LỄ VỌNG PHỤC SINH
St 1,1-2,2 ; Xh 14,15-15,1a ; Is
54,5-14
Ed 36,16-17a.18-28 ; Rm 6,3-11 ; Lc
24,1-12
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT
I.
HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 24,1-12
(1) Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng
sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. (2) Họ
thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. (3) Nhưng khi bước vào, họ không thấy
thi hài Chúa Giê-su đâu cả. (4) Họ
còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng
bên họ. (5) Đang lúc các bà sợ hãi cúi gầm xuống đất, thì hai người
kia nói: “Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết? (6) Người
không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã
nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, (7) là Con Người phải bị nộp
vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ
ba sống lại. (8) Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã
nói. (9) Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi
người khác biết tất cả những sự việc ấy. (10) Mấy bà nói đây là
bà Ma-ri-a Mác-đa-la, và bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng
đi với mấy bà này cũng nói với các Tông đồ như vậy. (11) Nhưng các
ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. (12) Dầu vậy, ông Phê-rô
cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn
liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về những sự việc đã
xảy ra.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin
mừng hôm nay tường thuật biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su theo thứ tự
như sau:
- Sự kiện mồ trống: Ngày từ sáng
sớm ngày thứ nhất, mấy người phụ nữ đã đi ra mộ để xức dầu thơm
cho Đức Giê-su. Tới nơi, họ thấy tảng đá che ngoài cửa mộ đã được
lăn sang một bên, nhưng không thấy xác Thầy trong mộ.
- Sứ điệp Phục sinh: Họ đang thắc
mắc thì có hai thiên sứ hiện ra cho biết Đức Giê-su không còn ở trong
mộ của kẻ chết nữa, nhưng đã sống lại, đúng như Người đã nói tại
Ga-li-lê.
- Tông đồ cứng tin: Các bà vội trở
về báo tin cho Nhóm Mười Một những điều mới xảy ra. Nhưng các ông
không tin và coi là chuyện lẩn thẩn.
- Phê-rô kiểm chứng: Tuy vậy, để
biết rõ thực hư, Phê-rô cũng chạy ra mộ và đã thấy những khăn liệm
còn để lại. Ông trở về nhà và rất ngạc nhiên về những sự việc vừa
xảy ra.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Ngày
thứ Nhất trong tuần: Từ nay ngày thứ Nhất sẽ trở thành ngày
Hưu lễ của Ki-tô giáo, thay thế ngày thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái
giáo, và được gọi là Chúa nhật nghĩa là Ngày của Chúa. + Các
bà đi ra mộ: Các bà này gồm bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà
Gio-an-na, và bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê và mấy bà khác nữa (x. Lc
24,10). + Mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn: Các bà đến
mộ sớm, mang theo dầu thơm để hoàn tất việc mai táng Chúa Giê-su, đã
được ông Giô-sép A-ri-ma-thê vội vã thực hiện vào chiều thứ Sáu
trước ngày Sa-bát (x. Mc 15,42.47). + Họ không thấy thi hài Chúa Giê-su
đâu cả: Đây là lần thứ nhất Tin mừng Lu-ca dùng từ “Chúa
Giê-su” để nhấn mạnh tước hiệu mới của Người là “Chúa”. Về sau sách
Công vụ sẽ nhiều lần dùng từ này để gọi Đức Giê-su (x. Cv 1,21; 8,16
; 15,11).
- C 4-5:
+ Phân vân: Vì không thấy thi hài Đức Giê-su trong mộ nên các bà
phân vân lo lắng không biết người ta đã đem xác Thầy đi đâu (x. Ga 20,2).
+ Hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ: Sau này
các bà khẳng định đó là hai vị thiên thần (x. Lc 24,23). + “Người
sống”: Giờ đây Đức Giê-su trở thành “Người sống”, đúng như Lời
Người đã nói (Ga 11,25).
- C 6-7:
+ Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi: Thiên thần
bảo cho các bà biết về mầu nhiệm Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống
lại (x. Rm 6,9). Từ đây Người mở ra một con đường sống cho những kẻ
đã an giấc ngàn thu (x.1 Cr 15,20-26). + Hãy nhớ lại điều Người
đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê: Đối với Lu-ca, toàn
bộ mầu nhiệm vượt qua phải
được hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,51), để Giê-ru-sa-lem trở thành
nơi xuất phát thông điệp ban ơn cứu độ (x. Lc 24,49). Do đó, trong Tin
mừng Lu-ca, các Tông đồ đã được Đức Giê-su Phục Sinh trao cho sứ mệnh
làm chứng nhân cho Người bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem (x. Cv 1,8).
- C 12: +
Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ: Dù không tin Thầy sống lại,
nhưng Phê-rô cũng đi kiểm chứng thực hư. Kết quả ông chỉ nhìn thấy
khăn liệm (x. Lc 24,12a). Còn Tin mừng Gio-an thì thuật lại cuộc chạy
đua ra mộ giữa hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,3-4).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Đức Giê-su đã được môn đệ liệm xác
theo phong tục Do thái như thế nào?
Đáp: Việc liệm xác Đức Giê-su được thực hiện theo phong
tục Do thái gồm các công đoạn như sau: Trước hết là tắm xác, nghĩa
là lau chùi các vết máu cùng các vết nhơ khác trên cơ thể Người. Sau
đó Người được đặt trên một tấm khăn vải trắng, rồi được bôi một
lọai dầu thơm đắt tiền (x Ga 12,3-7), chế biến từ nhựa cây cam tùng
và được gọi là mộc dược. Dầu thơm được bôi trên toàn thân Người nhiều
lần cho ngấm dần vào da thịt để bảo quản xác khỏi bị hư hoại trong
một thời gian dài. Rồi xác Người được quấn lại bằng băng vải từ
đầu đến chân (x. Ga 19,40). Cuối cùng xác Người được môn đệ an táng
trong một ngôi mộ mới đục trong đá và các ông lăn một phiến đá lớn
che kín phía ngoài cửa mộ (x. Ga 19,41-42).
HỎI 2: Tại sao các môn đệ lại phải vội vã an táng Đức Giê-su?
ĐÁP: Sở dĩ có
việc mai táng vội vã là do Luật Mô-sê qui định: cấm mai táng vào
ngày Sa-bát, và xác tử tội bị treo trên thập giá phải được hạ
xuống trước khi mặt trời lặn (x. Đnl 21,22-23). Đức Giê-su chết lúc 3
giờ chiều áp ngày Sa-bát, nên thời gian còn lại từ 3 giờ đến 6 giờ
là quá ngắn, không đủ để làm đầy đủ các công đọan của việc mai
táng, nên các môn đệ phải làm cách vội vã cho kịp thời gian qui
định.
II.
SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa
kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,5-6).
2. CÂU CHUYỆN:
NIỀM TIN CỦA NHÂN LỌAI VỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Hầu như mọi người,
mọi dân tộc trên thế giới đều tin có sự sống sau cái chết, ngay cả những người khẳng
định mình không theo một tôn giáo nào.
Ngày 19 tháng 9 năm 1987, nhân khi tiễn Đức Giáo hoàng Gio-an
Phao-lô II kết thúc chuyến viếng thăm Hoa kỳ, Phó Tổng thống Bush đã
kể lại câu chuyện về Chủ tịch Mao Trạch Đông mà ông đã có dịp gặp
gỡ trước khi ông này qua đời. Trong lần ấy, Chủ tịch Mao đã tâm sự
với ông Bush như sau: “Tôi sắp sửa về Trời. Tôi đã nhận được lời mời
gọi của Chúa”. Còn Tổng thống Mít-tơ-răng (F. Mitterand) của nước
Pháp thì trong mấy ngày cuối đời đã trả lời phóng viên một tờ báo
về cái chết như sau: “Nếu có Chúa, thì tôi tin rằng Người sẽ nói
với tôi: “Cuối cùng thì anh cũng đã đến đích. Thôi mau vào đi !”.
Ngoài ra, Chủ tịch HCM cũng đã gián tiếp bày tỏ niềm tin vào một thế
giới khác bên kia cái chết khi trong chúc thư có đoạn viết như sau:
“Tôi sắp về với cụ tổ Mác-Lê.”...
3. SUY NIỆM:
1) Về sự sống đời
sau: Hầu như mọi người, mọi dân tộc đều tin có một thế giới
khác sau cuộc sống đời này: Người ta tin rằng sau khi chết, con người
vẫn còn sống một cách nào đó: “Chết là thể phách, còn là tinh
anh”. Trần gian chỉ là nơi ở tạm thời, còn chết là trở về nguồn
cội: “Sinh ký, tử quy” nghĩa là: “Sống gửi thác về”. Cũng vì tin
người chết vẫn tiếp tục sống ở một thế giới khác, nên người ta thường
chôn kẻ chết kèm theo những vật dụng cá nhân của họ như quần áo,
mùng mền, những đồ trang sức, và còn đốt vàng mã để gửi về âm phủ
cho người chết sử dụng.
2) Nhưng cuộc sống ấy như thế nào ?: Có nhiều ý
kiến khác nhau: Đức Phật thì chủ trương có luân hồi: Người ta sẽ lần
lượt trải qua nhiều kiếp sống khác nhau. Hồn người chết sẽ đi đầu
thai để trở thành một người hay một con vật khác... tùy theo kiếp
trước họ đã ăn ở tốt hay xấu. Chỉ những người tu hành đắc đạo,
diệt dục, loại trừ “tham sân si” và sống đại từ đại bi... mới được
siêu thoát thành Tiên thành Phật trong cõi Niết bàn cực lạc. Còn Đức
Khổng Tử thì không dám khẳng định về đời sống sau khi chết vì ngài
không được mặc khải rõ ràng. Do đó khi Tử Cống hỏi: “Người chết rồi
có biết gì nữa không?” thì Khổng Tử đã trả lời nước đôi như sau:
“Nếu ta nói người chết rồi vẫn còn biết, thì sợ các con cháu hiếu
thảo sẽ liều mình chết theo ông cha. Nếu ta nói người chết không còn
biết gì nữa, thì sợ con cháu bất hiếu sẽ không thèm chôn cất cha mẹ
nữa” (Khổng Tử gia ngữ số VIII).
3) Riêng Đức Giê-su: Là Con Thiên
Chúa từ trời mà đến, nên đã dạy cho loài người cách rõ ràng về một
đời sống vĩnh hằng sau khi chết. Trong bài giảng về Bánh Hằng Sống,
Người đã khẳng định: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Khi nói chuyện với cô Mác-ta
trước khi làm phép lạ cho La-da-rô đã chết 4 ngày được sống lại, Đức
Giê-su nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào
Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy,
sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25). Trong Tin mừng Chúa Nhật Phục Sinh
hôm nay, thiên thần đã nói với mấy người phụ nữ rằng: “Sao các bà
lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng
đã trỗi dậy rồi!” (Lc 24,5-6).
4) Những đặc tính
của sự phục sinh của Chúa Giê-su:
* Không giống như sự sống lại của những
kẻ chết được Người cứu sống, vì về sau họ đều bị chết lại giống
như mọi người (x. Mc 5,41-42; Lc 7,14-15; Ga 11,39-44).
* Chúa Giê-su cũng không chỉ sống trong
thành quả sự nghiệp của Người như người đời thường nói: “Trâu
chết để da, người chết để tiếng”. Nhưng Người đã thực sự sống lại.
* Sự sống lại của Chúa Giê-su là trở nên
một “Người Sống” (x. Lc 24,5), giống
như “Thiên Chúa hằng sống!”: Thánh Phao-lô đã diễn tả sự sống
siêu việt ấy như sau: “Chúng ta biết rằng: Một khi Đức Ki-tô đã từ
cõi chết sống lại, thì không bao giờ chết nữa. Cái chết chẳng còn
quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi,
và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm
6,9b-10).
* Sự sống lại của Đức Giê-su ban ơn cứu độ:
Người đã phá tung mồ đá để sống lại vinh quang và xuống nơi trú ngụ
của các vong linh, gọi là Âm phủ (Shéol) hay ngục Tổ tông, để hoàn
tất việc loan báo tin mừng
cứu độ cho những kẻ đã chết. Người mở một con đường sống cho nhân lọai
chúng ta là “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x Lc 24,26; Mt 16,21) là “Cùng
chết với Đức Giê-su sẽ cùng được sống lại với Người” (x. 1Pr 3,18). Đó là con
đường của đạo Công Giáo (Xem sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 632,
633, 634, 635).
5) Sống mầu nhiệm Phục Sinh: Mừng lễ Phục
sinh hôm nay, Hội Thánh mời gọi các tín hữu chúng ta cũng phải chết đi cho con
người cũ cùng với những thói hư tật xấu như: ích kỷ, ganh ghét, gian tham, hướng
chiều theo các đam mê bất chính… để nhờ ơn Thánh Thần tái tạo trở thành một con
người mới luôn quên mình nghĩ đến người khác, sống bao dung từ bi nhân hậu, công
chính và luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân vô vụ lợi… Có như vậy, việc mừng lễ Phục
Sinh mới thực sự có ý nghĩa và mới mang lại niềm vui ơn cứu độ và niềm hy vọng sẽ
được phục sinh với Chúa sau này.
4. THẢO LUẬN:
Khi tuyên xưng đức tin: “Tôi tin xác
loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”, các tín hữu
phải sống thế nào trong xã hội hôm nay, để chứng tỏ niềm tin về thế giới bên kia và về một cuộc sống
vĩnh hằng sau đời tạm này ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH, Chúa đã chiến thắng thần
chết. Hôm nay con xin dâng lên Chúa lời chúc tụng tạ ơn, vì Chúa đã
mang lại cho loài người chúng con niềm vui và hy vọng được sống muôn
đời. Chúa đến để chúng con khỏi chết và không ở dưới quyền lực của ma
quỷ và tội lỗi nữa, nhưng được sống lại trong ơn nghĩa Chúa. Chúa
đến để chúng con “được sống và được sống dồi dào”, để chúng con
được tham phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa sau này.
- LẠY CHÚA
PHỤC SINH, xin giúp chúng con biết tôn trọng tha nhân, hợp tác với nhau
và với mọi người thiện chí để tiêu diệt các sự gian ác tội lỗi, đẩy
lùi những tệ nạn xã hội như sì-ke, ma tuý, mại dâm, cờ bạc, say sưa,
cướp bóc, lừa đảo, thù hận và làm hại kẻ khác... XIn cho chúng con
quyết tâm xóa sạch những điều bất chính ra khỏi bản thân chúng con, khỏi
gia đình và khu xóm chúng con. Nhờ đó, mọi người sẽ được sống chan
hòa yêu thương nhau, cùng nhau kiến tạo một “Trời Mới Đất Mới”, nơi
không còn nước mắt, không còn khổ đau và không còn chết chóc... nhưng
là một Thiên đàng đầy tình yêu thương và hạnh phúc viên mãn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM
ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com