THẦN khí SỰ
thẬt
(Gioan 16,12-15 – Chúa
Ba Ngôi - C)
1.- Ngữ cảnh
“Sách
về Giờ của Đức Giêsu” của TM Ga kéo
dài từ ch. 13 đến ch. 20. “Diễn từ cáo biệt” (ch. 13–17) là phân đoạn đầu tiên
của “Sách” này. Chúng ta có thể xác định bố cục của phân đoạn này như sau:
-
Bữa ăn cuối cùng (13,1-30);
-
Bài diễn từ (phần 1: 13,31–14,31):
a)
Dẫn nhập (13,31-38),
b)
Phân đoạn 1 (14,1-14),
c)
Phân đoạn 2 (14,15-24),
d)
Phân đoạn 3 (14,25-31).
-
Bài diễn từ (phần 2: 15,1–16,33):
a)
Phân đoạn 1 (15,1-17),
b)
Phân đoạn 2 (15,18–16,4a): các môn đệ bị bách hại,
c)
Phân đoạn 3:
*
Đơn vị 1 (16,4b-15): Đấng Bảo Trợ [cc. 5-7; 8-11; 12-15],
*
Đơn vị 2 (16,16-33).
-
Bài diễn từ (phần 3: 17,1-26):
a)
Phân đoạn 1 (17,1-8),
b)
Phân đoạn 2 (17,9-19),
c)
Phân đoạn 3 (17,20-26).
Đoạn
văn chúng ta đọc hôm nay nằm trong phần hai, phân đoạn 2 và đơn vị 1 của Diễn
từ cáo biệt.
2.- Bố cục
Bản
văn Ga 16,12-15 có thể chia thành ba
phần:
1)
Câu chuyển tiếp (16,12);
2)
Vai trò của Thần Khí (16,13-14);
3)
Tương quan giữa Thần Khí với Chúa Cha và với Đức Giêsu (16,15).
3.- Vài điểm chú giải
- không có sức chịu nổi (12):
Dùng động từ Hy Lạp bastazein ở đây cũng lạ. Động từ này thường được sử
dụng trong khung cảnh cuộc Thương Khó (19,17; x. Lc 11,46; 14,27; Gl
6,2.5). Bởi vì ý tưởng căn bản là các môn đệ không thể hiểu, mà bastazein
lại có nghĩa là “nâng lên, mang, vác, chịu đựng”. Do đó, rất có thể câu nói
muốn nói là nhờ Thánh Thần, các môn đệ hiểu biết mạc khải, nhưng cũng tham dự
vào cái chết và cuộc tôn vinh của Đức Giêsu (x. 13,7.33).
- Thần Khí sự thật (13):
Danh hiệu này đã xuất hiện trong đoạn văn đầu tiên nói về Đấng Bảo Trợ (14,17).
Dịch sát là “Thần Khí của sự thật” (“sự thật”, al¢theia ở thuộc-cách). Trong
tư tưởng Ga, thuộc-cách này chỉ đối
tượng: Thần Khí truyền đạt sự thật, cho dù cũng có thể hiểu là một thuộc-cách
đồng-chức-ngữ (apposition) (x. 1
Ga 5,6 [7]: “Thần Khí là sự thật”). Ở đây, câu văn không mô tả yếu tính hay
hữu thể của Thần Khí.
- Người sẽ loan báo (13):
Động từ anangellein, “loan báo, khai mở, tuyên bố”, xuất hiện ba lần trong
các chương 13–15. Ý nghĩa chung của động từ này là “nói lại những gì đã được nói
rồi” (ngoại trừ Ga 4,25), bởi vì tiếp
đâu ngữ ana- có giá trị như tiếp đầu ngữ re- trong tiếng Anh
(re-announce, re-proclaim). Bản LXX, đặc biệt sách Isaia, cũng dùng động từ này theo nghĩa ấy (x. Is 42,9; 44,7; 45,19; 46,10).
-
tới sự thật toàn vẹn (13):
Trong câu văn hodgein hymas en t| altheia| pas|, en + tặng cách
cho hiểu rằng đây không phải là đạt tới một chân lý mới, một chân lý vượt quá
chân lý thuộc mạc khải của Đức Kitô. Trái lại, đây là nghĩa trọn của chân lý
cũng là bản thân Đấng mạc khải.
-
những điều sẽ xảy đến (13): Phải chăng sẽ có một
mạc khải mới? Thật ra, dựa vào ý nghĩa của anangellein và chiều
hướng cánh chung học đã thể hiện của TM
IV, có thể nói rằng “loan báo những điều sẽ xảy đến” có nghĩa là giải thích
cho mỗi thế hệ thấy những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm có một ý nghĩa
cho họ hôm nay.
- Mọi sự Chúa
Cha có đều là của Thầy (15):
Trong thần học về Chúa Ba Ngôi, câu này đã được dùng để chứng minh rằng Chúa
Con có cùng một bản tính với Chúa Cha; nhưng ở đây tác giả Ga đang nghĩ đến mạc khải được thông ban cho loài người.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Chương 16 (cũng như ch. 14 là bản văn
đầu tiên nói đến Đấng Bảo Trợ) nói đến vai trò của Đấng Bảo Trợ như là thầy dạy
các môn đệ.
*
Câu chuyển tiếp (12)
Câu 12 chuyển sang vai trò của Đấng
Bảo Trợ là giảng dạy. Đức Giêsu muốn nói gì khi tuyên bố là Người còn nhiều
điều phải nói, nhưng vào lúc này, các môn đệ không có sức chịu nổi? Phải chăng
Người có ý nói là sẽ có những mạc khải mới sau khi Người chết? Tuy nhiên, Ga 15,15 dường như loại trừ những mạc
khải mới: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em
biết”. Câu 12 cũng theo một chiều hướng như vậy: chỉ sau khi Đức Giêsu sống
lại, các môn đệ mới hiểu được trọn vẹn những gì đã xảy ra và đã được nói trong
thời gian Đức Giêsu hoạt động (x. Ga
2,22; 12,16; 13,7). Lời hứa ban cho các môn đệ hiểu sâu hơn có thể được diễn tả
bằng câu “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”, bởi vì Đức Giêsu sẽ tác
động trong và qua Đấng Bảo Trợ mà thông ban sự hiểu biết này. Khó mà có thể
khẳng định rằng trong TM IV, có ý
tưởng về một sự mạc khải khác nữa sau hoạt đông của Đức Giêsu, bởi vì
Người chính là sự mạc khải của Chúa Cha, là Lời của Thiên Chúa
(1,1.14.18).
*
Vai trò của Thần Khí (13-14)
Ở đây chúng ta được giới thiệu Đấng
Bảo Trợ như là vị hướng dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn. Trong Cựu Ước, đã có những ý tưởng như thế về
Thần Khí (x. Tv 25,4-5 [sự thật];
143,10 [thần khí]; Is 63,14). Đôi khi
người ta nêu vấn nạn là: các bản văn Cựu
Ước đó chỉ liên hệ đến việc hướng dẫn luân lý, chứ không liên hệ đến việc
hiểu biết mạc khải sâu xa hơn; và như thế dung mạo Đấng Bảo Trợ do Ga phác ra hoàn toàn khác: như vậy,
“thần khí”, “đường lối”, “chân lý” trong TM
Ga có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thật ra đó là bối cảnh Cựu Ước và tác giả TM IV đã
đi từ bối cảnh đó để viết; nhưng chắc chắn Đấng Bảo Trợ hướng dẫn trên con
đường chân lý không chỉ có nghĩa là đưa đến một hiểu biết sâu sắc hơn
bằng lý trí những gì Đức Giêsu đã nói, nhưng còn hàm ý là đưa đến một cách
sống phù hợp với giáo huấn của Đức Giêsu. Và như vậy, tư tưởng Ga không xa tư tưởng Cựu Ước như ta tưởng. Ta cũng có thể nghĩ đến vai trò
hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan (x. Kn
9,11; 10,10); cũng như gương mặt của Đức Giêsu theo Ga được phác ra phỏng theo Đức Khôn Ngoan thần linh được nhân cách
hóa, thì dung mạo của Đấng Bảo Trợ cũng được phác ra tương tự.
Đấng Bảo Trợ sẽ hướng dẫn các môn đệ
tới sự thật toàn vẹn. Ở Ga 8,31-32,
Đức Giêsu đã hứa: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn
đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật”. Điều này được nên trọn trong và qua Đấng Bảo
Trợ. Dẫn dắt tới sự thật toàn vẹn là dẫn đưa vào mầu nhiệm của Đức Giêsu là Sự
Thật (14,6). Chi tiết xác định “sự thật toàn vẹn” (x. 14,26) và điểm
nhấn rằng Đấng Bảo Trợ sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng chỉ nói những gì
Người nghe, dường như cũng xác nhận rằng không có mạc khải mới. Đấng Bảo Trợ sẽ
giúp cho mỗi thế hệ hiểu sâu sắc những gì Đức Giêsu muốn cho chính thời đại họ.
Câu 14 càng củng cố ấn tượng là Đấng
Bảo Trợ không mang đến một mạc khải mới, bởi vì Người nhận từ Đức Giêsu
những gì Người phải loan báo cho các môn đệ. Tuy nhiên, “dẫn tới sự thật toàn
vẹn” không phải là việc duy nhất trong công tác “làm nhớ lại” (14,26). Bởi vì
Thánh Thần cũng là “Đấng tạo hóa”, việc nhớ lại Người làm ra cũng đi đôi vối
việc loan báo “những điều sẽ xảy đến (erchomena)”:
việc nhớ lại không làm cho các môn đệ quay lưng lại với tương lai, nhưng giúp
họ nắm lấy và giải thích tương lai.
Như
Đức Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha (17,4) bằng cách mạc khải Chúa Cha cho loài
người, nay Đấng Bảo Trợ “tôn vinh” Đức Giêsu bằng cách mạc khải Người cho loài
người. Vinh quang hàm ý có sự tỏ hiện ra hữu hình: Đấng Bảo Trợ sẽ làm chứng và
biến người ta thành chứng nhân (15,26-27) cho Đức Giêsu Phục Sinh; như thế
Người sẽ giới thiệu công khai Đức Giêsu Phục Sinh đang chia sẻ vinh quang của
Chúa Cha (17,5). Và đây cũng là một yếu tố thuộc cánh chung học đã thể
hiện: Đối với các TMNL, Con Người sẽ
đến trong vinh quang vào Ngày Cuối Cùng (Mc
13,26), còn đối với TM IV, đã có vinh
quang rồi do Đức Giêsu hiện diện trong và qua Đấng Bảo Trợ.
*
Tương quan giữa Thần Khí với Chúa Cha và với Đức Giêsu (15)
Câu 15 gián tiếp nhắc đến tương
quan của Đấng Bảo Trợ với Chúa Cha và với Chúa Con. Ở
chương 16 này, ta thấy Đức Giêsu là Đấng sai phái Đấng Bảo Trợ (16,7); nhưng ở
14,16.26, Chúa Cha lại là Đấng sai phái. Nhưng c. 15 cho thấy rằng khi viết ch.
16, tác giả cũng biết rằng cuối cùng Đấng Bảo Trợ, cũng như Đức Giêsu, là sứ
giả của Chúa Cha. Khi loan báo hoặc giải thích những gì thuộc về Đức Giêsu,
Đấng Bảo Trợ thực sự giới thiệu Chúa Cha cho loài người; bởi vì Chúa Cha và Đức
Giêsu có mọi sự chung với nhau. Sau này các nhà thần học Đông phương và Tây
phương sẽ tranh cãi trong Thần học về Ba Ngôi xem Thánh Thần nhiệm xuất từ một
mình Chúa Cha hay là từ Chúa Cha và Chúa Con. Còn trong tư tưởng Ga, không thể hiểu được chuyện Đấng Bảo
Trợ có điều gì nhận lấy từ Đức Giêsu mà lại không nhận lấy từ Chúa Cha, nhưng tất
cả những gì Người có để cho loài người, đều nhận lấy từ Chúa Cha và từ Đức
Giêsu.
+ Kết luận
Vai trò của Thánh Thần được
khẳng định rõ ràng: Người đưa các thế hệ môn đệ vào trong sự thật toàn vẹn, tức
là hiểu biết sâu sắc mầu nhiệm Đức Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể. Như Đức Kitô
luôn quy chiếu về Chúa Cha, Đấng đã sai phái Người (x. 7,17-18; 12,49; 14,10),
Thánh Thần cũng quy chiếu về Chúa Con. Người sẽ là vị “gia sư” nhắc lại cho các
môn đệ tất cả mạc khải của Đức Giêsu và giúp đào sâu qua các thời đại.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua bản văn này,
chúng ta thấy Đức Giêsu nói về Chúa Cha và Thánh Thần như là những nhân vật
riêng biệt, khác với chính bản thân Người. Người giới thiệu Chúa Cha như là nguồn mạch thông ban mọi sự: Chúa Cha sai
phái Chúa Con và Thánh Thần; Chúa Con luôn quy chiếu về Chúa Cha để nhận Lời mà
truyền đạt cho các môn đệ, cũng như để lấy các quyết định. Chúa Con công chính
hóa loài người, ban cho họ sự bình an của Người và ký thác cho họ quyền lực
giao hòa. Người nói về Thánh Thần như là một nhân vật mà người ta đang chờ đợi,
sẽ đến để hoàn tất một sứ mạng riêng, đó là đưa các môn đệ đến chỗ hiểu
kỹ càng hơn trọn vẹn mạc khải Người đã ban. Đàng khác, Người cũng cho thấy là Chúa
Cha và Thánh Thần kết hợp mật thiết với Người, đến nỗi Đấng này không làm gì mà
không có Đấng kia. Sự tách biệt nói lên tính tự lập, sự kết hợp nói lên sự hiệp
thông trọn vẹn. Đây là mẫu mực cho đời sống của mọi tập thể trong Họi Thánh.
2. Mặc dù Đức Giêsu
đã truyền đạt cho các môn đệ tất cả các bí mật của Người (Ga 15,15), các ông vẫn chưa hiểu được. Các ông cần một phương
pháp thích ứng mà Thánh Thần, với khoa sư phạm riêng, sẽ cung cấp cho. Thánh
Thần không phải là một vị thầy giảng dạy, nhưng là một vị “gia
sư” giải thích cặn kẽ giáo huấn của vị thầy. Như vậy, Thánh Thần không có giáo
thuyết riêng; Người chỉ nhắc lại mạc khải về Chúa Cha nơi Chúa Con và giúp các
môn đệ hiểu (14,26). Thánh Thần cũng giúp các thế hệ môn đệ hiểu được mạc khải
của Đức Kitô và chọn được các xử sự tương ứng. Đưa lại một ý nghĩa Kitô
giáo cho lịch sử, giúp người ta khám phá ra trong mọi sự có dấu vết của chương
trình Thiên Chúa, đó là sứ mạng của Thánh Thần nơi các môn đệ, và đó cũng là sứ
mạng chứng nhân của họ.
3. Từ ngữ “sự thật”
trong truyền thống Kinh Thánh hàm ý
“sự vững vàng”, “sự bền bỉ”, “thực tại chắc chắn”. Sự thật của Thiên Chúa được
tỏ bày nơi Đức Kitô (Ga 1,9). Vậy
điểm tựa vững chắc của người tín hữu là Đức Giêsu Kitô (Ga 1,12). Thánh Thần sẽ giúp các tín hữu xác tín về vai trò này của
Đức Giêsu và luôn liên kết với Người.
4. Ba Ngôi là “thẻ
căn cước” của người Kitô hữu. Người môn đệ của Đức Giêsu phải phản ánh dung mạo
của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Người ta thấy được dấu ấn Ba Ngôi nơi
cộng đoàn khi mọi người được chấp nhận và đón tiếp, khi niềm vui và nỗi buồn
được chia sẻ, khi sự đa dạng không xóa mất sự hợp nhất, nhưng làm cho mọi người
nên phong phú. Chúng ta thấy được dấu ấn của Ba Ngôi tại bất cứ nơi nào người
ta tìm kiếm vinh quang chân thực: không phải là thứ vinh quang do cạnh tranh và
thống trị, nhưng do khiêm nhường phục vụ những ai cần được yêu thương.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm