CHÚA NHẬT LỄ CHÚA
THĂNG THIÊN
Những khởi đầu mới
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 24:46-53)
Chúa Giê-su lên trời, về cùng Chúa Cha, nhưng chưa hoàn tất
sứ mệnh mà là mở ra những khởi đầu mới.
Những lời cuối cùng trước khi Người từ giã môn đệ tại Bê-ta-ni-a là
những lệnh truyền đã nói lên khởi đầu sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Đó cũng là ý nghĩa đích thực của biến cố
chúng ta mừng kính hôm nay.
Biến cố Chúa Giê-su lên trời là một khởi đầu mới với những
hoạt động do Thánh Thần của Người và các môn đệ là chứng nhân của Người. Trước hết, đây là thời điểm bắt đầu thể hiện
“điều Cha Thầy đã hứa”, tức là việc Chúa Giê-su ở cùng chúng ta cho đến ngày
tận thế (Mát-thêu 28:20) qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được sai đến với chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ Chúa Giê-su
đến “chân lý trọn vẹn”, dạy họ mọi điều và giúp họ nhớ lại mọi điều Chúa Giê-su
đã dạy họ (Gio-an 14:26). Chúa Thánh
Thần sẽ giúp họ hiểu sứ điệp về Đấng Ki-tô:
Tại sao Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba sống lại từ cõi
chết? Ý nghĩa cuộc Thương Khó, sự chết
và Phục sinh của Đấng Ki-tô phải là cốt lõi của sứ điệp tình yêu Thiên Chúa
muốn nói với nhân loại: Thiên Chúa đã
yêu nhân loại đến nỗi sai Con Một là Đấng Ki-tô đến, để ai tin vào Con Thiên
Chúa thì sẽ được cứu độ.
Nếu Chúa Giê-su đã khởi đầu cho công cuộc truyền giáo nhờ
hoạt động của Thánh Thần, thì Người cũng truyền lệnh cho các môn đệ dưới sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, phải bắt đầu rao giảng cho muôn dân và kêu gọi
họ sám hối để được ơn tha tội. Vậy điều
bắt đầu thứ nhất là khi rao giảng cho
muôn dân, môn đệ Chúa Giê-su phải nói cho người ta biết cái chết và sự phục
sinh của Đấng Ki-tô đã chứng minh Thiên Chúa yêu nhân loại đến mức nào. Đấng Ki-tô đã hiến mạng sống để cứu nhân loại
khỏi ách nô lệ tội lỗi và đem lại cho họ đời sống mới được làm con cái Thiên
Chúa. Điều bắt đầu thứ hai của các môn
đệ là kêu gọi người ta sám hối để
được ơn tha tội. Đúng vậy, đáp lại tình
yêu Thiên Chúa không phải là việc ở ngoài tầm tay chúng ta, trái lại, chúng ta
chỉ cần sám hối, quay về với Thiên Chúa để được giải hòa và để nhận lại chức
phận làm con mà họ đã bị tước đoạt do tội lỗi.
Còn điều bắt đầu thứ ba, làm chứng
nhân cho Chúa Giê-su, là phương thức người môn đệ rao giảng và kêu gọi
người ta sám hối. Người môn đệ đã chứng
kiến Chúa thi hành sứ vụ rao giảng và cứu độ.
Họ đã được Chúa Phục Sinh hiện ra nhiều lần. Lại nữa, họ được Thánh Thần soi sáng, hỗ trợ
và dẫn dắt trong sứ mệnh mới. Đó là tất
cả những điều kiện một chứng nhân cần phải có để thi hành lệnh truyền giáo Chúa
Giê-su ban cho họ.
Tuy nhiên còn một khởi đầu rất quan trọng, đó là “nhận được
quyền năng từ trời cao ban xuống”. Các
môn đệ Chúa được lệnh “ở lại trong thành”.
Với biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, họ đã thực sự nhận được quyền
năng từ trời cao. Quyền năng ấy không
chỉ biến đổi con người họ, mà còn “đổi mới bộ mặt trái đất” nữa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Những khởi đầu mới Chúa Giê-su truyền lệnh cho các môn đệ
thi hành trước khi Người lên trời cũng là những khởi đầu của chúng ta hôm
nay. Đối với Chúa, thời gian không tính
bằng năm tháng, như là bằng những cơ hội.
Nếu ông già Si-mê-ôn hoặc bà già An-na đã có một khởi đầu mới khi gặp
được Hài Nhi Giê-su trong Đền Thời, thì tại sao chúng ta lại không có một khởi
đầu mới mỗi ngày khi chúng ta rước Chúa trong Thánh lễ?
Riêng trong Năm Đức tin này, Tân Truyền giáo chính là lời
Giáo Hội mời gọi mỗi người Ki-tô hữu làm một cuộc khởi đầu mới trong việc sống
và truyền bá đức tin. Đáp lời kêu gọi
của Giáo Hội về công cuộc Tân Truyền giáo, chúng ta sẽ “tái khám phá niềm vui
Đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu… sẽ
nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu
của Thiên Chúa” (Cửa Đức tin, số
7). Ước mong mỗi người chúng ta hãy lấy
cột mốc Chúa Giê-su lên trời làm khởi đầu mới cho hành trình đức tin của mình.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi