Chúa Nhật 6 Mùa Thường Niên Năm C
Giáo Lý Của Tân Ước
(Giêrêmia 17,5-8; 1Côrintô 15,12.16-20; Luca 6,17.20-26)
Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các
ngươi là kẻ giàu có".
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với
mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và
một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo
đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn
các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước
Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát,
vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc
lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà
người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi
như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần
thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các
tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì
các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê
đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui
cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca
tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri
giả".
Suy Niệm:
Các Cbúa nhật trước đã cho chúng ta thấy Ðức
Giêsu khởi sự truyền giáo. Người từ giã gia đình để đi vào xã hội (tiệc cưới
Cana, Chúa Nhật II). Người đến hội đường Nadarét tự giới thiệu là vị tiên tri
mà Thiên Chúa hứa gửi đến (Chúa Nhật III). Kẻ đồng hương phủ nhận Người (Chúa
Nhật IV) khiến chúng ta thấy trước công việc của Người rồi sẽ đi tới đâu. Nhưng
Ðức Giêsu đã chọn các tông đồ để sứ mạng của Người được đảm bảo trong tương lai
(Chúa Nhật V). Hôm nay (Chúa Nhật VI) bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy chính
nội dung giáo lý của Người, cũng là giáo huấn trường tồn trong Hội Thánh. Nó đã
được chuẩn bị trong Cựu Ước, như bài sách Giêrêmia có thể cho chúng ta thấy. Và
nó chỉ có thể được tin theo nếu chắc chắn ở việc Ðức Giêsu đã sống lại để trở
thành người đi trước chúng ta vào hạnh phúc trường sinh.
Bài thư Phaolô hôm nay ngắn nhưng rất quan trọng.
Chúng ta hãy suy niệm Lời Chúa để nhận ra những bài học rất hiện đại cho đời
sống con người.
1. Sự Khôn Ngoan Của Cựu Ước
Giêrêmia là một tiên tri. Ông
là một trong bốn tiên tri lớn còn lại một văn phẩm. Ở đây lời lẽ của ông không
có vẻ "tiên tri" bao nhiêu. Ðành rằng vẫn có công thức mà các tiên
tri vẫn dùng để khai ngôn: "Lời Chúa phán như thế này". Nhưng sau đó
tác giả đã sử dụng lối văn khôn ngoan, đưa ra ý kiến phải ăn ở thế nào cho được
hạnh phúc và khỏi bất hạnh.
Thực ra thì lối văn này
không phải là không bao giờ được các tiên tri dùng. Môsê vẫn dùng nó khi vạch
ra cho con cái Israen thấy rằng họ luôn luôn đứng trước hai con đường: một
đường dẫn đến sự sống và một đường dẫn đến sự chết. Người ta được tự do lựa
chọn một trong hai con đường ấy. Cũng là hai con đường hạnh phúc và vô phúc. Lối
văn tiên tri thường không mặc hình thức trình bày gẫy gọn ấy... Nó thường phong
phú và tâm tình hơn. Nhưng cuối cùng nó thôi thúc người ta phải lựa chọn giữa
đường dẫn tới sự sống và đường đưa tới sự chết. Ðoạn tiên tri Giêrêmia hôm nay
là một khúc nằm trong toàn bộ tác phẩm mang tên ông. Nó mặc hình thức lối văn
khôn ngoan, nhưng vẫn giữ giọng tiên tri, vì nó bắt đầu với những câu tuyên án
mà các tiên tri vẫn phải nói để sửa sai và phá đổ.
Giêrêmia loan báo tai họa
cho kẻ tin tưởng vào người đời và trở lòng đối với Chúa. Ông có nhắm cụ thể vào
ai không, hay chỉ nêu lên những lẽ khôn ngoan ngàn đời? Chắc chắn nhiều người
nghe ông nói thời bấy giờ, đã giật mình và khó chịu. Họ cảm thấy bị nhắm thật
sự. Vì ở thời Giêrêmia con cái Israen đang sa sút lòng đạo đức. Nhất là bậc vua
Sêđêcias (597-586 trước CN). Nhà vua không chịu nghe lời tiên tri. Cứ ăn ở theo
xác thịt. Rồi thấy roi Chúa bắt đầu quất lên, thay vì thống hối ăn năn trở về
với Người, ông đi tìm sức mạnh nơi các liên minh quân sự. Ông không đang trở
lòng với Chúa và tin tưởng vào phàm nhân sao? Ông bỏ chỗ cậy dựa vào Thiên Chúa
cao cả, để cầu cứu với những con người xác thịt. Và không riêng gì Sêđêcias.
Hầu hết hàng đầu mục dân bấy giờ đều như vậy. Chính sách của Israen bấy giờ là
coi thường đường lối của Chúa và tin tưởng ở mọi tổ chức loài người.
Giêrêmia đến làm sứ mạng
tiên tri... Ông nguyền rủa chính sách ấy. Ông loan báo tai họa sẽ ập đến trên
những kẻ bỏ Chúa như vậy. Họ sẽ như cỏ cây nơi sa mạc, làm sao có được hạnh
phúc? Nắng sẽ thiêu, đất sẽ đốt, cỏ sẽ rụi. Khác hẳn với con người đặt tin
tưởng vào Chúa. Họ như cây trồng bên bờ suối. Rễ sẽ mát, lá sẽ tươi, trái sẽ
nhiều. Ðó là những hình ảnh quen thuộc mà Kinh Thánh vẫn dùng để mô tả định
mệnh của kẻ dữ, người lành. Giêrêmia lặp lại những hình ảnh ấy để khẳng định
niềm tin của mình và kêu gọi mọi người trở về với Chúa.
Ðó chỉ là sáo ngữ hay là
những lời chân thật? Chúng ta biết Sêđêcias đã kết thúc cuộc đời thảm hại như
thế nào: ông bị bắt, bị khoét mắt, bị dẫn đi lưu đày và con cái ông đã bị tàn
sát thảm thương (Gr 39,1-10).
Giêrêmia đã không thấy trước
hoàn toàn như vậy đâu. Nhưng ông thâm tín về chung cuộc bi đát của những kẻ bất
trung với Chúa. Ông nói lên những lời khôn ngoan và tiên tri cho mọi người và
mọi thời. Chẳng bao giờ những lời này mất giá trị. Nhưng chúng ta cũng có những
giáo huấn rõ ràng và đầy đủ hơn nữa. Chính Ðức Giêsu đã đến dạy chúng ta. Và
thánh Luca đã ghi lại cho Hội Thánh trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Giáo Lý Của Tân Ước
Ðức Giêsu bấy giờ ở trên núi
xuống... Người vừa qua một đêm cầu nguyện cùng Chúa Cha... Và sáng ngày, Người
đã gọi 12 môn đệ lại và đặt họ làm tông đồ. Bấy giờ Người xuống khỏi núi, không
những có đoàn 12 và nhiều môn đệ khác đi theo, mà còn có rất đông dân chúng
đang đứng chờ ở một chỗ đất bằng và rộng. Họ từ khắp nơi kéo đến, như muốn đươc
chia sẻ những gì mà Ðức Giêsu đã ban cho các tông đồ của Người khi ở trên núi. Quả
vậy, thánh Mátthêu nói rằng Ðức Giêsu đã giảng về các Phúc thật khi ở trên núi
và bài giảng đó được mệnh danh là bài giảng trên núi. Nó lại kê khai 8 điều
phúc hứa cho những người nghe Lời Chúa, nên được gọi là bài giảng 8 mối phúc
thật. Ở đây chúng ta chỉ thấy có 4 điều phúc và thấy Ðức Giêsu đã tuyên bố
những điều này ở một chỗ đất bằng phẳng và rộng. Là vì thánh Luca là tác giả có
tinh thần phổ quát, muốn cho hết mọi dân tộc được chia sẻ tin mừng cứu độ. Chỗ
đất bằng và rộng gợi lên mặt biển bao la mà tác giả đã nhiều lần vượt qua với
thánh Phaolô để mang tin mừng đến cho các dân tộc. Hôm nay các dân tộc cũng
hiện diện chỗ đất bằng và rộng này vì có đông đoàn lũ từ Giêrusalem và nhiều
tỉnh kéo đến.
Chắc chắn không phải Luca đã
bớt xén bài giảng của Ðức Giêsu, khiến 8 mối phúc thật chỉ còn có 4. Chúng ta
phải nói rằng cả thánh Luca và thánh Mátthêu đã ghi lại toàn bộ bài giảng của
Chúa qua trung gian một bản văn đã có trước bản văn của các ngài. Bản văn này
ghi 4 điều phúc cho kẻ nghèo, kẻ đói, kẻ khóc, và kẻ bị bắt bớ vì đạo. Mátthêu
và Luca cũng chép lại cả 4, nhưng cả hai muốn quảng diễn thêm. Mátthêu thì phân
4 thành 8; còn Luca thì nhân 4 với 2, tức là dùng thêm hình thức tiêu cực,
nghĩa là sau khi nói đến 4 điều phúc, Luca nói đến 4 điều vô phúc cho những kẻ
mâu thuẫn với 4 hạng người nghèo, đói, khóc lóc, và bị ghét bỏ, thì bốn điều vô
phúc lại đe dọa những kẻ giàu, no, cười cợt và được tâng bốc. Như vậy, thể văn
của Luca gần với lối văn khôn ngoan như chúng ta nhìn thấy trong bài sách
Giêrêmia. Ở đây chúng ta cũng đã thấy có 2 phần: đoạn trước nói về số phận
những kẻ bỏ Chúa để chạy theo thế gian. Ðịnh mệnh của họ ngược hẳn với tương
lai của những người đặt hết tin tưởng vào Chúa, được trình bày ở đoạn sau. Nhưng
chúng ta hãy thôi nói về hình thức văn chương, để tập trung suy nghĩ vào tư
tưởng của bài Tin Mừng hôm nay.
Luca là một y sĩ và là tác
giả của lòng Chúa thương xót nhân loại. Ngay từ câu đầu tiên, chúng ta đã nhìn
thấy một lòng thương xót rất cụ thể. Luca viết rằng: Chúa phán: Phúc cho những
kẻ khó nghèo; chứ không nói như Mátthêu: Phúc cho những kẻ có tinh thần nghèo
khó. Có thể nói được rằng, theo Luca, khi ấy Ðức Giêsu nhìn vào môn đồ và tuyên
bố như trên. Lời của ngài có tính cách rất chân thật vì các môn đệ kia thật sự
đã khó nghèo... Và khi ghi lại Lời Chúa, Luca cũng thấy trước mắt chỉ có những
kẻ nghèo khó đã tin vào Phúc Âm và đang làm nên Hội Thánh của Chúa ở trần gian.
Nói cách khác theo Luca, Chúa tuyên bố những người nghèo khó trong xã hội là
những người có phúc. Còn những người giàu có, chính là những hạng vô phúc.
Và như vậy Luca tỏ ra trung
thực với truyền thống các tiên tri trong Cựu Ước. Vì các ngài luôn loan báo
những kẻ nghèo khó sẽ được rao giảng Tin Mừng. Nay Ðức Giêsu mang Tin Mừng đến;
những người có phúc nhận lãnh chính là những thành phần nghèo khó trong xã hội.
Chính Người cũng đã sinh ra giữa đám người này. Họ là những người đầu tiên được
loan báo ơn cứu độ đã đến, khi sứ thần Thiên Chúa hiện ra với mục đồng trong
đêm Chúa Giáng Sinh, Nhiều lần Người khẳng định Tin Mừng và của cải không thể
đi với nhau, vì nhất thiết họ sẽ mê của và bỏ Chúa, hoặc ngược lại người ta sẽ
đi theo Chúa và bỏ hết mọi sự.
Ðặc biệt nhất trong sách
Luca có câu chuyện người phú hộ và Lazarô, một kẻ ăn mày ngồi ở ngoài cửa nhà
ông (16,19-32). Không phải người giàu có ác tâm gì với Lazarô. Nhưng khi hai
người chết, số phận đã đảo ngược hẳn lại. Lazarô được đưa vào cung lòng
Abraham, còn người phú hộ phải ở nơi đau đớn. Lý do chỉ vì xưa kia ông đã sung
sướng và Lazarô đã khổ; bây giờ Lazarô được an ủi và ông phải đau đớn. Dĩ nhiên
chúng ta không nên cắt nghĩa một cách máy móc. Nhưng phải thành thật công nhận
rằng Kinh Thánh vẫn có truyền thống chiếu cố những thành phần nghèo khó trong
xã hội và thường phủ nhận nếp sống của những người giàu sang.
Sách Tin Mừng của Luca lại
càng rõ rệt về vấn đề này (xem 16,13; 18,22.25; 12,30; 8,14...) Có thể vì như
sách ấy viết ở đầu, tác giả đã tra cứu kỹ lưỡng về cuộc đời của Chúa Cứu Thế và
thấy rõ thái độ ưu ái của Người đối với thành phần nghèo khổ trong xã hội. Và
cũng có thể vì yêu mến Hội Thánh và thấy Hội Thánh gồm toàn những thành phần
khổ sở nhất trong xã hội, tác giả thâm tín quả thật Nước Trời là của những kẻ
nghèo khó.
Một bằng chứng nữa về việc
tác giả Luca đã hiểu những con người nghèo khó đây một cách cụ thể là cách
người trình bày các mối phúc thật sau. Khác với bản văn có trước mà Người với
thánh Mátthêu đã sử dụng để viết lại bài giảng của Chúa, đoạn Tin Mừng hôm nay
đã đổi chỗ nói về những con người đói ăn lên trước những con người khóc lóc. Và
như vậy những con người nghèo khổ trước hết là những con người bây giờ túng
đói. Họ sẽ được no đầy ở đời sau; nhưng bây giờ Nước Trời cũng đã là của họ rồi
vì họ là thành phần những người nghèo khó. Ngược lại, những kẻ bây giờ no đủ
sau này sẽ bị đói khát, như người phú hộ nọ.
Nhưng trong truyền thống của
Thánh Kinh, những kẻ nghèo khó không những phải túng đói mà còn gặp rất nhiều
đau khổ khác ở đời. Hiện tại họ phải khóc lóc; nhưng phúc cho họ vì họ sẽ được
vui cười. Còn những kẻ bây gờ vui cười, sau này sẽ phải ưu phiền khóc lóc. Có
thể nói ba mối phúc đầu làm thành một bộ và chủ yếu nhắm tới hạng người khổ sở
trong xã hội mà Kinh Thánh gọi chung là những người nghèo khó. Họ sẽ được rao
gaỉng Tin Mừng cho ở đời này và sẽ được bù lại ở đời sau... Nhưng khi đã lãnh
nhận Tin Mừng, họ phải cẩn thận. Nếu họ bị ghét bỏ vì danh Chúa; thì họ có phúc
vì họ sẽ giống các tiên tri thật. Còn nếu họ được khen lao, họ sẽ như các tiên
tri giả.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, ở
đây tác giả Luca cũng đã diễn tả Lời Chúa cho một hoàn cảnh rất cụ thể. Chúa đã
nói trước cho các môn đệ biết họ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ vì Tin Mừng... Nhưng khi
Luca viết sách, có lẽ các cơn bắt đạo chưa mãnh liệt hoặc đã lặng xuống. Ngược
lại, đâu đâu người ta theo Chúa cũng bị kỳ thị và gặp khó khăn. Do đó tác giả
không nói đến bắt bớ mà chỉ diễn tả ý tưởng bị ghét bỏ. Và như vậy chúng ta lại
có dịp phải hiểu sách Luca trong hoàn cảnh cụ thể của Hội Thánh.
Dân Chúa bấy giờ, như sách
Công Vụ các Tông Ðồ cho thấy là cộng đoàn bác ái đến nỗi không còn ai nghĩ của
mình có là của riêng mình nữa, nhưng đã đem chia sẻ hết cho nhau để không còn
ai túng thiếu. Tuy lòng bác ái đã bắt đầu sa sút khi những kẻ muốn giữ một phần
của cải lại cho mình, như vợ chồng Anania... Luca thấy rõ tiền của thật là bất
lương (16,9). Người ta không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được (16,13). Thế
nên phúc cho người nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của họ.
Nhưng dân Chúa bấy giờ cũng đang gặp khó khăn với
người Do Thái, nên phúc cho họ khi bị kỳ thị vì danh Chúa. Họ đang đóng vai trò
của các tiên tri thật ở giữa dân được tuyển chọn. Sự khôn ngoan của Cựu Ước vì
thế nay đã thuộc về họ. Họ hãy tin tưởng vào Chúa.
3. Niềm Tin Của Chúng Ta
Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay ở trong Hội Thánh
dĩ nhiên đã khác với thời thánh Luca. Nhưng những nét tả trên đây của Người về
Hội Thánh vẫn còn nhiều giá trị. Mọi nơi, Tin Mừng Nước Trời vẫn đến với những
người nghèo khó và những người theo Chúa thường bị ghét bỏ... Chúng ta không
mong nhận được bù đắp và phần thưởng ở đời này, vì đúng như lời thánh Phaolô
hôm nay nói: Nếu chúng ta đặt mối hy vọng vào Ðức Kitô vỏn vẹn cho lúc sinh
thời này thôi thì quả thật chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong tất cả thế
gian. Không, vì chúng ta tuyên xưng Ðức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, thì
chúng ta cũng chắc chắn rằng những kẻ chết trong Người cũng sẽ sống lại.
Tuy nhiên ngay ở trần gian này, mỗi khi cử hành
phụng vụ Thánh Thể, hơn bao giờ hết, chúng ta lại thấy được ở trong Nước Trời.
Và đó không phải là một hạnh phúc nhỏ đâu... Nói cách khác, đời sống Kitô hữu
hiện nay của chúng ta đang thể hiện những lời Luca đã viết và đã được sự khôn
ngoan của các tiên tri ngày xưa báo trước. Về mặt xã hội chúng ta là những
thành phần khó nghèo và đang phải phấn đấu nhiều, nhưng hiện nay nhờ mầu nhiệm
Ðức Giêsu Phục Sinh, không những chúng ta được an ủi vì đang ở trong Nước Trời,
nhưng hơn nữa, chúng ta còn nắm vững niềm tin về hạnh phúc bất diệt sau này,
khi những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại cho sự sống muôn đời. Và không nói
gì xa, cộng đoàn phụng vụ chúng ta đang ở đây lúc này, là gì sánh với xã hội
loài người? Nhưng ai trong chúng ta không đang cảm thấy được hạnh phúc tràn trề
vì đang được tiếp xúc, được vây quanh, được ở trong Nước Trời của Tin Mừng cứu
độ? Và mầu nhiệm Nước Trời cử hành bây giờ không là bảo chứng cho việc sống lại
mai ngày và hạnh phúc trường cửu sao? Do đó chúng ta hãy yêu mến phụng vụ, hãy
cử hành thánh lễ sốt sắng đầy niềm tin, để luôn luôn trong cuộc sống hằng ngày
chúng ta vẫn nhớ mình đang có hạnh phúc Nước Trời và sự sống muôn đời nhờ Ðức
Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết. Chúng ta hãy đứng lên tuyên
xưng niềm tin ấy.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)