Chúa Nhật II mùa Vọng

 

          Thiên Chúa dự định thực hiện một việc tốt lành cho dân Người, đó là ban ơn cứu độ.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khai triển đề tài ấy qua đoạn sách ngôn sứ Ba-rúc, đồng thời qua sứ điệp của ông Gio-an Tiền hô và lời khuyên của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, đưa ra một chương trình sám hối giúp ta tiếp nhận ơn cứu độ.

 

1.  Giê-ru-sa-lem được khôi phục là hình bóng nói lên ơn cứu độ  (bài đọc Cựu Ước – Ba-rúc 5:1-9)

 

          Sách ngôn sứ Ba-rúc nói về cuộc lưu đày của Ít-ra-en tại Ba-by-lon và về viễn tượng dân được giải phóng rồi trở về Giê-ru-sa-lem.  Tuy nhiên viễn tượng giải phóng ấy không chỉ mang tính cách lịch sử Ít-ra-en, mà còn ám chỉ về thời cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Ki-tô.  Giê-ru-sa-lem đã trở nên điêu tàn sau khi dân Ít-ra-en bị phát lưu.  Giờ đây, ngôn sứ Ba-rúc nhìn thấy một Giê-ru-sa-lem được phục hồi còn vinh quang rực rỡ hơn cả trước kia.  Đức cha Êu-xê-bi-ô, giám mục Xê-da-rê, trong bài chú giải sách I-sai-a đã nói về vai trò của Giê-ru-sa-lem:  “Quả thật, Xi-on đây cũng chính là Giê-ru-sa-lem, đã nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa, là thành được xây ở trên cao, trên núi của Thiên Chúa, nghĩa là trên Ngôi Lời, Con Một của Người”.

          Vậy cái nhìn của ngôn sứ Ba-rúc về Giê-ru-sa-lem được cứu độ như thế nào?  Hình ảnh đầu tiên về Giê-ru-sa-lem được cứu độ là “cởi bỏ áo tang khổ nhục để khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa” (Br 5:1).  Cứu độ là được thay đổi từ tình trạng xấu tới tình trạng tốt, hoặc từ cái mất đến cái tìm lại được.  Giê-ru-sa-lem đã trải qua một thời kỳ đen tối, mất đi tất cả và nằm trong bàn tay kìm kẹp của dân ngoại.  Một thành lừng danh nay đã hoang tàn vì không còn dân chúng và sức sống nữa, khác gì một thành phố chết.  Tình trạng chết ấy đúng là “áo tang khổ nhục” bao trùm Giê-ru-sa-lem.  Bị ngoại bang xâm chiếm, Giê-ru-sa-lem nhục nhã vì Đền Thờ trở thành ô uế, các đồ dùng thờ phượng bị tục hóa, việc thờ phượng Thiên Chúa bị thay thế bằng việc cúng tế các thần ngoại, vinh quang và công chính của Thiên Chúa nhường chỗ cho đồi trụy và thấp hèn của thế gian.

          Giữa tình trạng buồn thảm và thất vọng ấy, ngôn sứ Ba-rúc mang đến sứ điệp giải phóng của Thiên Chúa:  “Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao và hướng nhìn về phía đông” (Br 5:5).  Phía đông là phía mặt trời, mặt trời công chính, biểu tượng của Thiên Chúa, sẽ mọc lên và phá tan u tối.  Phía đông cũng là hướng Ba-by-lon, nơi con cái Ít-ra-en bị lưu đày sẽ lên đường trở về quê cha đất tổ.  Con đường xưa đem dân Ít-ra-en đi lưu đày là con đường khổ cực, khó khăn và nhục nhã nay được dọn dẹp lại theo lệnh Thiên Chúa.  “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn” (Br 5:7).

          Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong sứ điệp giải phóng này phải là sự can thiệp của Thiên Chúa.  Vai trò chủ động của Thiên Chúa được đề cao:  Thiên Chúa “ban vinh quang vĩnh cửu, khoác áo choàng công chính cho Ít-ra-en, truyền dạy con cái Ít-ra-en tụ họp về, ra lệnh dọn đường để Ít-ra-en tiến bước an toàn, cho quế trầm tỏa bóng che rợp Ít-ra-en, dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc”.

          Những gì Thiên Chúa đã làm cho Giê-ru-sa-lem thì Người cũng làm cho ta để cứu độ ta.  Thiên Chúa đã khôi phục Giê-ru-sa-lem và xây thành “trên Con của Người”, nghĩa là Người cứu độ ta nhờ công nghiệp Chúa Ki-tô.  Chúa sẽ dẫn ta “đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Br 5:9).  Nhưng ta cũng có bổn phận phải theo sự dẫn dắt của Chúa, nhất là trong công việc dọn đường cho ơn cứu độ, theo lệnh Chúa mà dẹp bỏ những núi cao, gò nổng và thung lũng “có tự lâu đời” trong ta, tức những tính hư tật xấu đã ăn rễ sâu trong lối sống của ta.

 

2.  “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”  (bài Tin Mừng – Lu-ca 3:1-6)

 

          Trong Cựu Ước, ngôn sứ Ba-rúc loan báo Thiên Chúa cứu độ Giê-ru-sa-lem.  Lời tiên tri ấy nay đã ứng nghiệm khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Chúa Giê-su bắt đầu sứ mệnh cứu thế sau những năm sống ẩn dật tại Na-da-rét.  Nhưng trước khi Người xuất hiện, có ông Gio-an “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3).

          Trước khi giới thiệu con người và sứ vụ của ông Gio-an Tiền hô cũng như của Chúa Giê-su, thánh sử Lu-ca đã không quên nói đến khung cảnh thời gian và không gian đạo đời.  Ngài muốn trình bày một bối cảnh lịch sử để giúp ta nhận ra tính cách phổ quát của ơn cứu độ, là:  “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:6).  Sứ điệp về ơn cứu độ phổ quát ấy phải là cốt lõi lời rao giảng của ông Gio-an.  Tuy nhiên, kèm theo lời rao giảng trọng đại này, ông Gio-an muốn có một nghi thức dễ khiến cho người ta cảm động và nghiêm túc tiếp nhận tin mừng cứu độ.  Đó là làm phép rửa.  Mục đích phép rửa của ông không phải là tha thứ tội lỗi dân chúng, mà chỉ là giúp họ “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, bởi vì việc tha tội thuộc quyền của “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).

          Thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa thì ai cũng có khả năng thấy được, vì ơn cứu độ có tính cách phổ quát.  Nhưng tiếp nhận ơn cứu độ lại là chuyện khác, cần phải có đáp trả và nỗ lực của mỗi người.  Vì thế, đối với ông Gio-an, muốn kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, không gì tốt hơn là mượn lời ngôn sứ I-sai-a để kêu gọi dân chúng:  “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3:4).  Đường lối là hình ảnh dễ dàng nhất để mô tả một chuyển động, có điểm đi điểm tới.  Mọi ngăn cản, khó khăn cần phải được dẹp bỏ.  Hình ảnh con đường với thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, chỗ lồi lõm thật là thích đáng giúp ta hiểu thế nào là một tâm hồn có những trở ngại khiến cho việc di chuyển giữa họ với Chúa thật khó khăn, hoặc có thể nói là không thể vượt qua nổi.  Khó khăn trở ngại không phải về phía Thiên Chúa, mà hoàn toàn về phía con người.  Làm sao Chúa đến với ta khi ta cứ theo con đường của ta là con đường tội lỗi và chống lại Chúa?  Những thung lũng tham lam, núi đồi kiêu căng, khúc quanh co gian dối và lồi lõm bất trung đã dựng lên những chướng ngại vật cản đường Chúa đến.  Do đó, dọn đường cho sẵn và sửa lối cho ngay là việc của ta, còn việc Chúa cứu độ chỉ được thể hiện nếu ta cộng tác với Chúa bằng cách chuẩn bị sẵn sàng.

 

3.  Thánh Phao-lô nói gì về việc chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ?  (bài đọc Tân Ước – Phi-líp-phê 1:4-6.8-11)

 

          Ngôn sứ Ba-rúc và thánh Gio-an Tiền hô đã loan báo ơn cứu độ và việc chuẩn bị qua những hình ảnh cụ thể về Giê-ru-sa-lem và việc dọn đường lối.  Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì đề cập đến việc chuẩn bị tâm hồn khi ngài “khẩn khoản nài xin” anh chị em tín hữu hãy làm sao “cho lòng mến ngày thêm dồi dào” và “được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách” trong thời gian họ chờ đợi Chúa đến vào phút cuối đời.  “Sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, đó là châm ngôn của mọi tín hữu muốn lãnh nhận được ơn cứu độ.

          Trước hết ta thấy hết sức cảm động vì tấm lòng yêu thương của người cha nơi thánh Phao-lô.  Tình thắm thiết của ngài dành cho tín hữu Phi-líp-phê cũng là tình ngài dành cho ta.  Ngài chia sẻ những gì ngài đã sống, đó là sống “nhờ Đức Giê-su Ki-tô”.  Cuộc sống đầy tràn tinh thần Chúa Ki-tô đã làm cho lòng mến của ngài ngày thêm dồi dào và được nên tinh tuyền.  Ngài đã chạy hết quãng đường trong cuộc đua và đã chiến thắng trong cuộc thi đấu (2 Tm 4:7).  Những lời ngài tâm sự với Ti-mô-thê phải là những lời khích lệ ta thực thi việc chuẩn bị dọn đường đón nhận Đấng Cứu Độ.  Một trong những cách chuẩn bị mà thánh Phao-lô chú trọng nhất, đó là “góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng”, bởi vì nếu muốn rao giảng Tin Mừng thì chính mình phải sống Tin Mừng ấy trước.  Cả cuộc đời ta là những tháng năm rao giảng Tin Mừng bằng đời sống.  Thánh Phao-lô còn cho ta thấy tương lai chắc chắn của việc sống và rao giảng Tin Mừng, là:  “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1:6).  Nói khác đi, nếu Chúa đã giúp ta làm công việc dọn đường lúc ban đầu khi ta sống trên trần gian này, thì Người cũng giúp ta hoàn tất công việc dọn đường ấy khi Chúa Ki-tô trở lại trần gian ngày cuối đời của ta.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Ngôn sứ Ba-rúc giúp ta xác tín vào ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi người.  Thánh Gio-an Tiền hô lập lại lời ngôn sứ I-sai-a để loan báo ơn cứu độ phổ quát và việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ.  Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì chia sẻ tâm tình yêu thương và khích lệ ta hãy “sống đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”.  Nếu tuần thứ nhất mùa Vọng chú trọng loan báo việc Chúa đến cứu độ, thì Phụng vụ Lời Chúa tuần này nhấn mạnh hơn đến việc ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ.  Chuẩn bị không phải chỉ trong mấy tuần lễ trước ngày lễ Giáng Sinh, nhưng là chuẩn bị cho cả một đời để sẵn sàng đón Chúa trở lại với ta.

 

Suy nghĩ:  Con đường để Chúa đến với tôi và tôi đến với Chúa là con đường nào?  Tôi có nhận ra những chướng ngại nào không, và tôi phải dẹp bỏ chúng thế nào?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cuàng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Vọng).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

         

                   

           


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C