CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Niềm khát mong của
Chúa
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 22:14 – 23:56)
Những ngày đầu tiên thi hành sứ vụ Phê-rô, Đức Giáo Hoàng
Phan-xi-cô đã cho chúng ta thấy niềm khát mong của ngài qua những hành động
thật ý nghĩa: mong Giáo Hội trở về nguồn
cội nghèo khó của mình. Khi Chúa Giê-su
sắp kết thúc sứ vụ tại trần gian, Người cũng có một ước mong cụ thể: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua
này với anh em trước khi chịu khổ hình”.
Chẳng lẽ khát mong đơn giản vậy sao?
Không phải, “Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ
Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Cuộc Thương khó của Chúa Giê-su quả thực là
một lễ Vượt Qua kéo dài và bao gồm cả chúng ta trong đó.
Đã mấy lễ Vượt Qua rồi, nhưng vì thời giờ của Chúa chưa
đến, nên Người không biểu lộ niềm khát khao.
Lần này, đây là lễ cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Người và nó
mang một ý nghĩa vô cùng cao thượng.
Không phải chỉ là mừng một biến cố của lịch sử Do-thái và tạ ơn Thiên
Chúa, nhưng là biến cố trực tiếp mở đầu cho kế hoạch cứu độ bằng sự vượt qua
của chính Chúa Giê-su. Người sẽ vượt qua
cuộc Thương khó, vượt qua sự chết và tội lỗi để đưa nhân loại vào một Triều Đại
mới. Lễ Vượt Qua của Do-thái là cuộc
mừng biến cố Thiên Chúa cứu thoát Ít-ra-en khỏi làm nô lệ cho Ai-cập và đưa dân
Người về Đất Hứa. Còn lễ Vượt Qua “chịu
khổ hình” của Chúa Giê-su là việc Người cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Hôm nay Chúa Giê-su kết thúc lễ Vượt Qua của
Ít-ra-en cũ và khởi đầu lễ Vượt Qua của Ít-ra-en Mới tức là Giáo Hội. Trong cuộc Vượt Qua cũ, ông Mô-sê dẫn dân
Do-thái ra khỏi Ai-cập. Trong cuộc Vượt
Qua Mới, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới sẽ đưa nhân loại ra khỏi quyền lực của tội
lỗi và sự chết để dẫn họ về nhà Thiên Chúa Cha.
Với một mục đích vĩ đại như vậy, chúng ta hiểu được Chúa Giê-su khát
khao mong mỏi nó được mau thực hiện biết chừng nào!
Về phần Chúa Giê-su, Người đã thực sự “vượt qua” cuộc khổ
hình và sống lại trong vinh quang. Tuy
nhiên Chúa Giê-su không vượt qua một mình.
Người là trưởng tử của nhân loại mới, mời gọi mọi người hãy cùng đồng
hành với Người trong cuộc vượt qua này.
Như vậy, chúng ta có cần phải thực sự chịu đau khổ cả thể xác lẫn tinh
thần giống như Người hay không? Dĩ nhiên
là không. Cách thức chúng ta tham dự vào
cuộc vượt qua của Chúa Giê-su đã được thánh Phao-lô mô tả sống động như
sau: “Anh em không biết rằng: chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc
về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?...
Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy,
con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ
cho tội lỗi nữa” (Rô-ma 6:4,6). Nhờ ân
sủng cứu độ, chúng ta cố gắng “vượt qua” tội lỗi và quyết tâm sống đời sống mới
trong Thánh Thần, đó là cách chúng ta cùng với Chúa Giê-su làm cho “lễ này được
nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Nghe đọc bài Thương khó của Chúa Giê-su, chúng ta cố gắng
suy niệm tình yêu của Đấng yêu thương chúng ta đến nỗi sẵn sàng chết cho chúng
ta. Nhưng nếu hiểu được niềm khát khao
của Người muốn tự nguyện chết cho chúng ta, chúng ta mới nhận ra rõ ràng hơn ý
nghĩa của cuộc Thương khó ấy. Chúng ta
có nguyên một Tuần Thánh để sống những ngày cuối của Đấng yêu thương chúng ta
đến cùng (Gio-an 13:1). Ước gì lời Chúa
Giê-su nói với các Tông đồ trước khi ăn tiệc Vượt Qua luôn vang vọng trong tâm
hồn không chỉ những ngày này, nhưng là mọi ngày, để thúc giục chúng ta hãy kiên
trì bước theo Chúa trong hành trình đức tin.
Chúa Giê-su không khát mong ăn lễ Vượt Qua một mình, nhưng
là “với anh em”. Nhất định Chúa Giê-su
muốn mời gọi mỗi người chúng ta cùng “chịu khổ hình” với Người, cùng chiến
thắng tội lỗi và cùng trở về với Cha trên trời.
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với
Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rô-ma 6:8).
Vậy trong Năm Đức tin này, chúng ta hãy tuyên xưng niềm tin ấy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi