Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm C
Thiên Chúa Của Sự Sống Lại
(2 Maccabê 7,1-2.9-14; 2 Thessalonica 2,16-3,5; Tin Mừng Luca
20,27-38)
Phúc Âm: Lc 20, 27-38
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".
Khi ấy, có mấy người
thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa
Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có
một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới
người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ
nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng
chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều
cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu
phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các
người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".
Chúa Giêsu trả lời họ
rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được
dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng.
Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa:
vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho
biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham,
Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên
Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".
Suy Niệm:
(2 Maccabê
7,1-2.9-14; 2 Thessalonica 2,16-3,5; Tin Mừng Luca 20,27-38)
Các Chúa nhật cuối
năm Phụng vụ muốn hướng suy nghĩ của chúng ta về tận thế và đời sau... Hôm nay
Lời Chúa - nhất là trong bài sách Maccabê và bài Tin Mừng - nói với chúng ta về
việc sống lại sau này. Còn bài thư Phaolô khuyên bảo chúng ta một vài công việc
cụ thể phải làm trong khi chờ đợi ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại.
1. Chúng Ta Sẽ Sống
Lại
Ðây là niềm tin đặc
biệt của đạo ta. Ngay trong Do Thái giáo, điều này cũng không được rõ ràng. Còn
nơi những tôn giáo khác, người ta sẵn sàng tin có sự sống đời sau, nhưng không
hề nghe nói sẽ có sự sống lại.
Thật vậy, hầu hết các
tôn giáo đều nghĩ rằng chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết được đưa
sang một thế giới khác hoặc được dẫn đến một chỗ khác để tiếp tục sống. Thế nên
mới có câu thác là thể phách, còn là tinh anh. Tức là người ta chỉ chết về phần
thể xác; nhưng phần linh thiêng nơi con người sẽ còn mãi và sống mãi, hoặc để
hưởng hạnh phúc nếu khi còn sống người ta đã ăn ngay ở lành, hoặc để chịu phạt,
nếu ngược lại người ta đã ăn ở độc ác.
Chúng ta không cần đi
sâu vào những quan niệm này. Chúng ta chỉ cần biết chẳng có tôn giáo nào nói
đến việc con người chết đi rồi sẽ sống lại như đạo chúng ta dạy.
Ngay cả đạo Do Thái
cũng không dứt khoát về điểm này. Cứ xem bài Tin Mừng hôm nay thì rõ. Phái
Sađốc không những không tin mà còn chế nhạo những ai tin việc xác thịt con
người sau này sẽ sống lại. Ðiều đáng để ý là phái Sađốc này gồm hầu hết hàng tư
tế Do Thái... Vậy thì các sách Cựu Ước không dạy niềm tin này sao?
Chúng ta không thể
trả lời đơn sơ được, cứ chung mà nói người Do Thái vẫn tin có đời sau. Nhưng
đời sau đối với họ là đêm tối. Chính đời này mới là ánh sáng ban ngày. Ít nhất
đối với đa số loài người. Vì dù sao người Do Thái cũng có lòng kính mến các tổ
phụ và tiên tri. Họ không dám nói đến cuộc sống bên kia của các ngài. Họ âm
thầm nghĩ rằng các ngài đang được hạnh phúc trong ánh sáng của Thiên Chúa.
Nhưng công khai thì họ tuyên bố: đời sống ở bên kia thế giới của những người
khác, tức là của hầu hết mọi người, buồn thảm lắm và không có gì hấp dẫn cả. Lý
do vì đó là thế giới của sự chết. Của âm phủ. Không những không có ánh sáng của
Chúa ở những nơi đó mà tại đây cũng chẳng còn ai kêu cầu danh Chúa. Thực ra
quan niệm của các sách Cựu Ước về đời sau không đơn nhất và rõ rệt. Chung chung
người Do Thái không nghĩ rằng: Sinh ký tử quy, sống gửi thác về. Và họ không có
những kim tự tháp như người Ai Cập, hoặc các lăng mộ như người Việt
Tuy nhiên, trên nền
trời tư tưởng chung chung mờ tối đó, đã có những tia sáng thật chói. Một
Ezekiel đã có thể nói đến một cánh đồng xương khô bỗng được thần khí nhập vào
và sống lại. Ðành rằng đó chỉ là hình ảnh về cuộc phục hưng xứ sở sau thời gian
lưu đày tan nát. Nhưng nguyên việc nghĩ đến một hình ảnh như thế cũng nói lên
tác giả có một ước vọng về phục sinh. Dù sao, bản văn của Ezekiel vẫn không cụ
thể bằng câu truyện bảy anh em tử đạo hôm nay về vấn đề này.
Bấy giờ là thời Hy
Lạp đô hộ Do Thái. Hoàng đế Epiphane IV tưởng đã có thể thống nhất đế quốc của
ông về mặt tôn giáo như đã thống nhất về mặt văn hóa và chữ viết. Ông cho lệnh
dẹp tôn giáo Do Thái, bãi bỏ lề luật Môsê... và truyền dân phải làm những điều
cấm kỵ trong Luật. Chính vì vậy ông đã bắt tám mẹ con một gia đình đạo đức phải
ăn thịt lợn. Nhưng cả tám mẹ con đều cương quyết thà chết chẳng thà vi phạm
Luật pháp của tổ tiên. Và hết thảy họ đã chết vì đạo sau khi chịu những tra tấn
hành hạ thật dã man.
Ở đây Phụng vụ chỉ
nhặt lại những câu mà những người thánh ấy đã nói trước khi chết, có hệ đến
việc xác thịt con người sau này sẽ sống lại. Ðó là những lời tuyên xưng niềm
tin không mập mờ. Họ khẳng định: "Vua cả vũ trụ sẽ cho chúng ta sống lại;
Người sẽ hoàn lại cho ta sự sống còn mãi đời đời. Người sẽ trả lại cho chúng ta
sinh khí với sự sống, một khi chúng ta đã không màng đến chính mình để bênh vực
các Luật của Người...". Và lúc phải đưa các chi thể ra cho lý hình làm khổ
và cắt xẻo họ đã khẳng khái tuyên bố: "Nhờ Trời ban mà chúng tôi đã có
chúng, vì các Luật của Người mà tôi khinh màng chúng, nhưng tôi trông cậy sẽ
lấy lại do Người ban lại".
Những lời này chắc
chắn đã làm cho mọi người kinh ngạc. Và nhất là người Hy Lạp đang tra tấn các
thánh. Làm sao họ có thể tin được những lời ấy vì người Hy Lạp vốn coi thân thể
là tù ngục, phải diệt đi, bỏ đi cho tinh thần được vươn lên. Ðối với người Do
Thái vốn có óc cụ thể và quý trọng những gì hữu hình, niềm tin kia lẽ ra phải
khơi lên phấn khởi. Nhưng vì khác với khuynh hướng tâm lý của họ quá, nó đã
không trở thành một niềm tin phổ cập và nhất là chắc chắn. Phải đợi đến khi Ðức
Giêsu tuyên bố lập trường của Người và nhất là kể từ ngày chính Người đã phục
sinh, niềm tin xác thịt chúng ta sẽ sống lại mới dần dần được chấp nhận.
Trước khi đi đến ngày
nó trở thành một tín điều trong bản kinh, chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu dạy dỗ
chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Sống Lại Rồi Sẽ
Ðược Như Các Thiên Thần
Thánh Luca đặt câu
chuyện những người phái Sađốc đến chất vấn Ðức Giêsu vào những ngày cuối cùng
trước khi Người bị nộp. Vì thế nó có ý nghĩa bắt bẻ, gây hấn. Nhưng dùng những
ngày cuối đời của Người để xin Ðức Giêsu nói về đời sau, tác giả Luca lại thấy
đó là điều hợp tình hợp lý.
Vậy có mấy người
thuộc phái Sađốc đến. Họ phủ nhận việc sống lại mặc dầu đã có bài sách Maccabê
như chúng ta đã thấy trên. Hơn nữa Ðaniel cũng đã khẳng định: "Nhiều người
sẽ thức dậy, kẻ thì dành cho sự hằng sống; kẻ sẽ chuốc lấy ô nhục". Nhưng
phái Sađốc không tin những loại sách này. Họ gồm phần lớn các người ở trong
hàng tư tế. Họ bám lấy Ngũ thư là năm quyển đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, đó là
luật pháp Môsê, nền tảng của đạo giáo, cơ sở của hàng tư tế. Những sách khác
đối với họ không có nhiều uy tín. Họ không giống như biệt phái.
Những người này không
những tin ở Ngũ thư mà còn tin ở các sách Tiên tri và các sách khác nữa. Ðó là
những sách đã khởi sự với phong trào Ðệ nhị luật, tức là suy nghĩ về luật pháp.
Biệt phái là các thần học gia không ngừng học hỏi và dạy dỗ luật pháp. Họ quý
những sách viết sau như những sách viết trước vì họ quan niệm Lời Chúa và mạc
khải sống động và triển khai không ngừng. Thế nên họ tin lời sách Ðaniel cũng
như lời sách Maccabê về việc phục sinh sau này.
Ðang khi ấy, phái
Sađốc chú trọng đến tế tự và địa vị lãnh đạo của mình. Ngoài việc dâng lễ ra,
họ chỉ quan tâm đến đời sống chính trị. Họ sợ biến động làm rối các cuộc lễ. Và
vì thế họ không ngần ngại đi với chính quyền và sẵn sàng chế nhạo những việc
khác.
Biết Ðức Giêsu thiên
về giảng dạy đạo lý và chủ trương như biệt phái về việc phục sinh sau này, mấy
người phái Sađốc đến hỏi để giễu cợt nếu có sự sống lại thì sau này một người
đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai?
Theo luật Do Thái thì người ấy là vợ của bảy người; nhưng điều này có thể ở thế
gian vì lần lượt xảy ra; chứ ở đời sau thì làm thế nào được vì tất cả đều sống
cùng một lúc? Rõ ràng chỉ có óc tư tế thiên về luận lý mới đề nghị ra những
"nố" luật như vậy, để gây lúng túng cho các thần học gia.
Nhưng Ðức Giêsu không
phải là nhà thần học. Người là chân lý. Và chân lý bao trùm mọi lĩnh vực. Người
hiểu rõ vì sao có điều luật kia trong sách Môsê. Nó đáp lại nguyện vọng của con
người muốn sống trong trường cửu nhưng lại không hiểu rõ về những gì sẽ xảy ra
sau khi chết. Người ta muốn nối dài đời sống con người bằng một quyết định pháp
luật, bắt người có anh em vừa chết phải lấy vợ của người chết để lại mà truyền
hậu cho anh em mình; tức là khi làm cho người chết có con nối dõi tông đường,
người ta nghĩ rằng có thể kéo dài sự sống của người chết ra mãi mãi.
Nhưng tên tuổi của
người này có thể được tiếp nối ở đời này; còn sự sống của chính người ấy thì
sao? Có thế giới bên kia cho người ấy ở không? Nếu quan niệm đời sống ở đó chỉ
leo lét như ngọn đèn mù, tức là yếu ớt và thê thảm, thì chẳng cần nói làm gì.
Nhưng nếu tin rằng đời sống ở bên kia thế giới rất tích cực và phong phú, thì
làm sao giải thích được một vấn nạn như mấy người phái Sađốc nêu lên hôm nay?
Phái này không tin có sự phục sinh kẻ chết, vì họ thấy không có cách nào giải
quyết được các vấn nạn kia. Tức là họ không tin có đời sau vì họ không thấy đời
sau giải quyết được những vấn đề của đời này đặt ra. Họ coi đời sau như nối dài
y nguyên sự sống ở đời này. Và đó là sai lầm của họ.
Ðức Giêsu vạch cho họ
thấy sự sai lầm này, Người nói: Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng; còn
những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy
chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa.
Chúng ta vừa nghe lời
Chúa liền nghĩ ngay đến tính cách thiêng liêng của đời sau, ở đó không còn
phong tục của đời này nữa. Nhưng phái Sađốc và người Do Thái lại không nghĩ
ngay như vậy. Nghe nhắc đến thiên thần, họ nghĩ ngay đến những bậc mà lẽ sống
là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Họ nghĩ đến sinh hoạt hơn là có ý
tưởng về bản chất của các bậc ấy. Và họ hiểu rằng: Ở đời sau con người sẽ hoàn
toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người.
Hơn nữa, họ sẽ là con
cái Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì
khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh
cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng.
Nghĩ như vậy có lẽ
phái Sađốc đã yên tâm. Chứ họ chưa hiểu sâu sắc như tác giả Luca đâu. Ðối với
thánh Luca khi nghe nói người ta sẽ nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con
cái của sự sống lại, thì lập tức ngài đã nghĩ đến chính Ðức Giêsu nhờ việc sống
lại đã được tuyên dương là Con Thiên Chúa. Và ngài biết rằng người ta chỉ nên
con cái Thiên Chúa khi sát nhập vào cơ thể Chúa Kitô, tức là tham dự mầu nhiệm
chết và sống lại của Người. Không thể so sánh sự sống phục sinh này với sự sống
ở trần gian. Các vấn nạn của đời sống thế gian chẳng còn nghĩa lý gì đối với sự
sống ở trên Nước Trời.
Hóa giải được vấn nạn
của mấy người phái Sađốc rồi, lẽ ra Ðức Giêsu không cần phải nói thêm gì nữa.
Nhưng Người là Ðấng luôn thương yêu cho đến cùng và đến cứu người ta ra khỏi
tối tăm lầm lạc. Người muốn cho phái Sađốc hiểu rằng họ sai khi không tin có sự
sống lại. Và cho được như vậy, Người đi từ suy nghĩ của họ.
Họ đã nói đến Môsê
thì Người nhắc đến cho họ nhớ hôm Môsê được ơn gọi, tức là lúc ông thấy bụi gai
cháy. Thiên Chúa đã nói với ông rằng: "Ta là Thiên Chúa của Abraham, của
Isaac và của Giacob". Lời này không có ý nói Người là Ðấng các tổ phụ đã
tôn thờ cho bằng muốn nhấn mạnh Người là Ðấng đã bảo vệ, phù trợ các ông. Nếu
các ông này đã chết mà không sống lại, thì việc Thiên Chúa bảo trợ họ có nghĩa
lý gì? Thiên Chúa bất lực đối với sự chết ư? Người không toàn năng nữa! Vì thế
không tin các tổ phụ sống lại là "hạ nhục" Thiên Chúa và "vô
hiệu hóa" chính Người. Người còn đáng tôn thờ nữa hay không? Các lễ tế của
phái Sađốc dùng làm gì? Do đó, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh: Thiên Chúa không phải là
Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống. Ý Người muốn bảo các tổ phụ là những
người đang sống, đang có sự sống lại, để Thiên Chúa mới còn là Thiên Chúa và
còn mới đáng tôn thờ... Các tổ phụ "đã sống cho" Người vì tin tưởng
Người. Người là Ðấng toàn năng và trung thành; Người là Thiên Chúa hằng sống.
Người bảo hộ kẻ Người thương; nên họ không chết, nhưng đang sống và đang sống
cho Người để chính Người luôn luôn là lẽ sống và sự sống của họ. Không tin họ
đang sống là không tin quyền năng và sự trung thành của Thiên Chúa, là phủ nhận
chính Thiên Chúa. Nghĩ được như vậy, phái Sađốc còn biết nói gì? Mấy người ký
lục (chắc là thuộc Biệt phái) đứng nghe đã thấy như vậy, nên đã thưa:
"Thầy nói rất chí lý". Chúng ta cũng phải thưa như vậy... Nhưng phải
làm gì để chứng tỏ niềm tin ấy?
3. Chúng Ta Hãy Phấn
Khởi Và Kiên Vững
Bài thư Thessalonica
có nhiều lời khuyên. Ở đây chúng ta giữ lại mấy điều quan trọng. Một đàng, được
Chúa ban cho niềm an ủi và mối hy vọng tốt lành như vậy về đời sau, chúng ta
hãy phấn khởi và kiên vững trong đức tin. Chúng ta tiếp tục thi hành Lời Chúa
truyền dạy để sinh hoạt của chúng ta gồm toàn "việc lành và lời
lành". Ðàng khác chúng ta phải cầu nguyện cho "Lời Chúa được xuôi
chảy và rạng vinh" tức là cho có thêm nhiều người đón nhận Tin Mừng cứu
độ. Và cuối cùng chúng ta "phải hướng lòng vào đức mến của Thiên Chúa và
sự kiên nhẫn của Ðức Giêsu Kitô" vì đó là phương thế duy nhất để phấn khởi
và kiên vững trong niềm tin.
Không phải chúng ta
hay gặp thử thách như gia đình tám mẹ con trong sách Maccabê... Có thể thỉnh
thoảng chúng ta gặp những lời như của phái Sađốc... Ðiều quan trọng là chúng ta
phải hiểu Lời Chúa. Người đã "luận lý" cho chúng ta thấy Người là
Thiên Chúa hằng sống để chúng ta tin vào sự sống phục sinh; và để tin rồi chúng
ta có đời sống tốt lành. Bây giờ chúng ta tuyên xưng niềm tin ấy, cử hành mầu
nhiệm Chúa chết và sống lại, chúng ta quyết tâm sẽ sống với "nhiều việc
lành và lời lành" để chứng tỏ thật sự chúng ta đã là con cái của sự sống
lại.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)