Chúa Nhật III mùa Vọng
Mỗi
khi chờ đợi điều gì tốt, ta thường có hai tâm tình: một là lòng thấy vui vẻ phấn khởi, và hai là
mình phải làm sao để tiếp nhận điều tốt ấy cho xứng đáng. Đây cũng là hai tâm tình gặp thấy trong Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay, ngày Chúa Nhật được mệnh danh là Mừng vui lên. Mừng vui lên vì Đức Chúa “đã rút lại án lệnh
phạt Ít-ra-en” theo lời ngôn sứ Xô-phô-ni-a.
Thánh Phao-lô thì đem niềm vui vì Chúa Ki-tô đến vào trong đời sống
Ki-tô hữu. Còn Gio-an Tiền hô quan tâm
đến việc tiếp tục chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến bằng cách thực hiện cuộc sám
hối. Như thế, vui vì Chúa đến không thể
là một cảm nghĩ hời hợt, nhưng phải nằm trong bối cảnh chuẩn bị tâm hồn để sám
hối.
1. Niềm
vui của Ít-ra-en dân Chúa (bài đọc Cựu Ước – Xô-phô-ni-a 3:14-18a)
Phần
bốn của sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a ghi lại những lời Đức Chúa hứa với
Ít-ra-en. Dĩ nhiên đó là những lời Chúa
hứa sẽ thực hiện điều tốt lành cho dân Người.
Mặc dù Thiên Chúa hạch tội Giê-ru-sa-lem và những người lãnh đạo, nhưng
vì lòng nhân từ, Người không bỏ rơi dân Ít-ra-en và sẽ cho họ được hồi hương
sau những ngày lưu đày.
Nhiều
vị ngôn sứ như I-sai-a, Giê-rê-mia… đã nhắc đến cảnh tượng lưu đày, thí dụ dân
chúng lầm lũi đi trong bóng tối, ngồi than khóc bên sông Ba-by-lon mà thương nhớ
Giê-ru-sa-lem. Kiếp sống lưu đày đối với
Ít-ra-en chính là “án lệnh” Thiên Chúa phạt họ vì lòng bất trung, không thờ
phượng Chúa cho xứng đáng mà chạy theo các thần ngoại và lối sống dân
ngoại. Lòng người Ít-ra-en lúc nào cũng
nặng nề sợ hãi, không còn tiếng cười mà chỉ còn tiếng nức nở thở dài. Tương lai được trả tự do và hồi hương vẫn mù
mịt. Bỗng nhiên họ nhận được tin
vui: Đức Chúa đã rút lại án lệnh và sẽ
đưa họ trở về Giê-ru-sa-lem. Làm sao ta
tưởng tượng nổi cảnh tượng vui mừng của những người được trả tự do. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã thấy trước được niềm
vui ấy. Ngài không chỉ loan báo tin vui
ấy, mà còn như cùng sống niềm vui ấy với dân tộc mình nên lời lẽ vô cùng sống
động.
Trước
hết là lý do tại sao Ít-ra-en phải reo vui và hò vang lên. Ngôn sứ kể ra một chuỗi lý do: vì Đức Chúa đã rút lại án lệnh, vì Người đã
đẩy lui quân thù của Ít-ra-en, vì Đức Vua của Ít-ra-en đang ở giữa họ và vì
Người sẽ không giáng tai ương nào trên họ nữa.
Tóm lại, tất cả những lý do này hoặc những điều này đều là do Thiên Chúa
thực hiện cho Ít-ra-en. Do đó, xét cho
cùng Thiên Chúa là lý do, là tác nhân làm cho Ít-ra-en có được niềm vui cứu độ.
Tuy
nhiên điều khiến ta ngạc nhiên hơn nữa, đó là khi làm như vậy cho Ít-ra-en,
Thiên Chúa cũng vui, cũng hãnh diện vì Ít-ra-en, cũng “nhảy múa tưng bừng như
trong ngày lễ hội”. Chỉ có tình yêu
thương đích thực mới hành động như vậy.
Cha mẹ tuy sửa phạt con cái nhưng cảm thấy thật đau lòng. Thiên Chúa vui gì đâu khi Ít-ra-en phải sống
khổ sở kiếp lưu đày. Giờ đây Người phục
hồi mọi sự cho Ít-ra-en, nhất là niềm vui, thì Người như trút được nỗi
lòng. Tuy nhiên đối với Người, Ít-ra-en
vẫn cần được thay đổi, cho nên “vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình
thương của Người mà đổi mới ngươi” (Xp 3:17). Tình thương sẽ là động lực và sức mạnh biến
đổi tâm hồn người Ít-ra-en, để họ gắn bó với Chúa hơn nữa. Chắc chắn diễn trình đau khổ bước đến niềm
vui của Ít-ra-en cũng phải là diễn trình xảy ra cho mỗi tâm hồn Ki-tô hữu mỗi
khi Chúa phục hồi niềm vui cho họ và giúp họ lớn lên trong tình cha con với
Người.
2.
Niềm vui của Ki-tô hữu (Bài đọc Tân Ước – Phi-líp-phê 4:4-7)
Niềm
vui sống của Ki-tô hữu đã được thánh Phao-lô diễn tả hết sức đơn sơ, nhưng cũng
vô cùng thâm thúy. Niềm vui sống ấy phải
được thể hiện trong một khung cảnh thích hợp.
Về thời gian,
vui sống là lý tưởng của Ki-tô hữu vì “Chúa đã gần đến” (Pl 4:5). Thánh Tông đồ thường nói đến thời điểm Chúa
gần đến, không phải để đe dọa, nhưng luôn coi đó là một động lực lạc quan giúp
Ki-tô hữu cố gắng sống cuộc sống tích cực.
Khi viết cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, ngài đã quyết liệt lên án những
người sống thụ động, không chịu làm gì cả và chờ đợi Chúa quang lâm với một
thái độ tiêu cực, nếu không nói là buông xuôi để sống theo dục vọng và thú vui
người đời. Thời gian ta sống trên đời là
thời gian chờ đợi Chúa đã gần đến, nhưng cũng là thời gian để ta cộng tác với
kế hoạch cứu độ của Chúa, để biến đổi chính mình mỗi ngày tốt hơn và cùng với
mọi người biến đổi vũ trụ này thành trời mới đất mới.
Về không gian,
vui sống là cuộc sống chung với mọi người trong môi trường sống hằng ngày tại
gia đình, sở làm, cộng đoàn, Giáo Hội và đất nước. Trong môi trường sống ấy, ta sẽ gặp rất nhiều
điều lung lạc niềm vui của ta. Có thể
chúng làm cho ta mất bình tĩnh hoặc đóng cửa lòng lại. Khi ấy, ta hãy nhớ lời thánh Phao-lô
dạy: “Sao cho mọi người thấy anh em sống
hiền hòa rộng rãi” (Pl 4:5). Nếu ta gặp
phải những hoàn cảnh khó khăn, không biết phải giải quyết thế nào, thánh Tông
đồ bảo ta: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng
trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày
trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:6). Ngài dạy ta cách cầu nguyện rất là thực tế. Sau cùng ngài không quên cho ta biết điều cần
thiết để được sống vui, là phải có “bình an của Thiên Chúa”, thứ bình an chỉ có
Chúa mới ban cho ta mà thôi. “Thầy để
lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban
tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng
đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Nếu Chúa Ki-tô
là chính sự bình an của, thì muốn có bình an để vui sống ta cần phải “được kết
hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4:7).
3.
Để lãnh nhận niềm vui ơn cứu độ, “chúng tôi phải làm gì?” (bài
Tin Mừng – Lu-ca 3:10-18)
“Chúng
tôi phải làm gì?”, đó là câu hỏi chung của tất cả những ai đến xin ông Gio-an
cho họ một lời khuyên để họ thực hiện sám hối và sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu
Độ. Trả lời họ, ông Gio-an không đưa ra
những nguyên tắc cứng ngắc, những chương trình qui mô, nhưng là một điểm chính
cần phải làm ngay trong môi trường sống của họ.
Ai cũng có “vấn đề hoặc trục trặc” trong hoàn cảnh sống của chính
mình. Cho nên muốn giải quyết vấn đề hay
trục trặc là phải giải quyết ngay trong hoàn cảnh ấy.
Những
người đương thời với ông Gio-an Tiền hô đã đến xin ông giúp họ có câu trả lời
để đi tìm niềm vui được cứu độ. Liệu
những Ki-tô hữu hôm nay có nhận thấy cần phải đi tìm niềm vui ấy hay
không? Từ tuổi thơ ấu và học giáo lý, ta
đã thường nghe nhắc đến “hạnh phúc thiên đàng”.
Nhiều khi ta chỉ lờ mờ hiểu hạnh phúc thiên đàng là nơi ta phải cố gắng
tới sau khi ta chết, phải cố gắng mà “lên thiên đàng”. Thực ra hạnh phúc thiên đàng chính là khi ta
đã có trọn vẹn niềm vui được cứu độ. Như
thế, niềm vui được cứu độ hoặc thiên đàng đã bắt đầu ngay từ cuộc đời trần gian
này rồi. Sống ở đây và trong lúc này, ta
đang xây dựng con đường lên thiên đàng bằng cách lắng nghe Chúa trả lời câu hỏi
ta hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” và thực hành điều Người dạy. Khi ban cho ta câu trả lời là Chúa đặt ta
trong một sự lựa chọn: phải làm theo lời
Chúa, theo quy luật Tin Mừng, hay cứ làm theo lối sống cũ và tội lỗi của
ta. Nếu ta làm theo Chúa dạy, ta đã sống
niềm vui được cứu độ, hoặc nói khác đi, là nếm được một chút hạnh phúc thiên
đàng rồi đấy.
Trong
đoạn thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay, ông Gio-an Tiền hô mô tả công việc Chúa
Giê-su cứu độ: “Tay Người cầm nia rê
sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào
kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3:17). Đây là việc Chúa cứu độ toàn thể nhân
loại. Nhưng nếu đem áp dụng vào đời sống
cá nhân Ki-tô hữu, ta thấy cũng rất thích hợp.
Chúa Giê-su hiện diện trong cuộc sống cá nhân tôi. Người dẫn dắt tôi trên con đường cứu độ bằng
cách cầm nia mà rê sạch lúa trong đời sống thiêng liêng của tôi. Người thu lấy những hạt thóc mẩy làm cho đời
sống đạo đức của tôi được thăng tiến tốt đẹp, đồng thời Người cũng giúp tôi
loại đi những hạt thóc lép là những khuyết điểm và tội lỗi của tôi.
Hoặc ta cũng có
thể chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giê-su “sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh
Thần và bằng lửa” (Lc 3:16). Trọn cuộc
đời ta, ta hãy để cho Chúa tiếp tục làm phép rửa cho ta bằng tinh thần của
Người, bằng lối sống của Người và bằng lửa yêu mến của Người. Nói khác đi, ta hãy để cho tinh thần và tình
yêu của Chúa Ki-tô tiếp tục thay đổi lối sống của ta để ta được trở nên giống
như Người. Khi ta đáp lại tình yêu của
Người và hấp thụ tinh thần của Người là ta đang để cho Người rửa sạch ta trong
tiến trình Ki-tô hóa. Người đang giúp
cho niềm vui được cứu độ của ta tới mức độ thành toàn là hạnh phúc thiên đàng
vậy.
4.
Sống Lời Chúa
Ki-tô
hữu chúng ta nhiều khi hoang mang về tương lai vĩnh cửu và không ý thức mình
đang trên con đường được Thiên Chúa cứu độ.
Do đó ta có thể dần dần đi tới tình trạng buông xuôi và không còn sống
theo những điều Chúa và Giáo Hội dẫn dắt nữa.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thắp lại ánh sáng đức tin và niềm cậy trông
vào ơn cứu độ Chúa Giê-su đem đến cho ta.
Cứu độ không chỉ là một hành vi đơn độc, nhưng là cả một hành trình có
vui có buồn, có gian nan thử thách và có niềm an ủi vì Chúa nâng đỡ ta. Tuy nhiên ta hãy nhìn vào đích điểm của hành
trình là niềm vui được cứu độ và sống “kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” như thánh
Phao-lô dạy. Đó chính là điều giúp ta
thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời trần gian và vững lòng tiến bước trong tinh
thần “reo vui lên” của người Ki-tô hữu.
Suy nghĩ:
“Chúng tôi phải làm gì?”, đó là câu hỏi giúp ta mỗi ngày mỗi thay đổi
nên tốt hơn trong cuộc sống. Tôi có hỏi
câu hỏi ấy mỗi tối khi làm việc xét mình và cầu nguyện xin Chúa giúp tôi sống
tốt hơn không? Nếu cần loại bỏ một tính
xấu hay tập một tính tốt, tôi có thói quen hỏi mình phải làm gì không? Đặc biệt trong những ngày cuối cùng của mùa
Vọng này, tôi phải làm gì để làm quà tặng cho Chúa Giê-su nhân ngày sinh nhật
của Người?
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ
ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin
hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao
cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần
kề. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô,
Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật III mùa Vọng).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi