SỰ
THẬT MẤT LÒNG
(CHÚA
NHẬT IV, THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
(Bài Đọc I: Giêrêmia
1: 4-5, 17-19; Bài Đọc II: Corintô 12: 31 – 13: 13;
Bài Phúc Âm:
Luca 4:21-30)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Trong tiếng Việt
Nam có câu nói “Sự Thật mất lòng!” và Chúa Giêsu nói “Sự Thật giải thoát anh
em!” (Gioan 8: 32). Chúng ta thường không thích nghe những lời “nói thẳng và
nói thật” vì va chạm tự ái của chúng ta; nhưng nếu biết khiêm tốn lắng nghe và
sửa đổi, thì “Sự Thật lại giải thoát chúng ta” khỏi những khuyết điểm mà mình
không nhìn ra, và như thế “Sự Thật” xây dựng chúng ta. Trái lại, những lời nịnh
bợ tâng bốc thường làm chúng ta ra mù quáng và không nhìn được rõ những khuyết
điểm để sửa đổi.
Bài Phúc Âm hôm
nay cho chúng ta thấy nhân dịp về thăm quê hương Nagiaret, vào ngày Sabbat,
Chúa Giêsu cũng vào sinh hoạt tại Hội Đường và nhân dịp được mời đọc Sách
Thánh, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cộng đoàn về lời trong Thánh Kinh: “Thần Khí
Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo
khó…” Thánh Luca ghi lại: “mọi người đều thán phục những lời Ngài nói…” Nhưng
vẫn có những người đặt vấn đề “Ông này không phải là con bác thợ mộc đó sao?”
Biết phản ứng của họ như vậy, Chúa Giêsu đã nói rõ sự thực về tâm tính
ngang bướng của họ và của cha ông họ thời xưa, và đưa ra những bằng chứng
rất rõ ràng. Thế là “mọi người trong hội đường (bị chạm tự ái) đã nổi giận, lôi
Chúa Giêsu lên đỉnh đồi và định xô Ngài xuống vực thẳm.”
Đúng là sự thật
mất lòng và đưa đến thù hận. Nhưng trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã
không sợ nói sự thật và thường được dân chúng hân hoan đón nhận. Tuy nhiên,
vẫn có những người đầy tự ái, như các kinh sư, biệt phái, họ không muốn
nghe sự thật; họ căm phẫn, và nhiều lần họ đã âm mưu giết Chúa. Cuối cùng họ đã
lên án và giết Người trên Thánh Giá. Nhưng đó lại là chương trình cứu độ của
Thiên Chúa.
Thực ra, Chúa Giêsu
không phải vì ghét họ mà nói sự thật. Nhưng Ngài muốn “nói thẳng, nói thật” để
cảnh tỉnh họ và giúp họ sửa đổi, và có thể nhận ra chương trình cứu độ của
Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Bằng chứng là trong cuộc đời rao
giảng, Chúa Giêsu đã đến với người bệnh hoạn, nghèo khó, bị bỏ rơi để giúp đỡ
và rao giảng cho họ và khi có dịp, Chúa Giêsu cũng vẫn đến thăm nhà
và dùng bữa với những người biệt phái, những kinh sư, đến với những người tội
lỗi, những người thu thuế (Matthêu 9: 10-13). Tất cả là vì tình thương của Chúa
đối với mọi người, và mong muốn mọi người sửa đổi cuộc sống để được hưởng ơn
cứu độ.
Nhìn vào đời sống của
các Tiên Tri thời Cựu Ước, chúng ta thấy các tiên tri được Chúa sai đến để nói
sự thật với Dân Chúa cũng chỉ với mục đích kêu gọi họ bỏ cuộc sống tội lỗi, vô
luân để sống theo lề luật Chúa, sống xứng đáng con cái Chúa. Dân chúng thường
đón nhận lời các tiên tri; nhưng cũng vẫn có những kẻ chống đối, và có những
tiên tri bị bách hại, bị xua đuổi và có khi bị giết chết nữa (Matthêu 23:
34-36). Vị tiên tri cuối cùng là Thánh Gioan Baotixita cũng bị tù đày và giết
hại.
Hôm nay, trong bài Đọc
I, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn Giêrêmia (sinh khoảng 650 trước Chúa Giáng
Sinh) làm Tiên Tri cho Chúa. Chúa bảo ông: “Hãy nói cho dân chúng những điều Ta
truyền ngươi nói với họ. Đừng run sợ trước mặt họ!... Họ sẽ chiến đấu chống
ngươi, nhưng họ sẽ không thắng được ngươi, vì ta ở với ngươi để giải thoát
ngươi.” Đúng như lời Chúa nói, trong cuộc đời rao giảng những mệnh lệnh của
Chúa, tiên tri Giêrêmia đã phải nói những sự thật để giúp họ sửa đổi ‘lòng chai
đá của họ’, vì thế mà tiên tri đã gặp rất nhiều chống đối, thù ghét. Sau cùng
tiên tri bị giết chết (vào khoảng 580 trước Chúa Giáng Sinh) trong thời bị lưu
đày ở Ai-Cập. Chính sau cái chết thảm khốc của ông mà dân chúng càng hiểu ông
hơn và đem lòng sùng mộ, và nhận ra những điều chân thật tiên tri đã giảng dạy ho.
Mỗi tín hữu chúng ta,
sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng
ta cũng đều có bổn phận phải làm “tiên tri”, làm “chứng nhân” cho Chúa để loan
báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong khi loan truyền Lời Chúa,
thường khi chúng ta cũng gặp được những con người vui vẻ đón nhận, nhưng cũng
có những trường hợp bị phản ứng bất lợi. Chúng ta luôn phải kiên nhẫn chịu
đựng, và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa chính chúng ta, và thánh
hóa những người chúng ta rao giảng; cầu nguyện đặc biệt cho những người chống
đối chúng ta (Matthêu 5: 43-48). Tất cả chỉ vì lòng “mến Chúa và yêu người” mà
chúng ta làm nhiệm vụ “tiên tri” và chứng nhân cho Chúa.. “Lòng mến Chúa yêu
người” tức là đức Bác Ái, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài Đọc II
hôm nay: “Đức Bác Ái thì nhẫn nhục… tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả…”
Mong rằng từ nay chúng
ta biết ý thức hơn về bổn phận rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Chúa (nhất là
bằng chính đời sống gương mẫu của chúng ta) trong cuộc sống hàng ngày nơi gia
đình, sở làm, trường học, với mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc. Trong cuộc
hành trình Đức Tin, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với anh
chị em chúng ta, chúng ta cần nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, luôn giữ vững
Đức Tin, duy trì Đức Bác Ái, và cùng nhau giúp đỡ những người chưa nhận biết
Chúa được nhận ra Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người rao
giảng Tin Mừng cứu độ, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc chúng ta; Người đã
sống lại và về trời để mở đường cứu rỗi chúng ta. Ai tin và sống theo giới răn
của Người, thì được ơn cứu chuộc.
Cuộc sống mỗi người ở
trần gian này rồi sẽ qua đi, chúng ta hãy biết dùng mọi thời gian còn lại, mọi
phương thế có thể được để giúp đỡ mọi người, không phải chỉ bằng vật chất,
nhưng cả về đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, để mọi người có thể
hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa.
“Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan
báo Tin Mừng.
Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi,
Ngài sai tôi đi,
Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến
với người lao tù,
Mang Tin Mừng giải thóat, Thiên Chúa đã cứu
tôi…”
(Thiên Lan: Thánh
Ca: “Thần Khí Chúa”)