ĐỨc Giêsu luôn luôn hiỆn diỆn
(Gioan 14,23-29 – CN VI PS - C)
1.-
Ngữ cảnh
Đoạn
văn này thuộc về Phần II của TM IV
(“Sách về Giờ của Đức Giêsu”) và ở trong “Diễn từ cáo biệt thứ nhất”
(13,31-14,31): Đức Giêsu nói những lời này sau khi đã rửa chân cho các môn đệ
(13,1-20) và loan báo Giuđa phản bội (13,21-30). Người mời gọi các môn đệ đừng
hoang mang trước viễn tượng Người ra đi (14,1): Chúa Cha sẽ cử đến một Đấng Bảo
Trợ khác để trợ giúp các ông, đó là Thánh Thần (14,16-17). Còn chính Người thì
sẽ trở lại với các ông; thế gian không thấy Người, nhưng những ai tin vào Người
thì thấy được Đấng ấy (14,18-21). Giuđa đã diễn tả sự kinh ngạc của tất cả các
môn đệ: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ
mình ra cho thế gian?” (14,22). Ông mơ một cuộc tỏ mình cụ thể, khả
giác, của Đức Giêsu; ông chưa hiểu là biến cố Đức Giêsu và Thánh Thần ngự đến
chỉ có thể nhận biết trong đức tin.
Thoạt
nhìn, dường như câu trả lời của Đức Giêsu (c. 23) không liên hệ đến câu hỏi và
sự ngạc nhiên của Giuđa. Thực ra, câu trả lời đã đi thẳng vào câu hỏi, bởi vì
Đức Giêsu loan báo sự hiển lộ mầu nhiệm của Người và lý do khiến thế gian không
thấy được sự hiển lộ này.
2.-
Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Chúa Cha đến (cùng với Đức Giêsu) (14,23-24);
2)
Chúa Cha sai phái Đấng Bảo Trợ đến giảng dạy (14,25-26);
3)
Đức Giêsu ban bình an và ra đi (14,27-29).
3.-
Vài điểm chú giải
-
lời (23): Đối với một người Sê-mít, “lời” (logos) có tính cụ thể; “lời” diễn tả hữu
thể thâm sâu, chính bản thân con người.
-
Thánh Thần … Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều (26):
Từ ngữ “Thánh Thần” (to pneuma to hagion) ở trung tính; vậy mà chủ ngữ
“Đấng đó” (ekeinos) thay cho “Thánh Thần” (to pneuma to hagion, ho...) lại ở nam tính. Khi viết như thế, tác
giả muốn cho thấy rằng Thần Khí còn hơn là một xu hướng hay là một ảnh
hưởng; Người là một nhân vật, một Đấng. Có thể nói ekeinos ở nam tính vì thay cho paraklêtos,
nhưng gần hơn, vẫn là thay cho to pneuma
to hagion, ho...
-
sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm anh em nhớ lại (26):
Bultmann có lý khi cho rằng, “dạy” và “làm nhớ lại” không phải là hai chức năng
khác nhau của Thánh Thần, nhưng là hai phương diện của cùng một chức
năng. Như thế, “dạy anh em” và “làm anh em nhớ lại” song đối với nhau.
-
bình an (27): Khi ra đi,
Đức Giêsu nói shalôm (bình an) với các môn đệ. Nhưng đây không phải là
lời chào thông thường, mà là ân ban cứu độ. Đây không phải chỉ là tình trạng
không có chiến tranh, hay là chấm dứt sự căng thẳng về tâm lý, hay là một cảm
giác thư thái. Theo ngôn ngữ Ga, “bình an”, “sự thật”, “ánh sáng”, “sự
sống”, “niềm vui” là những từ mang nghĩa ẩn dụ để diễn tả các phương diện khác
nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu đã mang từ Chúa Cha đến cho con người.
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” là một cách khác để nói “Tôi ban cho
chúng sự sống đời đời” (10,28). “Bình an của Thầy” ở đây cũng giống như “niềm
vui của Thầy” ở 15,11 và 17,13.
-
nếu anh em yêu mến Thầy
(ei êgapate, 28): Động từ ở thì vị hoàn (imperfect) để nói về một điều
kiện “không có thật”, chưa xảy ra[1].
-
Chúa Cha cao trọng hơn Thầy (28): Câu này đã là đề tài
cho nhiều cuộc tranh luận về Kitô học và về Ba Ngôi. Phái Ariô đã dựa vào câu
này để biện minh cho Kitô học của họ, và do đó, để chống lại thần tính của Đức
Giêsu. Đã có hai cách giải thích cổ điển: (1) Một nhóm Giáo Phụ (Origiênê,
Téctulianô, Athanasiô, Hilariô, Êpiphanê, Grêgôriô Nadien, Gioan Đamát) cho
rằng bản văn diễn tả sự phân biệt giữa Chúa Con và Chúa Cha: Con được nhiệm
sinh trong khi Cha thì không. Tuy nhiên, cách giải thích này phát xuất từ suy
tư tín lý về Kinh Thánh sau này chứ
không dựa trên chú giải câu văn. Cho rằng tác giả Ga đã giới thiệu Đức Giêsu nói với các môn đệ về quan hệ nội tại
giữa Ba Ngôi là sai niên đại. (2) Một nhóm Giáo Phụ khác (Xyrilô Alêxandria,
Ambrôsiô, Âutinh) đã giải thích rằng trong tư cách là con người, Chúa Con Nhập
Thể kém hơn Chúa Cha. Lối giải thích này thoạt tiên có vẻ có lý hơn lối giải
thích trước, nhưng vẫn nhằm phân biệt các bản tính nơi Đức Giêsu. Và đây là
điều không chắc là Ga đã nghĩ tới. Không
lẽ Ga lại nghĩ đến một sự phân
biệt giữa Đức Giêsu nói như con người và Đức Giêsu nói như Thiên Chúa? Nhất là
một cách phân biệt như thế có phù hợp chăng trong Diễn từ cuối cùng, vì
ở đây hơn ở bất cứ nơi nào khác, Đức Giêsu, Đấng đang nói, siêu việt lên trên
cả thời gian lẫn không gian?
Khi đã bỏ ra ngoài sự can thiệp của
khoa tín lý hình thức của thời sau này, chúng ta thấy rất có thể chìa khóa nằm
ở 13,16: “Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi”. “Cha quan trọng hơn tôi”
nghĩa là quan trọng hơn những gì anh em đã thấy nơi tôi. Đức Giêsu chỉ quan
trọng do chỗ Người là Đấng “mạc khải” Chúa Cha. Sự phân biệt được đưa vào không
đối lập bản tính nhân loại với bản tính thần linh trong Đức Kitô (theo cách
giải thích truyền thống), mà là đối lập “cách giới thiệu bản thân Người trong
hình thức nhân loại” (trong phẩm cách Mêsia) với ý nghĩa tròn đầy của bản thân
Người trong tư cách là Thiên Chúa, đó là mạc khải Chúa Cha. Vậy vấn đề là nhận
biết Chúa Cha nơi Đức Giêsu. Khi các môn đệ đã đạt được tới đó, sẽ không còn
vấn đề thấp hơn hay cao hơn, bởi vì Chúa Cha và Người chỉ là một.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
* Chúa
Cha đến (cùng với Đức Giêsu) (23-24)
Đức Giêsu khẳng định rằng người nào
yêu mến Người, thì phải “giữ lời” Người, nghĩa là gắn bó với lời loan báo của
Người và nhận biết bằng đức tin những gì Người đã yêu cầu (x. 14,15.21.23), và
đáp lại bằng trọn cuộc đời dấn thân thực tế và quảng đại. Khi ấy, họ sẽ được
đón tiếp Chúa Cha. Đối với Đức Giêsu, bằng chứng cho thấy Người liên kết với
Chúa Cha là những việc Người làm (x. 14,10-11). Trong Cựu Ước, dân Israel đi tới chỗ biết Thiên Chúa của họ do họ thấy
Ngài che chở kẻ nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, những ngoại kiều, trẻ mồ côi, và
các quả phụ. Nếu Đức Giêsu đang làm những việc tương tự, điều đó có nghĩa là
Thiên Chúa đang ở trong Người và Người đang ở trong Thiên Chúa.
Không
những các môn đệ đầu tiên, mà bất cứ ai tin vào Người và yêu thương Người, liên
kết với Người theo cách này (“giữ lời”), thì đều sẵn sàng đón Chúa Cha và Chúa
Con khi các Đấng đến; các Đấng sẽ cư ngụ nơi người ấy và sẽ ở lại bền bỉ với
người ấy. Người đã liên tục nhắc lại: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với
Thầy” (16,32; x. 8,29). Điều này đúng cho bất cứ ai yêu thương Đức Giêsu: người
ấy không phải cô độc, không bị lạc lõng và bỏ rơi; dù không hữu hình, Đức Giêsu
và Chúa Cha vẫn ở bên người ấy.
*
Chúa Cha sai phái Đấng Bảo Trợ đến giảng dạy (25-26)
Đức Giêsu nhắc lại một lần nữa
là Thánh Thần sẽ đến (x. 14,16-17); Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần theo lời Đức
Giêsu thỉnh cầu. Đức Giêsu để lại cho các môn đệ lời của Người, sứ điệp của
Người. Đây sẽ mãi là những yếu tố đưa các môn đệ đến với Người. Nhưng các môn
đệ sẽ không phải dựa vào sức riêng mà hiểu lời Người: họ sẽ được Chúa Thánh
Thần trợ giúp. Sự hỗ trợ hữu hiệu của Thánh Thần sẽ được biểu lộ rõ ràng trong
việc dạy cho họ hiểu lời của Đức Giêsu. Thánh Thần sẽ không đưa đến một giáo
huấn mới: thật ra toàn thể mạc khải đã được ban nơi Đức Giêsu. Tất cả hoạt động
của Thánh Thần sẽ là quy về những gì Đức Giêsu đã nói và giải thích cho các môn
đệ. Được Thánh Thần dạy dỗ, các ông sẽ có thể đi theo sát hơn nữa lời của Đức
Giêsu và được chuẩn bị đi vào hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con.
*
Đức Giêsu ban bình an và ra đi (27-29)
Đức
Giêsu không để các môn đệ phải mồ côi (x. 14,18), nghĩa là bỏ rơi các ông, mặc
cho các ông sợ hãi, không được hỗ trợ nâng đỡ. Người từ giã và ban sự bình an
của Người cho các ông. Người từ giã các môn đệ nhưng ban một sự bình an,
một sự đảm bảo và một sự che chở chỉ có thể phát xuất từ Người.
Sự bình an này không phải chỉ là một lời nói (một lời chào), cũng không phải là
sự bình an mà thế gian ban tặng: một sự bình an giả trá, một sự bình an được
đặt trên sự chuyên chế, bạo động và bất công. Sự bình an Đức Giêsu ban chính là
ơn cứu độ, là “sự thật”, “ánh sáng”,
“sự sống”, “niềm vui”, dựa trên việc loan báo do Người thực hiện, dựa
trên sự hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Con và dựa trên sự hiện diện của
Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông ấy đưa lại sự an toàn và che chở. Nếu Thiên Chúa
ở cùng chúng ta, ai có thể đe dọa chúng ta và đứng lên chống lại chúng ta?
Khi
đi chịu chết, thật ra Đức Giêsu trở về nhà Cha (x. 13,1); như thế Người đã đạt
được mục tiêu của hành trình trần thế của Người. Đối với Người, không có niềm
vui nào to lớn hơn là sự hiệp thông trọn vẹn với Cha. Điều này hẳn cũng phải có
giá trị cho các môn đệ Người. Sự thông hiệp với Cha và với Con, một sự
hiệp thông được ban cho họ ngay từ bây giờ, là nền tảng cho sự bình an của họ.
Sự hiệp thông trọn vẹn của Con với Cha, vì là mục tiêu Đức Giêsu đã đạt, là nền
tảng chắc chắn nhất cho niềm vui của họ.
+
Kết luận
Mọi sự tùy thuộc vào việc nhìn các sự
việc một cách đúng đắn. Nhìn từ bên ngoài, cái chết của Đức Giêsu dường
như là tai họa và sự đổ vỡ tan tành thành mây khói. Nhưng ai tuân giữ lời của Người,
thì đã không mất sự an toàn do cái chết của Người, mà lại còn được củng cố trong
niềm tin vào Người và trong niềm vui vì chiến thắng của Người. Đức Giêsu làm
cho chúng ta tất cả những điều này xuyên qua hoạt động của Thánh Thần: chính
Thánh Thần sẽ dẫn dắt chúng ta, dạy bảo và nhắc chúng ta nhớ lại tất cả những
gì Đức Giêsu đã nói.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Sự hiệp thông với
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cất đi mọi mối bận tâm, sợ hãi và lo lắng
bất an, nhất là khi ta sống sự hiệp thông ấy trong đức tin. Bởi vì chỉ Đức Giêsu
mới giúp chúng ta đi vào hiệp thông với Chúa Cha, thì cũng chỉ Người mới có thể
ban cho chúng ta sự bình an này. Người tín hữu phải luôn luôn biết rằng, ngay
cả khi họ bị cái chết dằn vặt, Đức Giêsu và Chúa Cha vẫn ở bên họ, chứ không
bao giờ bỏ rơi họ trong tình cảnh khốn quẫn. Sự hiệp thông với Đức Giêsu và với
Chúa Cha không chỉ bắt đầu khi chúng ta được tiếp đón vào nhà Cha (14,2-3), nhưng
là một thực tại đã có bây giờ và sẽ hoàn tất với cuộc hưởng kiến vinh
quang.
2. Ngược với việc
tuân giữ những luật lệ chi li cách tỉ mỉ và máy móc, không quan hệ gì với con
tim của người tín hữu, Đức Giêsu đặt các tương quan của Người với các môn đệ
trên nền tảng là các dây liên kết riêng tư trong tình yêu. Muốn thấy Đức Giêsu,
muốn sống nhờ Người và với Người, người tín hữu phải “giữ các lời Người” (c.
24). Sự sống này, như Đức Giêsu xác định, lại chính là sự sống của Người và
cũng là sự sống mà Người nhận từ Chúa Cha, nhưng cũng có chung với Chúa
Cha.
3. Các Kitô hữu hôm
nay cũng phải vui mừng cho chính mình: sự kiện Đức Giêsu đã đạt tới mục tiêu là
đảm bảo cho họ là họ cũng sẽ đạt tới đó, Người sẽ đón họ vào trong cuộc sống
vinh phúc của Người.
4. Cái chết của Đức Giêsu rất có thể có vẻ là
chiến thắng của ông hoàng của thế gian này và của các quyền lực bóng tối, là sự
khải hoàn của các đối thủ của Người. Nhưng Đức Giêsu không hề bị áp đảo bởi một
quyền lực bên ngoài, chống lại ý muốn của Người. Người đã tự ý nhận lấy cái
chết của Người, bởi vì Cha đã định đoạt như thế cho Người. Cái chết của Người
là một dấu chỉ về tình yêu của Người đối với Cha.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm