CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Cuộc xuất hành của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 9:28b-36)

          Có lẽ nhiều khi chúng ta quá chú tâm đến những diễn biến linh hoạt và rực rỡ trong cuộc hiển dung của Chúa Giê-su trên núi mà không để ý tới một chi tiết được thoáng ghi lại:  nội dung cuộc đàm đạo giữa Chúa Giê-su với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a.  Các ngài “nói về cuộc xuất hành của Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”.

          Nói về Xuất hành, chúng ta nghĩ ngay đến cuộc giải phóng dân Chúa khỏi ách nô lệ Ai-cập và trở lại Đất Hứa, nơi Thiên Chúa hứa ban cho các tổ phụ dân Ít-ra-en, để con cháu các ngài có một nơi vĩnh viễn mà thờ phượng Người.  Cuộc “xuất hành” này đem áp dụng vào sứ mệnh của Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta nhận ra được ý nghĩa cuộc Thương khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem, mở đầu cho hành trình đưa chúng ta về Đất Hứa đích thực là quê trời.  Các thánh sử chỉ nêu lên nội dung cuộc đàm đạo, chứ không nói gì đến chi tiết.  Cũng dễ hiểu thôi, vì đáng lẽ ba tông đồ được diễm phúc ở trong cuộc thì lại “ngủ mê mệt” hoặc “thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ”!  Cho nên có thể là các ông không nghe được gì, hoặc nghe mà không hiểu, hoặc nghe mà không muốn hiểu vì những điều ấy đi ngược lại mong ước của họ.  Tám ngày trước đây, Chúa Giê-su đã báo trước cho họ biết Người sẽ chịu cuộc Thương khó, rồi Người dạy họ phải từ bỏ, vác thập giá hằng ngày mà bước theo Người.  Dĩ nhiên họ chẳng muốn chấp nhận những điều này và vô tình thái độ của họ là một thách thức lớn không những cho họ mà cho cả Chúa nữa.  Vì thế đàm đạo về cuộc Thương khó là việc cần thiết để củng cố quyết tâm của Chúa Giê-su cũng như lòng tin của các môn đệ.

          Kinh Thánh Cựu Ước nói rất nhiều điều ám chỉ đến cuộc Thương khó của Đấng Mê-si-a, đặc biệt trong Lề Luật và các ngôn sứ.  Sự hiện diện của ông Mô-sê thay mặt cho Lề Luật, và ông Ê-li-a thay mặt cho các ngôn sứ, nhắm mục đích giúp Chúa Giê-su vững tin vào sứ mệnh đã lãnh nhận từ Chúa Cha.  Cuộc đàm đạo này góp phần vào quyết định chấp nhận cuộc Thương khó.  Sau khi tiên báo cuộc Thương khó lần thứ hai, thì “đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 9:51).  Tại đây, cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su sẽ diễn ra vô cùng bi đát, nhưng lại đầy can đảm do động lực chấp nhận đau khổ và cái chết hoàn toàn là vì “yêu thương đến cùng”.  Trong cuộc Xuất Hành này, Chúa Giê-su sẽ “vượt qua” cái chết để sống lại và đem sự sống mới đến cho nhân loại.  Người sẽ là trưởng tử dẫn một đoàn em đông đúc của “Ít-ra-en Mới” vượt qua trần gian này để tiến về quê trời (Rô-ma 8:29).

          Ngay từ đầu mùa Chay, phụng vụ đã mời gọi chúng ta hướng về cuộc Thương khó của Chúa Giê-su để xác tín rằng ơn cứu độ của chúng ta phát sinh từ Tình Yêu sẵn sàng chết cho người mình yêu.  Khi tỏ vinh quang của Người ra cho các môn đệ, Chúa Giê-su muốn cho họ thấy cuộc xuất hành của Người và tất cả những ai bước theo Người không phải là đi vào cõi tiêu diệt đời đời, nhưng là tiến dần đến vinh quang vĩnh cửu của chính Thiên Chúa.  Qua thập giá đến ánh sáng, qua đau khổ đến vinh quang, đó là lẽ sống của mọi Ki-tô hữu vậy.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chuẩn bị cho cuộc “xuất hành” tại Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã được Chúa Cha giới thiệu như là “Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn”.  Trong cuộc xuất hành của chúng ta, tức cuộc sống ở trần gian này, chúng ta có thực sự xác tín cùng một điều như Chúa Giê-su, đó là chúng ta đích thực là “con Thiên Chúa, được Người tuyển chọn và yêu thương” không? 

          Nhìn vào cuộc sống hiện tại, chúng ta thấy thử thách và cám dỗ tư bề.  Thử thách từ bên ngoài: gia đình, công ăn việc làm, sức khỏe, bậnh tật... Thử thách từ bên trong: mệt mỏi, phấn đấu không ngừng, chịu đựng nhẫn nhục, cám dỗ, muốn buông xuôi vì thấy mình bất lực… Quả thực là một cuộc xuất hành không kém gian khổ như cuộc xuất hành của Ít-ra-en và của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem.  Như em nhỏ chập chững bước tới bà mẹ đang dang tay sẵn sàng vực em dậy, chúng ta cũng bước đến với Chúa như vậy.  Chúng ta lại có người Anh Cả là Chúa Giê-su, nên điều duy nhất phải làm là “hãy vâng nghe lời Người!”

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C