Chúa Nhật IV mùa Vọng
Nhìn
thiên hạ chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, ta có cảm tưởng lễ Giáng Sinh hiện thời
không còn giống với lễ Giáng Sinh đầu tiên nữa, từ hình thức cho tới tinh thần. Những hình ảnh khiêm nhượng, đơn sơ, nghèo
hèn đã bị thay thế bằng những nhộn nhịp, tốn phí và tục hóa mất rồi. Vẫn trong tinh thần chuẩn bị đích thực, Lời
Chúa hôm nay trình bày những mẫu người khiêm nhường đích thực. Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha giới thiệu “một
vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” mà lại xuất thân từ Bê-lem, nơi nhỏ bé nhất
Giu-đê. Thư Do-thái nói về Chúa Ki-tô
khiêm tốn, đến chỉ để thực thi ý Thiên Chúa.
Còn bài Tin Mừng nêu lên tấm gương khiêm nhượng của Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Thiên
Chúa. Khiêm nhượng là con đường Chúa đến
với ta và cũng là đường ta đến với Chúa.
1. Thân
phận khiêm nhượng của Bê-lem và “vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” (bài
đọc Cựu Ước – Mi-kha 5:1-4a)
Địa
linh nhân kiệt, đất thiêng nảy sinh người tài là quan niệm thông thường của
người đời. Nhưng điều này không đúng với
trường hợp của thành Bê-lem và Chúa Giê-su, “vị có sứ mạng thống lãnh
Ít-ra-en”. Thực vậy, nơi Chúa Giê-su
sinh ra và nơi Người lớn lên đều không được người Do-thái xếp vào hạng địa
linh, vì Bê-lem thì “nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa” (Mk 5:1), còn
Na-da-rét thì “từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được!” (Ga 1:46). Thiên Chúa chọn con đường khiêm nhu để đến
với nhân loại, lấy Bê-lem làm nơi xuất hiện đấng thống lãnh Ít-ra-en. Cả nơi chốn lẫn người xuất hiện đều mang
những nét khiêm tốn.
Trước
hết là Bê-lem, “thành của vua Đa-vít”. Tuy
có tiếng như vậy, nhưng thực tế Bê-lem chẳng có gì để giữ người ta lại. Đa-vít làm vua, sống tại Giê-ru-sa-lem nên
Bê-lem cũng hầu như bị quên lãng. Dân
chúng thưa thớt, người ta tản mát đi tìm những nơi đô thị để sinh sống. Gia đình thánh Giu-se và gia đình Đức Mẹ là
một thí dụ điển hình. Họ bỏ Bê-lem không
biết từ đời nào, để lên miền bắc sinh sống tại Na-da-rét. Bởi vậy từ bao nhiêu năm Bê-lem cũng vẫn chỉ
là “nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa”.
Bé nhất trước mắt người đời, nhưng lại lớn nhất và quan trọng nhất trước
mắt Thiên Chúa vì Bê-lem nằm trong đường lối khiêm nhu của Người.
Nếu
Bê-lem đã được chọn để tỏ ra đường lối khiêm nhu của Thiên Chúa, thì “vị thống
lãnh Ít-ra-en” xuất thân từ Bê-lem cũng sẽ là người lãnh đạo đi theo cùng đường
lối ấy để đưa nhân loại đến hòa bình đích thực. Ít-ra-en biểu tượng cho nhân loại trước thời
cứu độ và Ít-ra-en Mới là Giáo Hội Chúa Ki-tô.
Ta hãy nghe lời Đức Chúa nói về vị lãnh đạo Ít-ra-en Mới, tức là Chúa
Giê-su, Đấng Cứu Độ. “Nguồn gốc của
Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”.
Thánh sử Gio-an cũng nói đến nguồn gốc ấy trong lời tựa Tin Mừng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1:1). Nhiệm vụ của vị thống lãnh là đưa “những anh
em sống sót trở về với con cái Ít-ra-en”. Những “anh em sống sót” đây chính là những
người được Chúa Giê-su cứu độ và đưa về làm con cái Thiên Chúa.
Nhưng
làm thế nào vị thống lãnh sẽ đưa ta trở về với Thiên Chúa? Bằng con đường tắt là sử dụng quyền năng
Thiên Chúa để ép buộc mọi người về làm con cái Chúa hay sao? Không phải vậy. Nhưng “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ” (Mk 5:3). Đó chính là đường lối Chúa Giê-su đã theo khi
Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Người thi hành sứ vụ chăn dắt bằng cách hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa,
khiêm tốn thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha và để cho Thần Khí Thiên Chúa hướng
dẫn trong mọi sự. Chúa Giê-su khẳng
định: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều
gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8:28).
2. Lòng
khiêm nhượng của Chúa Ki-tô: Này con
đây, con đến để thực thi ý Ngài (bài đọc Tân Ước – Do-thái 10:5-10)
Đoạn
sách ngôn sứ Mi-kha trình bày Đấng Cứu Độ là vị thống lãnh Ít-ra-en chăn dắt họ
trong tinh thần khiêm nhượng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa; còn bài đọc
trích thư Do-thái lại trình bày Đấng Cứu Độ đến trần gian để “thực thi ý Thiên
Chúa, hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10:10).
Trước
hết, đoạn thư nêu lên lý do tại sao Chúa Ki-tô “vào trần gian”. Người đến với nhân loại theo ý định của Thiên
Chúa. Mà ý định của Thiên Chúa là thay
đổi phương thức đền tội. Trong Cựu Ước,
việc đền tội được thực hiện bằng hy lễ và hiến tế, bằng máu chiên bò lễ toàn
thiêu và lễ xá tội. Giờ đây Thiên Chúa
“không ưa” chúng nữa, vì chúng không thực sự “xóa bỏ tội lỗi trần gian” được,
mà chỉ nhắc nhớ người ta phải trở về với Thiên Chúa thôi. Cho nên Thiên Chúa muốn thay thế “những thứ
của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền” ấy bằng “một thân thể”, thân thể của
Ngôi Hai xuống thế làm người.
Đến
trần gian với một thân thể được Thiên Chúa tạo dựng (Dt 10:5) và với mục đích
để thực thi thánh ý Thiên Chúa, Chúa Giê-su “đã hiến dâng thân mình làm lễ tế,
chỉ một lần là đủ” (Dt 10:10). Điều này
cho ta thấy rõ ràng tinh thần và ý lực của việc Người giáng sinh là lòng khiêm
nhượng. Trong thư gửi tín hữu
Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đề cao lòng khiêm nhượng của Chúa Giê-su khi Người
đến trần gian, trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, vâng lời cho đến chết
trên thập giá (Pl 2:6-8). Như vậy, sau
hơn hai ngàn năm mừng Chúa Giê-su ra đời bằng những cách phô trương bề ngoài,
người ta đã làm mất đi tinh thần và ý nghĩa khiêm nhượng của biến cố Giáng Sinh
rồi! Giáng Sinh không dừng lại đó, nhưng
là bước khởi đầu của con đường cứu độ xóa bỏ tội lỗi trần gian. Tinh thần khiêm nhượng và khó nghèo của Giáng
Sinh được tiếp nối bằng sứ vụ rao giảng Tin Mừng với lòng nhiệt thành vì công
việc nhà Chúa nung đốt, sau cùng tinh thần khiêm nhượng phục tùng ấy đạt tới
đỉnh cao qua cái chết trần truồng trên thập giá. Nói khác đi, con đường khiêm nhượng vâng phục
của Chúa Giê-su bắt đầu từ Bê-lem, rảo bước khắp miền Pha-lét-tin và thành toàn
trên thập giá. Mong sao đoạn thứ Do-thái
trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta hãy trở về với tinh thần đích thực
của biến cố Giáng Sinh, để ta chú trọng hơn đến việc chuẩn bị tâm hồn thay vì
những trang hoàng vô bổ và thương mại.
3. Mẹ
Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, gương mẫu chuẩn bị mừng Chúa giáng sinh (bài
Tin Mừng – Lu-ca 1:39-45)
Bài
Tin Mừng Lu-ca kể lại cuộc thăm viếng lịch sử của Mẹ Ma-ri-a với bà chị họ
Ê-li-sa-bét tại Ein Karem. Có tính cách
lịch sử, vì là cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ đặc biệt biểu tượng cho thời Cựu Ước
kết thúc và thời Tân Ước khởi đầu. Nhưng
hai bà mẹ ấy lại có cùng một tâm tình trước công trình cứu độ của Thiên Chúa,
tâm tình khiêm nhượng và cảm tạ.
Khi
thiên sứ truyền tin thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Ma-ri-a được biết bà chị họ
Ê-li-sa-bét tuy lớn tuổi nhưng đã có thai được sáu tháng. Mẹ chuẩn bị lên đường thăm viếng bà
Ê-li-sa-bét. Cuộc thăm viếng có nhiều
mục đích: chia sẻ với tin mừng của bà
chị, ở lại để giúp đỡ bà cho tới ngày sinh, nâng đỡ tinh thần của bà khỏi suy
sụp, đem Chúa đến cho người khác. Ta cứ
tưởng tượng khung cảnh một gia đình của hai người lớn tuổi, một người mới bị
câm, một người “chưa quen” với tình trạng có thai. Họ gặp khó khăn về đủ phương diện, nhất là
vấn đề ngôn ngữ. Có lẽ bà Ê-li-sa-bét
cũng chẳng biết đọc biết viết để vợ chồng có thể nói với nhau bằng cách viết
trên bảng (Lc 1:63). May mắn thay, đã có
Mẹ Ma-ri-a hiện diện để giải quyết mọi khó khăn!
Qua
câu truyện thăm viếng này, điều giúp ta đi vào Mầu nhiệm Giáng Sinh chính là
những tâm tình khiêm nhượng và cảm tạ Thiên Chúa của hai bà mẹ. Những lời đón chào của bà Ê-li-sa-bét và nhất
là bài ca Ngợi khen (Magnificat) của Mẹ Ma-ri-a đã lột tả được hết những tâm
tình ấy. Trước hết, cung cách của Mẹ
Ma-ri-a lên đường là “vội vã đi đến miền núi”.
Tại sao lại phải vội vã nếu không phải là vội vã của “bước chân người ra
đi loan tin mừng”? Mẹ đến mau với bà chị
họ, không phải để khoe khoang mình mới “lên chức” Mẹ Đấng Cứu Độ, nhưng là để
phục vụ. Mẹ sống tinh thần phục vụ để
sau này dạy Con mình cũng phải đến để phục vụ (x. Mc 10:45). Bài đọc Tân Ước hôm nay (Dt 10:5-10) đã cho
ta thấy tinh thần phục vụ của Chúa Giê-su như thế nào.
Điểm
dễ thương của câu truyện này là trước những lời chân tình và khiêm tốn của bà
Ê-li-sa-bét, ta không thấy Đức Mẹ nói gì ngoài những lời ngợi khen và cảm tạ
Chúa trong bài ca Magnificat. Chắc chắn
Mẹ không “bối rối” như khi sứ thần truyền tin.
Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng ra khuôn mặt Đức Mẹ hơi hồng lên vì
bẽn lẽn trước lời khen thật thà của bà chị, ánh mắt reo vui hướng về trời cao
cảm tạ Thiên Chúa. Mẹ cảm tạ Chúa không
chỉ cho riêng mình, nhưng cho hết thảy nhân loại. Những lời chân tình của
bà Ê-li-sa-bét xuất phát từ một tâm hồn thực sự khiêm tốn, nhìn nhận những gì
Thiên Chúa làm cho bà và đứa con trong bụng qua cuộc viếng thăm của cô em
Ma-ri-a. Cả hai bà đều thấy được tình
yêu và ơn phúc của Thiên Chúa dành cho mình và cho nhân loại. Cả hai đều bày tỏ lòng khiêm nhường tin tưởng
vào công việc Chúa làm trong công trình cứu độ, lật đổ triều đại của tội lỗi để
thiết lập Triều Đại Thiên Chúa. Mẹ
Ma-ri-a đã thay mặt cho toàn thể nhân loại, cất lời ngợi khen và cảm tạ Thiên
Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch lấy tình yêu và khiêm nhượng để phá tan sức
mạnh của ghen ghét và kiêu căng.
4.
Sống Lời Chúa
Qua
gương mẫu của Mẹ Ma-ri-a, Giáo Hội mời gọi ta hãy trở về với tinh thần đích
thực của biến cố Giáng Sinh. Tinh thần
ấy là khiêm nhượng, cảm tạ và tin tưởng vào sức mạnh Tình yêu Thiên Chúa. Cuộc viếng thăm của Mẹ Ma-ri-a cũng thúc giục
ta hãy chia sẻ ơn cứu độ với mọi người, nhất là những người chúng ta thường
tiếp cận, tại gia đình, sở làm, cộng đoàn…, để giúp mọi người cùng với ta nhận
ra mình là những người được chúc phúc, thánh hóa và cứu độ nhờ Chúa Giê-su đã
sinh ra, đã thi hành sứ vụ rao giảng và đã chết trên thập giá.
Suy nghĩ:
Bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra ơn phúc Chúa ban cho bà vì được Thân Mẫu Chúa
đến viếng thăm. Trong cuộc sống, tôi có
luôn luôn nhận ra những ơn phúc Chúa ban về mọi phương diện không? Trước những ơn phúc muôn vàn đó, tôi có khiêm
nhượng ngợi khen và cảm tạ Chúa không?
Tôi làm gì để biểu lộ tâm tình ngợi khen và cảm tạ Chúa?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết
thật Đức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ
công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại
hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV mùa Vọng).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi