Chúa Nhật XXXI Thường
Niên C
Tôi Phải Lưu Lại Nhà
Anh
Lc 19:1-10: 1
Ngài vào và đi tắt ngang qua Yêricô. 2 Và này: có người tên gọi Zakkhê, ông ty
trưởng quan thuế, và là người giàu có, 3 Ông tìm cách để coi cho biết Ðức Yêsu
là ai; nhưng bởi có đám đông nên không thể được, vì ông thì có vóc dạng thấp
bé. 4 Vậy ông chạy đón đàng trước, trèo lên một cây sung để thấy được Ngài, vì
Ngài sắp ngang qua đó. 5 Khi Ðức Yêsu vừa đến chỗ ấy, Ngài ngẩng lên nhìn và
nói cùng ông: "Zakkhê, xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà
ngươi". 6 Ông vội xuống liền và mừng rỡ đón tiếp Ngài. 7 Mọi người thấy
vậy thì kêu la trách rằng: "Ông ấy vào ngụ nhờ một người tội lỗi!" 8
Ðứng lại, Zakkhê thưa cùng Chúa: "Này nửa phần của cải tôi, thưa Ngài, tôi
xin bố thí cho kẻ khó, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp
bốn". 9 Ðức Yêsu nói cùng ông ấy: "Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà
này, bởi chưng người này cũng là con cháu của Abraham. 10 Vì Con Người đã đến
để tìm sự đã hư đi".
Luca thuật lại hai câu chuyện liên quan đến thành
Giêricô: người mù được chữa lành khi Chúa Giêsu đến gần đó (18:35-43), và ông
Giakêu khi Người đi ngang qua thành (19:1-9). Câu chuyện Giakêu được đặt ở cuối
hành trình lên Giêrusalem (9:51-19:27). Hành trình tạm ngưng khi Người dừng chân
ở lại nhà người thu thuế nầy (x. 17:11;18:31). Có thể phân chia bố cục của đoạn
như sau: - Bối cảnh dẫn nhập (c. 1); - Giakêu tìm và gặp Chúa Giêsu (cc. 2-6);
- Chúa Giêsu đến nhà Giakêu và ban ơn cứu độ cho ông, và kết luận (cc. 7-10).
Hai phần chính có cấu trúc hình thức tương tự nhau. Trong phần đầu (cc. 2-6),
Giakêu tìm gặp Chúa Giêsu, và bị dân chúng cản trở. Họ che ông khỏi thấy Người,
vì ông thấp bé (c. 3). Ông tìm cách vượt qua trở ngại bằng cách trèo lên cây
sung (c. 4). Chúa Giêsu đáp lại sự tìm kiếm của ông là đi ngang qua chỗ ông và
nói với ông (c. 5). Người đến nhà ông và ông đón tiếp trong vui mừng (c. 6).
Trong phần thứ hai (cc. 7-10), Chúa Giêsu đến nhà Giakêu, và bị dân chúng cản
trở bằng những lời lẩm bẩm (c. 7). Người vẫn đến và Giakêu đáp lại bằng sự sửa
mình của ông (c. 8). Chúa Giêsu vui mừng vì đã cứu vớt được một người con của
Abraham (cc. 9-10). Những từ quan trọng liên kết hai phần với nhau đều nằm ở câu
5 và 9 là “hôm nay”, “ nhà” và “Giêsu”. Hai câu nầy là chìa khóa giúp hiểu ý
nghĩa của mỗi phần. Từ eis-erchomai “đi
vào”(c. 1) và erchomai “đi” “đến” (c.
10) đóng khung đoạn (inclusio), đánh dấu việc cứu độ Chúa Giêsu làm cho Giakêu đã
xong tại Giêricô. Dựa trên câu chuyện của Giakêu, có thể thấy việc Giakêu tìm
kiếm “zēteō” Chúa (c. 3) đã kết thúc
với việc Chúa Giêsu tìm kiếm ông theo chiều ngược lại, và đã cứu vớt ông (c.
10).
Chúa Giêsu vội vã đi
ngang qua Giêricô để lên Giêrusalem (c. 1). Động từ “đi ngang qua”, dia-erchomai, gợi lên ý tưởng đi xuyên lãnh
thổ, và đi vội vã (x. 2:15; 4:30; 5:15). Người nhắm đến Giêrusalem và không muốn
chậm trễ. Tuy nhiên, Người đã tự cầm chân mình lại trong nhà Giakêu để cứu vớt người nầy.
Giakêu tìm và gặp Chúa
Giêsu (cc. 2-6). Phân đoạn nầy tập trung vào Giakêu: - Con người và ước muốn
(cc. 2-3); - Thực hiện ước muốn và kết quả đến hơn cả lòng mong muốn (cc. 4-6).
Cụm từ “Và nầy” mở đầu, dùng để kéo sự chú ý vào điều sắp được trình bày; tương tự như thế khi
nói về Simêon (2:25). Luca giới thiệu tên, nghề nghiệp và thân thế của Giakêu
(c. 2). Zacchaeus là hy lạp hoá tên
hipri Zakkay (Nêh 7:14; Esdra 2:9), có
nghĩa là “sạch, vô tội”. Là trưởng thu thuế, nên ông giàu có. Giêricô là trụ sở
quan thuế thường được nhắc đến, và đây là thí dụ điển hình.
Giakêu tìm thấy cho bằng
được Chúa Giêsu là ai (c. 3). Động từ “tìm kiếm” được dùng rất nhiều lần trong
Luca; nhưng ở thể quá khứ chưa hoàn thành, chỉ được dùng cho Giakêu, cho Hêrôđê
(9:9) và Giuđa (22:6). Khó có thể nghĩ là độ dài, sự lập lại của việc tìm kiếm
của Giakêu chỉ xảy ra cách ngắn ngủi khi Chúa Giêsu vội vã ngang qua thành Giêricô.
Nếu như thế, tìm kiếm ấy chỉ là một sự tò mò nhất thời. Sự tìm kiếm nầy phải là
đã từ lâu, bây giờ là cơ hội để tìm thấy, như trường hợp của Hêrôđê (x. 23:7-8)
và Giuđa (22:47). Động từ nầy thường hàm ý là tìm cho đến khi nào thấy được
(2:48.49; 9:9). Tuy Giakêu đã đi tìm, chính Chúa Giêsu mới là người tìm thấy ông
(c. 5). Người tỏ mình ra cho ông, như trong khẳng định “Ai tìm sẽ được cho”
(11:9-10; 12:31). Sự thấp bé của Giakêu là sự kiện chứ không phải là nguyên nhân.
Dân chúng mới là nguyên nhân “vì dân chúng” (c. 3). Họ cản trở không cho ông nhìn
thấy Chúa Giêsu, cũng như họ không muốn Người đến nhà ông (c. 7). Đáng ngạc nhiên
là Luca trình bày phản ứng của dân chúng tương tự như phản ứng của những người
Pharisêô (x. 5:30; 15:2).
Khung cảnh thu nhỏ lại
hơn. Chúa Giêsu “đi ngang qua Giêricô” đến “đi đến” chỗ cây vả nơi có Giakêu
(c. 4). Chúa Giêsu dừng lại ở đó. Tên “Giêsu” được nêu rõ ở đây, cũng như ở câu
9, chỉ sự quan trọng của điều Người sắp nói: “Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay
tôi phải ở lại nhà anh” (c. 5). Chúa Giêsu lên chương trình cho Giakêu. Ông phải
“xuống mau” vì Người đang vội vã đi lên Giêrusalem. Nhưng Người “phải” ở lại, vì
đó là sứ mệnh cứu độ của Người (x. 2:49; 4:43; 9:22…). “Hôm nay” sẽ được lập lại
trong c. 9 chỉ thời điểm ơn cứu độ được thực hiện (2:11; 4:21; 5:26; 23:43). “Nhà
của anh” đại từ chỉ ngôi “của anh” đặt sau “nhà” là vị trí nhấn mạnh. “Ở lại” là
một phần của việc tông đồ (x. 1:56; 9:4; 10:7; 19:5; 24:29). Giakêu đã trèo lên
để tìm xem Chúa (c. 4). Bây giờ ông trèo xuống vì đã gặp Người (c.6). “Vội vã”
chỉ sự khao khát (x. 2:16). Động từ “đón tiếp” hàm ý sự hiếu khách (x. 10:38). Ông
vui mừng vì Chúa ở lại nhà ông. Luca thường nói đến niềm vui của những người được
Thiên Chúa can thiệp và cứu độ (x. 1:14; 1:28; 6:23; 10:20; 13:17; 19:6). Như
thế, Giakêu đã nhận được nhiều hơn cả điều ông mong ước.
Chúa Giêsu đến nhà Giakêu
và ban ơn cứu độ cho ông (cc. 7-10). Động từ “cho” và “hoàn trả” (c. 8) ở thì
hiện tại hiểu như là tương lai gần: “tôi sẽ cho”, “tôi sẽ hoàn trả lại” (x.
4:6; Cv 3:6). Giakêu đã không làm điều nầy trong quá khứ. Ông đã đặt giả thiết
là ông có thể đã làm thiệt hại ai đó trong quá khứ (c. 8). Nên không lạ gì dân chúng nghĩ ông là “người tội lỗi” (c. 7).
Do đó, quyết định nầy chứng tỏ ông đã hoán cải. Và Chúa Giêsu mới tuyên bố là
“hôm nay ơn cứu độ đến với nhà nầy” (c. 9), và “Người đến để cứu vớt những người
hư mất” (c. 10). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã biến đổi đời ông. Động từ “sykophanteō” có nghĩa là “gian lận”, “áp
bức”, “hăm dọa tống tiền” (x. 3:14). Làm nghề thu thuế, Giakêu gian lận tiền bạc
của người khác cho chính mình. Dựa vào luật Môse, phải đền trả lại “gấp bốn” (x.
Xh 21:37; 2 Sam 12:6) hay “gấp năm” (x. Lv 6:5; Ds 5:6-7).
Như câu 5 ở trên, Chúa
Giêsu lại tuyên bố (c. 9), và lần nầy Người nói đến sự cứu độ cho Giakêu, “người
con của Abraham.” “Cứu độ” được gắn liền với “hôm nay”; xem ở trên. “Con cháu của
Abraham” không phải chỉ do bởi sự thuộc về dân tộc Do thái. Chúa Giêsu đã phê bình
những người tự hào là họ có Abraham là tổ tiên, nhưng thiếu lòng hoán cải (x.
3:8). Chính sự hoán cải trở về với Thiên Chúa mới chứng thực ai là con cái của
Abraham. Giakêu đã làm điều nầy và đáng được gọi là con cái của Abraham. Câu 10
lấy lại ý tưởng của câu 5:32 với nhiều thay đổi từ ngữ. Đó là “đến tìm kiếm” và
“những người hư mất”, thay vì nói đến việc kêu gọi “người tội lỗi hoán cải”. Việc
thay đổi từ ngữ nấy nhằm nhấn mạnh sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu; xem dụ ngôn đi
tìm chiên lạc (15:4-7). Tước hiệu “Người Con của Nhân Loại” gắn liền với cuộc
thương khó, sự chết và vinh quang (9:26.44; 12:8; 22:69); đồng thời cũng gắn liền
với những người thu thuế và tội lỗi (7:34; 19:10). Họ là những người đầu tiên
“phải” được tìm đến và cứu chuộc. Vậy như lời hứa với Abraham (1:73), Thiên Chúa
đã tỏ lòng thương xót với con cháu của ông (1:55) qua việc ban ơn cứu độ cho
Giakêu.
Thiên Chúa vẫn còn đi
ngang qua trần gian nầy để tìm kiếm và cứu độ những người đã hư mất. Hãy mở cửa
nhà cho Chúa. Mời Người vào và lãnh nhận ơn cứu độ.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến