Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C

Chúng Ta Hãy Dọn Ðường

(Barúc 5,1-9; Philip 1,4-6.8-11; Luca 3,1-6)

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

"Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

 

Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

 

Suy Niệm:

Chúa nhật 1 mùa vọng đã loan báo ngày Chúa đến. Người sẽ trở lại khi thời gian đã mãn. Người sẽ đến trong vinh quang và lấy vinh quang biến đổi chúng ta nên con cái của sự trường sinh bất tử. Bài đọc sách Barúc hôm nay còn nói đến việc ấy. Nhưng chủ yếu của lời Chúa này là việc dọn đường Chúa đến. Chúng ta sẽ được nghe tiếng nói của Gioan Tẩy Giả. Ông được Phụng vụ mùa Vọng nhắc nhiều, vì ông là tiên tri cuối cùng của Cực Ước, và sứ mạng của ông là hoàn tất việc Cứu Ước chuẩn bị ngày Chúa đến.

Hơn nữa, ông còn là người giới thiệu và trỏ cho mọi người thấy Ðấng Cứu Thế đã đến. Tiếng nói của ông vì thế có khả năng giúp đỡ chúng ta dọn đường Chúa đến và nhận ra Người. Nhưng phải nói như thư Phaolô còn trực tiếp hơn nữa vì nhắm thẳng vào ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Chúng ta xin ơn Chúa soi sáng để biết hiểu và thi hành Lời Chúa hôm nay.

 

1. Ðây Là Ngày Thiên Chúa làm Nên

Trước hết, chúng ta hãy mở sách Barúc. Ðó là một tác phẩm rất ngắn, chỉ gồm tất cả năm chương. Tác giả tự coi như là "Thư ký" của tiên tri Giêrêmia, nên văn phẩm của ông được tính vào ngay sau phần "Ai ca" của sách Giêrêmia. Tác giả còn giới thiệu bản văn của mình như là một bức thư gửi từ Babylon trong buổi lưu đày về con cái Israen còn ở lại Giêrusalem, để họ thống hối ăn năn, suy nghĩ lại về đường lối ăn ở, hầu nhận được Lời Hứa cứu độ và giải thoát. Bài đọc hôm nay loan báo Tin Mừng cứu độ này.

Nhưng dần dần khoa chú giải Kinh Thánh đã nhận ra sự thật không đơn sơ như thế. Sách Barúc là một tác phẩm của một cây viết vô danh. Nói đúng hơn, đó là văn phẩm hỗn hợp đã do một người đạo đức nào đó ở giữa thế kỷ thứ hai ghép thành. Tác giả đã lấy nhiều bản văn khác nhau để làm nổi bật một lời kinh thú tội thống hối, đọc trong một buổi lễ xá tội nào đó. Tuy nhiên ý tưởng và lời văn ở mọi chương đều đạo đức sâu xa và trình bày rất khôn khéo. Chương thứ năm cũng là chương cuối cùng trong sách Barúc mà chúng ta đọc hôm nay, chứng tỏ điều ấy.

Vậy, muốn hiểu, chúng ta phải đọc đoạn văn tiên tri này trong bối cảnh "giả định" của tác giả. Tức là ở đây chúng ta có những lời Chúa muốn an ủi dân Người khi họ thống hối ăn năn. Người loan báo cho họ về ngày vinh quang sau lưu đày, ngày cứu độ sau đau thương, ngày ân thưởng sau cuộc đời lao nhọc. Ðối với chúng ta, đó là ngày Chúa lại đến.

Ngày ấy, chính Thiên Chúa sẽ làm ra chứ không phải ai khác. Người sẽ lấy vinh quang bất diệt của Người choàng lên Giêrusalem, tức là trên chúng ta và tất cả tạo vật, sự vinh quang ấy cũng là sự công chính thánh thiện mà Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại được cứu độ khiến tên của Giêrusalem mới tức là của nhân loại mới, sẽ là Hòa bình và vinh quang, Hòa bình vì có sự công bằng của Chúa, và vinh quang nhờ có lòng thương xót của Người. Tất cả những điều này nói lên rằng chính Chúa là tác giả của thời đại sau này. Chính Người sẽ làm ra cảnh trời mới, đất mới. Những nét đẹp, nét tốt của thời đại mai sau hoàn toàn là của Chúa. Do đó Nước Trời sẽ đến không bao giờ thay đổi và suy vi nữa, vì tất cả sẽ được bao bọc trong vinh quang thánh thiện đời đời của Thiên Chúa.

Tự nhiên chúng ta muốn hỏi: như vậy, loài người chúng ta không đóng góp gì được vào ngày Chúa đến sao? Chắc chắn có phần nào đó mà chúng ta sẽ nói sau. Nhưng cũng chắc chắn, phần đóng góp của chúng ta sẽ không đáng kể sánh với ơn ban của Chúa. Có thể nói trời với đất xa nhau bao nhiêu thì phần trao ban của Chúa còn vượt xa phần lãnh nhận của chúng ta bấy nhiêu và hơn nữa. Chúng ta hãy cứ nói như Barúc: ngày vinh quang sau này của chúng ta khi Chúa Kitô hiện đến hoàn toàn là công trình của Chúa. Người đem vinh quang thánh thiện đến biến đổi chúng ta và tất cả nên thành trì "hòa bình của công bình và vinh quang của thương xót".

Thành trì ấy được đứng lên mỏm cao để thấy con cái khắp nơi, nhân loại khắp xứ tuôn về. Khi xưa, tội lỗi đã làm chúng phiêu bạt ra đi tiều tụy, bây giờ Thiên Chúa công chính thánh thiện đưa tất cả về vinh quang như trên một ngai vua.

Không những thế, Thiên Chúa còn cho bạt núi, lấp sông để đường đi của con cái Chúa được vững chắc trong vinh quang. Ðang khi ấy cỏ cây bên đường sẽ rợp bóng, tỏa hương và ánh sáng quang vinh phổ... xuống... Ðoàn người trở về với Chúa, đi về nhà Cha, tuôn về gặp Chúa thật là ngoạn mục và sung sướng...

Chúng ta có thể bảo đây là những lời thơ. Nhưng cũng là những lời ấp úng trước một cảnh tượng chưa thể nào tưởng tượng được. Trong ngày ấy, Chúa sẽ thánh hóa dân Người, sẽ quy tụ dân Người lại, sẽ làm cho cảnh vật thiên nhiên được chia sẻ sự vui mừng tự do của con cái Thiên Chúa. Bằng ấy ý tưởng đúc nên bài sách Barúc hôm nay. Những ý tưởng ấy nằm trong nhiều trang Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là nội dung Lời Hứa ngàn đời của Chúa về thời đại người viếng thăm, về ngày Chúa trở lại với Dân Người.

Và Lời Hứa của Người bền vững trung kiên. Ðã bao lần Chúa thi hành trong lịch sử Do Thái. Nhưng đó mới chỉ là những lần tập dượt cho ngày Ðức Giêsu Kitô Giáng Sinh làm người. Và Hội Thánh từ ngày được Ngài sáng lập không mang nhiều màu sắc của Giêrusalem trong bài sách Barúc đó sao? Nhưng Giêrusalem đích thực mà sách này muốn loan báo là Giêrusalem thiên quốc, là Hội Thánh sau này trên Trời, là Dân Chúa trong vinh quang của Ngày Chúa đến. Chúng ta đang vọng ngày đó, đang chờ Chúa Kitô trở lại. Chúng ta sung sướng hân hoan nghĩ về Ngày Chúa sẽ làm ra, không phải để mơ mộng, nhưng để cầu xin Chúa ban cho mình được tham dự ngày vinh quang ấy và nhất là để chuẩn bị. Và muốn làm công việc này, chúng ta hãy nghe Lời Tin Mừng trong sách Luca.

 

2. Chúng Ta Hãy Dọn Ðường

Tác giả khai mạc cuộc đời hoạt động của Gioan Tẩy Giả một cách rất long trọng. Ðã đành ông muốn viết sử có đầu có đuôi và một cách khoa học. Ông phải đặt các biến cố vào lịch sử có các niên hiệu chắc chắn. Nhưng vì sao khi kể việc Ðức Giêsu ra giảng đạo, ông không viết một cách long trọng như vậy? Thực ra trong những chương đầu tiên của tác phẩm Tin Mừng mang tên ông, tác giả Luca thuật những chuyện về Gioan chen lẫn với những chuyện về Ðức Giêsu. Ông viết về Gioan để làm nổi bật Ðức Giêsu thế nên không phải vì Gioan mà ông viết bản văn long trọng chúng ta đọc hôm nay. Bản văn này có ý giới thiệu Ðức Giêsu. Nó là tiền đề đưa vào những câu chuyện về Ðức Giêsu, giống như Gioan chỉ là tiền hô của Ngài.

Vậy chính vì Ðức Giêsu mà chúng ta có bản văn long trọng hôm nay. Tác giả Luca muốn cho chúng ta thấy cuộc đời hoạt động của Ngài đã được khai mạc cách trọng thể nhờ việc Gioan bắt đầu rao giảng phép rửa thống hối. Luca đặt việc này vào khung cảnh Lịch sử đạo đời để chúng ta có sẵn khung cảnh lịch sử này mà hiểu biết về các hoạt động của Ðức Giêsu, vì khi Gioan bắt đầu rao giảng, thì Ðức Giêsu cũng đã sẵn sàng xuất hiện.

Bấy giờ là năm thứ 15 triều hoàng đế Tibêrô cai trị Ðế quốc La Mã, rộng lớn như cả thế giới. Ở đất Do thái, về đời có Philatô trấn nhiệm xứ Giuđê và Hêrôđê làm quận vương xứ Galilê. Về đạo có thượng tế Hanna và Caipha. Chúng ta có thể thắc mắc vì sao lại có hai thương tế, điều chẳng bao giờ thấy trong lịch sử Dân Chúa. Nói đúng ra, bấy giờ là thời thượng tế Caipha; nhưng thực quyền lại nằm trong tay nhạc phụ là Hanna. Ông này cũng là Thượng tế. Ông đã từ chức nhượng lại cho con rể, nhưng thực tế vẫn nắm quyền, ít ra về vấn đề ảnh hưởng. Do đó, không phải vô lý mà tác giả Luca đã viết: Bấy giờ là thời thượng tế Hanna và Caipha. Ông đã viết sự thật và là sự thật đau đớn!

Cũng như ông đã hữu ý khi nói đến những nhà cầm quyền đời lúc bấy giờ. Ông kể tên Philatô và Hêrôđê cai trị hai vùng đất của Dân Chúa; và ông cũng nói đến Philíp và Lysania, trấn nhiệm hai phần đất kề cận mà dân cư lại là kẻ ngoại. Phải chăng tác giả Luca đã không muốn nói rằng: môi trường hoạt động của Chúa Giêsu sẽ là cả Dân Chúa và cả Dân ngoại? Người sẽ mang ơn cứu độ đến cho mọi người chẳng kỳ là Do Thái hay Hy Lạp.

Vậy sau khi đã kể hai tọa độ không gian và thời gian, tác giả bắt đầu viết sử. Người ta thấy Gioan nhận được lời Chúa. Kiểu nói này làm chứng ông lãnh được sứ mạng tiên tri từ trời cao. Ông không làm việc tự ý. Khi ông đang ở trong sa mạc thì được gọi; tức là sứ mạng đã được trao cho ông đang lúc ông sống cho Chúa và tận hiến đời mình cho Người.

Tác giả Luca nói rằng ông đến giảng ở miền sông Giođan, trong khi Ðức Giêsu sẽ không hoạt động ở đây. Phải chăng Luca không muốn phân biệt hoạt động của hai Ðấng, khi viết như vậy? Ý muốn phân biệt thật rõ khi tác giả nói: phép Rửa của Gioan chỉ để được tha thứ tội khiên, chứ chưa tha thứ tức thời đâu. Ðó là công việc chuẩn bị, dọn đường theo lời sách Isaia: tiếng của Người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi.

Những lời này có khác với những lời mà Barúc đã công bố không? Nhà tiên tri ngày xưa nói rằng: chính Chúa san phẳng đường lối cho dân được cứu độ. Còn ở đây, dường như đó lại là việc của chúng ta. Sự thật, lời sách Isaia không phải chỉ có bấy nhiêu. Luca đã có lý để tiếp tục trích dẫn. Bốn câu nữa đã được thêm vào hai câu trên. Và những câu này cho thấy việc lấp đầy hạ thấp để đường đi được phẳng lỳ sẽ là công trình của Chúa; nhưng Người đã làm gì khi người ta có thái độ thống hối ăn năn. Chính Chúa đã làm ra đường lối cứu độ, nhưng con người phải tỏ thiện chí muốn lãnh nhận. Và đường lối phẳng lỳ mà Chúa làm ra đòi lấp đầy hạ thấp tức là Chúa vẫn nâng cao những người phận nhỏ và hạ xuống những phường tự cao tự đại. Ðề tài này luôn được Luca yêu thích. Có lẽ chính nó đã khiến Luca trích hết lời sách Isaia, đang khi Mátthêu và Marcô đã dừng lại ở hai câu đầu.

Nhưng điều quan trọng hơn cả mà Luca muốn nhấn mạnh để kết thúc đoạn văn hôm nay, là việc mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Không những ông nhấn mạnh tư tưởng "mọi người" tức là tính cách phổ cập của ơn Ðức Giêsu dành cho hết thảy chúng ta; Nhưng ông cũng muốn nhắc đó là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta. Và như vậy Luca cũng như Barúc muốn nói với chúng ta hãy trông đợi ngày Chúa đến như là ơn cao cả. Người sẽ làm cho những ai có thái độ thống hối ăn năn và khiêm nhường khó nghèo. Tác giả Tân Ước chỉ khác nhà tiên tri Cựu Ước ở chỗ trỏ cho chúng ta thấy Ngày ấy đã đến trong lịch sử rõ rệt, nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhưng ngay trong đoạn văn này, Luca còn mượn lời của Gioan để bảo chúng ta phải chờ đợi nữa, vì tuy Ðức Giêsu đã đến, nhưng chưa phải mọi người đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta còn phải vọng đến ngày ấy nữa. Và chúng ta phải nghe lời thư Phaolô để dọn đường cho Chúa.

 

3 Và Tiếp Tục Cho Ðến Hoàn Thành

Trong đoạn thư này, Phaolô nói rằng luôn luôn Người cầu nguyện cho giá dân Philíp một cách vui sướng.

Chúng ta hãy chú trọng đến sự hân hoan toát ra từ những lời thư này. Phaolô không có gì phải lo cho giáo dân Philip cả. Từ ngày nhận được Tin Mừng đến nay, họ vẫn tốt, không những họ đã thông phần vào việc rao giảng Tin Mừng khi họ đón nhận ơn Chúa kêu gọi; mà họ còn phấn đấu sống Tin Mưng ấy và giúp đỡ Phaolô cũng như các giảng viên Tin Mừng. Nghĩ đến họ, Phaolô như rộn lòng trìu mến lên. Giống như Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô luôn rộn lòng yêu mến cứu chuộc chúng ta.

Vậy Phaolô luôn cầu nguyện cho giáo dân Philip, không phải vì họ đang gặp những khó khăn nào, mà chỉ vì Người vui sướng thấy giáo đoàn đó tốt lành, cần được cầu nguyện để "một công trình thiện hảo như vậy sẽ tiếp tục cho đến hoàn thành trong ngày của Ðức Giêsu Kitô". Tức là dù nếp sống đạo đã tốt lành đến đâu, cũng vẫn còn phải tiến bộ để được kiện toàn trong Ngày Chúa trở lại. Chính vì vậy mà Phaolô phải cầu nguyện cho giáo dân Philip được lòng mến dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi về trí tri và thông hiểu để biết biện phân ra điều ưu hảo mà ăn ở cho vô phương trách cứ, hầu dư đầy hoa quả công chính nhờ Ðức Giêsu Kitô.

Những lời súc tích này rõ ràng có tính cách khuyên nhủ và dạy dỗ, Ðó là cả một chương trình sống đạo phải đi đôi với việc cầu nguyện cho mình được ơn cứu độ trong ngày Chúa đến. Ðành rằng đời sống mai sau là việc Chúa làm mà chúng ta phải cầu xin để Người ban cho chúng ta. Nhưng Người đã khởi sự ban khi cho chúng ta được đón nhận Tin Mừng. Bây giờ hằng ngày cho đến khi Chúa trở lại chúng ta phải cầu nguyện để luôn được thêm lòng mến, lòng tin, để biết ăn ở một cách ưu hảo hầu sau này sẽ vô phương trách cứ và dư đầy hoa quả thánh thiện. Chúng ta không thể làm được những việc ấy nếu không khiêm nhường và cố gắng.

Thánh lễ này là nơi để chúng ta khiêm nhường đón nhận ơn Chúa. Chúng ta phải thấy mình còn tội lỗi và yếu ớt. Chính Mình Máu Thánh Chúa sẽ vừa tẩy sạch tâm hồn và củng cố sự sống. Nhờ Chúa Giêsu Kitô chúng ta có thể bước đi trên đường, tuy nhiều gồ ghề nhưng có thể vẫn cảm thấy phẳng lì khi chúng ta nhiều lòng mến trông đợi ngày Chúa đến.

 

Cố Giám Mục Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C