1.- Ngữ cảnh
Chương 2 của Tin Mừng Mátthêu là một bài tường thuật đầy đủ, hoàn toàn dễ hiểu dù
không có chương 1. Chính điểm này cho thấy có nhiều tài liệu có trước Mt
được ráp nối với nhau. Đề tài “sự hoàn tất các sấm ngôn” cũng được nhắc tới đều
đặn (x. 2,6.15.18.23). Có bốn truyện kết cấu chặt chẽ với nhau tạo nên diễn
tiến của chương này, nhưng dường như các biến cố ấy đã được chọn cho phù hợp
với các bản văn ngôn sứ mà truyện được xây dựng xoay quanh. Các sấm ngôn này
đều có một đăc điểm chung là nhấn mạnh trên một hoàn cảnh địa dư. Trong chương
này, chúng ta lại có thể phân biệt ra hai khối, nhưng khối thứ nhất được liên
kết với khối thứ hai bằng nhiều từ móc, và nếu không có khối thứ nhất, thì
không thể hiểu được khối thứ hai:
- 2,1-12: Truyện kể nhiều chi tiết; những nhân
vật chính là các nhà chiêm tinh; ngôi sao là phương tiện Thiên Chúa dùng để
hướng dẫn các vị này.
- 2,13-23: Ít chi tiết kể truyện, và chỉ nhắm cho
thấy các bản văn ngôn sứ được hoàn tất; nhân vật chính là Giuse (không hề được
nhắc tới trong phân đoạn trước); Giuse được thiên thần Chúa ban lệnh trong mộng
(y như trong 1,18-25).
Về phương diện truyện
kể, vua Hêrôđê là sợi dây liên kết hai phân đoạn.
Chương 2 đưa vào một đề tài quan trọng của TM Mt:
người Do Thái khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân thì đón nhận.
Vua Hêrôđê, hoàng tử Áckhêlao và dân chúng Giêrusalem tượng trưng cho người Do
Thái; các nhà chiêm tinh tượng trưng cho Dân ngoại. Dân ngoại sẽ chiếm chỗ mà
người Do Thái bỏ trống trong lòng dân Thiên Chúa, khi họ không chịu tin. Dân
ngoại sẽ là dân
Về việc các nhà chiêm tinh đến Bêlem, chúng ta
có thể đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời: Các ngài từ đâu đến? Các ngài đã
thấy xuất hiện ngôi sao gì? Làm thế nào mà các ngài nhận ra đó là ngôi sao của
Đấng Mêsia? Tại sao vua Hêrôđê không xử sự theo cách hợp lý hơn?
Cũng như
trong nhiều đoạn khác của Tin Mừng,
thay vì đặt ra những câu hỏi về những chuyện không được nói tới, chúng ta nên
để ý đến những gì đã được nói ra. Sau khi bảng gia phả đã cho thấy Đức Giêsu cắm
rễ trong lịch sử dân Israel, và bản văn về nguồn gốc đích thực của Người đã chỉ
nói đến những người có liên can trực tiếp, ở đây tác giả giúp chúng ta nhìn xem
cách tiếp đón Đức Giêsu của những người mà vì họ Đức Giêsu đã đến. Tác giả
không nêu ra một hành động nào của Hài Nhi, Đức Maria và Giuse. Những
nhân vật hành động là Thiên Chúa và người ta, và đều nhắm tới Hài Nhi. Trong quan
hệ với Hài Nhi, ta phân biệt ra ba nhóm người: các nhà chiêm tinh, các kinh sư
và vua Hêrôđê. Hoạt động công khai của Đức Giêsu và lời loan báo hậu Phục Sinh
về Đấng chịu đóng đinh và phục sinh cũng được vây quanh bởi những hạng người
như thế. Nhận biết trong niềm vui, lãnh đạm không quan tâm và bách hại liên
tục, ba yếu tố này đi theo mọi giai đoạn của cuộc đời Đức Giêsu.
2.- Bố
cục
Bản văn này có thể được
chia ra làm hai phần, với một đoạn Mở:
1) Mở (cc.
1-2): Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các nhà
chiêm tinh.
2) Phần 1
(cc. 3-9a): Gặp gỡ Hêrôđê, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái. Cốt lõi là sấm
ngôn về Đấng Mêsia.
3) Phần 2
(cc. 9b-12): Gặp gỡ Ấu Vương “chân chính” tại Bêlem. Cốt lõi là hành vi tôn thờ
Đấng Mêsia.
3.- Vài
điểm chú giải
- Bêlem (Bêthlehem)
miền Giuđê (1): Bêlem (Bêthlehem) có
nghĩa là “nhà bánh mì”, hoặc cũng có thể là “nhà của thần Lah(a)mu” (thần của
dân
- Vua Hêrôđê (Cả): Vua
này cai trị miền Giuđê (năm 37-4 tCN). Bởi vì ông xuất thân từ miền Iđumê, ở về
phía nam xứ Giuđê, và ủng hộ nền văn hóa Hy Lạp, nên ông bị người Do Thái ghét
bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy hoàng. Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái
kinh hoàng, nên chỉ một chút nghi ngờ, là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát
cả gia đình ông. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên xứ, đặc biệt là
một cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và
nổi loạn.
- Đức Giêsu ra đời: Cộng
đoàn tín hữu tiên khởi lúc đầu không có thứ lịch như ngày nay đang được sử dụng
hầu như khắp nơi: chia thành hai phần trước và sau cuộc chào đời của Đức Giêsu.
Thời ấy, người ta tính năm dựa theo các Đại hội thế vận Hy Lạp (Đại hội đầu
tiên được tổ chức năm 776 tCN), hoặc dựa theo năm thành lập thành Rôma (ngày
21-4-753 tCN), hoặc dựa theo những hoàng đế cai trị ở Rôma. Sau một thời gian,
các Kitô hữu có thói quen tính thời gian khởi đi từ hoàng đế Điôclêtianô
(284-305 CN), ông này đã bách hại họ tàn khốc, và họ gọi thời này là kỷ nguyên
các thánh tử đạo. Kiểu lịch chúng ta đang sử dụng hiện nay là do văn sĩ Denys
le Petit xác định, ông này sống tại Rôma vào tiền bán thế kỷ vi (mất trước năm 555). Để cho những
năm cứu độ không phải gọi bằng tên của bạo chúa bách hại, Denys thay thế kỷ
nguyên các thánh tử đạo bằng kỷ nguyên Đức Kitô. Ông là người đầu tiên cho kỷ
nguyên Kitô giáo khởi đầu với cuộc chào đời của Đức Kitô, mà theo các tính toán
của ông, ngày ấy là ngày 25 tháng 12 năm 753 sau khi Rôma được thành lập. Theo TM Mt, “Đức Giêsu ra đời tại
Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” (2,1), mà chúng ta biết rằng vua
Hêrôđê qua đời vào năm 750 của thành Rôma. Như vậy, cuộc chào đời của Đức Giêsu
phải được đẩy lùi lại 6 hoặc 7 năm: hẳn là Đức Giêsu đã ra đời vào thời gian
giữa năm 8 và 6 tCN.
- mấy nhà chiêm tinh (HL.
magos): Đây là những vị hiền giả Đông
phương, thông thạo chiêm tinh. Rất có thể họ là những nhà chiêm tinh
- chúng tôi đã thấy vì sao (2):
Vào thời thượng cổ, người ta thường cho rằng cuọc chào đời của các nhân vật
quan trọng được loan báo bởi các ngôi sao mới. Các nhà chiêm tinh cho rằng họ
có thể đoán được vận mệnh của người ta nhờ quan sát chuyển động của các tinh
tú. Do Thái giáo cũng nối kết niềm hy vọng thiên sai vào ngôi sao được nói tới
ở sách Dân số (24,17). Có thể nói,
vào thời Đức Giêsu và các Tin Mừng,
ngôi sao là hình ảnh ưu tiên để tượng trưng Đấng Mêsia, đặc biệt Đấng Mêsia
vương giả, xuất thân từ nhà Đavít.
- xuất hiện (2): Người ta
đã tìm cách xác định ngôi sao ấy là một hiện tượng thiên văn hay là một ngôi
sao chổi. Thật ra nỗ lực này cũng không đưa đến đâu, bởi vì hoặc tác giả Mt
muốn kể lại một hiện tượng lạ lùng duy nhất trong lịch sử, hoặc chi tiết này
chỉ là một đặc điểm văn chương, được gợi hứng bởi Kinh Thánh, nhưng không có hiện tượng tương ứng thế giới vật lý,
nên cố gắng tìm ra một giải thích tự nhiên đều là chuyện vô ích.
- Cả thành Giêrusalem (3): Đây là một kiểu
nói phóng đại, như để báo trước việc toàn dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu (x.
21,10). Một sự tương phản đáng kinh ngạc: những người ngoại giáo, được hướng
dẫn bởi những kiến thức hời hợt, pha trộn mê tín dị đoan, đã đáp trả tiếng gọi
của Thiên Chúa, thực hiện một hành trình và điều tra kỹ lưỡng, để có thể bái
kiến vị tân vương; ngược lại, các nhà lãnh đạo Do Thái có ánh sáng Kinh Thánh, lại chỉ phản ứng bằng sự sợ
hãi và vô tâm (cc. 4-6).
- Các thượng tế (archiereis, 4): Archiereis
đây là các thành viên của các gia đình mà vào lúc quy định nào đó, vua Hêrôđê
có thể chọn ra người mà bổ nhiệm làm thượng tế.
- kinh sư trong dân (4): dịch sát grammateis tou laou là “các kinh sư của
dân chúng”: một kiểu nói phóng đại.
- Phần ngươi, ngươi đâu phải (6):
Câu trích này là một tổng hợp Mk
5,1-3 với 2 Sm 5,2 theo cách rất độc
đáo, không tương ứng với bản văn Cựu Ước Híp-ri lẫn Hy Lạp. Tác giả đã đưa
những thay đổi đó vào với mục tiêu huấn giáo. Đặc biệt, với trạng từ oudamôs (Pháp: pas du tout; Anh: by no means)
thêm vào bản văn Mikha, ngài cho thấy
ngài chú tâm đọc Cựu Ước dưới ánh
sáng của đức tin Kitô giáo của ngài: sau khi Đức Giêsu đã chào đời, Bêlem không
còn có thể là một thành không đáng kể nữa. Nghịch lý lạ lùng: các kinh sư loan
báo nơi Đấng Mêsia chào đời cho những người ngoại giáo (dù sao, họ cũng vẫn là
những cái máng chính thức truyền đạt mạc khải mà!), thế mà họ lại không thể
nhận ra được Người!
- mừng rỡ vô cùng (10):
Niềm vui của các nhà chiêm tinh được nhấn mạnh (so với Lc 2,10). Trong TM Mt,
đây là niềm vui của những quốc gia ngoại giáo đã khám phá ra nơi Đức Giêsu ơn
cứu độ họ vẫn trông chờ cách mơ hồ. Đối lại với niềm vui này là sự bối rối
hoang mang của vua Hêrôđê và thành Giêrusalem, cũng như sau đó là cơn giận dữ
điên cuồng của nhà vua (c. 16). Cũng có thể so sánh niềm vui lớn lao của các
phụ nữ vào sáng ngày Phục Sinh (28,8) với cơn kinh hoàng của đám lính canh
khiến họ ra như chết (28,4).
- Họ vào nhà (11): Tác giả nối kết chặt chẽ niềm
vui của những người ngoại giáo và việc họ đi vào “nhà”, là hình ảnh báo trước
Giáo Hội, nơi người ta gặp được Đức Kitô và bái thờ Người.
- hài nhi và thân mẫu:
Công thức này được nhắc lại ở các câu 13, 14, 20 và 21, là do tác giả cố tình
chọn để nhắc lại cuộc sinh hạ do mẹ đồng trinh (1,18-25).
- sấp mình thờ lạy (= bái lạy: cc.
2.8.11): “Bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” (proskyneô)
được tác giả Mt dùng động từ này 13 lần (toàn Tân Ước: 57 lần). Đây là
hành vi sấp mình trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị
cao, chẳng hạn các vua. Tác giả Mt
hầu như chỉ dùng động từ này để diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giêsu bởi
những người khẩn cầu (8,2; 9,18; 15,25; x. 20,20) và bởi các môn đệ (14,33:
liên kết với việc tuyên xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa), đặc biệt dành cho
Đấng Phục Sinh (28,9.17).
- lấy vàng, nhũ hương, mộc
dược mà dâng tiến: Sau khi bái lạy một vị vua, thường có việc dâng lễ vật
(x. St 43,26; 1 Sm 10,27; 1 V 10,2; Tv 72,10). Ba thứ lễ vật này đều xứng
đáng với một vị vua: x. Tv 72,15
(vàng); Is 60,6 (vàng và nhũ hương); Tv 45,8 (xức mộc dược cho vua); Dc 3,6 (nhũ hương và mộc dược). Truyền
thống các Giáo Phụ coi các lễ vật này là những biểu tượng về vương quyền
(vàng), thần tính (nhũ hương) và việc mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các nhà chiêm tinh (1-2)
Chỉ trong một câu duy
nhất, tác giả đã giới thiệu được khung cảnh địa lý, hoàn cảnh chính trị, và các
nhân vật sẽ được đề cập đến trong bản văn. Chủ đề của chương 2, “vương quyền
của Đấng Mêsia”, đã được gián tiếp gợi lên qua tước hiệu “vua” gán cho Hêrôđê,
một danh từ liên tục được nhắc lại suốt bài này.
Chủ đề lại được nêu lên
trong câu hỏi của các nhà chiêm tinh (c. 2). Các vị này là những nhà chiêm tinh
văn, chứ không phải là “vua”. Đặc biệt trong môi trường Mêsôpôtamia, hai ngành
thiên văn và chiêm tinh đã có từ lâu đời và rất được trọng dụng. Các biến cố
xảy ra trên bầu trời và trong thế giới loài người được coi là có liên hệ chặt
chẽ với nhau. Người ta xác tín rằng ai hiểu các hiện tượng của bầu trời thì cũng
hiểu lịch sử loài người và có thể ban các lời khuyên và những định hướng về
lịch sử này. Các nhà chiêm tinh này có khả năng giải thích các giấc mộng và
thấy trước tương lai bằng cách nhìn xem các vì tinh tú và quan sát cánh chim
bay. Các vị cũng có khả năng biện phân ra ý muốn của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, làm thế nào
mà các nhà chiêm tinh vừa ngoại quốc vừa ngoại giáo lại có thể đi tìm vua dân
Do Thái như thế, trên đất Paléttina? Vào thời cổ, có một niềm tin nói rằng cuộc
chào đời của một nhân vật quan trọng sẽ được báo cho biết bởi một ngôi sao trên
trời. Trong lãnh vực nghiên cứu của họ, các nhà chiêm tinh nhận được một thông
tin cho biết Đấng Mêsia đã chào đời và họ được thúc đẩy lên đường. Các nhà
chiêm tinh đã thấy ngôi sao được Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải là một
ngôi sao chổi hay một ngôi sao nào trong bầu trời vật lý. Các vị biết rằng, một
đàng, Ds 24,17 khẳng định về Đấng
Mêsia xuất thân từ nhà Giacóp, đàng khác, có một truyền thống song song, dựa
trên Ds 24,7 (bản dịch Hy Lạp LXX),
khẳng định rằng Đấng Mêsia sẽ trị vì trên nhiều dân tộc. Các vị biết rằng dân Do
Thái đang chờ đợi Đấng Mêsia. Từ thời Lưu đày
Khi kể câu truyện Các
nhà chiêm tinh, tác giả Mátthêu không
quan tâm đến cuộc hành trình của các vị ấy; ngài chỉ chú ý đến cuộc đối đầu của
các vị ấy với vua Hêrôđê. Ngài cũng muốn nói với chúng ta rằng cuối cùng Đấng
giải phóng nhà Giacóp đã tới. Các nhà chiêm tinh nhận ra Người và thờ lạy Người.
Đức Giêsu chính là ngôi sao ấy. Chúng ta đọc diễn tiến câu truyện.
Đến Giêrusalem, các vị
ấy tưởng là đã đạt mục tiêu, nhưng lại được gửi đi đến một nơi khác. Nhưng
bây giờ các vị ấy đã biết mục tiêu cách chính xác hơn. Các kinh sư là những
chuyên viên Kinh Thánh (x. 23,2t), đã có thể suy ra là Đấng Mêsia chào đời tại
Bêlem xứ Giuđê. Trong Mk 5,1-3, Đấng
Mêsia được giới thiệu như là Thủ Lãnh và Mục tử của dân
Hai phần sau đây tương
ứng với hai “chương trình xung đột” (cũng có trong cc. 13-23) tác giả muốn
tường thuật: sự đối lập giữa hai nơi, Bêlem/Nadarét và Giêrusalem; một bên là
chiến lược của vua Hêrôđê tại Giêrusalem, bên kia là chiến lược của Thiên Chúa;
vua Hêrôđê không những đối lập với Đức Giêsu, mà cũng đối lập với các nhà chiêm
tinh nữa. Sự đối lập giữa hai vị vua được nêu bật bởi ngôi sao: ngôi sao không
được nhắc đến ở Giêrusalem, nhưng dẫn đường cho các nhà chiêm tinh sau khi họ
rời Giêsusalem.
* Gặp gỡ
Hêrôđê, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái (3-9a)
Sự việc xảy ra ở đền vua Hêrôđê gián tiếp giới thiệu
Đấng Mêsia vương giả bằng câu sấm Mk
5,1-3 kết hợp với 2 Sm 5,2. Bây giờ
vua Hêrôđê và “cả thành Giêrusalem” được đặt trong thế đối lập với các nhà
chiêm tinh. Phản ứng bối rối dao động của họ là một bằng chứng cho thấy họ hiểu
tính nghiêm trọng của hoàn cảnh. Vua Hêrôđê và toàn dân Giêrusalem thuộc nhóm
loại trừ vị tân ấu vương.
Một vài điểm không thật (vua Hêrôđê và dân
Giêrusalem không ưa gì nhau nên hẳn là dân chúng hẳn phải vui mừng khi biết
Đấng Mêsia vừa chào đời thì mới hợp lý – Nhà vua phải hỏi về nơi Đấng Mêsia
sinh ra, mà nơi này thì mọi người đều biết, vậy mà không một ai tò mò đi với
các nhà chiêm tinh đến Bêlem cả – Vua Hêrôđê triệu tập toàn thể Thượng Hội Đồng
Do Thái chỉ để xin một thông tin – Ngôi sao chỉ đúng nhà của Đức Giêsu – Dân cư
Giêrusalem “xôn xao”…) khiến nhiều tác giả cho rằng đây chỉ là một sáng tác văn
chương mà thôi. Nhưng dù được tưởng tượng hay không, câu chuyện này minh họa
thật rõ việc dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu và Dân ngoại đón tiếp Người. Đối
với tác giả Mt, Giêrusalem là thành
sẽ xảy ra cuộc đónh đinh; dân Giêrusalem là những người sẽ nói về cuối quyển
Tin Mừng, “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (27,25). Sự
bối rối của vua Hêrôđê và dân Giêrusalem ở đây báo trước thái độ thù nghịch
trong cuộc Thương Khó (x. 27,11.29.37.42). Ở đây, vua Hêrôđê, các thượng tế và
kinh sư đã hiểu “Vua dân Do Thái” chính là “Đấng Kitô [Mêsia]”.
Câu trả lời về “Đức Vua dân Do Thái” là câu
trích Mk 5,1, nhưng tác giả đặt trên
môi các kinh sư, chứ không dùng công thức về hoàn tất Lời Chúa. Câu này cung
cấp một nền móng Cựu Ước cho khởi đầu cuộc đời của Đức Giêsu về mặt lịch sử và
tiểu sử. Nhưng đây không phải là điều ngài quan tâm đầu tiên. Điều ngài chú ý
hơn, đó là dùng hai lần từ “Giuđa” và thêm 2
Sm 5,2 (x. 1 Sbn 11,2) vào với từ
móc laos (“dân chúng”) để khẳng định
quan điểm chống Do Thái của ngài: các kinh sư Do Thái nhìn nhận rằng đây là vấn
đề về vị mục tử thiên sai vẫn từng mong đợi của dân Thiên Chúa là Israel, nhưng
họ không rút ra các hệ luận; vì vậy họ gián tiếp trở thành đồng lõa của vua
Hêrôđê.
Thế là vua Hêrôđê “hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi
sao đã xuất hiện”. Câu 7 này đưa chúng ta đến với câu 16 được viết tương tự.
Độc giả có linh cảm một chuyện chẳng lành sắp xảy ra, khi thấy nhà vua hỏi chi
tiết về nơi Hài Nhi ở. Câu trả lời chính là sự tàn bạo bí hiểm của nhà vua được
chứng tỏ sau đó. Câu 8 lại cho độc giả nhận ra nhà vua là một kẻ đạo đức giả.
Đồng thời, nền tảng của c. 12 được cung cấp: vua Hêrôđê muốn kéo các nhà chiêm
tinh vào trò chơi của ông; nhưng ý định xấu xa của ông sẽ bị Thiên Chúa can
thiệp tiêu hủy.
* Gặp gỡ Ấu
Vương “chân chính” tại Bêlem (9-12)
Các nhà chiêm tinh ra
đi ngay ban đêm, không phải vì đó là thói tục của Đông phương, nhưng để tác giả
lại có cơ hội nói về ngôi sao. Tại đây, độc giả lại nhận ra Thiên Chúa ra tay
hướng dẫn toàn thể biến cố, và được mời gọi chia sẻ niềm vui chan hòa các nhà
chiêm tinh đang trải nghiệm.
Chủ đề của bài Tin Mừng
được trình bày rõ ràng qua việc các nhà chiêm tinh bái lạy Hài Nhi Giêsu và
dâng các lễ vật (c. 11). Đây mới là vị vua chân chính mà muôn dân vẫn trông
đợi, dù tước “vua” không hề được dùng mà gọi Người. Nhưng chủ đề “vị vua thật”
chạy xuyên suốt bản văn do các từ ngữ (“Vua dân Do Thái”: c. 2; “vì sao của
Người”: cc. 2.7.9.10; “vua Hêrôđê: c. 3; “Hêrôđê”: cc. 7.12; “bái lạy”: c. 8;
“nhà vua”: c. 9) và các cụm từ (“vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân
Ta sẽ ra đời”: c. 6; “sấp mình thờ lạy”: c. 11; “lấy vàng, nhũ hương, mộc dược
mà dâng tiến”: c. 11)[1] liên hệ.
Các nhà chiêm tinh, là
những người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm, đã phủ phục (proskyneô) trước Hài Nhi, một trẻ sơ sinh không hề tỏ ra có chút uy
hùng hay quyền lực gì. Đây là cách người Đông phương nhìn nhận Đấng có quyền
trên mình, mình lệ thuộc phần nào hay hoàn toàn vào đấng ấy (là vua chúa hay
thần linh). Nhưng chúng ta nhớ Đức Giêsu đã được giới thiệu là “con cháu vua
Đavít” (1,1), “Con Thiên Chúa” (x. 1,21; 2,15) và Emmanuel (1,23). Hài Nhi
không nói gì với các vị ấy và cũng chẳng cho các vị ấy món gì cả. Các vị không
thấy vẻ huy hoàng chúa tể của Người, cũng chẳng trải nghiệm về quyền lực của
Người, nhưng các vị nhận biết Người nhờ lòng tin. Tác giả bỏ qua ông Giuse để
nêu bật địa vị đặc biệt của bà Maria theo chiều hướng của Mt 1,18-25. Các lễ vật quý giá (vàng, nhũ hương và mộc dược) các vị
dâng là một dấu chỉ khác chứng tỏ các vị nhìn nhận Hài Nhi là Chúa tể.
Chủ đề được khóa lại
với tên “Hêrôđê”, vị vua đương trị, được nhắc lại lần nữa và với việc các nhà
chiêm tinh từ biệt Hài Nhi. Vua Hêrôđê đã muốn nối kết các nhà chiêm tinh vào
các kế hoạch của ông, và các kế hoạch này là thế nào thì cuộc sát hại các hài
nhi Bêlem sẽ cho biết; và hẳn là các nhà chiêm tinh sẽ chịu cùng một số phận
như các hài nhi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã can thiệp, để đưa các nhà chiêm tinh
về quê theo đường khác.
+ Kết luận
Đọc
bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra có sự đối đầu của hai vương quyền, vương
quyền của Thiên Chúa và vương quyền của loài người. Bản văn cũng nêu bật hai
nỗi lo lắng: nỗi lo của những con người đói khát ơn cứu độ, đang ra sức đi tìm;
nỗi lo của con người sợ cuộc sống mình bị đặt thành vấn đề. Hai bên đều tiến
đi, để rồi đến cuối con đường, một bên được hưởng niềm vui cứu độ, một
bên co quắp lại trong thái độ thù nghịch. Chỉ khi vương quyền của con người
biết nhìn nhận mình phát xuất từ vương quyền của Thiên Chúa, khi đó mới có sự
“bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
5.- Gợi ý
suy niệm
1. Truyện này gây ra hai ấn tượng. Một bên, chúng ta muốn coi toàn
bộ như một huyền thoại: cuộc hành trình dài ngày của các nhà chiêm tinh, ngôi
sao dẫn đường, nỗi bối rối của nhà vua và toàn thể dân thành Giêrusalem, mưu mô
của vua Hêrôđê, cuối cùng lệnh của Thiên Chúa ban cho các nhà chiêm tinh trong
mộng, tất cả những nét này khiến chúng ta có ấn tượng là truyện không thật. Nhưng
ngược lại, nếu so sánh truyện này với những gì ta biết về vua Hêrôđê và xứ
Paléttina thời ấy, chúng ta lại phải nhìn nhận truyện có màu sắc lịch sử: sự
lưu tâm của các nhà chiêm tinh phương Đông về một vị vua cứu thế và những cơn
điên khùng bệnh tật của vua Hêrôđê hoàn toàn phù hợp với truyện. Nhưng “đúng”
không nhất thiết là “thật” về lịch sử. Cho dù các biến cố đã xảy ra thật, các
truyện trong chương 2 Mt cũng không
mang tính lịch sử theo nghĩa hẹp. Dường như tác giả đã sử dụng thể văn midrash haggada để giải thích các sự
kiện có thật hầu rút ra một áp dụng Kinh Thánh, để đi tới việc ca tụng Thiên
Chúa, khám phá ra một mạc khải về những chương trình của Thiên Chúa trong quá
khứ và cho tương lai, nhằm xây dựng cọng đoàn.
2. Có những điểm “khôi hài” trong bài: Sự khôn ngoan của Dân ngoại
mà người Do Thái vẫn loại trừ hoặc khinh bỉ cũng có thể đưa người ta đến với
Đức Kitô. Đấy là khi các nhà chiêm tinh đến đền vua Hêrôđê và hỏi về nơi trú
ngụ của “Đức Vua mới sinh”. Đàng khác, chính một vị vua gian ác ngoại quốc (vì
Hêrôđê thuộc gốc dân Iđumê) cũng có thể trở thành trung gian cung cấp cho người
ta những thông tin chính xác. Đấy là khi vua Hêrôđê triệu tập các thượng tế và
kinh sư lại để hỏi cho biết Đấng Kitô sinh ra ở đâu.
3. Có hai chuyển động ngược chiều trong bài: Vua Hêrôđê càng ngày
càng co quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là
Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Giêrusalem, còn các nhà chiêm tinh thì đã từ
những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối với Đấng
Mêsia. Vì thế sau đó, các vị “đã đi lối khác mà về xứ mình” (c. 12). Cũng nên
dừng lại suy nghĩ về lối ứng xử của các kinh sư: họ đã có thể trích và giải
thích đúng Kinh Thánh, nhưng họ không hề lên đường. Thánh Âutinh bảo rằng họ là
“những cột cây số”; họ chỉ đúng đường, nhưng họ không di chuyển!
4. Các nhà chiêm tinh đã nhận được sự thúc đẩy
đầu tiên khi nghiên cứu thiên văn. Đến Giêrusalem, các vị lại nhận được một thông
tin chính xác hơn rút từ Kinh Thánh. Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường
và cứ dò dẫm từng bước, và Thiên Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng
“ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các vị không kháng cự lại và không quản ngại mệt
nhọc, trái lại đã chấp nhận được hướng dẫn, các vị đã vui sướng đạt tới mục
tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi
người trong cuộc cảm thấy đường đi không rõ và mục tiêu mịt mù.
5. Các nhà chiêm tinh không thấy vinh quang hay
uy quyền của Hài Nhi Giêsu, nhưng các vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa
tể, là Đức Vua và vị Mục Tử của Dân ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho
từng bước đi tới chỗ nhận biết Đức Chúa, ở đây được các nhà chiêm tinh diễn tả
ra trong tình trạng tinh trong. Dựa vào ba lễ vật, qua các thời đại, người ta
đã tưởng tượng là có ba nhà chiêm tinh, có tên rõ ràng, một vị trẻ tuổi, một vị
đứng tuổi và một vị đã già; một vị là người châu Á, một vị
là người châu Âu và một vị châu Phi. Cách làm này không tương ứng với
chữ viết của bản văn nhưng phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Tất cả các lứa tuổi
và con người của mọi châu lục đều đạt tới mục tiêu khi gặp Hài Nhi này, nhất là
khi nhìn nhận Người là Đức Vua và Đức Chúa của họ. Người đã đến cho mọi người,
cho người trẻ cũng như cho người già, cho người thông thái cũng như người chất
phác ít học, cho mọi màu da và mọi lối sống, để giúp họ nhận biết Thiên Chúa là
Cha và đưa vào cuộc đời họ một ánh sáng chói chan. Như các nhà chiêm
tinh, loài người không được để mình đi trệch đường về với Đức Giêsu, mà phải để
cho Thiên Chúa hướng dẫn, cho đến khi tới đích.
6. Phải chăng nên gỡ bỏ các ngôi sao tại các
máng cỏ? Không cần! Chúng ta cứ việc ngắm nhìn ngôi sao ấy, cứ chỉ cho con em
thấy, nhưng bảo các em rằng ngôi sao đích thật là Đức Giêsu. Người chính là ánh
sáng soi chiếu mọi dân tộc. Cũng giải thích cho chúng biết rằng các nhà chiêm
tinh là đại diện cho các dân tộc trên thế giới đang để cho sứ điệp hòa bình và
tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn. Họ chính là hình ảnh của Hội Thánh, được tạo
nên do các dân tộc thuộc mọi giống nòi và mọi ngôn ngữ. Trở nên một thành viên
của Hội Thánh không có nghĩa là đánh mất hoặc bỏ đi chân tính của mình, không
có nghĩa là phải quy phục một thứ “đồng nhất” giả tạo và bất công. Các dân tộc
cần phải duy trì nền văn hóa của họ và làm giàu cho Hội Thánh bằng nền văn hóa
riêng này.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm