YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Linh mục Giuse
Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT LỄ LÁ,
NĂM C
Lc 19, 28-40
Chúa Giêsu mặc khải là Đấng Mêsia, Đấng Thiên
Sai, Đấng đến thế gian để đem sự an bình cho nhân loại, chứ không phải Đấng đến
để đem hận thù, chiến tranh và đổ vỡ. Chúa đến thế giới vì yêu thương con
người, yêu thương loài người. Sự yêu thương nhân loại của Chúa Giêsu được diễn
tả bằng việc Người cưỡi trên mình lừa tiến vào Giêrusalem…
Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức vai trò, trách
nhiệm và hết sức can đảm tiến vào Giêrusalem. Tin Mừng Gioan 12, 14-15 viết :”
Đức Giêsu tìm thấy một con lừa và cỡi lên nó, đúng như lời Kinh Thánh dạy : Hỡi
thành Sion, đừng sợ, này đây Vua ngươi đến, Ngài đang cỡi trên một chú lừa
con”. Khi tiến vào Giêrusalem, dân chúng vẫy các cành thiên tuế và reo vang:”
Hosanna ! Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến ! Hoan hô Vua Israen “ . Thánh
Gioan kết thúc bài mô tả việc Chúa vào Thành Thánh :” Lúc đó các môn đệ Đức
Giêsu chưa hiểu điều ấy, nhưng khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, họ mới nhớ lại
lời Thánh Kinh viết điều này về Ngài và chính họ đã thực hiện điều ấy cho Ngài
“ ( Ga 12, 16 ). Chúa Giêsu đã đến không phải để được hầu hạ, Ngài đến để phục
vụ mọi người. Chúa Giêsu đến không để kết án người khác, Ngài đến để thứ tha
cho họ. Chúa Giêsu đến để những người khác được thực hiện giấc mơ của họ. Chúa
đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ).
Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là thực hiện ý
Thiên Chúa Cha mà ý của Chúa Cha là sai Đức Giêsu đến trần gian để yêu thương
mọi người. Do đó, Ngài đã bày tỏ tấm lòng yêu thương của Người : Người đã làm
các phép lạ, đã chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, đã xua trừ ma quỉ, dạy dỗ dân
chúng, yêu thương trẻ em, đồng bàn với những người tội lỗi tha thứ cho các tội
nhân. Hôm nay, Chúa Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem để thực thi ý định của
Chúa Cha: chết trên thập hình tự giá để ban hạnh phúc và ơn cứu độ cho con
người, cho nhiều người.
Tuy nhiên, trước khi làm tròn ý định của Thiên
Chúa Cha. Chúa Giêsu đã phải chịu thử thách. Satan đã nhập vào Giuđa Iscariot
và y đã ra hiệu bằng một cái hôn để quân dữ bắt Ngài. Phêrô đã chối Chúa ba lần
và các môn đệ khác đều bỏ Chúa mà chạy trốn. Chúa Giêsu đã hoàn toàn cảm thấy
bị bỏ rơi. Ngài đã cầu nguyện để chiến thắng cám dỗ.
Chúa Giêsu vẫn tỏ ra nhẫn nhục, chịu đựng và
nhân từ trước khi hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó là chết và chết trên
thập giá. Chúa cảm thông và nhắc nhở Giuđa về tình nghĩa Thầy trò. Ngài chữa
lành tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai. Ngài nhìn Phêrô với ánh mắt trìu mến thứ
tha. Ngài an ủi những người phụ nữ than khóc Ngài. Ngài thứ tha cho những kẻ
làm hại, đóng đinh Ngài trên thập giá. Ngài thương tha thứ và ban thiên đàng
cho người trộm lành biết ăn năn hối cải…
Và rồi, Chúa đã chết trên thập giá để nói lên
tình yêu tuyệt đối và sâu đậm đối với nhân loại, đối với con người. Thánh Gioan
đã viết lại Lời Chúa:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người
hiến mạng sống về người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).
Chúng ta hãy cùng Thầy Alois, viện phụ Taizé
suy niệm :” Ngày Lễ Lá, Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường tiến vào thành
Giêrusalem, ngồi trên lưng lừa.Dân chúng đón rước Người với một niềm vui bao
la.Làm sao giúp các Kitô hữu trẻ ngày nay, cũng có một niềm vui đơn sơ, hoàn
toàn tin tưởng vào Đức Kitô ? Chúng ta nên chú ý để niềm vui này, trước hết
phải là nội tâm, được nuôi dưỡng bằng một lời cầu nguyện chung, được nâng đỡ
bằng những khúc ca với tinh thần ca tụng…”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiền lành, khiêm nhường
cỡi trên mình lừa để vào thành thánh Giêrusalem để được người ta tung hô, nhưng
là để thực hiện ý của Thiên Chúa Cha: đau khổ, chết trên thập giá để cứu độ
muôn dân. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào
tình yêu cứu độ của Chúa. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao Chúa lại cỡi lừa để đi vào Thánh
Thánh Giêrusalem ?
2.Dân chúng và trẻ em làm gì ?
3.Cành vạn tuế có ý nghĩa gì ?
4.OBACE nghĩ gì về cuộc thương khó của Chúa ?