Chúa Nhật 4 Thường niên

 

Sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 4:21-30)

 

          Rao giảng Tin Mừng cứu độ là sứ vụ của Chúa Giê-su, còn đón nhận Tin Mừng là việc đáp trả của chúng ta.  Chúa Giê-su trở về Na-da-rét với tính cách Đấng cứu độ, nhưng Người bị dân chúng xua đuổi và thậm chí họ còn muốn giết chết Người nữa.  Kinh nghiệm cay đắng này nói lên hình ảnh Đấng rao giảng Tin Mừng luôn trung thành trong sứ vụ trước mọi khó khăn, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy có tư thế xứng đáng để đón nhận Tin Mừng.

          -  Chúa Giê-su trung thành trong sứ vụ:  Kinh nghiệm Na-da-rét có thể làm cho Đấng rao giảng Tin Mừng phải nhụt khí hoặc chán nản.  Sự thay đổi quá nhanh nơi tâm hồn người dân Na-da-rét từ thán phục đến muốn giết hại Chúa Giê-su chung quy cũng chỉ vì Người không chịu đáp ứng những nhu cầu ích kỷ của họ, hoặc vì họ khinh rẻ xuất xứ tầm thường của Người.  Dân chúng Na-da-rét chắc chắn là những hàng xóm láng giềng thân quen của Chúa Giê-su, nên việc họ chối bỏ Người làm cho Người đau đớn hơn là khi Người bị những người xa lạ chối bỏ.  Hơn nữa đây cũng là vào lúc khởi đầu sứ vụ, nên kinh nghiệm bị chối bỏ này càng làm cho Chúa Giê-su dễ bị cám dỗ bỏ cuộc.  Đáp lại lối cư xử ngạo mạn của dân Na-da-rét, Chúa Giê-su không dùng quyền năng để trừng trị họ.  Trái lại, Người khiêm tốn giữ im lặng, không nguyền rủa, nhưng băng qua giữa họ mà đi.  Thái độ khiêm tốn này còn được lập lại khi Người đến một làng miền Sa-ma-ri nhưng họ không đón tiếp Người (Lc 9:51-56) và khi Người dạy môn đệ đi truyền giáo phải làm thế nào nếu bị người ta chối bỏ (Lc 9:4-5).  Trung thành được biểu lộ rõ ràng nhất khi chúng ta gặp khó khăn và chống đối.  Càng khó khăn, Chúa Giê-su càng trung thành hơn, trung thành đến chấp nhận cái chết khổ nhục.

          -  Chúng ta phải tiếp nhận Tin Mừng với thái độ nào?  Nhìn vào bài học dân Na-da-rét đối xử với Chúa Giê-su, chúng ta biết phải làm sao đón nhận Chúa và lời giảng của Người.  Trước hết chúng ta phải loại bỏ những thiên kiến và tham vọng ích kỷ.  Dân chúng Na-da-rét chỉ thấy Chúa Giê-su là “con ông Giu-se” với nghề thợ mộc, chứ không muốn nhìn nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ.  Họ chỉ muốn xem phép lạ Người làm, chứ không muốn nghe lời giảng Người dạy để giúp họ hoán cải.  Cũng vậy, chúng ta cần phải lắng nghe Chúa thay vì đòi hỏi Người phải làm điều này điều nọ cứu giúp chúng ta.  Thái độ nội tâm luôn cần thiết để chúng ta biết lắng nghe và Lời Chúa nhắm vào ích lợi thiêng liêng chứ không phải ích lợi vật chất.

Thứ đến, chúng ta hãy xác tín Người được sai đến với mọi người không trừ ai, miễn là họ có lòng tin.  Lòng tin của bà góa Xa-rép-ta và ông Na-a-man là gương mẫu giúp chúng ta tiếp nhận Chúa và lời giảng của Người.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sứ vụ rao giảng qua Giáo Hội.  Mỗi Thánh lễ phải là một buổi chúng ta lắng nghe Chúa Giê-su giảng dạy Tin Mừng cứu độ.  Lời Chúa trong mỗi Thánh lễ là thần lương nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trong ngày hoặc trong tuần.  Thêm vào những bài đọc Sách Thánh, chúng ta còn được nghe chia sẻ Lời Chúa.  Giáo Hội sơ khai đã coi việc lắng nghe lời Chúa và việc “bẻ bánh” ngang hàng với nhau.  Vậy chúng ta hãy khiêm tốn xét lại việc tham dự Thánh lễ và việc lắng nghe Lời Chúa, để chúng ta khỏi đi vào vết chân của dân làng Na-da-rét là muốn xô Chúa ra khỏi tâm hồn chúng ta.

Lm. Dominic TTL           

         

                   


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C