Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C
Nhờ lòng thương của Ðức Giêsu
(Sách Khôn Ngoan 11,23-12,2; 2 Thessalonica 1,11-2,2; Tin Mừng
Luca 19,1-10)
Phúc Âm: Lc 19, 1-10
"Con Người đến
tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
Khi ấy, Chúa Giêsu
vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ
lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa
Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người
ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung
để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.
Khi vừa đến nơi, Chúa
Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu,
hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng
trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng:
"Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".
Ông Giakêu đứng lên
thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ
khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".
Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này
cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã
hư mất".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXI Thường
Niên C
Sách Khôn Ngoan
11,23-12,2; 2 Thessalonica 1,11-2,2; Tin Mừng Luca 19,1-10
Sắp hết năm Phụng vụ,
chúng ta đọc thư Thessalonica để bắt đầu suy nghĩ về thế mạt. Ðừng tưởng làm
như vậy sẽ cản trở sinh hoạt hiện nay. Ngược lại suy nghĩ về thế mạt theo Kitô
giáo có thể giúp chúng ta đổi mới được các sinh hoạt hiện tại, làm cho đời sống
thêm tích cực và phấn khởi hơn. Bởi vì thế mạt theo Kitô giáo không phải là làm
cho thế giới này tan biến đi và đi đến chỗ mạt vận; nhưng là thế giới này sẽ
chuyển biến và thay đổi hoàn toàn để giũ bỏ hết mọi hư ảo và mặc lấy các đặc
tính trường sinh.
Thế mạt như vậy cũng
có nghĩa là đổi đời. Và quan niệm này luôn luôn là một cám dỗ. Con người không
bằng lòng với hiện tại và muốn đổi khác. Tựu trung chúng ta muốn đổi những gì
để được hạnh phúc hơn? Ðiều quan trọng nhất, há chẳng phải là chúng ta không
muốn thấy sự dữ và kẻ dữ ở đời này nữa sao? Nhưng làm thế nào? Chúng ta hãy
nghe câu trả lời của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.
1. Thiên Chúa Yêu
Thương Mọi Loài
Bài sách Khôn Ngoan
lập tức như muốn đi ngược lại khuynh hướng và suy nghĩ tự nhiên của loài người
chúng ta. Luôn luôn chúng ta nghĩ rằng thế giới này xấu vì có những kẻ dữ. Làm
cho bọn này biến đi, chúng ta được hạnh phúc. Âm thầm chúng ta đã tự đặt mình
sang phía những kẻ lành, và ước ao phía kẻ dữ không còn bóng dáng một tên nào
nữa... và chúng ta thường ấm ức vì không hiểu sao Thiên Chúa cứ để bọn này sống
ngang nhiên như vậy?
Tác giả Khôn Ngoan
đọc thấy cái tâm lý này trong suy nghĩ của con cái Israel ở bên Ai Cập. Họ ghét
cay ghét đắng những người cai thầu và đốc công, tay sai của Pharaon. Họ sung
sướng khi thấy một chàng thanh niên có tên là Môsê thẳng tay hạ sát một tên Ai
Cập để bênh vực một người Do Thái. Câu chuyện đó đã xảy ra lâu rồi... nhưng đột
nhiên bây giờ Môsê lại xuất hiện. Ông nói với con cái
Con cái
Tuy nhiên đó chỉ là
một lý. Còn một lẽ nữa, có thể quan trọng hơn. Thiên Chúa là tạo hóa, Người
dựng lên mọi sự vì yêu mến. Chính tình thương của Người ban cho mọi loài được
hiện hữu và bảo tồn mọi loài trong hiện hữu... Không gì xuất hiện và tồn tại
được nếu Người không muốn và không thương. Thế nên kẻ dữ còn đó là vì tình
thương của Thiên Chúa. Người không muốn ghét bỏ những gì Người đã nắn ra. Người
yêu sự sống chứ không thích sự chết. Làm cho mọi vật sống là bản tính tự nhiên
của Người. Còn tiêu diệt vật nào là việc Người chẳng thích. Bởi vậy, thái độ
của Người có vẻ thong thả. Dần dà Người muốn sửa dạy mọi kẻ sa ngã để chúng trở
lại mà được sống.
Tác giả sách Khôn
Ngoan không những đã lý luận như thế. Ông còn chấp nhận luận lý ấy đến nỗi muốn
chia sẻ tâm tư của Thiên Chúa. Ông đã không lý luận như chúng ta vừa làm; nhưng
đã cầu nguyện để hiểu ý Chúa và muốn như Người... Tức là ông cũng muốn chúng
ta, thay vì nhìn vào kẻ dữ như những cái gai trước mắt và như nguyên nhân cản
trở hạnh phúc của chúng ta, hãy nhìn vào Thiên Chúa và thờ lạy cầu xin Người.
Chúng ta sẽ hiểu Người hơn và chia sẻ tâm tư của Người. Người toàn năng nên
không coi thái độ của kẻ dữ là quan trọng. Ưu vị của Người làm ngơ đi trước tội
của họ, chờ đợi họ trở lại. Nhất là Người đầy tình thương. Người đã dựng nên
vạn vật vì yêu mến. Người không nỡ ghét bỏ loài người đã tác thành. Hơn nữa,
thần trí của Người đang làm việc nơi vạn vật. Hãy để cho sức mạnh thánh hóa của
thần trí sửa dạy kẻ sa ngã và đưa họ về đường ngay...
Tác giả sách Khôn
Ngoan không thể nói rõ hơn vì ông chưa được thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
tỏ hiện. Nhưng tâm tư của ông đã vượt xa cảm nghĩ của nhiều người đã nhìn thấy
ơn cứu độ. Ðiều này thật đáng suy nghĩ. Và vì thế chúng ta cần tìm hiểu hơn về
cách Chúa cứu độ để sửa sai nhiều thái độ hiện nay của mình. Bài Tin Mừng chúng
ta vừa nghe có khả năng giúp đỡ chúng ta làm việc này.
2. Thiên Chúa Cứu Ðộ
Tội Nhân
Câu chuyện ông
Zakkhê, ai mà không biết. Tác giả Luca đặt câu chuyện này vào ngay sau lúc Ðức
Giêsu nói với các môn đệ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho
con người mọi điều các tiên tri đã viết". Như vậy câu chuyện muốn nói lên
mục đích của cuộc hành trình, tức cũng là việc Ðức Giêsu lên Giêrusalem để chịu
chết. Người đi chịu nạn để chuộc tội cứu thế. Câu chuyện ông Zakkhê làm chứng
điều này.
Quả vậy, trước mặt
người Do Thái, Zakkhê là một kẻ tội lỗi. Không tội lỗi như bọn phóng túng đâu;
nhưng đây còn là một tội nhân nguy hiểm. Zakkhê là ty trưởng quan thuế ở một
dân tộc bị ngoại bang thống trị. Và điều này có thể làm sống lại một số kinh
nghiệm cũ của chúng ta. Những người thu thuế cho hạng ngoại bang làm sao không
bị coi là những tên hại dân hại nước! Huống nữa Zakkhê là ty trưởng quan thuế.
Và chế độ thuế má ở
Giêricô bấy giờ mới thật đáng ghét! Ðể thu được nhiều tiền, nhà cầm quyền Rôma
cho đấu thầu việc thu thuế. Và dĩ nhiên những kẻ giàu có mới có khả năng đấu
thầu. Và đấu thầu được, họ tha hồ bắt dân phải chịu sưu cao thuế nặng. Có như
vậy họ mới gỡ được vốn và mới có thể làm giàu thêm. Dân không thể nào không coi
những ông bao thầu này bất nhân được. Nhất là ở
Zakkhê có thật sự như
vậy không? Ðiều đó không cần biết. Chỉ có điều chắc chắn là người Do Thái nào
cũng coi ông như vậy. Hay ít ra trước mặt công luận, ông bị coi như thế.
Hôm ấy Zakkhê nghe
tin Ðức Giêsu đi ngang qua Giêricô. Tò mò ông muốn thấy Người... nhưng ông lại
nhỏ con chẳng sao nhìn được Người vì thiên hạ bu đầy xung quanh Người. Chỉ còn
một cách: Phải tìm chỗ đứng trên cao nhìn xuống... Chẳng có nhà lầu nào ở gần. Hơn
nữa, trèo lên một thân cây có lẽ đỡ phiền phức hơn. Zakkhê đã làm như thế.
Nhưng này Chúa đã gọi ông: "Zakkhê, xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại
nhà ngươi".
Làm sao có thể xảy ra
như thế? Người mà lại vào ngụ nhờ nhà một người tội lỗi sao? Thiên hạ thì kinh
ngạc; còn Zakkhê thì chỉ biết vui mừng. Ông về dọn nhà, dọn bàn... và nhất là
dọn những câu nói chân thật nhất để diễn tả lòng cảm mến đối với một ơn bất ngờ
như vậy: "Này, ông nói, nửa phần của cải, thưa Ngài, tôi xin bố thí cho kẻ
khó và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn".
Ðó là phản ứng của
một con người quyết tâm đổi đời. Trước đây ông muốn vơ vén nhiều của, bây giờ
ông muốn tung ra; trước đây ông có gian lận, thì bây giờ ông xin đền bù quá mức
pháp luật đòi hỏi. Quả thật ông đã nhận được ơn cứu độ. Và Ðức Giêsu chỉ còn
cần phải tuyên bố: "người này cũng là con cái của Abraham". Nghĩa là
không ai còn được kỳ thị, gạt bỏ một con người như thế nữa. Không còn được coi
người ấy như lương dân hay như tay sai của ngoại bang nữa. Người ấy không còn
là tội nhân, nhưng đã trở thành con cái của Abraham, con cái của Lời Hứa, con
cái của Nước Trời. Và sở dĩ như vậy vì Con Người đến để tìm cứu sự đã hư đi.
Ðã đành, Zakkhê cũng
có công... ông đã muốn xem thấy Chúa và đã trèo lên cây cao, và nhất là ông đã
thành tâm trở lại. Nhưng nếu Chúa đã không nhìn và gọi ông, nếu Người không
đoái ngụ lại nhà ông, thì đã chẳng có câu chuyện hôm nay. Tất cả đều do Chúa,
nhờ lòng thương của Người và bởi sáng kiến của Người. Ðó mới thật là ý tưởng mà
tác giả Luca muốn trình bày với chúng ta.
Ðức Giêsu đã đến để
tìm cứu kẻ có tội: Người là ơn cứu độ Thiên Chúa gửi đến cho loài người. Người
thực hiện những điều mà sách Khôn Ngoan đã viết. Tác giả sách này chỉ biết
rằng: Thiên Chúa vì toàn năng và nhân ái sẽ làm cho tội nhân trở lại. Nhưng thế
nào và nhờ ai, thì chúng ta phải chờ đến khi thấy Ðức Giêsu xuất hiện và cương
quyết đi lên Giêrusalem để làm công việc cứu thế... Hôm nay Người đã làm cho
Zakkhê trở lại đang khi Người lên Giêrusalem để chúng ta thấy trước mục đích
của việc Người sẽ chịu nạn và sống lại.
Chúng ta ngày nay đã
có đức tin và tuyên xưng Ðức Giêsu là cứu thế. Chúng ta phải làm gì để ơn cứu
độ của Người có ảnh hưởng đổi đời một cách sâu rộng? Vì như đã nói trên, muốn
đổi đời không phải là muốn tiêu diệt kẻ dữ, nhưng phải mong họ trở lại ngay
chính nhờ lòng thương của Thiên Chúa và hành động của Ðức Giêsu Kitô. Bài thư
Thessalonica hôm nay có thể giúp chúng ta nhiều ánh sáng quý báu.
3. Ðức Giêsu Phải
Ðược Hiển Vinh Nơi Chúng Ta
Xét theo một khía
cạnh, giáo đoàn Thessalonia thời bấy giờ đã cảm nghĩ như chúng ta ngày nay
trong nhiều lúc. Họ thấy đời không đáng sống bao nhiêu. Quá nhiều buồn chán. Và
nhất là quá nhiều bất công. Họ ước ao ngày của Chúa đến để phân biệt lành dữ
phải trái. Nhiều người đã lợi dụng cái tâm lý ấy... Họ tuyên truyền và làm cho
người ta tưởng: ngày của Chúa đã đến!
Phaolô phải viết thư
để tín hữu của Người khỏi bị phỉnh gạt. Những lời cuối cùng trong đoạn trích
hôm nay gạt bỏ ý tưởng cho rằng ngày của Chúa đã đến. Ðôi khi chúng ta cũng nên
đọc kỹ lại những lời này để khỏi bị giao động vì những tin có mạc khải ở chỗ
này, có lời sấm ở chỗ kia về ngày tận thế. Ngày ấy đến lúc nào, đến Con Người
cũng không biết, thì đừng ai phỏng đoán làm gì.
Nhưng có một điều
chắc chắn, chúng ta phải cố gắng để được hạnh phúc trong ngày ấy. Và cho được
như vậy, thánh Phaolô bảo phải cầu nguyện, xin Thiên Chúa khấng làm cho chúng
ta được xứng đáng với ơn Thiên triệu... Chỉ có Người mới cứu độ được chúng ta,
nhờ Ðức Giêsu Kitô như hai bài Kinh Thánh trên đây đã làm chứng. Nhưng về phía
mình, ít ra chúng ta cũng phải có những nỗ lực nào đó như Zakkhê. Và ở đây
thánh Phaolô nói, chúng ta phải làm cho Danh Ðức Giêsu được hiển vinh nơi chúng
ta và chúng ta ở nơi Người.
Chúng ta hãy mượn lại
câu chuyện Zakkhê để làm sáng tỏ lời khuyên của thánh Tông đồ. Nhờ việc Ðức
Giêsu đến ngụ nhờ nhà ông, mà ông đã đổi đời. Ông đã nhiệt tình tiếp rước
Người, nên ông đã lấy lại được danh tiếng. Ông được vinh hiển ở nơi Người vì
ông đã muốn Người vinh hiển nơi nhà ông. Nhà ông đón nhận ơn cứu độ, nên ông đã
trở thành con cái của Abraham.
Như vậy chúng ta phải
tôn vinh Ðức Giêsu ở nơi chúng ta để chúng ta được tôn vinh ở nơi Người. Và
muốn thế, thánh Phaolô nói chúng ta phải nhờ ơn Chúa làm cho viên thành ý chí
ngay lành và công việc của lòng tin. Chúng ta phải cầu xin quyền năng của Thiên
Chúa giúp mình thi hành các tư tưởng tốt và làm tốt các việc của đời sống đức
tin. Khi ấy đời sống chúng ta sẽ xứng đáng là đời sống của người Kitô hữu. Ðức
Kitô được hiển vinh nơi chúng ta, thì đồng thời và lập tức chúng ta được hiển
vinh ở nơi Người. Người ta sẽ thấy chúng ta là môn đệ Người. Và khi ấy dù giờ
vinh hiển cánh chung chưa đến, nhưng chúng ta cũng đã mang trong mình đời sống
vinh hiển của Thiên Chúa rồi.
Và nếu chúng ta không
những coi mình như con chiên của Chúa mà còn ý thức tất cả chúng ta là dân
riêng của Người để chúng ta cố gắng làm cho Người được vinh hiển nơi cộng đoàn
giáo xứ và Giáo hội chúng ta, thì xã hội loài người sẽ nhận thấy Hội Thánh qua
thật là thành trì của Thiên Chúa và là hạnh phúc bình an của các dân tộc.
Chúng ta có tất cả
những yếu tố đó trong thánh lễ này. Ðức Giêsu sẽ đến và mang ơn cứu độ đến cho
nhà này là giáo đoàn chúng ta và linh hồn mỗi người. Chúng ta hãy đón nhận
Người như ông Zakkhê. Chúng ta hãy bắt chước ông quyết tâm đổi đời làm vinh
danh Chúa ở nơi chúng ta. Không những Chúa sẽ tuyên bố chúng ta là con cái của
Abraham và là dân thánh của Người; nhưng chính xã hội cũng sẽ nhận ra đời sống
mới nơi chúng ta để ca tụng Thiên Chúa và tin vào ơn cứu độ của Người.
Xin cho chúng ta và
cộng đoàn chúng ta hôm nay được những ơn như thế.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)