Chúa
Nhật 27 Thường niên,C
Sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
17:5-10)
Có hai điều quan trọng
nhất các Tông đồ đã xin thẳng Chúa Giê-su:
xin Thầy dạy họ cầu nguyện và xin Thầy thêm lòng tin cho họ. Không thể là một tín hữu nếu không có lòng
tin, dù mạnh hay yếu. Nhận thức lòng tin
giữ vai trò trọng yếu trong đời sống Ki-tô hữu nên các Tông đồ xin Chúa: “Thưa
Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”.
Lời khẩn cầu này là đề tài suy niệm của chúng ta. Có lẽ các Tông đồ muốn xin Chúa cho họ một đức
tin thật lớn, để họ cũng có thể thực hiện được những việc lạ lùng như Chúa đã
làm. Nhưng dường như Chúa chỉ đòi hỏi họ
có một đức tin “bằng hạt cải” thì cũng đủ lắm rồi! Vậy làm sao “đo lường” mức độ của lòng tin?
Trước hết, chúng ta
hãy hiểu thế nào là tin. Tin một người
có nghĩa là tôi nhìn nhận thế giá, kiến thức, quyền lực, tình yêu… của người ấy. Học sinh tin vào giáo sư vì kiến thức rộng
rãi của ông. Cô gái tin vào chàng trai
vì nghĩ chàng thực sự thương yêu mình.
Cũng vậy, chúng ta tin vào Chúa vì Chúa toàn năng, yêu thương, che chở, dạy dỗ chân lý cho chúng ta.
Nói khác đi, tin Chúa là đáp lại Người vì tất cả những gì Người đã tỏ ra
cho chúng ta biết về Người. Hiểu đơn giản
như vậy, chúng ta càng thấy sự liên hệ giữa lòng tin và lòng khiêm nhường. Học sinh càng khiêm tốn thì càng dễ nhìn nhận
sự thông thái của thầy và sẵn sàng lãnh hội những điều thầy giảng dạy. Tương tự, chúng ta càng khiêm nhượng thì càng
dễ nhận biết Chúa quyền năng và yêu thương chúng ta. Cụ thể, chúng ta hiểu được tại sao trong bài
Tin Mừng hôm nay, sau khi nói đến sức mạnh của “lòng tin lớn bằng hạt cải”,
Chúa Giê-su lại viện dẫn thí dụ người đầy tớ tuy đã tận tâm làm việc mà vẫn nhận
mình “là những đầy tớ vô dụng”. Chính là
để nói lên liên hệ giữa lòng tin với sự khiêm nhượng. Càng khiêm nhượng thì đức tin càng lớn
lao. Như thế, khiêm nhượng chính là thước
đo lòng tin của chúng ta vậy.
Hiểu thế nào là lòng
tin thì dễ, nhưng sống đức tin thì không dễ chút nào. Thái độ khiêm nhượng của người đầy tớ nhận
chân được chổ đứng của mình trước mặt ông chủ là mẫu mực cho chúng ta sống đức
tin. Thường chúng ta hay biến Chúa thành
“con nợ” của chúng ta. Mới sống tạm đàng
hoàng một chút, chúng ta đã đòi hỏi Chúa phải thưởng công này nọ, chứ mấy khi
nghĩ rằng sống như thế mới chỉ là “làm việc bổn phận” của chúng ta thôi. Hoặc khi gặp cơn gian nan khốn khó, chúng ta
đã vội trách Chúa tại sao chúng ta làm điều lành mà Chúa lại để cho sự dữ xảy đến
với chúng ta. Nếu chúng ta có lòng tin bằng
hạt cải thôi, thì “cây dâu” điều dữ có mọc ngay trong cuộc đời chúng ta cũng phải
“bật rễ lên, xuống biển kia mà mọc”! Điều
quan trọng là thực sự có lòng khiêm nhượng đón nhận tất cả những điều Chúa dạy
trong Kinh Thánh và sống Lời Chúa, khi ấy hạt cải sẽ mọc lên thành cây, đến nỗi
chim trời có thể tới trú ngụ và làm tổ được (Mát-thêu 13:31-32).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sức mạnh của lòng
tin không phải là một ảo tưởng, nhưng là một thực tại. Nó có thể thay đổi một đời người hay một số
phận, như chúng ta từng chứng kiến những cuộc đời chung quanh chúng ta. Có gì mạnh mẽ bằng đức tin của cha ông chúng
ta đã sẵn sàng chịu cực hình và chịu chết để làm chứng nhân cho Chúa
Ki-tô? Có gì bền bỉ hơn lòng tin của bà
mẹ Mô-ni-ca kiên nhẫn chờ đợi hai mươi lăm năm ngày Augustinô trở lại với
Chúa? Lòng tin nào lớn bằng lòng tin của
Mẹ Tê-rê-xa thân hình bé nhỏ nhưng trái tim chứa được cả Thiên Chúa và người
nghèo? “Nếu anh em có lòng tin” không chỉ là mơ ước của Chúa Giê-su, nhưng
cũng là lời cầu nguyện và cố gắng không ngừng của chúng ta: “Xin
thêm lòng tin cho chúng con”.
Lm. Dominic TTL
30-9-2010