CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY,năm C
Lc 9, 28 b-36
Chúa nhật thứ hai Mùa
Chay trong năm đức tin càng thôi thúc chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên
Chúa. Quả vậy, ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã
được chứng kiến giây phút Thầy chí thánh trên núi xuất thần.
Cảnh tượng ấy đã củng
cố niềm tin của các môn đệ, ngày nay nó vẫn làm vững mạnh niềm tin của mỗi Kitô
hữu. Do đó, vinh quang của Chúa Giêsu là sức mạnh giúp các môn đệ và chúng ta
vững tin, vượt qua những thử thách, gian gian ở trần gian này…
Trong cuộc hành trình
rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã vài lần loan báo về cuộc thương khó mình sẽ
phải chịu. Thực tế, các môn đệ đi theo chân Chúa vẫn không hiểu về những điều
Thầy loan báo. Nên, đêm hôm ấy, Chúa Giêsu đã cùng ba môn đệ được xem là thân
cận nhất của Chúa dẫn nhau lên núi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha
thế nào, chúng ta không rõ…Chúa Giêsu cầu nguyện, ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và
Gioan lại đắm chìm trong giấc ngủ miên man, không hay không biết Thầy của mình
đang trò chuyện với Thiên Chúa Cha. Nhưng sau khi tỉnh giấc, ba môn đệ thấy
Chúa Giêsu vinh quang sáng chói, hai ông Môsê và Êlia cũng rạng rỡ vinh quang,
đàm đạo, chuyện trò thân mật với Chúa. Phêrô cao hứng thưa với Chua Giêsu :”
Thưa Thầy, chúng con ở đây thì thật là hay “ ( Lc 9, 33 ).Các môn đệ thích nơi
vinh quang, sáng láng nhưng lại không tỉnh thức cầu nguyện. Các ngài muốn căng
lều, đóng trại trên núi cao, nhưng lại đắm mình trong ngủ say. Và rồi, trong
biến cố kinh hoàng của Thầy trong vườn Cây Dầu, các môn đệ vẫn chứng nào tật
nấy, vẫn mê ngủ, khoái ăn, tới lúc kẻ thù đến bắt mất Thầy của mình, các Ông
nhốn nháo, xôn xao, giao động…Đây thật sự cũng là sự yếu hèn của thân phận con
người ở trần gian này.
Sống với các môn đệ,
Chúa Giêsu hiểu rất rõ các ông thật yếu đuối, Ngài thấu suốt tâm hồn các Ông,
nên trên núi Tabôrê, Chúa đã cho các môn đệ được chiêm ngắm vinh quang của Chúa
cho dù vinh quang ấy chỉ xẩy ra chốc lát…Vinh quang này đã củng cố lòng tin của
các môn đệ để các ngài thông phần với sự khổ nạn của Chúa Giêsu mà Ngài sẽ thực
hiện tại Giêrusalem. Vinh quang này cũng minh chứng về lời loan báo của các môn
đệ sau này về sự sống lại của Chúa.
Phêrô ở Cêsarê trước đó
tám ngày đã tuyên xưng :” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “ ( Mt 16,
16 ) thì hôm nay trên núi Tabôrê Chúa đã chứng thực cho các ông thấy sự sáng
láng của Ngài vì Ngài thực là Con Thiên Chúa. Biến cố biến hình của Chúa Giêsu
là mạc khải về vinh quang, về sự hiện diện của Chúa giữa nhân loại. Chúa đem Nước
Trời vào trần gian để muôn người nhận ra tình thương và lòng thương xót của
Chúa.
Vinh quang mà Chúa
Giêsu biến hình trên núi Taborê quả thực là sự đáp trả tình thương của Chúa
Giêsu khi Ngài chấp nhận đáp trả lại sự khổ nạn, phục sinh để vâng lời Thiên
Chúa Cha. Sự đáp trả này là lời mời gọi mọi người chúng ta luôn gắn bó và bám
chặt lấy Chúa Giêsu.
Việc Chúa biến hình
sáng láng, vinh quang chỉ xẩy ra một thời gian ngắn. Để rồi sau đó, Chúa chấp
nhận cuộc tử nạn và phục sinh. Tin mừng của thánh Luca cho hay khi trên núi đi
xuống Chúa Giêsu đã nói về cái chết và sự sống lại của Ngài, nhưng các môn đệ
không hề hiểu gì. Mọi người Kitô hữu cũng vậy thôi, đứng trước nhiều cái chết
chúng ta chẳng hiểu gì về sự sống lại cho tới Chúa lại đến trong vinh quang.
Chúa biến hình chốc lát
rồi lại trở lại trạng thái bình thường. Chúa và các môn đệ lại tiếp tục cuộc
sống hằng ngày. Nhưng trong mọi niềm vui nỗi buồ, Chúa luôn hiện diện để nâng
đỡ và củng cố niềm tin của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu,
Trong ánh vinh quang
lung linh của ánh sáng chói lòa trên đỉnh núi Tabôrê
Chúa đã củng cố đức tin
của ba môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan,
Ngày nay, Chúa luôn
hiện diện giữa cuộc đời chúng con
Và can thiệp đúng lúc vào
những hoàn cảnh cuộc đời của chúng con.
Xin Chúa ban thêm đức
tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra
Chúa nơi những người
khác và nơi trạng huống cuộc đời dù thuận hay nghịch.Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa biến hình ở đâu
?
2.Chúa đem ai đi theo
Ngài lên núi ?
3.Hai nhân vật Cựu Ước
hiện ra đàm đạo với Chúa là những vị nào ?
4.Chúa biến hình có lâu
không ?
5.Biến hình có ý nghĩa
gì ?