CHÚA NHẬT 2 MÙA
VỌNG, năm C
Lc 3, 1-6
HÃY SÁM HỐI và
ĐỔI MỚI
Mỗi khi mùa vọng tới, chúng ta như
được đánh động bởi mẫu gương của Gioan Tẩy Giả. Một con người sống
đời sống đơn giản và được trao cho sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu
Thế :” Có tiếng kêu trong hoang địa.Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối
cho thẳng để Người đi “ ( Lc 3, 4 ). Gioan Tẩy Giả đã chứng kiến cuộc
đời muôn mặt và lòng người thì đầy nham hiểm, hố sâu, lồi lõm. Do
đó, thánh nhân đã mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối, canh tân đổi
mới để đón chờ Đấng Cứu Độ.
Đọc kỹ đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca
3, 1-6, chúng ta sẽ thấy bối cảnh chính trị khi Gioan Tẩy Giả xuất
hiện. Tin Mừng vạch rõ đủ mặt các vị vì vọng như hoàng đế Tibêriô,
Phongxiô Philatô, các tiểu vương vùng Palettin là Hêrôđê, Philip, Lysiana,
sau cùng là các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái : Ông Anna và ông Caipha.
Gioan chỉ là một người vô danh tiểu tốt, một người khó nghèo, khiêm
tốn và đơn sơ. “ Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông
Gioan trong hoang địa…”.Vâng, đã từ lâu từ thời các ngôn sứ, dân Israen
không được nghe chính Thiên Chúa trực tiếp dạy bảo. Nay, Thiên Chúa lên
tiếng qua một con người xem ra rất dân dã, hoang dã mình khoác mảnh da
lạc đà. Thiên Chúa không lên tiếng trong đền thờ nhưng Ngài lên tiếng
trong hoang địa, gần sông Giođanô.Gioan Tẩy Giả là người hoang dã, nhưng
ông được Thiên Chúa ban ơn. Nên, ông thông minh, ăn nói lưu loát, miệng
lưỡi đầy Thần Khí của Chúa. Thánh nhân trưng dẫn lời ngôn sứ Isaia
rằng dân Israen đã được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh lưu đầy ở
Babylon, họ được trở về quê hương cũ và được chính Thiên đến nâng đỡ,
an ủi, vỗ về. Gioan Tẩy Giả đã loan báo rằng :” Mọi thung lũng, phải
lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san
cho phẳng “ ( Lc 3, 5 ). Thánh Gioan đã làm phép rửa thống hối. Ngài
đã dìm những hối nhân xuống nước để họ chết đi cho tội lỗi và tâm
hồn được sạch hầu đón nhận ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ.
Đây là nghi thức nói lên rằng con người phải thay đổi tận gốc rễ.Con
người phải ăn năn sám hối, đổi mới con tim, chia sẻ với tha nhân và
chờ đợi Chúa Kitô đến.
Hậu quả việc làm của Gioan là làm cho
cả xã hội lúc đó biến đổi khiến những nhà lãnh đạo đời và cả
đạo đâm ra lo lắng, hoang mang. Gioan Tẩy Giả bị hành hình, nhưng ‘
Đấng đến sau Gioan quyền năng hơn ông đến nỗi ông nói không sợ hãi
rằng ông không xứng đáng cỏi giây giầy cho Ngài “. Đấng đến sau là
Chúa Kitô lại tiếp tục đương đầu với bọn cầm quyền đạo đời khiến
họ cũng theo một sách lược là kiếm cách khử trừ Ngài để tránh hậu
họa.
Tuy nhiên,trước mặt họ những nhà cầm
quyền đạo đời lúc đó chỉ thấy một vị vua phục vụ :” Đến để hầu
hạ chứ không để được hầu hạ “. Nhưng họ vẫn cam tâm khử trừ Ngài.
Gioan Tẩy Giả luôn lớn tiếng kêu mời
mọi người sửa sang đường sá. Nhưng ý của Gioan Tẩy Giả là đường vào
tâm hồn mới thật quan trọng :
Con người phải lấp
cho đầy những tỵ hiềm, tham lam, ích kỷ hẹp hòi, nông cạn. Con người
phải uốn cho những lối nghĩ đúng theo suy nghĩ của Chúa. Phải san cho
bằng những nẻo đi trệch đường của ngạo mạn, tự tôn, tự đắc. Phải
bạt cho thấp, cho bằng những gồ ghề của bất chính, bất công, bất
nghĩa.
Những chướng ngại ngăn cản con người
đến với Chúa, chúng ta phải thật lòng ăn năn sám hối, đổi mới tâm
hồn để Chúa có thể đến và ngự
lại trong tâm hồn chúng ta. Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ đến dọn đường
cho nhân loại đón Chúa lần đầu, chúng ta là ngôn sứ chuẩn bị cho
Chúa đến từng ngày trong cuộc sống của tha nhân.
Chúa Kitô chỉ có
thể đến với con người trên những con đường ngay nẻo chính. Ơn cứu độ
của Chúa cũng chỉ được ban cho những con tim, những tâm hồn, những
bàn tay biết mở rộng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra
những lỗi lầm của chúng con để chúng con biết ăn năn, sám hối hầu
Chúa thứ tha và thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi DCCT