Chúa Nhật VI Thường Niên C
Phúc Cho Người Nghèo Khó
Lc 6:17.20-26: 17 Khi đi xuống cùng với
các ông, Người đứng ở một chỗ đất bằng, với đông đảo môn đệ của Người, và đoàn
lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và
Xiđôn.
20
Ngước mắt lên nhìn các môn đệ và Người nói: "Phúc cho anh em là những kẻ
nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21 "Phúc cho anh em bây giờ đang
đói, vì anh em sẽ được no lòng. "Phúc cho anh em bây giờ đang khóc, vì anh
em sẽ vui cười. 22 "Phúc cho anh em khi người ta oán ghét anh em, khai trừ
anh em và sỉ vả và xoá tên anh em như người xấu vì Người Con của Nhân Loại. 23
Anh em hãy vui mừng trong ngày ấy, vì phần thưởng của anh em rất lớn lao ở trên trời. Bởi lẽ cũng một cách ấy mà cha
ông họ đã đối xử với các ngôn sứ. 24 "Nhưng khốn cho anh em là những kẻ
giàu có, vì anh em đã được phần an ủi của mình rồi. 25 "Khốn cho anh em,
những kẻ bây giờ đang được no nê, vì anh em sẽ phải đói. "Khốn cho anh em,
hỡi những kẻ bây giờ đang vui cười, vì anh em sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 "Khốn cho
anh em khi được mọi người nói tốt, vì
cũng cách thế ấy cha ông họ đối xử với các ngôn sứ giả.
So sánh với Bài giảng trên núi trong Matthêô
(5:1-7.29), bài giảng trong Luca ngắn hơn và diễn ra trên một chỗ đất bằng và
có rất nhiều điểm khác biệt khác (6:17. 20-26). Bốn mối phúc trong Luca nói đến
những thiếu thốn cụ thể: nghèo nàn, đói khát, khóc lóc, và bị ghét bỏ. Đoạn
6:20-26 nằm trong văn mạch của diễn từ dành cho các môn đệ (6:17-49), vì họ vừa
được qui tụ thành nhóm (6:12-16). Đoạn nầy có thể phân chia làm hai phần đối
xứng nhau: 1 - Bốn mối phúc (6:20-23); 2 -
Bốn lời chúc dữ (6:24-26). Thính giả trực tiếp của bài giảng nầy là đám
đông các môn đệ: “Ngước mắt lên nhìn các môn đệ, Người nói..” (6:20). Như thế, những
gì Người sắp nói cho họ phải được hiểu trong tương quan làm môn đệ của Chúa
Giêsu. Các mối phúc khác có thể tìm thấy rãi rác trong tin mừng Luca (1:45;
7:23; 10:23; 11:27.28; 12:37.43; 14:15; 23:29; Cv 20:35; ). “Phúc cho...” là từ
diễn tả sự ca ngợi, qui chiếu về một điều may mắn chẳng hạn con mắt (Lc 10:23),
cái dạ mẹ (23:29), tuy nhiên phần lớn qui chiếu về một người được sủng ái, chúc
phúc, may mắn. Thiên Chúa là nguồn của mọi phúc lành ban cho họ (x. 1 Tt 6:15).
Và “Khốn cho...” là tiếng ta thán diễn tả sự đau buồn hoặc than phiền hơn là
một lời chúc dữ hoặc kết án.
Mối phúc thứ nhất là
“Phúc cho người nghèo vì Nước Thiên Chúa thuộc về họ” (6:20); đối lại “Khốn cho
người giàu vì họ đã được sự an ủi” (6:24). Luca không dùng chữ “nghèo trong
tinh thần” như trong Matthêô (x. Mt 5:3). “Người nghèo” (ptōchos) theo nguyên ngữ chỉ một người sợ hãi vô cùng đến nỗi phải
che dẩu mình. Họ thường lẩn tránh và không ở một nơi nào nhất định. Từ đó, chữ
nầy chỉ đến người ăn xin, túng thiếu (x. Cv 4:34).
Thế nào là người nghèo?
Luca không định nghĩa “người nghèo”, mà chỉ cho thấy cách hành động của người
nghèo để được Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là người nghèo vì Người đã “trở nên
không” (kenoō) vì Chúa Cha (x. Phip 2:7), đến nỗi Người chẳng còn nơi để
tựa đầu (9:58). Các môn đệ là nghèo vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Người (5:11;
18:28). Bà góa được gọi là nghèo không phải vì bà chỉ có hai xu, trong thực tế
có thể bà giàu hơn người chỉ có một xu hoặc chẳng có gì hết, mà vì bà đã bỏ tất
cả hai xu ấy vào hòm dâng cúng cho Thiên Chúa (21:3); trong khi người được Chúa
Giêsu mời gọi bán của cải tất cả mà cho người nghèo được gọi là giàu và “có
nhiều của cải”, là vì người ấy từ chối từ bỏ và “trở nên không” để có thể đi
theo Người (18:22). Vậy người nghèo được đặt trong tương quan với Chúa Giêsu,
chứ không phải với những gì họ đang có hoặc với người khác khi so sánh về tài
sản.
Mối phúc thứ nhất nầy
được kết cấu bằng hai mệnh đề, mà mệnh đề phụ có chức năng cắt nghĩa mệnh đề
trước: không phải vì nghèo mà người môn đệ có phúc, nhưng vì họ được Nước Thiên
Chúa như là kết quả của việc từ bỏ mọi sự. Động từ “là” ở thì hiện tại trong
mệnh đề phụ muốn chỉ đây là một quả quyết, chứ không phải là một lời hứa. Điều
nầy trở nên định luật cho những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu là phải “từ
bỏ những gì mình có” (14:33); trái lại, nếu không từ bỏ để trở nên nghèo như
Người, không thể làm môn đệ của Người, như trường hợp người giàu có. Đàng khác,
chỉ khi nghèo mới để mình lệ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của người khác,
đến bất cứ lúc nào và từ bất cứ hướng nào. Đặc điểm nổi bật của họ là đón nhận
dễ dàng hơn người giàu. Họ dễ chấp nhận vào dự tiệc hơn bội phần những người
giàu có đã được mời (x. 14:13.21). Và cũng cho đi cách dễ dàng và quảng đại hơn
những người giàu. Xem xét sự quảng đại của bà goá (x. 21:3) và sự từ chối của
người giàu có (18:22). Vậy, mối phúc của người nghèo là được Nước Thiên Chúa
làm của mình, vì họ đã từ bỏ mọi sự để làm môn đệ của Chúa Giêsu; khác với
những người giàu là tìm và hưởng những an ủi do sự giàu có mang lại (x. 6:24).
Câu 6:21 nói đến hai
mối phúc “đói-no” và “khóc-cười” (6:21). Chúng được xem như là biểu hiện và hậu
quả của cái nghèo. Luca liên kết cái nghèo với sự thiếu thốn thực phẩm: Lazarô
vì nghèo nên không có gì để ăn (x. 16;21); trái lại, ông phú hộ thì tiệc tùng
linh đình mỗi ngày (16:19). Luca xác định thời điểm hiện tại “bây giờ”
(6:21[2x]) vừa để cho thấy là sự đau khổ của cái đói và khóc lóc chỉ là tạm
thời chứ không trường cửu; đồng thời cho thấy sự tương phản của tình trạng hiện
tại với điều sẽ đến khi Thiên Chúa can thiệp vào. Do đó, sự no đầy và vui cười
của những người đang hưởng bây giờ cũng tạm thời; cái đói khát và khóc lóc sẽ
đến ngay với họ (x. 6:24). Những câu chuyện được ghi lại trong tin mừng Luca
cho thấy những người đang khóc lóc là những người đang sầu khổ: bà góa thành
Naim (7:13), ông Giairô (8:51-51), người đàn bà tội lỗi (7:38), Phêrô (22:62).
Và chính khi họ đang khóc lóc, Chúa Giêsu can thiệp và biến đổi sự khóc lóc ấy
thành tiếng cười khi thấy người con sống lại, hoặc biết tội lỗi đã được tha. Đối
lại mối phúc nầy (6:24), Luca dùng thêm chữ “than khóc” (x. Mt 5:4; 9:15) bên
cạnh chữ “khóc” để nhấn mạnh tình trạng trầm trọng đảo ngược của những người
bây giờ đang vui cười. Động từ “no đầy” ở thể thụ động cho thấy chính Thiên
Chúa là người làm hành động nầy. Đồng thời cả hai hành động “được no đầy” và
“cười” đều ở thì tương lai, hướng về một sự can thiệp từ phía Thiên Chúa sẽ
đến. Vậy, hai mối phúc nầy không xây dựng trên sự đói khát thể lý hoặc thiêng
liêng và trên những đau buồn đang xảy ra (x. Mt 5:6), mà trên sự can thiệp
quyền năng của Chúa Giêsu, “Người đã
đổ đầy cho người đói những điều tốt lành” (1:53).
Sự chúc phúc bằng việc
sở hữu Nước Thiên Chúa đã bắt đầu ngay bây giờ cho những ai trở nên nghèo như
Chúa Giêsu: Maria (1:48), Simêôn (2:29), Phêrô (5:10), Lazarô (16:25) và ngay
cả Con Người (22:69).
Lm.
Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến