Chúa Nhật 31 Thường Niên,
C
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
19:1-10)
Có lẽ đây là đoạn Kinh Thánh sống động nhất, mô tả cuộc gặp
gỡ giữa ông Da-kêu, “một người tội lỗi và giàu có” với Chúa Giê-su khi Người
vào thành Giê-ri-khô. Tính cách sống động
ấy thể hiện qua những câu đối thoại và hành vi của Chúa và ông trưởng ban thu
thuế. Mục đích thánh Lu-ca kể lại câu
truyện là cho chúng ta thấy “Con Người
đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
Vậy Chúa Giê-su đã đến Giê-ri-khô để tìm và cứu những gì?
Từ Ga-li-lê đi lên Giê-ru-sa-lem có hai con đường, hoặc
đường ven biển hay con đường thung lũng dọc theo sông Gio-đan. Chúa Giê-su đi theo con đường thứ hai và qua
Giê-ri-khô trước khi vào địa hạt Giê-ru-sa-lem.
Người và các môn đệ vào Giê-ri-khô, không những để nghỉ chân, nhưng nhất
là để gặp một người, đó là ông Da-kêu.
Thực ra ông ta không đáng cho Chúa gặp, vì ông là một người phản quốc,
làm việc cho người Rô-ma và bị dân chúng khinh miệt. Hơn nữa ông ta còn gian tham, tội lỗi. Nhưng đối với Chúa Giê-su, nơi ông Da-kêu còn
một điều nữa mà người ta không nhận ra, hoặc không muốn nhận biết: ông là người con “đã mất” của Thiên Chúa mà Đấng Cứu độ hôm nay đến để tìm và cứu. Đáp lại ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, ông
Da-kêu đã hăng hái tìm gặp Chúa Giê-su và xây dựng mối tương quan với Người.
Trước hết, ông “tìm
cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai”.
“Cứ đến mà xem” (Gio-an 1:46) là lời mời gọi chúng ta đến làm môn đệ
Chúa. Vì vóc dáng thấp bé, Da-kêu tìm đủ
mọi cách, cho dù cách đó có làm cho ông mất thể diện trước người khác, miễn là
đạt mục đích “xem cho biết”. Ông leo lên
cây sung bên vệ đường, mặc cho tiếng cười nhạo của dân chúng. Khi Chúa tới gần cây sung, Người nhìn lên. Ông Da-kêu cảm nghiệm được cái nhìn của Chúa,
cái nhìn của trái tim cứu độ. Ông đọc
được trong cái nhìn ấy khung trời tình yêu bao la của Thiên Chúa. Một điều nữa hết sức cảm động là sự vội vàng,
mau lẹ của tình yêu. Chúa bảo ông: Xuống mau
đi. Còn ông thì vội vàng tụt xuống. Ai cũng
muốn thời gian phải qua nhanh để được đến với nhau!
Tiếp theo là cuộc biến đổi tâm hồn. Trước đây ông Da-kêu có trái tim nhỏ bé, bây
giờ trái tim ấy phát trỉển. Trước đây
ông hẹp hòi, áp bức và bóc lột người khác trong nghề nghiệp, bây giờ ông quảng
đại, mở lòng cho tha nhân và ý thức công bình xã hội. Vóc dáng thấp bé của ông vẫn vậy, nhưng vóc
dáng nội tâm của ông giờ đã vươn cao nhờ tình yêu cứu độ của Chúa.
Kết thúc câu chuyện là lời Chúa Giê-su khẳng định: “Hôm
nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Thời điểm hôm nay là khởi đầu
mới không những cho cá nhân ông Da-kêu mà còn cho mọi người trong nhà ông nữa. Như thế, ơn cứu độ của chúng ta không biệt
lập, nhưng liên kết với thân phận của những người khác! Quả thực là một sứ điệp vô cùng an ủi câu
truyện Tin Mừng hôm nay đã đem đến cho chúng ta.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lời kêu gọi cứu độ Chúa Giê-su nói với ông Da-kêu cũng là
lời Chúa mời gọi chúng ta mỗi ngày. Chúa
yêu thương nhìn chúng ta. Chúa gọi
chúng ta mau đến với Người. Chúa tìm và cứu chúng ta. Cuối cùng, Chúa bảo đảm ơn cứu độ cho chúng
ta khi Người nói rằng Người đã đến
cho chúng ta và gia đình chúng ta. Chúng
ta không phải mong đợi một tương lai nữa, nhưng hôm nay, ngay bây giờ và ở trong hoàn cảnh sống hiện tại của chúng
ta, Chúa cứu độ chúng ta. Vậy theo gương
ông Da-kêu, chúng ta hãy mau mắn đáp lại lời gọi của Chúa, đưa Chúa về “ở lại”
trong nhà chúng ta, để chúng ta được sống thân mật với Người trong mọi sự.
Lm
Dominic TTL
26-10-2010