Chúa Nhật 30 Thường niên

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 18:9-14)

 

          Thánh Lu-ca nói với chúng ta là Chúa Giê-su kể dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng hầu như chúng ta đều nghĩ rằng đây không phải là dụ ngôn mà là câu truyện có thực.  Hai mẫu người cầu nguyện đã cho chúng ta một bài học thực tế về tâm tình cần phải có khi chúng ta cầu nguyện, đó là cầu nguyện với lòng khiêm nhường.  Nếu “đừng nản chí” là điều phải có khi cầu nguyện (Lu-ca 18:1) thì “hạ mình xuống” cũng là điều không thể thiếu vắng.

          Cầu nguyện với thái độ “tôn mình lên” được diễn tả qua cung cách người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong Đền Thờ.  Đối với ông, cầu nguyện là phương tiện để ông phô trương công đức của mình, hoặc một cách để ông ngầm nói với Chúa rằng:  “Thưa Chúa, Ngài thấy rõ tôi đã làm những việc lành và sống tốt như thế đấy.  Vậy Chúa phải cho tôi được nên công chính, vì tôi xứng đáng!”  Khi ấy, việc được nên công chính đã trở thành một thứ quyền lợi người Pha-ri-sêu đòi hỏi, chứ không phải là một ân huệ nhưng không do Chúa ban!

          Trái lại, cầu nguyện với thái độ “hạ mình xuống” của người thu thuế đơn thuần biểu lộ thực tại rõ ràng, đó là thân phận con người trước mặt Thiên Chúa.  Lời cầu nguyện của người thu thuế ngắn gọn đơn sơ, nhưng lại chứa đựng rất nhiều.  Nó nói lên được mọi chiều kích của mối tương quan giữa Chúa và chúng ta.  Một đàng nó tuyên dương tình yêu của Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Ê-phê-xô 2:4; Thánh Vịnh 103:17) sẽ nâng cao kẻ khiêm nhường (Gióp 12:19).  Đàng khác nó nói lên thân phận tội lỗi, bất xứng của chúng ta trước nhan Chúa và sự tin tưởng phó thác của chúng ta vào lòng thương xót của Người.  Mối tương quan giữa người Cha nhân từ với đứa con nhân loại dễ thương và đáng thương chẳng phải là hình ảnh và lý tưởng Chúa Giê-su muốn rao giảng và cổ võ trong suốt cuộc đời dương thế của Người đó sao?  Sống theo mối tương quan ấy tức là chúng ta cầu nguyện rồi!

          Mục đích của cầu nguyện không hẳn chỉ là xin ơn, mà nhất là để “được nên công chính”.  Được nên công chính có nghĩa là bắt đầu đi từ trạng thái tội lỗi và thù nghịch với Thiên Chúa để tiến mãi mỗi ngày một hơn trong hành trình làm con cái Chúa.  Tuy Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để biến đổi thân phận chúng ta thành con cái Chúa, nhưng chúng ta vẫn phải “cầu nguyện”, tức là phải tiếp tục sống mối tương quan làm con cái với Chúa thì chúng ta mới được cứu độ.  Muốn cầu nguyện hữu hiệu, chúng ta không thể không “hạ mình xuống” trước mặt Chúa để xin Người thương xót.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Hôm nay Chúa Giê-su giúp chúng ta khám phá một khía cạnh tuyệt vời khác của việc cầu nguyện:  cầu nguyện với lòng khiêm nhường, hay nói khác đi, cầu nguyện như chúng ta là ai và Chúa là Đấng nào.  Nếu chỉ cầu nguyện để xin ơn, chúng ta sẽ dễ dàng thất vọng chán nản vì nhiều khi không được như ý mình muốn.  Nhưng nếu cầu nguyện để phát triển lòng yêu mến Chúa và tín thác nơi quyền năng quan phòng của Đấng chúng ta gọi là Cha trên trời, chúng ta sẽ chẳng bao giờ chán cầu nguyện cả.

          Cầu nguyện không những đem chúng ta đến gần Chúa hơn mà còn gần với anh chị em nữa.  “Chúa Giê-su kể dụ ngôn này cho một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”.  Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình có ở trong số những người tự hào ấy không?  Có khi nào chúng ta ý thức cầu nguyện giúp chúng ta nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa, đồng thời cũng mang cùng một thân phận tội lỗi với anh chị em không?      

 

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C