng trợn này,
cho dù chúng có được ngụy trang hợp thức hóa đi nữa. Nói đúng hơn, đây là phán
quyết của Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Người thề nhân danh Người rằng:
"Sẽ không bao giờ Ta quên các việc làm của chúng".
Lời tuyên án vang như
tiếng sấm trên núi Sinai. Nó còn nằm mãi trong Kinh Thánh và sách của Amos.
Người mọi thời sẽ còn nghe thấy mãi. Có kẻ sẽ bỉu môi không muốn để ý. Nhưng
nghe một lần rồi, lời ấy sẽ còn vang mãi trong lương tâm và chờ ngày thi hành.
Nhưng chúng ta cũng
đừng gán cho lời sấm của Amos những giá trị quá đáng. Ông không phải là nhà
kinh tế xã hội học. Ông chỉ nhìn thấy kiểu cách của các con người buôn gian bán
lận. Ông thấy họ trước tiên là những kẻ không còn tôn giáo gì nữa. Họ chỉ thờ
tiền; và vì thế họ bóc lột kẻ khó nghèo. Là tiên tri của Chúa, Amos ghét thứ
tôn giáo tiền bạc ấy. Quan điểm của ông là quan điểm tôn giáo. Ông không chấp
nhận cho một tôn giáo nào khác được phổ biến trong dân mà Chúa đã chọn làm kỷ
phần riêng của Người. Thế mà phường buôn bán lại khó chịu khi có hưu lễ vì lẽ
không được buôn bán. Chúng đã coi tiền bạc hơn Chúa. Chúng đã bỏ Chúa mà thờ
tiền. Tiền trở thành ngẫu tượng. Các tiên tri phải đập, đập tất cả các thứ ngẫu
tượng...
Ðó là quan điểm của
Amos, là bài học của đoạn sách hôm nay. Ðoạn sách này đưa chúng ta sang bài Tin
Mừng theo thánh Luca. Chúng ta sẽ thấy ở đây bài học chính không phải câu
chuyện người quản lý bất lương, nhưng là lời khuyên về thái độ đối với tiền bạc.
2. Chúa Ðòi Chúng Ta
Phải Lựa Chọn
Thật vậy, tác giả
Luca thường hay dùng một câu chuyện để đưa vào một bài học. Câu chuyện là tùy,
bài học là chính. Ở đây câu chuyện là sự khéo léo xoay xở của một người quản lý
bất lương. Vì là điều tùy, nên Luca không quan tâm kể chuyện đầy đủ mọi chi
tiết. Người quản lý này bất lương ở chỗ nào, chúng ta không được rõ. Chỉ biết
anh ta bị tiếng phá của nhà chủ. Ông này gọi anh ta đến để báo tin ông ta sẽ
cho anh nghỉ việc. Thật là một tin bất ngờ sét đánh. Bỏ nhà này anh sẽ đi đâu?
Sinh sống thế nào? Cuốc mướn thì không có sức, đi ăn mày thì xấu hổ. Vậy chỉ
còn một cách tìm được người để nhờ vả. Anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến.
Anh làm ơn cho họ để sau này họ sẽ giúp đỡ anh. Anh biến họ nên những kẻ đồng
lõa. Và thấy lợi trước mắt họ đã làm theo anh.
Cư xử như vậy, đối
với chủ là bất lương. Nhưng đó là khôn ngoan thế gian. Ðức Giêsu khen sự khôn
ngoan đó vì Người thấy con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng. Người đã
không khen các việc làm của người quản lý kia, vì anh ta là kẻ bất lương mà!
Nhưng Người phải nhận rằng anh ta khôn khéo và mau lẹ. Và Người đau lòng khi
nghĩ tới bình diện Nước Trời người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy. Này,
Người đã đem ơn cứu độ đến trong lời giảng và gương sáng của Người, nhưng sao
người ta hững hờ và chậm chạp đến như vậy! Gioan tẩy giả đã nói rằng: rìu đã
được mang đến đặt dưới chân cây, Thiên Chúa sắp phán xét thái độ của loài
người, thế mà người ta vẫn lững thững. Họ không lanh lẹ mau trí đối với Nước
Trời như người quản lý ở bất lương kia đã mau trí lanh lẹ đối với sự việc ở đời
này. Và đó là điều đau lòng và đáng trách!
Nhưng nếu muốn mau
trí và lanh lẹ đối với Nước Trời thì phải làm gì? Tác giả Luca tiến sang phần
thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay. Và đây là phần chủ yếu. Giáo lý chủ yếu nằm
trong phần này.
Luca không đưa ra một
câu trả lời đầy đủ và toàn diện. Các công việc phải làm để đón nhận Nước Trời
đâu có ít! Ðức Giêsu đã giảng biết mấy! Nhưng mỗi lần giảng, Người nêu lên một
điều hay một số điều, về một khía cạnh nào đó của mầu nhiệm Nước Trời. Hôm nay
đang kể câu chuyện về vấn đề làm ăn, Người muốn giáo huấn chúng ta về vấn đề
tiền của. Nói đúng hơn, vì muốn dạy dỗ chúng ta thái độ phải có đối với tiền
bạc, Người đã bắt đầu kể câu chuyện trên để làm tiền đề.
Câu chuyện này nói
đến một kẻ làm ăn bất lương thì bài học đi theo trước hết muốn khuyên ai nấy
hãy bắt chước óc sáng tạo và sự tích cực của kẻ ấy mà lo việc Nước Trời. Cũng
phải bắt chước kẻ ấy nữa trong việc tìm cách đảm bảo cho tương lai của mình. Y
tìm đảm bảo tương lai đời này, còn con cái sự sáng phải tìm đảm bảo tương lai ở
đời sau. Họ phải làm gì? Tiền của đời này có giúp ích được gì cho họ không?
Có chứ! Hãy dùng nó
mà tậu của cho mình ở trên trời mai ngày, nơi không có mối mọt đục khoét và
không trộm cướp nào có thể ăn cắp được. Ngược lại nếu chỉ dùng tiền của mà làm
ăn ở đời này, thì như có lần tác giả Luca đã viết, khốn cho kẻ ngốc như vậy, vì
khi chết y có thể mang theo gì không? Nhưng thế nào là dùng của để tậu cho được
kho tàng cho mình ở trên trời. Theo giáo huấn của Chúa, và như các tín hữu đầu
tiên sau này sẽ thi hành, của cải vật chất được ký thác cho ta không phải để ta
giữ làm của riêng và coi nó như thần tượng để tôn thờ nhưng để ta san sẻ với
anh em, làm cho không ai còn thiếu thốn. Tất cả vấn đề nằm trong quan điểm đó.
Người ta phải lựa chọn; hoặc coi tiền của là đối tượng mình phải tìm kiếm, chất
chứa cho thật nhiều thật lớn; hoặc coi nó như của ký thác để san sẻ mà giúp đỡ
nhau. Quan điểm trên xây tiền bạc thành thần tượng; còn theo quan điểm dưới nó
chỉ là phương tiện xây dựng hạnh phúc chung cho mọi người.
Ðó là giáo huấn Chúa
nói với tất cả chúng ta. Thánh Luca không muốn để mất một cơ hội nào để áp dụng
giáo huấn của Chúa vào Giáo Hội, vì Hội Thánh là một ưu tư của tác giả khi viết
tác phẩm của Người. Luca muốn nói riêng với những người làm việc trong Giáo
Hội. Nếu họ không biết dùng của cải đời này như trên, thì không nên giao cho họ
kho tàng Nước Trời là các phương tiện cứu rỗi mà Chúa đã ban cho Hội Thánh, kẻo
thay vì dùng ơn gọi để phục vụ mọi người, họ sẽ lợi dụng để vinh thân và phì
gia.
Do đó trong bài Tin
Mừng này luôn luôn thánh Luca muốn đi từ bình diện thế gian sang bình diện Nước
Trời; nói đến sự khôn khéo của con cái thế gian mà thúc giục con cái sự sáng
hãy lanh lẹ hơn với công việc của Nước Trời; và tựa vào cách người ta sử dụng
của cải đời này mà biết được thái độ của người ta đối với những sự thiêng
liêng. Tựu trung Luca cũng như Amos không chấp nhận được thái độ tham lam tiền
của, biến tiền của nên thần tượng. Ngược lại cả hai đều muốn mọi người dùng của
cải để chia sẻ với người khác. Thái độ trước coi tiền của là một thứ tôn giáo;
quan điểm sau nhờ tôn giáo thấy phải chia sẻ mọi sự với mọi người.
Nhưng tôn giáo không
phải chỉ có vấn đề tiền của. Ðó chỉ là vấn đề nhỏ trong tôn giáo. Còn nhiều vấn
đề khác mà tựu trung cũng chỉ là để chia sẻ. Bài thư Timôthê mở cho chúng ta
thấy một vài khía cạnh này.
3. Chúng Ta Phải Dâng
Lời Cầu Nguyện
Tác giả bức thư không
muốn thấy độc giả của mình "chết đắm về đức tin" (1,19) như nhiều
người thời bấy giờ. Họ đã hư đi vì "lộng ngôn", tức là có những lời
lẽ ăn nói không còn đúng với giáo lý tông truyền. Họ đã ngã theo những thứ lạc
giáo nào đó. Vậy, không muốn hư đi như họ, tác giả khuyên người ta hãy sống cầu
nguyện. Không phải cầu nguyện cho mình khỏi rơi vào lạc giáo; nhưng, là thay vì
coi tôn giáo là vấn đề tư tưởng để đem ra tranh luận và suy nghĩ, người ta hãy
thực hành đạo và sống đạo.
Và sống đạo trước hết
là cầu nguyện. Không những phải cầu xin cho mình được nhiều ơn cứu độ mà còn
phải cầu nguyện cho hết mọi người, và đặc biệt, phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Cầu xin, nguyện giúp và tạ ơn là ba hình thức của việc cầu nguyện.
Ở đây tác giả nhấn
mạnh hình thức thứ hai, tức là cầu nguyện cho mọi người. Có lẽ vì chung chung,
người ta vẫn nghĩ tôn giáo là vấn đề cá nhân. Người ta chỉ lo cho linh hồn
mình. Cũng có thể tác giả muốn phi bác một luận điệu lạc giáo, cho rằng chỉ có
cứu độ cho một số người, những người có tri thức giác ngộ. Không, tôn giáo
không phải là vấn đề tri thức, nhưng là sự sống. Và ơn cứu độ không dành cho
một số ít, nhưng cho tất cả mọi người muốn đón nhận.
Những người đang
tuyên truyền lạc giáo, gây xáo trộn trong tâm tư và nếp sống của mọi người. Vì
thế tác giả khuyên người ta hãy cầu nguyện cho nhà cầm quyền để trật tự an ninh
được bảo đảm, cho ai nấy được thư thái. Thiếu nếp sống bình an, người ta khó
nhận ra chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người và chỉ có một Ðức Giêsu Kitô
là trung gian duy nhất đã thí mạng sống mình để cứu chuộc mọi người. Thế nên
tác giả kết luận: tôi muốn người ta cầu nguyện ở mọi nơi, giang lên những bàn
tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Rõ ràng tác giả đã
trở đi trở lại ý tưởng đạo đức thì phải hòa hợp và hợp nhất. Phải hợp nhất
trong đức tin một Thiên Chúa và một Ðấng trung gian. Nhưng nhất là phải thi
hành sự hợp nhất đức tin ấy trong tâm tình hòa hợp, luôn biết cầu nguyện cho
mọi người và sống hòa thuận với mọi người.
Nếu đạo như vậy thì
không thể nào còn có thể dung túng nếp sống tham lam, chỉ biết làm giàu cho
mình và không sợ bóc lột người khác. Và tham lam như thế để làm gì, nếu chẳng
phải để chứng tỏ đã coi tiền của là thần tượng? Ðúng như lời Chúa dạy: không
thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.
Giờ đây chúng ta họp
nhau lại nơi đây để thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta sốt sắng trong nhà thờ này,
không lẽ rồi sau đó lại sống tham lam? Nếu chúng ta hiểu rõ giáo huấn của Lời Chúa
hôm nay, và nếu chúng ta tham dự thánh lễ một cách chân thật, nơi chúng ta hòa
hợp với nhau và cầu nguyện sốt sắng cho mọi người, thì nhất định trong đời sống
thực tế chúng ta phải có tinh thần chia sẻ, bù đắp cho nhau hơn nữa. Có như vậy
mới đẹp đạo và tốt đời.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)