Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên Năm C
Phản Ứng Của Hội Ðường Thành Nadarét
(Giêrêmia 1,4-5,17-19; 1Côrintô 12,31-13,13; Luca 4,21-30)
Phúc Âm: Lc 4, 21-30
"Chúa Giêsu, như
Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái".
Khi ấy, Chúa Giêsu
bắt đầu nói trong hội đường rằng: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà
tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục
Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không
phải là con ông Giuse sao?"
Và Người nói với họ:
"Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy
chữa lấy chính mình!' Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như
vậy tại quê hương ông'". Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi,
không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các
ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba
năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được
sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại
Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên
tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ
Naaman, người Syria".
Khi nghe đến đó, mọi
người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi
thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người
xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Suy Niệm:
Chúa nhật trước,
chúng ta thấy Ðức Giêsu khởi sự đi giảng đạo, Người đã vào hội đường Nadarét,
xưng mình là vị tiên tri Thiên Chúa hứa sẽ gởi đến cho dân Người. Hơn nữa, khi
áp dụng lời sách Isaia về người Tôi tớ Thiên Chúa vào cho mình, Ðức Giêsu đã
khẳng định Người là Cứu thế đến công bố năm hồng ân của Thiên Chúa tức là khai
mạc thời đại cứu độ mọi người. Hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy phản ứng
của người đồng hương với Ðức Giêsu trước những lời xác quyết của Người.
Ðó là thái độ cố hữu
của người Do Thái, như Giêrêmia đã kinh nghiệm. Ðó cũng có thể là cách trả lời
của chúng ta đối với mọi mạc khải của Thiên Chúa nơi các ngôn sứ của Người, nếu
chúng ta không nghe lời thánh Phaolô mà đặt đức ái lên trên hết. Vậy chúng ta
hãy suy nghĩ về cả ba bài Kinh Thánh hôm nay để hiểu mình và sửa mình cho xứng
đáng với ơn Chúa muốn cứu độ chúng ta.
1. Thái Ðộ Cố Hữu Của
Người Do Thái
Không dân tộc nào
được Chúa yêu thương như cộng đồng con cái Israen. Không phải vì họ có những
đức tính trổi vượt hơn hết mọi dân tộc; nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã khấng chọn
họ làm dân riêng của Người. Họ có luật pháp là mạc khải khôn ngoan cao cả của
Thiên Chúa. Họ còn thường được các tiên tri đến dạy dỗ. Ðó là những ngôn sứ
thay mặt Thiên Chúa đến soi sáng và hướng dẫn họ sống theo luật pháp, hầu được
đẹp lòng Chúa và hưởng các ân huệ Người ban.
Nhưng Do Thái lại là
dân cứng đầu cứng cổ. Họ vứt bỏ đường lối của Thiên Chúa để đi theo lòng dục
của mình. Vị tiên tri nào Chúa gửi tới cũng gặp nhiều chống đối và khó khăn.
Một phần nữa cũng vì có quá nhiều những tay bịp bợm, lạm dụng sự mê tín của
quần chúng tự xưng là sứ giả của Thiên Chúa. Nên bên cạnh một số ít tiên tri
thật, có nhan nhản những tiên tri giả và những kẻ "muốn làm nghề tiên
tri". Vì sự hiện diện và hoạt động của những kẻ này, các ngôn sứ của Chúa
phải tăng thêm nỗ lực để khẳng định Lời Chúa và ơn gọi của mình. Và thường khi
các ngài phải "chết để nói lên lời". Giêrêmia là một trong những vị
đại tiên tri. Ông là một trong 4 đại tiên tri còn để lại văn phẩm. Không vị
tiên tri nào đã gặp nhiều đau khổ vì ơn gọi như ông.
Thế nên, xét về
phương diện đau khổ, ông là vị tiên tri gần với Ðức Giêsu Kitô hơn hết. và
Phụng Vụ hôm nay đã theo truyền thống coi ông là hình ảnh báo trước về nhà tiên
tri thành Nadarét có định mệnh "phải chịu đau khổ". Chúng ta đọc lại
những chương 36-45 trong sách Giêrêmia để xem nhà tiên tri này đã khổ sở thế
nào. Người ta chống đối, muốn bịt miệng ông, bắt ông phải vào tù ra khám, và có
lần đã muốn chấm dứt đời ông rồi. Nhưng trong mọi trường hợp, Giêrêmia vẫn
cương quyết công bố Lời Chúa và khẳng định ơn gọi thiêng liêng của mình.
Bài đọc hôm nay không
cố ý mô tả cuộc đời thơ ấu của Giêrêmia đâu. Nhưng đây là cái nhìn của một
người rất đứng tuổi và chín chắn nghĩ lại ơn gọi của mình, để làm chứng cho mọi
người thấy thiên mệnh đã đè xuống trên ông.
Ðồng bào của
Giêrêmia, tức là cộng đồng con cái Israen vẫn tin rằng Thiên Chúa là nguồn gốc
mọi sự và con người cũng do tay Người nặn lên. Nhưng điều ít ai để ý, là trước
khi Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và muôn vật hữu hình này, Người đã có một kế
hoạch rất rõ ràng. Ơn gọi của các tiên tri nằm trong kế hoạch ấy.
Thế nên "trước
khi Ta nắn ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã
tác thánh ngươi. Ta đã đặt ngươì làm tiên tri cho các dân tộc". Và để
chứng minh điều này, Giêrêmia nói thêm rằng: khi được gọi, ông chưa biết nói,
nhưng Chúa bảo chính Người sẽ ban Lời cho ông để ông chỉ có việc nói những lời
của Người mà thôi.
Ðó là những lời thành
thật. Chúng ta không có gì phải nói thêm. Chúng ta chỉ để ý đến lời Giêrêmia
khẳng định mình đã được đặt làm tiên tri cho "các dân tộc". Ý ông
muốn nói sấm ngôn của Chúa, mạc khải của Người, không dành riêng gì cho dân Do
Thái, nhưng cho mọi dân nước và thời đại. Tính cách phổ cập này thêm vinh dự
cho ơn gọi tiên tri tự nó đã cao quý vì phát xuất từ Thiên Chúa. Tuy nhiên ơn
gọi này lại rất bi đát. Những lời sau của Giêrêmia tóm tắt định mệnh của ông.
Ông phải "nai
lưng", tức là phải lấy thế để chiến đấu, vì người ta sẽ tuyên chiến với
ông. Họ cưỡng lại mọi lời ông nói, vì lời của ông diễn tả ý Chúa chứ không
chiều theo dục vọng của loài người.
Ðó là tiêu chuẩn để
phân biệt các tiên tri giả và các tiên tri thật. Những người này dù bị chống
đối và đau khổ vẫn như thành trì, trụ sắt và tường đồng, cự lại các vua và
khanh tướng. Không phải vì họ có can đảm phi thường, nhưng chỉ vì Chúa đã giữ
lời hứa với các tiên tri của Người "Ta sẽ ở với ngươi khiến chúng không
làm gì được ngươi".
Thật ra không phải vị
tiên tri nào cũng thoát khỏi bàn tay sát nhân của loài người độc dữ đến nỗi sau
này có lần Ðức Giêsu phải kêu lên "Giêrusalem, Giêrusalem, kẻ giết hại các
tiên tri" (Mt 23,37). Và có như thế, các tiên tri mới là những người báo
trước vị tiên tri sẽ phải đến trong thời kỳ sau hết, Người cũng sẽ bị giết,
nhưng sự sống lại của Người sẽ làm chỗi dậy mọi bậc tiên tri đến trước hầu cho
thấy "thủ lãnh thế gian bị luận phạt".
Hôm nay bài Tin Mừng
Luca cho chúng ta thấy vị tiên tri này. Không những Người đã gợi lại mà còn
thực hiện bài sách Giêrêmia. Chúng ta hãy quan sát Người theo lời thuật của
Luca.
2. Phản Ứng Của Hội
Ðường Thành Nadarét
Ðức Giêsu bấy giờ vừa
giảng xong. Người ta thán phục Người. Họ cảm thấy như có một nguồn ân sủng
thoát ra từ môi miệng của Người. Nhưng Người không là con nhà ông Giuse sao?
Suy nghĩ này làm chứng họ không muốn khiêm nhường đón nhận sứ điệp cứu độ đến
với họ qua một con người bình thường ở giữa họ. Ðức Giêsu chua chát nghĩ đến
câu: "Không tiên tri nào được tôn trọng ở quê nhà".
Và từ đó, Luca nghĩ
rằng Ðức Giêsu đã nhìn xa hơn nữa, không những Người thấy những kẻ đồng hương
với Người ở Nadarét không muốn chấp nhận Người; nhưng qua họ, Người còn thấy rõ
cả dân tộc Do Thái nữa cũng sẽ không đón nhận. Họ cậy mình đã có luật pháp và
không muốn bị xáo trọn bởi một luồng gió mới nào nếu người khởi xướng không làm
được những dấu lạ điềm thiêng như Môsê ngày trước. Nghĩa là họ chỉ muốn mãi mãi
là những người xác thịt, coi trọng những cái bề ngoài và không bao giờ muốn trở
nên trưởng thành, biết ý thức về ý nghĩa của luật pháp như các tiên tri thường
hướng dẫn. Tín ngưỡng của họ trở thành thứ tôn giáo của chữ viết, và của hình
thức, chứ không muốn là sự sống tinh thần như Thiên Chúa kêu gọi. Do đó, họ rất
ít nghe lời các tiên tri. Hơn nữa, họ còn bỏ rơi các ngài. Thường khi họ còn
giết chết các ngài nữa. Mà các ngài đâu có thiếu gì các quyền năng? Êlya không
có quyền đóng góp cửa trời và làm mưa sao? Thế mà có ai trong dân Do Thái được
nhờ ông? Trái lại một góa phụ ở Sarepta thuộc dân ngoại đã được ông cứu đói.
Êlisê cũng vậy. Ông là tiên tri rất mạnh thế.
Tuy nhiên cũng chẳng
ai trong dân Do Thái được cho lành bệnh, đang khi Naaman, một bậc khanh tướng
ngoại đạo đã được ông chữa khỏi bệnh cùi. Luca trích dẫn những câu chuyện này
để phục vụ ý kiến của ông khi viết cuốn Tin Mừng thứ ba. Ông có ý diễn tả rằng
dân Do Thái đã không biết đón nhận nhà tiên tri ở giữa họ là Ðức Giêsu thành
Nadarét. Và vì vậy sự nghiệp ân sủng của Người đã được chuyển sang cho dân
ngoại là Hội Thánh hiện nay.
Luca đã không muốn
lợi dụng câu chuyện đã xảy ra trong Hội đường Nadarét để tổng quát hóa công
cuộc cứu thế của Ðức Giêsu Kitô và để báo trước đau khổ vinh quang đang chờ đợi
Người. Người đã đến giữa dân Người, rao truyền tin mừng cứu độ, nhưng thân nhân
của Người và dân Người đã không đón nhận, nên ơn cứu độ của Người mang đến đã
chuyển sang dân ngoại là Hội Thánh chúng ta ngày nay.
Lời khẳng định này,
làm sao người Do Thái có thể chịu đựng được? Họ đã nhất tề đứng lên, hung hăng
lôi Ðức Giêsu ra khỏi thành, đưa Người lên một sườn đồi và định tâm đẩy Người
xuống cho chết đi. Nhưng Người đã nhẹ nhàng đi qua mặt họ để tiếp tục cuộc hành
trình.
Bằng những lời đơn sơ
này, Luca muốn báo trước cuộc tử nạn của Ðức Giêsu. Người sẽ bị người Do Thái
kéo ra khỏi thành và đóng đinh trên sườn đồi... Nhưng Người sẽ nhẹ nhàng linh
diệu thoát khỏi nơi họ đẩy Người tới để sống lại vinh quang, tiếp tục công việc
cứu thế của Người.
Như vậy, có thể nói,
bài Tin Mừng hôm nay không chỉ đơn sơ thuật lại những gì xảy ra trong hội đường
ở Nadarét. Hoặc Luca đã dùng câu chuyện này để vẽ ra trước tất cả định mệnh của
vị tiên tri đến rao giảng ơn cứu độ cho dân Người. Người cũng bị đối xử không
hơn gì các tiên tri đi trước. Như bài sách Giêrêmia đã nói. Nhưng cũng như tiên
tri này đã loan báo, Người thật là sứ giả của Thiên Chúa gửi đến báo cho các
dân tộc. Hoặc đúng hơn, Luca đã dùng những biến cố trong cuộc đời của Ðức Giêsu
Kitô, và đặc biệt những sự kiện tử nạn và phục sinh của Người, làm đèn chiếu
sáng lên câu chuyện xảy ra tại hội đường ở Nadarét và thuật lại sự kiện theo
ánh sáng mầu nhiệm chết và sống lại của Ðức Giêsu Kitô.
Dù sao, bài Tin Mừng
hôm nay không những cho chúng ta thấy cuộc đời vất vả của Chúa Cứu Thế, nhưng
còn muốn gợi lên phản ứng tự nhiên của loài người xác thịt đối với tin mừng cứu
độ và hạnh phúc đang dành cho lương dân đón nhận tin mừng.
Chúng ta dĩ nhiên
không muốn cư xử như người Do Thái. Nhưng để được như vậy, phải làm gì? Xin vị
tông đồ các dân ngoại soi sáng giúp đỡ chúng ta.
3. Con Ðường Chúng Ta
Phải Ði
Thánh Phaolô gởi thư
cho giáo dân Côrintô. Ở đây người ta đang háo hức được các ơn lạ để phục vụ
Chúa, họ thèm ơn nói tiếng lạ, ơn tiên tri, ơn chữa bệnh, ơn xưng đạo mạnh mẽ
hơn. Nhưng thánh tông đồ thấy có nhiều khuynh hướng chuộng hào nhoáng trong
những sự háo hức này. Ðó không phải là con đường nên đi vào. Nó sẽ biến những
tín hữu trở thành những con người xác thịt như dân Do Thái ngày trước.
Và thánh nhân đã chỉ
cho mọi người thấy con đường phải đi vào. Ðó là bác ái. Thiếu bác ái mọi đặc
sủng kia sẽ rỗng tuyếch. Vì người ta muốn phục vụ ư? Ao ước làm được những sự
ngoạn mục, thật là vô ích. Ðức Giêsu đến phục vụ không làm như vậy. Người đã
yêu thương chúng ta và yêu thương cho đến chết. Thế nên đối với thánh Phaolô, ở
đây, con đường bác ái yêu thương rất cụ thể.
Nó có hai hạng người
làm đối tượng: kiên nhẫn với kẻ thiếu nhân đức và giúp đỡ những kẻ thiếu thốn.
Ðối với cả hai hạng người, kẻ bác ái phải có những thái độ chứng tỏ lòng kiên
nhẫn và bộc lộ lòng quảng đại. Tiêu cực, họ không được nóng nảy, bực tức, hoặc
chán nản, tuyệt vọng; còn tích cực, họ phải duy trì niềm vui, tin tưởng và kiên
trì. Ðược như vậy, đức bác ái sẽ toàn thắng sự dữ và giúp đỡ được hiệu năng.
Thế nên, so sánh với
những đặc sủng mà người ta ao ước như các ơn nói tiếng lạ, ơn nói tiên tri, ơn
chữa bệnh, ơn giảng đạo, đức bác ái rõ ràng trổi vượt. Tất cả các ơn kia có
ngày sẽ hết. Chúng chỉ cần cho đời tạm này. Nhưng lòng bác ái sẽ tồn tại mãi
mãi đi theo ta sang cả thế giới bên kia. Mà sánh với hai nhân đức khác là đức
tin và đức cậy, nhân đức bác ái vẫn trổi hơn. Cả ba nhân đức này đều cần thiết
cho đời sống đạo và cho mọi nhân đức khác. Cả ba cũng theo ta sang cả đời sau,
theo nghĩa đức tin là trạng thái cởi mở tâm hồn nhận biết Chúa thì đời sau vẫn
cần; và đức cậy cũng sẽ cần vì là trạng thái của linh hồn muốn được Chúa yêu
thương. Nhưng đức mến sẽ tồn tại và cao quý hơn hết vì nó làm cho chúng ta kết
hợp với Thiên Chúa là bản chất của đời sóng hạnh phúc sau này ở trên trời.
Thế nên chúng ta hãy
đi vào con đường bác ái. Trươc đây, người Do Thái không đi con đường ấy nhưng
bước theo hướng xác thịt hời hợt bề ngoài vì họ như là trẻ con đối với thời đại
Thánh Thần yêu mến đã được đổ xuống trong Hội Thánh. Ngày nay được phúc ở trong
thời đại sung mãn, chúng ta phải đi vào con đường trưởng thành là bác ái.
Và giờ đây hơn bao
giờ hết khi cử hành thánh lễ, chúng ta được đưa vào con đường bác ái. Không
những chúng ta được thấy Ðức Giêsu đến rao giảng tin mừng cứu độ như là vị tiên
tri cao trọng hơn mọi tiên tri. Người còn thể hiện mầu nhiệm tử nạn phục sinh
để hoàn thành sứ mệnh tiên tri của Người một cách siêu việt hẳn hơn Giêrêmia
ngày trước... Và hơn cả hôm Người ở trong hội đường ở Nadarét.
Mầu nhiệm bàn thờ đây
còn tuôn đổ Thánh Thần yêu mến cho những ai thành khẩn tham dự. Nhưng cử hành
thánh lễ sốt sắng bao nhiêu, họ phải sống bác ái chân thật và cụ thể bấy nhiêu
để lấy kiên nhẫn lướt thắng sự tội và lấy phục vụ xóa bỏ nghèo khó. Phấn đấu
hết mình cả về phương diện tinh thần cả về phương diện vật chất là nhiệm vụ của
những ai đi trong con đường bác ái. Ai đã dự lễ mà có thể từ chối đi vào con
đường ấy?
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)