(Gioan 20,19-23 – Lễ Hiện Xuống ABC)
1.- Ngữ cảnh
Dựa theo bố cục tổng
quát của TM Ga, đoạn văn này nằm
trong chương 20 là chương cuối cùng của phần B (Sách về Giờ của Đức Giêsu), kèm theo lời kết cho thấy mục tiêu của
tác giả khi viết Tin Mừng.
Trong tình trạng tranh
tối tranh sáng lúc bình minh, Maria Mácđala đi đến mộ Đức Giêsu và thấy mộ đã
được mở và trống không. Cho tới nay, có hai sứ điệp của Đức Giêsu Phục Sinh đã
bao trùm ngày Phục Sinh (20,2.17). Vào buổi chiều ngày dài này, Đấng Phục Sinh
đã đến gặp các môn đệ Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng
kín: họ còn đang ở trong mộ của nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống
của Người. Đức Giêsu đã đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc do phản bội,
do sợ hãi. Và Người đã trao sứ mạng để các ông trở thành sứ giả đi khắp nơi mà
ban ơn tha tội, ban sự bình an.
2.- Bố
cục
Bản văn có thể chia
thành hai phần:
1) Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng
minh sự Phục Sinh (20,19-20);
2) Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và trao ban Thánh Thần (20,21-23).
3.- Vài
điểm chú giải
- Vào
chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần (19): Cuộc hiện ra xảy ra tại Giêrusalem vào
ngày Chúa Nhật. Bản văn Lc 24,33-49
cho biết Đức Giêsu hiện ra vào buổi chiều, bởi vì vào lúc xế chiều, Người đã
ngồi ăn với hai môn đệ tại Emmau, rồi hai ông đã trở lại Giêrusalem ngay trước
khi Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm. Rất có thể tác giả dùng từ ngữ “ngày ấy” mà chỉ ngày Chúa Nhật ấy là có
ý coi đây là ngày cánh chung, ngày mà Đức Giêsu ban Thánh Thần để ở lại mãi mãi
với các môn đệ (xem thêm cc. 14,20; 16,23.26).
Tác giả dùng công thức
“Ngày thứ nhất trong tuần” cho cả hai
lần hiện ra ở đây (lần sau đúng một tuần sau) rất có thể là vì ông muốn nhắc
đến thói quen của các Kitô hữu cử hành Thánh Thể vào “ngày thứ nhất trong tuần”
(Cv 20,7; xem thêm 1 Cr 16,2).
- các cửa
đều đóng kín (19): Lý do nêu ra trong bản văn là “vì các ông sợ người Do Thái”,
nhưng có lẽ tác giả cũng còn muốn cho thấy là thân thể Đức Giêsu Phục Sinh có
thể đi qua cửa đóng kín.
- Bình an
cho anh em (19): Trong tiếng Do Thái, shalôm
(= bình an) là một lời chào thông thường. Nhưng trong văn cảnh long trọng ở
đây, lời của Đức Giêsu có ý nghĩa khác, không phải chỉ là “Cầu chúc anh em được
bình an”, như thể họ còn phải chờ đợi sự bình an đến trong tương lai. Ở đây,
lời Đức Giêsu nói là một nhận định về thực tại: chắc chắn họ đang có sự bình an
của Người.
- Như
Chúa Cha đã sai Thầy (21): Trong các Tin
Mừng khác, cũng có lời sai đi này (x. Mt
28,19; Lc 24,47), nhưng ở đây, mẫu
mực cho việc sai đi là quan hệ của Con với Cha (một đề tài thần học của Ga, xem 17,18).
- Người
thổi hơi vào các ông... Anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần (22): Hành động này nhắc nhớ đến làn hơi sáng tạo của
Thiên Chúa trong St 2,7. Làn hơi của Đức
Giêsu chính là Thánh Thần. Trên thập giá, Người đã “trao Thần Khí” (paredôken to pneuma; trước đây, vì không
quan tâm đến thần học của tác giả Ga,
người ta đã dịch là “trút hơi thở”) (19,30): Người đã trao ban Thánh Thần cho
những người đứng dưới chân thập giá, đặc biêt cho thân mẫu Người, tượng trưng
Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến,
tượng trưng các Kitô hữu.
-
Anh em tha tội cho ai ...; anh em cầm giữ
ai... (23): Câu này có vọng lại Ds
22–24 bằng tiếng Hy Lạp (Bản LXX), Truyện Bilơam: chẳng hạn so sánh Ga 20,23 // Ds 22,6 LXX. Theo bản văn Híp-ri, vua Balác xác tín rằng “kẻ nào bị
ông nguyền rủa thì mắc họa/bị nguyền rủa” (Ds
22,6 Híp-ri), nghĩa là sẽ bị nguyền rủa qua lời nguyền Bilơam tuyên bố. Ông
không bận tâm với quyền năng của Thiên Chúa Israel, là Đấng có đồng ý thì
Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa (Ds 22,12; 23,8). Ngược lại, trong bản văn Hy Lạp, lời của Balác ở
22,6 có một ý nghĩa hàm hồ: có thể hiểu “được phúc” (eulogêntai) và “mắc họa/bị nguyền rủa” (kekatêrantai) vừa theo nghĩa một hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai
gần (bản văn Híp-ri: dạng phân từ và vị hoàn), vừa theo nghĩa một lời thú nhận
không chủ ý rằng chỉ những ai đã được Thiên Chúa chúc phúc hoặc bị Thiên Chúa
nguyền rủa thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa. Đó chính là điều
Thiên Chúa đã nói với Bilơam: “Ngươi không được đi với chúng! Không được nguyền
rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc (estin
gar eulogêmenon)”. Bilơam không thể nguyền rủa kẻ đang sống trong tình trạng
được chúc phúc, từ đó chúng ta hiểu là kẻ nào ông nguyền rủa được, kẻ ấy đã
đang bị Thiên Chúa nguyền rủa rồi. Balác đã nói như thế và ông có lý, mà ông
không biết.
Dạng hoàn thành apheôntai
(“được tha”) và kekratêntai (“bị cầm
giữ”) ở Ga 20,23 có thể được hiểu như
thế.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Sau khi Đức Giêsu đã bị bắt, bị xử tử
và được an táng, tình trạng của các môn đệ thật đáng thương: các ông về nhà
đóng kín tất cả các cửa, vì sợ người Do Thái. Các ông hoàn toàn mất bình an.
Trong khi các môn đệ còn ở trong tình trạng bế tắc cùng cực, Đức Giêsu Phục
Sinh đã đến với họ, tự mình đi vào ngày giữa lòng tình trạng thê thảm đó.
* Lời chào “bình an” thứ nhất với việc
chứng minh sự Phục Sinh (19-20)
Khi hiện ra với các ông, điều đầu tiên Đức Giêsu nói là: “Bình an cho
anh em!” (19,19). Nhưng nói mà thôi thì không đủ, Người còn cho các môn đệ thấy
rằng các ông có Người đang sống giữa các ông. Người không chỉ nói về bình an,
Người cung cấp nền tảng chắc chắn cho lời của Người: các vết thương. Vậy Người
chính là Đấng đã chết trên thập giá, nhưng nay Người đã trở lại với cuộc sống
trong tư cách vừa là Đấng Tử Nạn vừa là Đấng chiến thắng cái chết. Các vết
thương cũng là dấu chỉ cho thấy tình yêu vô biên của Người. Trong cùng một lúc,
Người cho các ông được gặp Người như Đấng Chịu Đóng Đinh và Đấng Phục Sinh. Do
đó, Người chính là sự bình an và nguồn mạch tuôn trào niềm vui cho các môn đệ
(c. 20).
Đoạn văn này còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Lời Đức Giêsu chào “Bình an
cho anh em” (eirênê hymin) khiến
chúng ta nghĩ đến ý nghĩa Thần Khí học của đoạn văn: eirênê lần đầu tiên được dùng ở Ga
14,27, ngay sau một lời nhắc đến Đấng Bảo Trợ sẽ đến (14,26). Câu tiếp theo
“Thầy ra đi và đến với anh em” (14,28) là một quy chiếu về việc Đức Giêsu ra đi
và Thánh Thần đến (x. 16,7). Như thế, lời Đức Giêsu nói về sự bình an của Người
ở c. 27 rất có thể cũng phải được giải thích như là một quy chiếu về việc ban
Thánh Thần trong tương lai, do chỗ các động từ “Thầy để lại” (aphiêmi) và “Thầy ban” (didômi) đều có nghĩa tương lai, cũng như
“Thầy đến” (erchomai) ở c. 28. Các
lời hứa – sai Thánh Thần, ban bình an, và lại đến – nay đã được hoàn tất.
Một chi tiết nữa cũng liên hệ đến Thánh Thần, là “cạnh sườn” (pleura); từ này tạo một liên kết với
cuộc đóng đinh và hành vi người lính đâm cạnh sườn Đức Giêsu (19,31-36). Rất có
thể coi nước chảy từ cạnh sườn Đức Giêsu là một biểu tượng về Thánh Thần: nước
và Thánh Thần được đặt song song tại 3,5 và cái chết của Đức Giêsu là một điều
kiện cần thiết để Thánh Thần đến (7,39; 16,7). Ở 7,38-39, tác giả Ga minh nhiên đồng hóa những dòng nước
hằng sống, sẽ chảy ra từ Đức Giêsu, với Thánh Thần. Điều này được hoàn tất ở
19,34. Bây giờ, khi Đức Giêsu cho các môn đệ xem cạnh sườn bị đâm, Người không
chỉ chứng minh Người là con chiên Vượt Qua đã chết trên thập giá, nhưng nay đã
sống lại; Người còn cho thấy rằng Thánh Thần đã tuôn trào ra từ Người và bây
giờ có thể được ban cho các môn đệ.
* Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và
trao ban Thánh Thần (21-23)
Sau khi chúc bình an lần thứ hai, Đức Giêsu nói đến việc sai phái các
môn đệ (c. 21). Trước đây, tác giả TM IV cũng đã nói đến một việc sai phái
các môn đệ tương tự việc Chúa Cha sai phái Đức Giêsu (13,20; 17,18). Thiên Chúa
sai phái Đức Giêsu đi nói các lời của Thiên Chúa và giảng dạy (3,34; 7,16;
8,26; 12,49; 14,24), để thực hiện ý muốn và các công việc của Thiên Chúa (4,34;
5,30.36; 6,38-39; 9,4), và cứu độ thế gian (3,17). Từ ngữ “như” (kathôs) ở 20,21 khiến nhớ lại nhiều đoạn
trong TM IV cho hiểu rằng các môn đệ
phải làm việc như các ngôn sứ của Đức Giêsu, y như Đức Giêsu đã làm việc như là
ngôn sứ của Cha Người. Như Đức Giêsu đã thấy Chúa Cha, họ cũng đã thấy Đức
Giêsu; qua việc thấy Đức Giêsu, họ cũng đã thấy Chúa Cha (14,7-9). Bởi vì Đức
Giêsu đã cho họ tất cả được biết những gì Người nghe được từ Chúa Cha (15,15),
những gì họ đã nghe được từ Đức Giêsu bây giờ là lời của Chúa Cha (14,24). Các
lời (rhêmata) đã được Chúa Cha ban
cho Đức Giêsu, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ (17,8). Như Đức Giêsu đã làm
chứng về những gì Người đã thấy và nghe (3,11.32), các môn đệ Người cũng phải
làm chứng về Người (15,27). Như một cành nho không thể sinh hoa trái tự mình (aph’ heautou) nhưng chỉ nhờ ở lại trên
cây nho, họ cũng phải ở lại trong Đức Giêsu, “vì không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được” (15,4-5). Đức Giêsu đã ban cho họ vinh quang (doxa) mà Chúa Cha đã ban cho Người (17,22). Như vậy, các đặc điểm
ngôn sứ trong sứ mạng của Đức Giêsu nay được gán cho các môn đệ sau khi Người
đã chết, sống lại và lên trời vinh hiển.
Nói xong, Người “thổi hơi vào” (enephysêsen)
các môn đệ; nói như thế là tác giả giải thích rằng hơi thở của Đức Giêsu là
Thánh Thần. Y như sự cố Thần Khí xuống đã đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu
(1,32-33), nay ân ban Thần Khí khai mạc sứ mạng của các môn đệ. Trước đây Đức
Giêsu đã nói đến Thần Khí sự thật, Đấng ở lại (menei) với các môn đệ (14,17) như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (1,32). Đây là
Thần Khí ngôn sứ, theo như Đức Giêsu đã giải thích: “Người sẽ không tự mình nói
điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho
anh em biết những điều sẽ xảy đến (16,13). Ở đây nhiều đặc tính ngôn sứ được áp
dụng cho Thần Khí: Ngài vừa nghe vừa nói/loan báo những điều giấu kín, và Ngài
là trung gioan truyền tải sứ điệp. Ngài sẽ làm chứng cho Đức Giêsu và như thế
cung cấp cho các môn đệ một điển hình (15,26-27).
Động từ emphysian (“thổi hơi
vào”) ở Ga 20,22 đã được dùng tại St 2,7 LXX là chỗ nói về việc Thiên Chúa
thổi hơi mang sức sống vào Ađam. Dựa vào đó, có những nhà chú giải đã giải
thích rằng, chức năng của Thần Khí là rửa sạch các môn đệ khỏi tội lỗi và làm
cho họ thành một cuộc tạo dựng mới. Nhưng ở đây Thần Khí được ban cho các môn
đệ không phải vì lợi ích cá nhân họ, nhưng vì những kẻ khác.
“Anh em tha tội ai... anh em cầm giữ ai...”
(c. 23): Câu này nói đến quyền tha và buộc tội. Dưới ánh sáng của Chu kỳ Bilơam
(Ds 22–24), các thì hoàn thành của Ga 20,23 không có ý nói là Thiên Chúa cứ
“nhắm mắt” phê chuẩn bất cứ hành vi tha tội và cầm tội nào mà các môn đệ tự do
công bố. Đúng hơn, các thì này diễn tả điều này: nhờ Thánh Thần ngôn sứ được
ban cho các ông, các môn đệ sẽ có khả năng tha tội cho những người và chỉ cho
những người mà Thiên Chúa hoặc Đức Giêsu đã tha tội cho.
+ Kết luận
Ân ban căn bản của Đấng Phục Sinh là
sự bình an (20,19.21.26). Ngay trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã hứa ban
sự bình an này cho các môn đệ. Người có tư cách để ban sự bình an này vì Người
về cùng Chúa Cha (14,27) và vì Người thắng thế gian (16,33). Nay Người đã thực
sự thắng cái chết, là dấu chỉ tối hậu về sức mạnh tiêu diệt của thế gian, và đã
thật sự lên cùng Chúa Cha. Người đã đạt tới mục tiêu của Người, Người lại đang
sống giữa các môn đệ trong tư cách là Đấng chiến thắng. Chính Người là nền tảng
của sự bình an của các ông, hoặc nói theo thư Êphêxô, “chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Các ông có thể ra đi thực hiện chương trình cứu độ, nhớ
Thánh Thần của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Kitô mà
chúng ta gặp trong Lời Chúa, trong các buổi cử hành Phụng vụ, trong giờ cầu nguyện
giữa cộng đoàn anh chị em, là Đức Kitô Phục Sinh. Người ban cho chúng ta bình
an và Thánh Thần, và sai chúng ta đi hân hoan chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng
ấy. Chúng ta cần phải để Người đưa chúng ta ra khỏi ngôi mộ của sợ hãi, của ích
kỷ, của những sai lầm, để tin tưởng đi vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu
không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền (x. 16,33), nhưng ban cho chúng
ta sự vững vàng, không lay chuyển và sự tin tưởng an bình.
2. Các môn đệ của
Đức Giêsu cần xác tín rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết
trên thập giá; các ông cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích
của cuộc Thương Khó, dù đã sống lại; Người chính là “Con Chiên đứng như thể đã
bị giết” (Kh 5,6). Các vết thương ấy
là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng là dấu cho thấy sự tàn
ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn luôn tin tưởng dấn
thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực tế, biết rằng mình
dấn thân vào trong thế giới nào.
3. Khi ban Thánh
Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy
Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Người như là gió.
Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu
thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta
vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm.
Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng
làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn
gió Thánh Thần cũng thế. Người mạnh mẽ, Người len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta
mở lòng ra với Người, Người sẽ bẻ gãy, Người nhổ tung và phá hủy tất cả những
gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Người cũng làm cho các con tim nên dồi dào
phong phú. Người liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã
nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà [liên tục] kêu lên : ‘Áp-ba, Cha ơi!’”
(Gl 4,6).
4. Nếu chúng ta chờ
đợi một sự biến đổi đột ngột, tức khắc và lạ lùng sau khi được rửa tội, chắc
chắn chúng ta phải thất vọng. Thánh Thần triển khai các hành động của Người như
một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong
âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm