CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Chúa Giê-su là Thiên Chúa và Mục Tử nhân lành
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
10:27-30)
Bài Tin Mừng hôm nay vỏn vẹn có bốn câu, diễn tả một khía cạnh
hết sức độc đáo về mối tương quan giữa mục tử nhân lành và con chiên: Mục Tử Nhân Lành ban cho con chiên sự sống đời
đời và bảo đảm không ai cướp được chiên khỏi tay mình.
Trước hết, đọc Tin Mừng Gio-an, chúng ta thấy những điều
Chúa Giê-su khẳng định vừa kể trên không nằm trong mạch văn của diễn từ về vị Mục
Tử nhân lành, nhưng trong một dịp sau đó khi Người xưng mình là Thiên Chúa để
trả lời những người Do-thái muốn biết rõ Người là Đấng nào. Tuy ở trong hai tình huống khác nhau, nhưng ý
tưởng của Chúa Giê-su lại là một, tức là về quan hệ giữa Người và chúng
ta: đối với chúng ta, Chúa Giê-su vừa là
vị Mục Tử nhân lành vừa là Thiên Chúa.
Thực vậy, ngoài Thiên Chúa ra, ai có thể ban cho chúng ta sự
sống đời đời để không bao giờ chúng ta phải diệt vong, và ai có quyền năng để bảo
vệ chúng ta không khi nào bị cướp đi? Khi
kết luận với những chân lý này, Chúa Giê-su đã nói lên mục đích của tất cả những
gì vị Mục Tử nhân lành đã làm cho chiên của mình: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10:10). Được
sống và sống dồi dào (sống đời đời) là mục đích duy nhất Chúa Giê-su muốn nhắm
tới. Chúng ta thử nhìn lại từ đầu diễn từ
của Chúa Giê-su để nhận ra mục đích trên.
Chúa Giê-su gọi tên
từng con chiên và dẫn chúng ra. Những hành động gọi tên và dẫn đi diễn tả
tình yêu thương đặc biệt Chúa dành cho từng người chúng ta. Mỗi người chúng ta đã gắn liền với sự sống của
chính Chúa qua việc Người “gọi tên” chúng ta.
Người chăm sóc cho sự sống của những ai thuộc về Người, cho nên Người mới
“dẫn” chúng ta để chúng ta khỏi gặp nguy hiểm.
Chúa Giê-su là cửa
chuồng chiên. Cửa chuồng chiên rất quan trọng đối với sự sống của con
chiên. Cửa mở ra ban ngày để chiên được
dẫn đi tới đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát.
Cửa đóng vào ban đêm để ngăn ngừa dã thú, kẻ trộm và kẻ cướp, hầu bảo vệ
sự sống của con chiên. Nhưng cũng chính
cửa ấy là để “ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”, tức Chúa Giê-su là cửa cứu độ
để chúng ta qua đó mà bước vào cuộc sống đời đời.
Chúa Giê-su hy sinh mạng
sống mình cho chiên. Điều này đã được
thực hiện khi Người chết trên thập giá để đem chúng ta từ cõi chết do tội lỗi đến
sự sống mới của con cái Thiên Chúa. Việc
hy sinh mạng sống này là tự nguyện, vì động lực hy sinh là do tình yêu Thiên
Chúa yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su
không bỏ chạy khi gặp “sói” của đau khổ, cực hình và cái chết tủi nhục trên thập
giá, trái lại, Người đã quảng đại hiến thân và can đảm chấp nhận, để cướp chúng
ta ra khỏi móng vuốt của tội lỗi và tử thần.
Không ai cướp được
chúng khỏi tay tôi. Rõ ràng đây là mục
đích của việc vị Mục Tử nhân lành đến trần gian. Bằng mọi giá, Người muốn đưa chúng ta về với
Chúa Cha, để thực hiện kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, là “không ai cướp được
chúng khỏi tay Chúa Cha”. Nói lòng vòng
rồi cuối cùng chúng ta vẫn được dẫn về tâm điểm của sứ điệp Tin Mừng, tức là
chân lý “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tình yêu Thiên Chúa đã được biểu lộ qua hình ảnh Mục Tử
nhân lành là Chúa Giê-su. Có lẽ chúng ta
hầu hết gặp khó khăn khi suy ngắm tình yêu của Thiên Chúa, một đề tài xem ra
quá trừu tượng và lý thuyết. Nhưng Chúa
Giê-su đã cho chúng ta một bí quyết: Tôi
và Chúa Cha là một! Như vậy, hình ảnh và
sự chăm sóc của Mục Tử nhân lành là Chúa Giê-su đã cụ thể hóa tình yêu của
Thiên Chúa. Chúng ta đã được Người ban
cho sự sống. Chúng ta được Người giúp sống
sự sống ấy dồi dào. Nhất là chúng ta được
bảo đảm sẽ được sống đời đời và không gì có thể cướp chúng ta khỏi tay Người. Chỉ còn một điều chúng ta phải làm, là hãy
“nghe” tiếng Người và “theo” sự dẫn dắt của Người!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi