CHÚA NHẬT LỄ HIỂN
LINH
Chúa tỏ ơn cứu độ ra
cho chúng ta
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 2:1-12)
Nếu chỉ là việc Chúa Giê-su sinh ra cho người Do-thái và
thu hẹp trong lịch sử Do-thái thôi, thì quả thực “kế hoạch ân sủng” của Thiên
Chúa chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta!
Cũng thế, lễ Hiển Linh không khác gì hơn những lần Thiên Chúa hiện ra
với dân Do-thái như đã được tường thuật trong Cựu Ước! Nhưng trái lại, thực sự là một Tin Mừng vĩ
đại khi thánh Phao-lô Tông Đồ cho chúng ta biết rằng: “Kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác
cho tôi, liên quan đến anh em”
(Ê-phê-xô 3:2). Chìa khóa để chúng ta
xác tín được mối “liên quan” này chính là biến cố Hiển Linh, hoặc là việc Thiên
Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại.
Bạn và chúng tôi, chúng ta không phải là người Do-thái,
nhưng thuộc thành phần “dân ngoại”! Tuy
nhiên vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, trong đó có chúng ta nữa, nên Người đã
ban Con Một của Người cho hết mọi người, cả người Do-thái lẫn chúng ta, như
Người đã hứa: “Để bất cứ ai tin vào Con
của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16) . Khi ban Hài Nhi Giê-su cho nhân loại, Thiên
Chúa đã thực hiện kế hoạch ân sủng, tức lời hứa cứu độ trần gian, và Người minh
nhiên nói với chúng ta rằng kế hoạch này liên quan tới chúng ta nữa. Để minh chứng kế hoạch cứu độ của Người liên
quan đến cả những người không phải là Do-thái, Thiên Chúa đã tỏ Con Một của
Người cho những nhà chiêm tinh là những người đại diện cho “dân ngoại” và cho
chúng ta. Chúng ta cùng được diễm phúc
như những nhà chiêm tinh, là “đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương
Đông và đến bái lạy Người”. Cùng với họ,
chúng ta cũng có những lúc không nhìn thấy ngôi sao là sự hiện diện của Chúa
Giê-su nữa, nên cần phải hỏi han qua giáo lý, suy niệm Kinh Thánh và sự giúp đỡ
của người khác. Nếu những kẻ thù của
Chúa Giê-su, thí dụ như vua Hê-rốt, đã truy cứu về nguồn gốc của Người với ý
định tiêu diệt hoặc chối bỏ Người, thì tại sao trong Năm Đức Tin này chúng ta
lại không học hỏi qua sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo hoặc qua văn kiện Công
Đồng Vatican II để hiểu biết về Người hơn và yêu mến Người hơn?
Sau khi rời cung điện vua Hê-rốt, các nhà chiêm tinh được
“ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở
mới dừng lại”. Ngôi sao nói lên mối
“liên quan” giữa chúng ta với kế hoạch ân sủng là chính mầu nhiệm Chúa Ki-tô có
thể được hiểu như là lòng yêu mến chúng ta dành cho Người. Chỉ có tình yêu đáp lại kế hoạch yêu thương
của Thiên Chúa mới có thể đưa chúng ta đến tận nơi Chúa ở. Ngôi sao tình yêu ấy sẽ làm cho chúng ta
“mừng rỡ vô cùng”. Mừng rỡ vì được thấy
không những Hài Nhi mà cả thân mẫu là Mẹ Ma-ri-a. Mừng rỡ đến nỗi sẵn sàng sấp mình thờ
lạy. Mừng rỡ vô cùng nên không tiếc bất cứ gì để tiến dâng Chúa, miễn là
biểu lộ được niềm tin yêu của chúng ta vào Chúa Giê-su. Thánh Phê-rô Kim Ngôn dạy: những nhà chiêm tinh “dâng tặng phẩm đầy ý
nghĩa nhiệm mầu để tuyên xưng mình tin chứ không tranh luận”. Cũng vậy, trong Năm Đức Tin này, chúng ta
hãy: “Dâng hương để nhận Người là Chúa,
dâng vàng để nhận Người là Vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết” (Bài giảng của thánh Phê-rô Kim Ngôn, Giờ
Kinh sách, vọng Hiển Linh).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Mục đích của việc Thiên Chúa tỏ ra ơn cứu độ của Hài Nhi
Giê-su cho các nhà chiêm tinh phương Đông là để cho chúng ta, những người không
phải Do-thái, thấy rõ ơn cứu độ liên quan mật thiết với chúng ta. Điều quan trọng không phải chúng ta phải là
người Do-thái, nhưng là chúng ta có nhận biết con người và sứ mệnh của Chúa
Giê-su Ki-tô hay không. Ngôi sao Hiển
Linh vẫn chiếu sáng. Chúa Ki-tô, “hình
ảnh của Thiên Chúa vô hình”, vẫn hiện diện và cư ngụ giữa chúng ta. Nếu chúng ta biết đến với Chúa Giê-su, thì
lời của thánh Phê-rô Kim Ngôn sẽ là lời nói về chúng ta: “Chính vì vậy mà dân ngoại là những kẻ đến
sau cùng lại thành người đến trước hết, vì nhờ đức tin của các nhà chiêm tinh
bấy giờ mà niềm tin của lương dân được khai mở”. Phải, niềm tin của chúng ta đã được khai mở
rồi. Nhưng chúng ta hãy sống niềm tin ấy
đi!
Lm. Đa-minh Trần đình
Nhi