CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Cám dỗ giúp chúng ta trưởng thành đức tin
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
4:1-13)
Nói đến cám dỗ, chúng ta nghĩ ngay đó là mưu chước ma quỷ sử
dụng để dụ chúng ta đi vào tội lỗi hoặc vào con đường đưa chúng ta lìa xa Thiên
Chúa. Chúng ta cũng không thể không nghĩ
đến Chúa Giê-su, gương mẫu chống trả cám dỗ, đã chiến thắng Xa-tan như thế
nào. Nhưng thử hỏi có khi nào chúng ta
coi cám dỗ như là một cơ hội nhắc nhở giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống
thiêng liêng hay không?
Trước hết chúng ta hãy xem mưu chước của Xa-tan khi nó cám
dỗ Chúa. Những lời Xa-tan thách thức Chúa Giê-su luôn luôn có cùng
một từ “nếu”. Những chữ nếu thật nguy hiểm
này có khi nói lên sự thật, có khi lại là điều giả dối. Tuy nhiên sự thật hay giả được Xa-tan nói lên
chỉ là để mở đường cho một hành động chống lại Thiên Chúa và thánh ý Người. Thí dụ, khi Xa-tan nói: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa”, đó là một sự thật. Còn hành động
“thì truyền hòn đá này hóa bánh đi” tuy cũng là một sự thật, nhưng nếu Chúa
Giê-su nghe theo nó mà thực hiện hành động này là Người sẽ đi ngược lại mục
đích quyền năng Thiên Chúa ban cho Người.
Cũng thế, trong cám dỗ thứ ba, Xa-tan nói với Chúa Giê-su: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”, đó là sự thật. Nhưng đứng trên nóc Đền Thờ mà nhảy xuống thì
lại là hành động “thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Cũng với từ “nếu” ấy, trong cám dỗ thứ hai, Xa-tan lại đề
ra một hứa hẹn: “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về
ông”. Nó chỉ cho Chúa Giê-su thấy mọi
vinh hoa, lợi lộc của tất cả các nước thiên hạ “đã được trao” cho nó và nó muốn
cho ai tùy ý. Những gì Chúa Giê-su tận mắt
nhìn thấy đều là có thật. Nhưng điều kiện
để có được những cái có thật ấy lại là một hành động hoàn toàn phản bội Thiên
Chúa: hành động bái lạy Xa-tan.
Chúng ta đã nhận biết mưu chước Xa-tan sử dụng để thuyết phục
Chúa Giê-su làm điều ngược lại bổn phận của mình với Thiên Chúa. Nhưng cách Chúa Giê-su chiến thắng Xa-tan lại
còn kỳ diệu và mạnh mẽ hơn cả đường đi nước bước của nó! Trước mỗi cám dỗ, Chúa Giê-su đã nhận định rõ ràng mục đích của hành động
ma quỷ thách thức Người làm. Người tự hỏi: Tôi biến hòn đá thành bánh để làm gì? Hoặc:
Tôi từ nóc Đền Thờ nhảy xuống để làm gì?
Tất cả đâu phải để chứng minh tôi là Con Thiên Chúa! Mà chỉ là để tôi được nổi tiếng, được mọi người
khâm phục mà thôi! Dựa vào Kinh Thánh,
Chúa Giê-su đã xác tín được thánh ý Thiên Chúa và sứ mệnh Người trao. Cơm bánh chỉ là một phần của sự sống, ngoài
ra còn lương thực thiêng liêng nữa, vì “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn
của Đấng đã sai Thầy” (Gio-an 4:34).
Cũng vậy, mục đích của việc bái lạy là để được Xa-tan ban cho tất cả thế
gian này. Nhưng mục đích duy nhất của việc
bái lạy là chỉ để “thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi tại sao Chúa để chúng ta
trong môi trường đầy cám dỗ? Phải chăng
Chúa không muốn chăm sóc lo lắng cho tôi?
Không phải đâu. Nhưng đó là vì
Chúa muốn chúng ta được lớn lên. Lửa thử
vàng, gian nan thử đức. Cám dỗ cần thiết
vì là dịp để chúng ta tập chiến đấu, tập tành nhân đức, nhất là lòng trung
thành với Chúa. Chúa Giê-su đã nhận thấy
sự cần thiết này nên Người cầu nguyện với Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian,
nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Gio-an 17:15).
Đặc biệt trong Năm Đức tin này, chúng ta để ý đến những cám
dỗ liên hệ đến đức tin. Trong những cám
dỗ Chúa Giê-su chịu, đức tin luôn luôn là đề tài Xa-tan tấn công Người dưới những
chiều kích khác nhau. Nó cố thuyết phục
Người thay thế niềm tin vào Thiên Chúa bằng niềm tin vào quyền lực, tiền tài và
danh vọng. Nó xúi giục Người hãy hành động
mọi sự theo ý riêng thay vì thi hành kế hoạch của Chúa Cha. Chúng ta có nhiều cám dỗ đức tin. Nhưng có lẽ cám dỗ đức tin thông thường nhất,
đó là không tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện tốt nhất khi chúng ta bị cám dỗ
là: “Con tin! Nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của
con!” (Mác-cô 9:24).
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi