CHÚA NHẬT VI PHỤC
SINH
Yêu mến và bình an
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
14:23-29)
Gia sản người thân để lại cho chúng ta không chỉ là nhà cửa
tiền bạc hay những đồ quý giá, nhưng còn là những giá trị tinh thần và đạo đức
nữa. Vậy trước khi bước vào cuộc Thương
khó và cái chết thập giá, Chúa Giê-su đã lưu lại cho môn đệ Người một di sản
“không như thế gian ban tặng”, đó là ân huệ tình yêu và bình an. Đây là ân sủng phát sinh từ mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi đã được Chúa Giê-su lập đi lập lại trong diễn từ của Người vào bữa
Tiệc Ly.
Để hiểu được ân huệ tình yêu và bình an ấy, trước hết chúng
ta hãy nhìn vào tâm trạng của các môn đệ Chúa trong những ngày cuối cùng cuộc
đời trần thế của Người. Các ông hoang
mang lo lắng, không biết khi nào là lúc thể hiện những điều Chúa tiên báo về
cuộc khổ nạn. Sự hiện diện của Chúa
Giê-su giữa các ông là sự hiện diện của tình yêu và bình an. Những năm tháng theo Thầy, các ông đã cảm
nghiệm được tình yêu đích thực qua những “chạnh lòng thương” Thầy biểu lộ đối
với đám đông dân chúng đói khát, đối với những người đau yếu về cả thể xác lẫn
linh hồn. Các ông đã cảm nghiệm được sự
bình an thể lý khi có Chúa trên chiếc thuyền đang gặp sóng gió, hoặc khi Người
bênh vực các ông lúc bị nhóm Pha-ri-sêu lên án.
Nhưng các ông cũng nhận ra được sự bình an tâm hồn khi chứng kiến những
người tội lỗi đã được tha thứ và ra đi trong cuộc sống mới.
Hiểu nỗi lo lắng băn khoăn ấy, Chúa Giê-su nói với các ông
trước hết về tình yêu, vì tình yêu vừa là nguồn suối vừa là bảo đảm cho sự bình
an đích thực. Tình yêu Thiên Chúa là
thực tại Thánh Thần phát sinh từ Chúa Cha và Chúa Con, tràn xuống chúng ta qua
việc tạo dựng, kế hoạch cứu độ và những ân sủng của Thiên Chúa. Để đáp lại tình yêu Thiên Chúa, chúng ta có
một cách tốt nhất và cụ thể nhất, đó là “giữ lời Thầy”, sống những điều Chúa
Giê-su dạy chúng ta. Bản chất con người
chúng ta hay lãng quên, hoặc cố ý quên, nên vai trò của Chúa Thánh Thần là “dạy
anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Một khi vòng tròn tình yêu luân chuyển giữa
Ba Ngôi Thiên Chúa và chúng ta dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thì sẽ phát
sinh một sự bình an “theo kiểu Thiên Chúa”, phá tan mọi “xao xuyến và sợ hãi”
của một tâm hồn thiếu vắng tình yêu.
Theo kiểu thế gian, ra đi là “chết nửa cuộc đời”, là tan nát cõi lòng…
Còn theo kiểu Thiên Chúa, việc ra đi của Chúa Giê-su, tức là Người từ trời ra
đi và đến cùng chúng ta (Nhập Thể), rồi đi về cùng Chúa Cha (Thương Khó và Phục
Sinh), lại là lý do để chúng ta vui mừng, vì đó là sứ mệnh để Người biến đổi
thân phận tội lỗi chúng ta thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Đến đây có lẽ chúng ta mới hiểu tại sao Chúa
Giê-su lại nhấn mạnh đến tình yêu trước khi nói đến bình an Người ban cho chúng
ta. Tóm lại, ở trong tình yêu đích thực
là tìm được bình an đích thực vậy.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong cuộc sống, có khi nào chúng ta cảm thấy xao xuyến và
sợ hãi là vì mình không thể yêu thương hoặc không được yêu thương không? Trong lao tù cải tạo không biết ngày nào được
trở về, người chồng hay người con sở dĩ vượt thắng được những đau khổ thể xác
cũng như những xao xuyến sợ hãi tâm hồn là vì biết rằng vợ mình hay cha mẹ mình
ở nhà vẫn hết lòng yêu thương mình qua những chuyến thăm nuôi. Bình an là hoa trái của tình yêu đích
thực. Cũng vậy, Ki-tô hữu đến với bí
tích Hòa giải, để tìm về tình yêu Thiên Chúa và sống trong lòng thương xót tha
thứ của Người, sẽ cảm nghiệm được thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng.
Suy niệm về Mầu nhiệm Phục Sinh trong những ngày cuối của
Mùa Phục Sinh, chúng ta không thể không chiêm ngưỡng và sống những di sản Chúa
Giê-su để lại cho chúng ta. Tình yêu là
hoạt động của Thiên Chúa và bình an là hoa trái hoạt động ấy đem lại cho chúng
ta. Chúa mời gọi chúng ta: càng đáp lại tình yêu của Người bằng cách
sống lời Người bao nhiêu thì chúng ta càng được bình an tâm hồn bấy nhiêu. Đồng thời con đường yêu thương ấy cũng đưa
chúng ta tới bình an vĩnh cửu khi chúng ta được kết hiệp hoàn toàn với tình yêu
Thiên Chúa trên thiên đàng mai sau.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi