KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

MỒNG HAI TẾT

Lc 1, 67-75

 

Truyền thống Dân tộc Việt Nam chúng ta luôn đề cao chữ hiếu. Bởi vì, dù có đi đạo hay không, người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết thờ Cha kính Mẹ. Như thế, quả rất thích hợp với điều răn thứ tư trong mười điều răn của Thiên Chúa. Ngày mồng hai tết bao giờ, Giáo Hội cũng dành riêng để kính nhớ ông bà cha mẹ, tổ tiên. Đây là nét son của Giáo Hội.

 

Vâng, ngay từ khi khởi đầu công cuộc truyền giáo ở đất nước chúng ta, Cha Alexandre de Rhodes đã luôn quan tâm và dạy dỗ con người hãy trung thành, hiếu thảo với Thiên Chúa, với Vua và với Cha mẹ. Đây là giáo lý nói về tam phụ. Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, dựng nên con người. Nên, con người phải biết ơn Thiên Chúa, trung thành với Ngài. Cha mẹ thừa lệnh Thiên Chúa sinh ra chúng ta, do đó, chúng ta phải hiếu thảo và trung thành với Cha mẹ. Con người có đất nước, có tổ quốc.Đứng đầu nước là Vua, nên con người phải trung với Vua vv…Đây là đạo lý của con người. Tuy nhiên, lúc đó vì chưa hiểu rõ các địa phương, các đất nước. Giáo Hội đã có những thông tư nghịch lại với nghi lễ Trung Hoa. Nên, một thời gian dài đã có những hiểu lầm và nghi kỵ đối với đạo Công giáo.

 

Ngày nay, với Công Đồng Vatỉcanô II, Giáo Hội đã có cái nhìn phù hợp với hoàn cảnh, truyền thống của các đất nước, các địa phương. Nên, mọi Kitô hữu đều cảm thấy thoải mái hơn với việc tôn kính tổ tiên vv…Giới răn bốn trong thập giới đã viết:” Hãy tháo kính Cha mẹ “. Điều này rất phù hợp với các đoạn Sách Thánh như Cn 6,20,23abc :” Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân “. Hoặc  Sách Khải Huyền 14, 13 viết :” Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi, vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi “.

 

Người công giáo Việt Nam bao giờ cũng có lòng biết ơn và kính nhớ ông bà tổ tiên cha mẹ. Hầu như nhà nào cũng có bàn thờ ông bà tổ tiên với những hoa nến, nhang hương tỏa hương thơm ngát, nghi ngút khói bay…Thật đúng như lời Sách Đức Huấn Ca viết :” Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên, mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài, và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen “. Thánh Augustinô cũng viết một đoạn đáng ghi nhớ :” Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi.Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt.Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng hãy nhìn xuống gốc cây : các ngài đang đạp trên một tấm thảm dầy những chiếc lá khô mục “.Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã khuyên nhủ :” Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa,vì đó là điều phải đạo.Hãy tôn kính cha mẹ…”.

 

Thảo kính cha mẹ, tôn kính tổ tiên là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cài bông hồng đỏ trên áo để chứng tỏ cha mẹ còn sống.Đó là cách biểu lộ tình thương đối với cha mẹ, do đó, phụng dưỡng cha mẹ, an ủi cha mẹ là tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Cài bông hồng trắng trên áo để tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Con người nhớ để cầu nguyện, dâng lời kinh, tạ lễ cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất là cách tỏ lòng tôn kính, thảo hiếu đối với các bậc sinh thành…

 

Xin Chúa cho chúng con luôn biết hiếu thảo với ông bà tổ tiên cha mẹ và quyết tâm nối tiếp sự nghiệp của các ngài, để luôn luôn làm rạng rỡ dòng họ và làm rực sáng gia phong.

 

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,

Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.

Hôm nay nhân dịp đầu năm mới,

Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

Xin Chúa trả công bội hậu

Cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,

Và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài.( Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ ).

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Tại sao lại phải hiếu thảo đối với Ông bà cha mẹ và tổ tiên ?

2.Chúa dạy sao về hiếu thảo ?

3.Cài bông hồng đỏ trên áo có nghĩa gì ?

4.Cài bông hồng trắng trên áo có ý nghĩa gì ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C