Chúa Nhật 29 Thường niên, C

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 18:1-8)

 

          “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, đó là bài học của dụ ngôn đã được xác nhận ngay trước khi kể chuyện.  Có lẽ thánh Lu-ca phải xác nhận trước như thế để chúng ta khỏi lầm tưởng Thiên Chúa giống như ông quan tòa bất chính trong câu truyện.  Chúa Giê-su chỉ muốn chúng ta chú ý đến thái độ không nản chí của bà góa và áp dụng thái độ ấy vào việc cầu nguyện của chúng ta.

          Trước hết thân phận một bà góa dễ bị người ta coi thường, nhất là trong xã hội Do-thái hay làng xã Việt Nam.  Bà góa nghèo cho nên đâu có tiền để hối lộ, vì thế tuy bà đã nhiều lần trong một thời gian khá lâu đến xin quan tòa minh xét mà ông ta không chịu.  Theo tâm lý bình thường, chúng ta không thể kiên trì được như thế và chắc chắn sẽ bỏ cuộc.  Vậy mà bà góa này vẫn kiên nhẫn, vẫn tiếp tục đến với ông quan tòa để “quấy nhiễu” ông.  Kiên trì quấy nhiễu là lợi khí duy nhất bà góa có thể sử dụng để đánh bại sự vô tâm và bất chính của ông quan tòa!  Bà nhất quyết làm cho ông ta phải “nhức đầu nhức óc”.  Cuối cùng, một bà góa lì lợm đã chiến thắng một ông quan tòa có quyền thế.  Ông đành phải xử cho bà chỉ vì không muốn nhức đầu nhức óc và bị quấy rầy.

          Dĩ nhiên áp dụng dụ ngôn này vào đời sống, không phải cho Thiên Chúa mà chỉ cho chúng ta thôi.  Tại sao thế?  Bởi vì Chúa hoàn toàn khác với ông quan tòa bất chính kia.  Chúa thích chúng ta đến “quấy nhiễu” Người, giống như những đứa con tín thác vào sự chăm sóc của cha mẹ.  Chúa thích “nhức đầu nhức óc” vì lo lắng cho chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn và cần giúp đỡ.  Chúa Giê-su đã quả quyết về những đặc điểm này của Thiên Chúa:  “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao?”  Thiên Chúa không “ngâm tôm” lời cầu xin của con cái đâu, nhưng Người sẽ mau chóng giải quyết.  Tuy nhiên vấn đề vẫn là của chúng ta, đó là vấn đề nản chíkhông cầu nguyện luôn.  Chúng ta thường chỉ “cầu nguyện” cũng có nghĩa là cầu xin, khi nào cần điều gì đó.  Rồi khi đến xin Chúa, chúng ta lại muốn Người phải nhậm lời chúng ta ngay lập tức.  Liệu chúng ta đang cầu nguyện như con cái nài xin cha mẹ hay “ra lệnh” cho cha mẹ đây?  Nhiều lầnthời gian khá lâu là điều thường xảy ra khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì đó.  Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta làm gì, nói gì và có những tâm tình nào trong thời gian khá lâu ấy?  Hay chúng ta chỉ thấy nản chí?  Nếu như vậy thì nản chí đúng là dấu hiệu nói lên rằng lòng yêu mến Chúa của chúng ta đang xuống dốc không phanh rồi đó!  Tóm lại, chúng ta cần “quấy nhiễu” Chúa trong tình yêu và lấy tình yêu mến Chúa của chúng ta làm cho Chúa phải “nhức đầu nhức óc”.  Chắc chắn Chúa sẽ “thua” chúng ta liền hà!

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Nói về việc cầu nguyện chẳng bao giờ hết chuyện!  Vậy mà chúng ta vẫn gặp những “trục trặc” khi thực hành.  Hôm nay qua câu truyện dụ ngôn, Chúa Giê-su chỉ nhấn mạnh đến một điều, là đừng nản chí khi cầu xin Chúa.  Dĩ nhiên có nhiều lý do khiến chúng ta nản chí, nhưng chắc chắn không có lý do nào từ phía Thiên Chúa cả, mà tất cả là do chúng ta.  Có lẽ chúng ta ôn lại một kinh nghiệm cầu nguyện nào đó trong quá khứ để rút ra bài học “đừng nản chí khi cầu nguyện”.  Những bài học thực tế như vậy sẽ giúp chúng ta nhận ra Chúa rõ ràng hơn, nhất là việc chúng ta nhiều lần đến với Người và Người im lặng thời gian khá lâu chính là những cơ hội để chúng ta sống mối tương quan yêu mến với Người thắm thiết hơn.     

 

Lm. Dominic TTL

ngày 14-10-2010


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C