YÊU THƯƠNG NHAU
Linh mục Giuse
Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT V PHỤC
SINH, năm C
Ga 13, 31-35
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu nói lên Tình Yêu.
Ngài đã diễn tả Tình Yêu hoàn hảo, trọn vẹn nhất là cái chết trên thập giá :”
Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người
mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).Chúa nhật V Phục Sinh cho chúng ta thấy bối cảnh của
Nhà Tiệc Ly, chiều Thứ Năm Thánh khi Chúa Giêsu dùng bữa tiệc Vượt Qua cuối
cùng với các môn đệ, những người thân tin nhất với Chúa Giêsu. Ngài cho các môn
đệ hiểu rõ về tình thương của Ngài đối với họ. Tình thương đòi phải trung thành
không phản bội, giờ này Giuđa kẻ phản bội Chúa vẫn đang có mặt, Ngài đã tế nhị
vạch mặt kẻ phản lại Ngài và Giuđa đã bỏ ra đi trong bóng đêm. Lúc đó, Chúa Giêsu
nói :” Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi
Người “.
Chúa Giêsu luôn hướng về giờ này. Giờ đau
thương nhưng lại là giờ tử nạn. Giờ chết nhưng là Giờ Phục Sinh. Mầu nhiệm tử
nạn đan quyện Mầu nhiệm sống lại. Thập giá là do sự độc ác của con người bầy ra
để đóng đinh, xử tội người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Thập giá mang ơn cứu
độ cho con người. Thánh giá trở nên vinh quang, khải hoàn. Giờ chết trở thành
giờ cứu rỗi. Bóng tối trở nên ánh sáng. Giờ định mệnh xem ra là tang thương,
nhưng giờ này lại là giờ vinh hiển bới qua cái chết, Chúa đã đánh bại tử thần.
Qua cái chết, và Phục sinh, Chúa đã cứu độ nhân thế. Giờ ăn lễ Vượt qua cuối
cùng, Chúa đã bộc bạch tâm tình cho các môn đệ. Ngài gặp gỡ các môn đệ để chia
ly với các môn đệ :”Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi “. Chúa tỏ hết
tâm hồn yêu thương các môn đệ và rồi Ngài dạy dỗ các môn đệ “ Hãy yêu thương
nhau “. Ra đi để chịu chết, Chúa Giêsu không để lại cho các môn đệ của cải,
vàng bạc, ruộng vườn vv…Ngài để lại cho các môn đệ một di chúc, một lời trăn
trối yêu thương. Đây là giới luật yêu thương. Chúa không chỉ nói với các môn đệ
riêng tư là hãy yêu thương nhau nhưng Ngài còn đi xa hơn nữa là dạy cả Giáo Hội
phải sống chia sẻ Tình Thương. Chiều thứ năm thánh, Chúa Giêsu đã dạy các môn
đệ một bài học yêu thương :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương “. Ở
đây không phải chỉ là tình bằng hữu nhưng là tình thương thật sự. Tình thương
hiến mạng sống cho nhau.
Tình yêu mà Chúa truyền cho các môn đệ thực
hành là tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu không nằm trên môi miệng,
trong lời nói mà tình yêu diễn tả bằng chính mạng sống của con người. Do đó,
người Kitô hữu càng gắn bó với Chúa, càng mật thiết với Chúa, họ càng yêu
thương như Chúa, đặc biệt quan tâm, yêu thương các người nghèo, người neo đơn,
cơ nhỡ, tàn tật vv…Các Thánh đã làm gương cho chúng ta về giới luật yêu thương
chẳng hạn như Chân Phước Têrêsa Calcutta, Cha thánh Maximialô Kolbê, Thánh
Phanxicô Assisi, Thánh Anphongsô vv…Nhiều bác sĩ đã tận tình làm công việc từ
thiện bác ái giúp đỡ người nghèo, và những người neo đơn, cơ cực. Nhiều thiện
nguyện viên trên thế giới đã lăn xả làm việc không mệt mỏi giúp đỡ những người
nghèo khổ, những nơi có bão lụt, thiên tai vv…Đức Bác Ái Kitô giáo không phải
là một lời khuyên nhưng là một điều răn mới. Yêu nhau quả thực từ xưa đến nay
vẫn đã được con người thực hành, nhưng mới ở chỗ, Chúa Giêsu nói và đã thực
hiện là không loại trừ bất cứ ai cả, đặc biệt mới là yêu thương ngay cả kẻ thù
:” Ai vả má phải, đưa cả má trái “. Yêu như Chúa yêu. Đó là cái mới của giới
luật yêu thương mà Chúa đã dạy cho nhân loại.
Yêu thương là cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu.
Yêu thương cũng là cốt lõi của Đạo Công Giáo. Bởi vì, Chúa Giêsu đã dạy :” Các
con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương các con “. Nơi khác chúng ta đọc
thấy :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Ta.Đó là các con
hãy yêu mến nhau “. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Sách Công Vụ Tông Đồ thuật
lại :” Họ bỏ tất cả làm của chung, cùng nhau cầu nguyện, bẻ bánh…đến nỗi những
người chung quanh đều kêu lên :” Kìa xem họ yêu thương nhau “.
Yêu thương là cái tinh túy nhất của Đạo do Chúa
Giêsu thiết lập. Liệu chúng ta có sống thực hành đức ái như Chúa đã dạy không
và nhiều người khi nhìn vào chúng ta họ có kêu lên:” Kìa xem các Kitô hữu yêu
thương nhau “ không ?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết
thực hành giới răn của Chúa là yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng
con.Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa ban giới luật yêu thương lúc nào ?
2.Cái mới của giới luật yêu thương do Chúa
thiết lập là gì ?
3.Yêu như Thầy yêu là sao ?
4.Yêu thương là gì đối với Đạo Công Giáo ?