NGƯỜI CHA NHÂN TỪ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, năm C

Lc 15,1-3.11-32

 

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta được cuốn hút bởi những dụ ngôn, những câu chuyện thực tế, ấn tượng…Do đó, Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn là những bài học, những ý lực sống tuyệt vời cho mỗi người chúng ta.Chúa nhật thứ tư Mùa Chay giới thiệu cho chúng ta về một người cha nhân từ, luôn yêu thương và tha thứ lỗi lầm của con cái mình.

 

Câu chuyện về người con hoang trở về hôm nay được xem là một kiệt tác của thánh sử Luca. Trong câu chuyện này thường chúng ta hay chú ý tới nhân vật đứa con thứ bụi đời trở về. Dụ ngôn có nhiều tình tiết thật thú vị, thật hấp dẫn. Người ta vẫn say sưa kể lại câu chuyện này mà không cảm thấy nhàm chán. Câu chuyện đưa ra hai người con, người anh và em thứ. Tuy kể ra hai anh em, nhưng người em thứ được kể ra nhiều chi tiết và thêu dệt những tình tiết hấp dẫn, thú vị. Ít ai để ý tới nhân vật nguồi anh cả, ngay thánh Luca cũng chỉ dành cho người anh cả một ít chi tiết vào cuối câu chuyện mà thôi.


Nhân vật người anh cả là một người tá điền, chăm chỉ làm việc, suốt cuộc đời của anh là làm việc, trông coi ruộng vườn, và chăm sóc, vâng lời Cha già, dù aanh ta đã lớn tuổi. Mỗi ngày, và mọi ngày anh đi đồng về đều đều, không thấy điều chi khác lạ, nhưng hôm nay hình như có cái gì thật lạ lùng, có cái gì thật khó hiểu. Từ xa anh đã nghe tiếng đàn ca, múa hát, tiếng người í ới gọi nhau vui nhộn, có lẽ nhà mình có chuyện gì vui mà mình không hay không biết. Do đó, anh mới kéo một gia nhận ra và hỏi cặn kẽ gia nhân này về việc gì đang xẩy ra trong gia đình của mình vậy ? Khi được biết thằng em trác táng, sau khi đã lấy gia tài của cha đi xa, ăn chơi cho bằng hết, nay trở về lại được đối xử quá tốt như thế. Người anh cả tức tối, bực bội, cơn giận lên đến cực độ, anh chịu vào nhà.

 

Tin Mừng cho hay người con cả tức giận vì anh luôn là gương mẫu trong đời sống gia đình, chăm lo chăm làm. Bây giờ, theo anh, anh lại bị coi thường trong khi đức em mất nết trở về thì lại được cha coi trọng hết mực và còn hơn thế nữa cha của anh còn đòi anh chấp nhận đứa em phung phá trở về. Do đó, người cha già đã phải nhủ khuyên, năn nỉ mãi anh mới chịu vào nhà, chịu chấp nhận người em bụi đời.

 

Bởi vì, chính cha già đã nói một câu thật cảm động :” em của con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy “. Cha già đã khẳng định minh bạch với anh cả :” Tất cả những gì của cha đều là của con “ ( Lc 13, 31 ).

 

Đây là câu chuyện có thật và rất cảm động, rất ấn tượng về một người cha nhân hậu, người cha yêu thương, tha thứ. Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa. Ngài luôn khoan dung, chạnh thương, tha thứ. Một Thiên Chúa không chỉ trừng phạt, nghiêm khắc nhưng là một Thiên Chúa giầu lòng xót thương.

 

Vâng, sở dĩ người anh cả không chịu vào nhà vì anh ta không thể tha thứ cho em. Anh ta không chịu vào nhà sợ quyền lợi của mình bị xâm phạm, bị lu mờ vv…Anh không chịu vào vì anh không thể hiểu được lòng nhân hậu, tình thương bao la của người cha.

 

Hóa ra, từ xưa đến giờ anh sống trong gia đình mà lòng trí lại ở xa. Anh không trái lệnh của cha, nhưng anh không thương cha. Anh không tha thứ cho em vì anh gọi “ đứa con của cha kia “.

 

Ở đây, Chúa muốn chúng ta phải sống tình nghĩa với nhau. Tuy không cùng máu huyết nhưng lại là con một cha. Tất cả đều là anh em là thế. Nên, Chúa đòi hỏi chúng ta phải hoán cải, thay đổi hoàn toàn, thay đổi thực sự. Muốn là con của cha phải tập làm anh em của mọi người :”…Ai thương yêu anh em mình thì ở lại trong ánh sáng “.

 

Rõ ràng, người anh cả chỉ nghĩ tới lợi lộc mà quên đi tình nhân nghĩa.Anh đại diện cho Pharisêu và Kinh sư. Họ nói cái miệng thật hay nhưng họ lại không thực hiện điều họ nói. Họ tự hào về đời sống mà họ tự cho là đạo đức của họ và không muốn bất cứ ai được cứu rỗi, đặc biệt họ mong cho những người tội lỗi chết đi chứ không mong cho những người này được cứu chữa, ăn năn, sám hối vv…

 

Chính vì thế, cả hai người con đều phải trở lại, đều phải sám hối ăn năn và xin cha thương cứu chữa. Trở về với cha là chấp nhận tha thứ cho người em lầm lỡ, phung phí, hoang đàng. Trở về với cha là chấp nhận mọi người vì mọi người đều có chung một cha. Trở về với cha để thấy mình được yêu thương tha thứ và nằm gọn trong đôi tay cha.

 

Lạy Chúa, xin tăng thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết quay trở về, luôn biết bám chặt lấy Chúa vì Chúa đầy tình thương nhân hậu và hay chạnh lòng xót thương. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Người cha trong câu chuyện tượng trưng cho ai ?

2.Thái độ của người em sau khi phung phí hết tài sản và gặp lúc đói kém ?

3.Người anh cả tượng trưng cho ai ?

4.Tại sao người anh cả không muốn tha thứ cho em ?

5.Người anh cả và người em cần phải làm gì ?