Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C

Phải kiên tâm cầu nguyện tức là luôn tín nghĩa với Thiên Chúa

(Xuất hành 17,8-13; 2 Timôthê 3,14-4,2; Tin Mừng Luca 18,1-8)

 

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

 

Suy Niệm:

Câu chuyện Môsê cầu nguyện trên núi, dụ ngôn bà góa van xin vị thẩm phán, hối thúc chúng ta dựa vào Lời Chúa hôm nay để tìm hiểu về việc cầu nguyện. Tại sao phải cầu nguyện? Phải cầu nguyện thế nào? Cầu nguyện đã đủ chưa hay còn phải hành động nữa? Ý tưởng của ba bài Kinh Thánh đọc hôm nay dường như muốn trả lời những câu hỏi ấy. Chúng ta lần lượt tìm hiểu.

 

1. Tại Sao Phải Cầu Nguyện

Thật ra, đọc xong bài sách Xuất hành chúng ta phấn khởi và nhận ra giá trị của lời cầu nguyện. Và thường khi nhớ đến câu chuyện Môsê cầu nguyện trên núi trong khi Giôsua đánh giặc, người ta vẫn để ý khía cạnh hiệu năng lạ lùng của việc cầu nguyện. Không có Môsê cầu nguyện, con cái Israel đã không chiến thắng. Và khi cánh tay Môsê rũ xuống là lúc thất bại ngả về phía Israel. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu câu chuyện của bài sách Xuất hành như vậy, chúng ta không biết đánh giá đúng mức một sự kiện rất ý nghĩa trong lịch sử Dân Chúa, và do đó trong đời sống đạo của chính chúng ta. Sự kiện này đã được ghi lại trong Kinh Thánh, không phải chỉ vì là một biến cố lịch sử, nhưng có thể nói, nhiều hơn là ý nghĩa sâu xa của nó.

Trước hết, chúng ta hãy ghi lại sự kiện. Con cái Israel bấy giờ đang trên đường từ Biển Ðỏ tiến đến ngọn núi Sinai. Họ đã ra khỏi Ai Cập nhờ cánh tay uy dũng của Thiên Chúa. Nhưng hào khí lúc đầu đã dần dần suy giảm vì cảnh hoang vu của sa mạc, khí nóng của cát bỏng, thiếu thốn về của ăn và thức uống. Dân cứng cổ đã bắt đầu càm ràm, than trách Môsê: "Sao ông không để chúng tôi lại bên Ai Cập? Ở đó có thịt nướng hành thơm. Còn ở chỗ hoang vu nóng bỏng này, chúng tôi sẽ chết đói, chết khát mất". Những lời kêu chua chát ấy, giọng ca vô ơn bội nghĩa ấy, không phải chỉ làm rầu lòng Môsê. Ngay chính Thiên Chúa cũng không cầm nổi giận dữ. Tuy nhiên lòng thương xót vẫn trổi vượt. Thiên Chúa tiếp tục ban ơn cho đoàn người kém hiểu biết ấy. Người ban Manna và chim cút. Người cho nước chảy ở Massa và Meriba. Dân ăn no và uống đã. Nhưng đó vẫn là Dân hay thay lòng đổi dạ, dễ quên ân nghĩa và luôn sẵn sàng bội phản. Những lời kêu ca phàn nàn và trách móc trước đây bộc lộ một tâm trạng nghi ngờ, thiếu tín nhiệm. Chẳng vậy mà họ đã nói với nhau rằng: "Có Giavê ở giữa chúng ta hay không".

Tiếp theo đó họ đã gặp Amalek. Chúng ta coi đó là sự tình cờ, như khi người đi trong hoang địa có thể gặp vật nọ người kia. Chúng ta có thể coi đó cũng là sự tự nhiên, vì có gì lạ khi gặp cướp trong rừng sâu? Tuy nhiên đối với tác giả Thánh Kinh, chẳng có gì tình cờ và tự nhiên cả. Con cái Israel vừa thử thách Chúa, vừa nghi ngờ không biết Người có ở giữa họ hay không, thì Chúa để cho họ thấy Người để họ rơi vào hoàn cảnh mà chính họ phải mở mắt ra mà thấy Người có ở giữa họ hay không. Người để họ rơi vào tay Amalek.

Amalek không phải là ai khác dòng dõi Cain (Kng 36,3; 26,34; 28,9), kẻ đã nhẫn tâm sát hại em mình. Nó đã ra khỏi nhan Giavê và đi về phía đông Êđen. Nó đã ăn ở với vợ và sinh ra con cái. Chúng nó theo gương cha mình, luôn nuôi dưỡng một lòng thù địch đối với dòng dõi Abel, tức là dòng dõi được Chúa ưu tuyển. Ở đây chúng ta không thấy sách Xuất hành nói rõ Amalek tấn công con cái Israel thế nào. Nhưng sách Thứ luật (25,17-19) cho biết Amalek đã hèn hạ chặn đường đánh những kẻ lê lết đi sau cùng trong cộng đoàn con cái Israel khi những người này đã kiệt quệ đuối sức.

Thế nên Môsê phải nói với Giôsua: "Hãy lựa lấy người mà ra nghênh chiến với Amalek ngày mai"; nhưng ông nghĩ số ít những người còn khỏe cũng sẽ chẳng làm gì được quân địch. Phải nhờ đến Thiên Chúa, cậy vào sức mạnh của Người, phải tin rằng Thiên Chúa đang ở giữa Dân và gìn giữ Dân, mới có hy vọng thoát được gian nguy. Thế nên khi sai Giôsua ra trận địa, chính Môsê đã lên núi với Aharôn và Hur. Tay ông cầm cây gậy thủ lãnh mà ông vẫn mang theo từ ngày được lệnh Chúa đi giải phóng con cái Israel. Ðó là cây gậy đầy quyền lực của Thiên Chúa. Nó đã đập xuống, giáng xuống bao nhiêu tai ương trên đầu, trên cổ người Ai Cập để họ phải buông thả người Israel. Nó đã đập xuống Biển Ðỏ và mở đường cứu thoát cho Dân vừa ra khỏi đất nô lệ. Nó đã đánh vào tảng đá ở Khoreb để nước uống chảy ra trong sa mạc.

Cây gậy ấy là biểu tượng cho sức mạnh cứu thoát của Giavê và nói lên sự hiện diện của Người. Môsê cầm cây gậy ấy lên núi. Ông cắm nó nơi cao như cờ lệnh, như doanh trại, làm chứng sức mạnh của con cái Israel không ở nơi trận địa, nhưng ở chỗ này, nơi có cây gậy chỉ huy đứng làm cờ trận. Ðược thua không phải ở dưới thung lũng kia, nơi Giôsua giáp chiến với Amalek, nhưng ở tại trên núi này chỗ Môsê đang cầu nguyện. Hễ hai cánh tay ông rũ xuống là Giôsua kém thế; còn khi hai người đứng bên đỡ hai tay ông thì Giôsua tha hồ sát phạt.

Ðiều này không làm chứng Thiên Chúa đang ở giữa Dân, và bênh vực Dân đó sao? Ðó là chứng cớ hùng hồn, hiển nhiên. Do đó về sau Môsê đã cho xây một tế đàn ở chỗ núi và gọi tên nơi ấy là Giavê -Nissi, có nghĩa là Giavê là cờ trận của tôi; tức là chính Giavê đã chiến đấu cho tôi để chống lại Amalek; không có Người, tôi không thể nào thắng được tên cừu địch kia.

Và điều này không chỉ là chân lý của ngày hôm nay, ngày Giôsua xuất trận đánh Amalek ở Rơphiđim. Amalek là dòng dõi Cain, luôn mang hận thù chống lại dòng dõi Abel. Con cái Israel còn gặp lại Amalek nhiều lần. Và phải nói mỗi lần gặp lại các địch thủ muốn sát hại dòng dõi được ưu tuyển, Israel lại như gặp lại Amalek. Câu chuyện đụng độ với Amalek vì thế trở thành biểu tượng cho mọi thử thách mà những người được Thiên Chúa tuyển chọn gặp phải trong cuộc sống.

Ðó là câu chuyện trong cuộc đời của chúng ta khi gặp cám dỗ lăm le tiêu diệt Ơn Chúa nơi tâm hồn và đời sống của chúng ta. Sức chống cự của chúng ta giỏi lắm cũng như của Giôsua thôi. Chúng ta chẳng làm gì nên thân nếu chúng ta không dựng cờ trận của Thiên Chúa lên, tức là ý thức Người đang hiện diện, đứng về phe ta, chiến đấu cho ta, miễn là đôi cánh tay của ta phải không ngừng giơ cao để cầu nguyện.

Và điều này chỉ làm được khi chúng ta tin ở Chúa, tin Người hằng ở với chúng ta và bênh vực chúng ta. Chúng ta phải như Môsê mà Thánh Kinh gọi là người trung thành, chứ đừng cư xử như đại đa số con cái thất tín đến nỗi đã hỏi nhau rằng: Có Thiên Chúa ở với chúng ta hay không? Những kẻ thất tín sẽ rơi vào tay địch. Và ở trong tay họ có tin tưởng cầu nguyện mới được cứu thoát.

Bài học của sách Xuất hành rõ ràng cụ thể và sâu xa. Nó cho thấy đời sống tế nhị và hiểm nguy của những người con Chúa. Nó cho biết trên đường đi về Hứa Ðịa, chốn chảy sữa và mật, nơi thiên đàng hạnh phúc, chúng ta cần phải cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng.

Và như vậy, chúng ta đã bắt gặp câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay.

 

2. Phải Cầu Nguyện Thế Nào?

Tác giả Luca luôn trung thành với mình, với thầy mình là Phaolô và nhất là với Chúa Giêsu. Ông luôn nói và nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Ông dùng ngay cả các công thức của thầy mình là Phaolô mà nói: Phải cầu nguyện luôn đừng nhàm chán, (Rm 1,10; 12,12; Ep 6,18; Co 13,1...). Ðặc biệt ông trung thành truyền đạt lại cho chúng ta những gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện. Có thể nói muốn thấy Chúa Giêsu cầu nguyện và hiểu ý Người về việc này, chúng ta chỉ cần mở sách Tin Mừng Luca.

Trong đoạn văn hôm nay, thoạt nhìn chúng ta chưa thấy những tư tưởng đặc sắc. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ phải kiên tâm cầu nguyện. Người kể một câu chuyện tầm thường, có thể gặp ở bất cứ nơi đâu. Nơi đô thị bé nhỏ nào lại không có một viên chức xét xử các việc kiện tụng? Và càng ở nơi hẻo lánh, các vị thẩm phán ấy lại càng lấy ý riêng của mình làm pháp luật áp đặt trên quần chúng: họ muốn làm việc lúc nào, cách nào thì nhân dân thấp cổ bé họng cũng phải chịu. Vậy ở một đô thị kia có viên thẩm phán ngạo ngược chẳng sợ trời cũng chẳng nể ai. Ông làm việc trì trệ. Một quả phụ đã từ lâu xin ông xử giúp cho một việc, nhưng ông vẫn chẳng quan tâm, và cũng chẳng hối hả gì. Có lẽ sự việc mà bà kia thưa chẳng quan trọng bao nhiêu. Nhưng nhất là vì bà ta là người góa bụa, chẳng đáng kể gì ở trong xã hội. Nên từ ngày này qua ngày khác ông thẩm phán đó vẫn bỏ ngoài tai lời kêu xin của bà kia. Tuy nhiên bà này kiên trì, có lẽ chẳng phải vì bà có đức tính ấy nhưng rất có thể; đối với bà, câu chuyện đem thưa đây rất quan trọng, có thể là một sống một chết đối với bà. Vậy bà cứ dai dẳng nài xin. Cuối cùng ông thẩm phán tự nghĩ: Phải xử cho bà ta đi cho rồi kẻo nó cứ quấy rầy mình mãi...

Câu chuyện chỉ có vậy thôi. Trọng tâm của nó không nằm ở một nội dung độc đáo vì tác giả không nói bà kia kiện tụng về việc gì. Luca chỉ muốn người ta chú ý đến thái độ dai dẳng của người cầu xin và sự nhượng bộ rốt cuộc của người phải nghe tiếng van nài. Lấy những thái độ ấy để nói về quan hệ giữa loài người cầu nguyện và Thiên Chúa nghe lời, không tầm thường quá sao?

Tác giả Luca khẳng định nơi việc cầu nguyện của chúng ta không như vậy đâu. Chúng ta không phải như một góa phụ, ít giá trị trước mặt xã hội. Chúng ta là những người được Thiên Chúa ưu tuyển. Và Người không giống vị thẩm phán vô tâm; Người rất nhân hậu đối với con cái loài người. Ở đây Chúa Giêsu dường như muốn nói đến một "trường hợp cực chẳng đã", một hoàn cảnh tệ hơn cả, để chứng tỏ rằng những trường hợp và hoàn cảnh bình thường hơn tất nhiên sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Nếu quan hệ giữa người góa phụ và vị thẩm phán cuối cùng còn như vậy, huống nữa là quan hệ giữa người ta và Thiên Chúa chắc chắn sẽ mỹ mãn vạn phần. Miễn là người ta phải kiên tâm cầu nguyện, tức là luôn tín nghĩa với Thiên Chúa. Chính điều kiện tín thành này là khó. Thế nên Chúa Giêsu đã kết thúc bài giáo huấn hôm nay bằng một câu hỏi có vẻ não nuột nhưng rất chân thành: "Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?". Tức là các con người ưu tuyển có luôn giữ mãi lòng tín nhiệm với Thiên Chúa không? Thái độ nhàm chán của họ khi cầu nguyện không phải là dấu chỉ lòng trung tín của họ đã suy giảm rồi sao? Thế nên chúng ta phải tập kiên tâm cầu nguyện để duy dưỡng lòng tin, hầu mãi mãi nhận được lòng thương xót của Chúa. Nhưng...

3. Cầu Nguyện Mà Thôi Ðã Ðủ Chưa?

Bài thư Phaolô hôm nay không trực tiếp nói đến vấn đề này. Ðấy chỉ là một đoạn trong thư II gửi cho Timôthê. Chúng ta đã được biết ông này bấy giờ đã rã rời chán nản vì thấy Phaolô thầy mình bị xiềng xích và giải sang Rôma. Thầy mà như vậy, thì trò sẽ thế nào? Công việc của thầy rốt cuộc đã đi đến xiềng xích, thì tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng như thầy đã dạy bảo sẽ đi đến đâu? Phaolô gửi thư ngay cho Timôthê. Và trong đoạn thư hôm nay chúng ta nghe Phaolô nói: Con hãy bền vững trong các điều con đã học... và hãy cứ rao giảng Lời Chúa!

Thử thách mà Timôthê gặp phải cũng giống việc con cái Israel gặp Amalek, và cũng như những lúc chúng ta thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện. Tất cả đều là cám dỗ và trở ngại khiến chúng ta giảm bớt lòng tin vào Chúa và đời sống đạo đức của chúng ta không còn tín nghĩa nữa. Phaolô hôm nay giúp Timôthê một phương pháp: hãy cầm lấy Thánh Kinh như Môsê cầm cây gậy leo lên núi.

Ðối với Môsê, cây gậy là biểu tượng, cờ trận của Chúa. Cắm nó lên đối diện với Amalek là dựng doanh trại của Thiên Chúa thiên binh. Người sẽ bảo vệ, giao chiến cho Dân Người. Nhưng Môsê mới đã xuất hiện thay thế cho Môsê cũ. Người là Thiên Chúa. Ðức Giêsu Kitô là Ðấng có lời ban sự sống và cứu độ. Timôthê hãy đọc lời Chúa, như Môsê đã đặt cây gậy tin tưởng vào quyền phép mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Và chúng ta khi muốn nâng đỡ việc cầu nguyện của mình chống lại sự nhàm chán, cũng hãy cầm lấy sách Thánh "Ðã được Thần Hứng, và có ích để dạy dỗ, để biện bác, để tu chỉnh, để giáo huấn trong sự công chính". Ðọc sách Thánh, chúng ta sẽ biết sửa mình, nuôi dưỡng và phát triển lòng tín nghĩa với Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta sẽ biết cầu nguyện đẹp lòng Chúa hơn và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được chấp nhận. Thường thì chúng ta chỉ lắm lời xin ơn, và không muốn nghe Lời Chúa dạy dỗ, khiến cầu nguyện của chúng ta trở thành độc thoại, khó đẹp lòng Chúa và chúng ta dễ thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện.

Những bài Kinh Thánh hôm nay chỉ dẫn cho chúng ta những thái độ để làm cho lời cầu xin của chúng ta dễ được kết quả hơn.

Và chính các mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ bây giờ cũng nói với chúng ta như vậy. Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm thập giá là con người cầu xin được lắng nghe bởi vì Người có lòng tín nghĩa, thi hành và mạc khải thánh ý của Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy theo gương Người, thi hành và rao giảng Lời Chúa cho trung tín để được Chúa chấp nhận mỗi khi cầu nguyện.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C