CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
C
Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8,1-11
TÌNH THƯƠNG THA THỨ VÀ
BIẾN ĐỔI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 8,1-11
(1) Còn Đức Giê-su thì đến núi
Ô-liu. (2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với
Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các Kinh sư và
người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp
đang ngoại tình. Họ để chị ta
đứng ở giữa, (4) rồi nói
với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại
tình. (5) Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá
hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (6) Họ nói thế nhằm thử
Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy
ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và
bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném
trước đi”. (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy,
họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10)
Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án
chị sao?” (11) Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su
nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và
từ nay đừng phạm tội nữa!”.
2. Ý CHÍNH: Tin mừng hôm nay trình bày tình
thương bao dung của Thiên Chúa, thể hiện qua thái độ của Đức Giê-su
đối với tội nhân phạm tội ngọai tình. Câu chuyện được trình bày như một
màn kịch gồm 3 hồi như sau:
- Hồi một (x Ga 8,1-5): Các
Kinh sư và người Pha-ri-sêu giải một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội
ngoại tình đến yêu cầu Đức Giê-su cho biết phải xử lý tội nhân thế
nào.
- Hồi hai (x Ga 8,6-9): Hiểu
được ý đồ muốn gài bẫy của họ, Đức Giê-su đã im lặng ngồi xuống
và lấy ngón tay viết trên đất. Khi họ gặng hỏi thì Người mới nói:
“Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu trả
lời của Đức Giê-su đã làm cho những kẻ tố cáo phải lặng lẽ rút
lui.
- Hồi ba (x Ga 8,10-11): Chỉ
còn Đức Giê-su là người duy nhất trong sạch và có quyền kết án tội
nhân. Nhưng Người lại tỏ lòng khoan dung khi tuyên bố: “Tôi không lên án
chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Đến núi
Ô-liu: Núi Ô-liu còn được gọi là vườn Ghết-sê-ma-ni, nằm về phía Đông
gần thành Giê-ru-sa-lem, (x. Lc 22,39). Đây là một nơi yên tĩnh thuận
tiện cho việc cầu nguyện. + Trở lại Đền thờ: Đền
thờ nằm trong Thủ đô Giê-ru-sa-lem. Đền thờ đầu tiên do vua Sa-lo-mon xây
dựng vào năm 970 trước Công nguyên. Sau đó nhiều lần được tái thiết.
Đền thờ được đề cập trong Tin mừng hôm nay do vua Hê-rô-đê trùng tu và
mở rộng thêm từ năm 20 trước CN, nhưng sau đó đã bị quân Rô-ma tàn phá
bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. + Người ngồi xuống giảng dạy
họ: Các Thầy “ráp-bi” Do thái khi dạy Thánh kinh, thường ngồi
trên một chiếc ghế hay một tảng đá, còn các thính giả thì đứng
ngồi xung quanh. + Một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình:
Đây là một thiếu phụ đã có chồng, nhưng đã quan hệ bất chính với
một người khác không phải chồng mình.
- C
4-6a: + Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền phải ném đá hạng đàn bà
đó: Luật Mô-sê quy định về hình phạt dành cho tội ngoại tình
như sau: “Người đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Luật cũng
quy định xử tử cả hai kẻ phạm tội bằng hình phạt ném đá (x. Đnl
22,24). Nhưng thời Đức Giê-su, người Rô-ma đã cấm dân Do thái áp dụng
luật này (x Ga 18,31). + Họ nhằm thử Người để có bằng cớ tố
cáo Người: Các Kinh sư và người Pha-ri-sêu muốn đưa Đức Giê-su
vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” để có cớ tố cáo Người. Theo họ
nghĩ: Đức Giê-su trả lời đàng nào cũng không ổn: Nếu Người truyền kết án
tử hình theo Luật Mô-sê thì họ sẽ tố Người chống lại nhà cầm quyền
Rô-ma, vì người Do thái đã bị tước quyền xử tử tội nhân, và Người
sẽ bị chính quyền Rô-ma coi là phản lọan. Còn nếu Người truyền tha
bổng tội nhân, thì họ sẽ lại nói Người chống lại Luật pháp Mô-sê
và không theo truyền thống của cha ông.
- C
6b-8: + Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay vẽ trên đất: Viết
trên đất là để bày tỏ thái độ không quan tâm đến sự việc đang xảy ra.
+ “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước
đi”: Qua câu nói này, Đức Giê-su tuy theo Luật Mô-sê để cho phép
ném đá tội nhân, nhưng Người cũng nhắc cho những kẻ tố cáo kia biết
rằng: Chính họ cũng là kẻ tội lỗi đáng bị xử phạt! Họ cần tránh
thái độ xét đoán ý trái và kết án kẻ khác cách bất công, để khỏi
bị Thiên Chúa xét đóan và kết án sau này. Vì dưới cái nhìn của
Thiên Chúa, thì mọi người đều là tội nhân và đều cần được xét xử
khoan dung (x. Lc 6,36-38).
- C
9-11: + Họ bỏ đi hết: Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui.
+ Bắt đầu từ người lớn tuổi: Người lớn tuổi bỏ đi
trước, phần vì càng sống lâu thì càng nhiều sai phạm! Phần khác cũng
có thể do các người lớn tuổi khôn ngoan hơn, nên khi thấy không làm gì được
Đức Giê-su thì áp dụng nguyên tắc “Tam thập lục kế: đào vi thượng
sách!” để tránh khỏi bị liệt vào hạng “đạo đức giả” (x. Lc 11,37-54).
+ “Tôi không lên án chị đâu!”: Đức Giê-su không xét đoán ai vì
Ngừơi đầy lòng từ ái khoan dung (x Ga 8,15). Sứ vụ của Người là đến để
cứu độ thế gian (x Lc 9,10). + “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng
phạm tội nữa!”: Tuy tha thứ cho tội nhân, nhưng để tránh lạm
dụng, Đức Giê-su cũng đòi hối nhân phải thành tâm sám hối, bằng việc quyết
tâm không tái phạm nữa. Trong thực tế, để tránh khỏi tái phạm tội thì
hối nhân cần ăn năn dốc lòng chừa. Lòng ăn năn sám hối thực sự được
biểu lộ qua việc khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp, thành thật xưng thú
tội lỗi, quyết tâm xa lánh dịp tội và làm việc đền tội cân xứng (x.
Kinh Ăn năn tội).
4. CÂU HỎI: 1) Hãy
cho biết Đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do ai xây dựng và xây
từ khi nào? Số phận cuối cùng của Đền thờ này ra sao? 2) Luật Mô-sê
qui định hình phạt dành cho các kẻ phạm tội ngọai tình là gì? 3) Các
đầu mục Do thái có ý đồ gì khi bắt người đàn bà phạm tội ngọai tình
đến yêu cầu Đức Giê-su xử lý? 4) Đức Giê-su thể hiện lòng khoan dung
đối với tội nhân qua câu nói nào? 5) Lòng ăn năn thực sự phải được
biểu lộ bằng những việc gì? 6) Phải chăng khi tha thứ cho tội nhân là
Đức Giê-su đã gián tiếp khuyến khích họ cứ tiếp tục phạm tội?
I. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thôi
chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
2. CÂU CHUYỆN: VỀ CUỘC HÓAN
CẢI CỦA MỘT TỘI NHÂN:
TA-XI-A-NA là một văn sĩ
người Mỹ gốc Liên Xô. Vào năm 1980, cô đã cho ra đời tác phẩm đầu tay
tựa đề là “VỀ MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI KỲ DIỆU”. Trong quyển sách đó, cô
đã kể lại chi tiết cuộc đời đầy đam mê sóng gió của cô, mà cuối
cùng đời cô đã được ơn biến đổi trở nên tốt hơn gấp bội! Câu chuyện
của cô Ta-xi-a-na được tóm gọn như sau:
Ngay từ khi còn bé,
Ta-xi-a-na đã được chịu phép Rửa tội. Nhưng khi lớn lên, cô ít đến
nhà thờ dự lễ Chúa nhật vì cha mẹ của cô không mấy ngoan đạo. Do
thường hay gây gỗ và cứng đầu nên cha mẹ và thầy dạy đều xếp cô vào
loại trẻ em khó dạy. Ngay từ nhỏ, Ta-xi-a-na đã tỏ ra căm thù tất cả
những gì gò bó, ép cô vào khuôn khổ kỷ luật, vì nó làm cho cô cảm
thấy bị mất tự do và không thể làm theo ý mình. Lớn lên, nhờ có
trí thông minh siêu hạng, Ta-xi-a-na đã được cấp học bổng lên đại học.
Nhưng tại môi trường trí thức này, thay vì kết thân với các sinh viên
cùng khóa, thì cô lại thường xuyên giao du với đám ma-cô, đầu trộm
đuôi cướp, bợm nhậu, đĩ điếm và xã hội đen...! Trong khi sống buông
thả như vậy, cô cũng thích nghiên cứu các môn thần bí phương Đông, đặc
biệt là môn Yô-ga. Khi tập luyện Yô-ga, mỗi động tác đều đòi người ta
phải đọc một câu trong một bài văn vần của môn phái. Có người biết
cô là tín hữu nên đã đề nghị cô đọc Kinh Lạy Cha để thay cho bài văn
vần kia. Ta-xi-a-na đã làm theo lời khuyên này. Các câu trong kinh Lạy
Cha đã dần dần thấm nhập vào tâm hồn cô. Rồi một ngày kia, một tư
tưởng chợt lóe lên trong đầu Ta-xi-a-na: “Tại sao ta lại không đọc thêm
các bản kinh khác nữa, nhất là đọc Lời Chúa trong Thánh kinh?” Càng
đọc Lời Chúa, cô càng cảm thấy thích thú về những tư tưởng cao siêu
và thánh thiện của Đức Giê-su. Cuối cùng cô quyết định đến với một
linh mục đạo đức để tìm hiểu thêm về giáo lý Thánh kinh. Sau đó cô
đã cử hành lễ nghi tuyên tín. Cô dọn mình chịu bí tích giải tội và
đã được đổi mới hoàn toàn. Từ đây cô tình nguyện hiến thân phục vụ các
công việc bác ái xã hội. Về sau cô đã thuật lại phép lạ đổi mới đã xảy
ra với cô trong lúc cô đang xưng tội như sau: “Bấy giờ tôi lần lượt kể lại cho
vị linh mục nghe các lỗi lầm tôi đã phạm, về những cơn say thâu đêm
suốt sáng, các đam mê tình dục quá độ, về những cuộc hôn nhân bất
hạnh mà cô đã từng trải, những lần phải đi phá thai vì bị vỡ kế
hoạch dẫn đến hậu quả tai hại là tôi mất khả năng sinh con. Cuộc sống
đầy đam mê đã biến tôi trở thành một con người dửng dưng với mọi sự:
Tôi chẳng còn có thể yêu ai được nữa! Sau khi thú tội xong, tôi lắng
nghe vị linh mục khuyên bảo. Lời của ngài tuy đơn sơ nhưng mỗi lời đều
đánh động tâm can tôi. Sau cùng tôi thật xúc động khi nhận phép giải
tội. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy lòng thanh thản như vừa trút bỏ được
một gánh nặng ngàn cân”.
Sau lần xưng tội ấy,
Ta-xi-a-na đã cảm nghiệm thấy cô đã gặp được chính Chúa Giê-su và được
Người tha thứ mọi tội lỗi quá khứ. Ta-xi-a-na không những đã được ơn tha
tội, mà còn được Chúa chạm đến phần tâm linh sâu thẳm nhất để biến
cô trở nên một tạo vật hòan tòan mới của Người.
3. SUY NIỆM:
1) Bài
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giê-su đã bênh vực và tha thứ tội
cho một phụ nữ ngoại tình. Người còn biến đổi chị nên một con người
mới. Mùa Chay nhằm giúp các tín hữu chúng ta nhận biết sự yếu hèn của
mình để hồi tâm sám hối nhờ gặp Chúa Giê-su trong bí tích giải tội. Chắc
chắn chúng ta sẽ được Người tha thứ và còn được ơn biến đổi nên một con
người mới.
2) Bí tích giải tội là bí
tích do Chúa Giê-su thiết lập, để tha các tội riêng ta đã phạm từ khi lãnh nhận
bí tích rửa tội về sau, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội thánh. Bí tích giải
tội còn được gọi là bí tích giao hòa, hòa giải hay bí tích sám hối. Chúa Giêsu
đã thiết lập bí tích này vào chiều ngày phục sinh, khi Người hiện đến với các tông
đồ trong nhà tiệc ly và phán rằng: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em
tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm
giữ" (Ga 20,22-23). Bí tích giải tội ban cho ta các ơn này: Một là tha tội
để giao hòa ta với Thiên Chúa và Hội Thánh. Hai là tha hình phạt muôn đời do
các tội trọng đã gây ra cho ta và tha một phần hình phạt tạm. Ba là ban sự bình
an cho tâm hồn và gia tăng sức mạnh giúp ta chiến đấu chống lại các cơn cám dỗ
của ma quỷ. Bí tích giải tội rất cần cho người tín hữu, vì giúp họ nhận được ơn
tha thứ tội lỗi đã phạm đến Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và
phá vỡ sự an bình thiêng liêng của Hội Thánh. Chỉ các giám mục và những linh
mục có quyền giải tội mới được ban phép giải tội cho các hối nhân nhân danh
Chúa Ba Ngôi. Những ai đã phạm tội trọng thì cần phải nhận lãnh bí tích giải
tội; còn ai chỉ mắc tội nhẹ thì không buộc xưng tội, nhưng nếu họ có lòng ăn
năn mà xưng thú tội lỗi thì sẽ nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng. Muốn lãnh
nhận bí tích giải tội ta cần làm bốn việc: Một là xét mình; Hai là ăn năn dốc
lòng chừa; Ba là xưng tội; Bốn là đền tội. Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn dạy
các tín hữu sám hối bằng các việc khác là: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác
ái để chia sẻ cơm áo và khiêm nhường phục vụ những người đau khổ bất hạnh và bị
bỏ rơi.
3) Ngày
nay một số khá đông các tín hữu không muốn lãnh nhận bí tích giải tội dựa vào
một số lý do như sau:
* Do gương xấu của một số chủ chăn: Những
tín hữu này không muốn xưng tội với lý do các vị chủ chăn cũng chỉ là những con
người tầm thường với nhiều tội lỗi và bất tòan.
Tuy nhiên, chính Đức Giê-su đã không nghĩ như vậy khi trao
quyền tha tội cho các tông đồ vào chiều ngày phục sinh, dù các ông chỉ là những
con người còn nhiều sai lỗi. Vì các ngài hành quyền “cầm buộc và tháo cởi”
không với tư cách cá nhân nhưng đại diện cho Chúa Giê-su. Đàng khác, các hối
nhân được ơn hóan cải hay không là do quyền năng Thánh Thần đã được chính Chúa
Giê-su thổi hơi ban cho các tông đồ, như Tin mừng Gio-an đã ghi lại như sau: “Nói
xong, Chúa Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy
bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
* Do hiểu sai về hiệu quả của bí tích giải
tội: Có người nói: “Tôi thường đi xưng tội vào mỗi đầu tháng và lần nào tôi
cũng chỉ xưng thú một số tội đã xưng nhiều lần trước đó, mà không sao chừa được.
Do đó xưng tội là một việc làm vô ích, thiếu hiệu quả và mất nhiều thời giờ.
Để nhìn rõ vấn đề, chúng
ta hãy so sánh sức khỏe tâm linh với sức khỏe thể xác: Do di truyền, có
lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang một số bệnh khó lòng chữa khỏi như: bệnh
cao huyết áp đòi người bệnh phải uống thuốc hằng ngày, bệnh dị ứng nổi mề
đay, bệnh “gút” gây đau nhức luôn phải uống thuốc giảm đau... Mỗi khi căn bệnh
tái phát nặng hơn, chúng ta phải đến bác sĩ chuyên khoa điều trị và phải dùng một
số loại thuốc giống nhau… Nhưng đâu có ai từ chối uống thuốc với lý do sẽ tái
bị lại?. Nếu ta không đi khám và không uống các thứ thuốc trị bệnh quen
thuộc nói trên mới là điều sai lầm. Cũng như mỗi ngày chúng ta đều phải tắm
rửa cho sạch, dù biết rằng đến mai cơ thể của mình sẽ lại bị dơ cần phải được
tắm lại… Về phạm vi tâm linh cũng vậy: Ai trong chúng ta cũng có một số thói
hư rất khó chừa như: Dễ nổi nóng, hay nói xấu kẻ mình không ưa, ích kỷ tự ái
cao, lười biếng làm việc đạo đức, uống rượu say sỉn, thủ dâm để tìm hưởng lạc
bất chính... Dù biết sau một thời gian có thể sẽ tai phạm, nhưng ta vẫn cần đi xưng
tội để đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
* Do xét mình cẩu thả: Có người chữa
mình rằng: “Tôi xét mình mãi mà chẳng
thấy có tội gì cần phải xưng. Nhiều khi phải cố tìm một “tội trọng cũ”
để có tội mà xưng.
Việc không tìm ra tội nào không chứng minh chúng ta là người thánh
thiện, nhưng có thể do chúng ta đã chai lỳ về tâm linh khi cho các việc làm sai
là không có tội. Thực ra mọi người chúng ta đều yếu hèn như thánh Phao-lô đã
thú nhận: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại
cứ làm” (Rm 7,15). Những ai tưởng mình
không có tội, thực ra là do đã xét mình cẩu thả mà thôi, như thánh
Gio-an đã viết: “Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta đã
tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8).
* Do xét mình thiếu sót: Kinh cáo mình có
câu: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều
thiếu sót”. Tội chúng ta phạm có thể là tội cố tình vi phạm một điều luật
cấm như dối trá, trộm cắp, ngọai tình, phá thai... hay tội bỏ không làm việc
lẽ ra phải làm như: Bất hiếu với cha mẹ, làm ngơ trước người đau khổ cần
trợ giúp…
Trong Tin mừng, Đức Giê-su đã đề cập đến tội thiếu sót
này như dụ ngôn ông nhà giàu đã làm ngơ không giúp đỡ anh La-da-rô, một
người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông ta (x Lc 16,19-31). Đến ngày tận thế,
Vua Thẩm Phán Giê-su cũng sẽ phán với những kẻ bỏ qua không chịu làm việc
lành như sau: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào
lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó.
Vì xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống;
Ta là khách lạ các ngươi chẳng đón tiếp; Ta mình trần các ngươi không
cho đồ mặc; Ta ở tù các người đã không viếng thăm ...” (Mt 25,41-45).
Những tội thiếu sót này tưởng chỉ là tội nhẹ mà thực ra cũng
có thể thành tội nặng nếu nó cho thấy trong ta không có tình thương và đồng
nghĩa với tội giết người như thánh Gio-an đã viết: “Kẻ không yêu thương thì ở
lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân . Và anh em
biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,14b-15).
4. THẢO LUẬN: 1)
Trong mùa Chay này, mỗi người chúng ta cần làm gì để biểu lộ lòng tin
vào tình thương bao dung của Thiên Chúa? 2) Bạn sẽ trả lời ra sao khi có
người nói: “Cần chi phải đi xưng tội với ông linh mục cũng phạm nhiều tội
như mình ? Hoặc xưng tội làm chi để rồi chỉ sau một thời gian ngắn sẽ lại tái
phạm các tội mới xưng ? Sao không đợi đến lúc sắp chết sẽ xưng tội một lần
cuối?”
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con rất
sợ bị bắt quả tang đang phạm một tội nghiêm trọng. Nhưng lạy Chúa,
có tội nào chúng con phạm mà Chúa lại chẳng nhìn thấy và không hay
biết? Xin cho chúng con biết bỏ đi những mặt nạ giả dối, những việc
đạo đức hình thức bề ngòai nhằm che đậy những tội ác trong tâm hồn
chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ luôn sống tình yêu thương và trở nên
những chứng nhân của Chúa trước mặt người đời.
- LẠY
CHÚA. Nếu Chúa đã không lên án kẻ có tội, không chấp nhất những
điều chúng con sai lỗi, thì xin cũng giúp chúng con tránh kết án tha
nhân. Khi thấy anh chị em con sai lỗi, xin cho chúng con biết tự xét và
tu sửa tội lỗi nơi mình trước đã, rồi mới đủ uy tín để giúp sửa lỗi của
anh em con. Bấy giờ xin cho chúng con biết khôn ngoan để nói đúng lúc
và đúng phương pháp hầu chu tòan bổn phận “răn bảo kẻ có tội”, như
kinh “Thương người” đã dạy
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON
LM ĐAN
VINH
www.hiephoithanhmau.com