CHÚA NHẬT II PHỤC
SINH
Tuyên xưng đức tin
vào Chúa phục sinh
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 20:19-31)
Trong bài tường thuật Phục Sinh, thánh Gio-an đã cho chúng
ta cơ hội suy nghĩ về đức tin vào Chúa sống lại qua ba mẫu người: bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và người môn
đệ Chúa yêu mến. Hôm nay, với câu chuyện
ông Tô-ma, Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy có đức tin sâu xa, không chỉ dựa vào
những gì bề ngoài, nhưng là đi tới tận trái tim Chúa Giê-su bằng lời tuyên xưng
mà Tông đồ Tô-ma “cứng lòng tin” đã xướng lên:
Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa
của con!
Viết lại câu chuyện phục sinh của Chúa, rõ ràng thánh sử
Gio-an đã nhắm mục đích “là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con
Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sống nhờ danh Người”. Nếu đọc lại đoạn kể Chúa Giê-su hiện ra lần
thứ nhất với các môn đệ trong khi ông Tô-ma vắng mặt, chúng ta không lấy làm lạ
khi các ông tin và vui mừng, bởi vì “Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn”. Chúa Giê-su đã hành động như vậy
là để củng cố niềm tin của các ông. Do
đó, nếu ông Tô-ma khi trở về và được nghe thuật lại, nhưng ông không tin, thì
thực ra ông cũng không có gì đáng trách cả.
Ông cần được Chúa củng cố đức tin như Người đã củng cố đức tin của các
môn đệ khác. Có lẽ phải nói ông là người
thiệt thòi mới đúng! Để đền bù cho sự
thiệt thòi ấy, Chúa Giê-su đã mời gọi riêng ông Tô-ma khi Người trở lại, không
những cho ông xem tay Người, mà còn bảo ông “đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn
Thầy” nữa. Người cũng nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Có lẽ đây không phải là lời trách mắng, nhưng
là mời gọi bước tới một đức tin sâu xa hơn.
Cử chỉ đặt tay vào cạnh sườn Chúa mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Không phải là một Tô-ma đang kiểm chứng vết
thương của Chúa, nhưng đích thực là ông đang “sờ” được tình yêu của Đấng đã
chết vì bạn hữu là chính ông. Chứng từ
của vết thương thể xác làm sao hùng hồn và thuyết phục bằng chứng từ của tình yêu? Cho nên chứng từ tình yêu này đã đưa Tô-ma
tới đức tin mạnh mẽ hơn, đức tin khiến ông đi trước cả các bạn bằng cách chân
thành và khiêm nhượng tuyên xưng Chúa
Giê-su là Đấng Ki-tô và Thiên Chúa. Ông
Tô-ma không nói “Con tin Ngài là Chúa của con” hoặc “Con tin Ngài là Thiên Chúa
của con”, giống như chúng ta đọc kinh Tin Kính, nhưng ông phát biểu ngay chân
lý về căn tính của Chúa Giê-su bằng cử chỉ phụng thờ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cùng với lời tuyên xưng này, chúng ta có thể hình
dung ông đang thành kính bái lạy Chúa Giê-su.
Hơn thế nữa, ông còn tuyên xưng đức tin cá nhân của ông khi
ông xác tín Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô và Thiên Chúa của ông! Ở đây chúng ta hãy
tự hỏi mình rằng: Đã bao nhiêu lần chúng
ta tuyên xưng đức tin, nhưng thực sự có phải là đức tin của chúng ta hay là đức
tin vay mượn của người khác hoặc đức tin trong sách vở?
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lời cuối cùng Chúa Giê-su nói với ông Tô-ma cũng là những
lời Chúa nói với mỗi người chúng ta: “Vì
đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay
những người không thấy mà tin”. Đây là
lời nhắn nhủ, kêu gọi chúng ta hãy kiểm chứng lại những dịp chúng ta “đã thấy
Thầy”. Chúng ta không thấy Chúa như
những người sống đương thời với Chúa đã thấy Người, nhưng bằng con mắt đức tin,
chúng ta có thể thấy Chúa hoạt động trong đời mình hoặc nơi người khác. Người không hiện ravới chúng ta, nhưng Người
để lại “những vết chân trên cát” bên cạnh vết chân chúng ta, nhờ đó chúng ta
nhận biết Người hiện diện. Nhiều khi chỉ
còn vết hai bàn chân của Người vì lúc ấy Người đang bồng chúng ta trên
tay. Cũng rất nhiều lần Người để lại
chứng tích hiện diện qua những giúp đỡ và khích lệ từ những người chung quanh
chúng ta. Người quả quyết chúng ta là
những người có phúc vì tin không phải bằng mắt thấy tai nghe, nhưng bằng tất cả
tâm hồn phó thác và lòng yêu mến thiết tha.
Tại sao vậy? Bởi vì đức tin bằng
tâm hồn và bằng tình yêu mới là đức tin đưa chúng ta tới hiệp nhất với Chúa,
đức tin giúp chúng ta phụng thờ Chúa Giê-su Phục Sinh là Đấng Cứu Độ và Thiên
Chúa của chúng ta.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi