CHÚA NHẬT IV MÙA
CHAY
Cử hành việc hòa
giải
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 15:1-3,11-32)
Qua dụ ngôn cây vả trong bài Tin Mừng tuần trước, Chúa
Giê-su đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hối cải. Qua dụ ngôn người con hoang đàng Chúa kể hôm
nay, chúng ta có cái nhìn thật đầy đủ về việc sám hối. Sám hối không còn là một từ ngữ trừu tượng,
nhưng đã trở nên sống động qua sự kiện người con thứ trở về và người cha ăn
mừng. Cả người con thứ lẫn người cha đều
“cử hành sám hối” hoặc “cử hành việc hòa giải”.
Sau Công Đồng Vaticanô II, chúng ta có nhiều từ mới. Thay vì nói đi xưng tội, chúng ta nói “cử
hành bí tích Hòa giải”. Thực vậy, việc
sám hối không chỉ là một hành vi âm thầm riêng tư, nhưng nó mang chiều kích
cộng đồng, bởi vì nó diễn lại những gì xảy ra theo như dụ ngôn Chúa Giê-su nói
hôm nay. Chắc chúng ta đã có dịp thấy
bức tranh do họa sĩ Rembrandt diễn tả câu chuyện dụ ngôn người con hoang
đàng. Trong bức tranh ấy, người ta thấy
đủ mọi thành phần trong gia đình: người
cha với hai bàn tay khác nhau, một bàn tay gân guốc của ông bố, và một bàn tay mịn
màng của bà mẹ, người con thứ, người anh cả, đầy tớ, ca nhạc… và cả con chó vẫy
đuôi mừng. Đấy, mọi người và vật đều “cử
hành” việc sám hối của người con thứ! Chúng
ta hãy xem ba nhân vật chính, người cha, con cả và con thứ “cử hành” việc sám
hối như thế nào?
Không ai mong đợi và nôn nóng về việc cử hành sám hối cho
bằng người cha. Trước khi người con trở
về, ông đã chuẩn bị việc cử hành bằng sự kiên nhẫn chờ đợi. Rồi khi đối tượng chờ đợi là người con thứ
xuất hiện là ông bắt đầu. Nào là ông
“động lòng thương, chạy ra ôm choàng lấy cổ nó, hôn nó hồi lâu”. Rồi không để cho cậu con cắt ngang việc cử
hành của ông, ông liên tục ra những mệnh lệnh khác để ăn mừng sám hối: phục hồi tất cả những gì đứa con đã đánh mất,
như đeo nhẫn vào tay cậu, xỏ giầy vào chân cậu.
Cuối cùng, cao điểm của việc ông ăn mừng là cho mở tiệc lớn, vì “con ta
đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”.
Người con thứ chuẩn bị cử hành sám hối, cho dù những động
lực chuẩn bị bắt đầu là những nhu cầu vật chất:
túng thiếu, đói ăn và nhục nhã hơn con heo. Những điều này giúp anh ta hồi tâm, rồi từ
hồi tâm đi tới quyết định trở về. Anh ta
cũng chuẩn bị lời ăn tiếng nói để bày tỏ lòng sám hối với cha. Ý thức tội lỗi là điều kiện để cử hành sám
hối: con đã lỗi phạm đến trời và đến
cha. Nhưng cuối cùng khi anh ta xuất
hiện trước người cha thì việc cử hành sám hối của anh đã chìm vào trong tình
yêu tha thứ của cha và bị cuốn hút vào việc ăn mừng của ông rồi!
Người con cả không muốn tham dự vào việc cử hành sám hối. Khi người cha ra ngoài “xin anh vào” và nhắc
nhở anh hãy xét lại mối tương quan giữa anh với gia đình, thì chính anh ta lại trở
thành người con cần phải sám hối. Anh ta
cần trở về với gia đình để nhận lấy “tất cả những gì của cha đều là của con”,
và nhất là để tiếp tục làm “thằng con của cha”!
Tóm lại, cùng với mọi người, anh ta “phải ăn mừng, phải vui vẻ”, phải cử
hành sám hối!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong bài đọc thứ hai trích thư 2 Cô-rin-tô, thánh Phao-lô
khẳng định: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa
đã cho thế gian được hòa giải với Người” (5:19). Tội lỗi đã làm cho thế gian thù nghịch với
Thiên Chúa. Nhờ Máu giao ước Chúa Ki-tô
đổ ra trên thập giá, chúng ta được làm con Chúa. Nhưng mỗi khi phạm tội, chúng ta trở thành
thù địch của Chúa. Vì thế, thánh Phao-lô
nói: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài
xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (5:20).
Trong Tông thư “Cánh cửa đức tin”, Đức Giáo Hoàng Biển-đức
XVI viết: “Năm đức tin là lời mời gọi
hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy
nhất cứu độ thế giới” (số 6). Cử hành
Năm đức tin là cử hành sám hối. Chúng ta
không chỉ cử hành sám hối khi đi xưng tội, nhưng còn là cố gắng thay đổi dần
dần con người cũ tội lỗi của chúng ta, mặc lấy những tâm tình của Chúa
Ki-tô. Diễn trình đổi mới này đòi hỏi
chúng ta phải cam kết theo Chúa Ki-tô và hoán cải hằng ngày. Ngoài việc suy niệm và thực hành Lời Chúa, có
lẽ một cách thức cụ thể để sám hối, là mỗi cuối ngày, chúng ta hãy tập thói
quen xét mình, cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tinh thần hoán cải.
Lm.
Đaminh Trần đình Nhi