Các hành vi tôn giáo
(Mt
6,1-6.16-18 – Lễ Tro)
1.- Ngữ cảnh
Sau
khi đã đề cập đến các quan hệ với kẻ khác (quan hệ hàng ngang: x. Mt 5,21-48), Đức Giêsu xác định cách
thức đúng đắn phải theo mà thiết lập quan hệ với Thiên Chúa Cha (quan hệ hàng
dọc: x. 6,1-18). Ba ví dụ về các hành vi tôn giáo được nêu ra: bố thí, cầu
nguyện và ăn chay. Đây là ba tập tục đạo đức truyền thống của Do Thái giáo.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành bốn phần:
1)
Nguyên tắc chung (6,1);
2)
Ba việc đạo đức (6,2-6.16-18):
a) Bố thí (cc. 2-4),
b)
Cầu nguyện (cc. 5-6),
c)
Ăn chay (cc. 16-18).
Ba đoạn được kết cấu
như nhau, thành hai cách song song: lệnh truyền tiêu cực – động lực – phần
thưởng; lệnh truyền tích cực – động lực – phần thưởng. Các đoạn này có cùng những
điểm tương phản như nhau: công khai / ẩn giấu; để người ta thấy / để Chúa Cha
thấy; phần thưởng đã nhận / phần thưởng sẽ nhận từ Chúa Cha.
Cấu
trúc này khiến ta thấy ý hướng của đoạn văn không nhắm khuyến khích thực thi
các vệic đạo đức ấy, nhưng là đề nghị cách làm tốt.
3.- Vài điểm chú giải
- để cho
thấy (1):
Động từ theaomai có nghĩa là trình
diễn (như diễn kịch)
- bố thí (2): Eleêmosynê là phẩm chất của một người eleêmôn, người có eleos, lòng từ bi thương xót, thông cảm, đạo đức, tức đồng nghĩa
với từ Híp-ri (k)hesed.
- Bọn đạo
đức giả
(2): Hypokritês có nghĩa là “diễn
viên”. Người hypokritês diễn kịch, họ
giả bộ chú ý đến Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đặt trọng tâm nơi bản
thân: họ tìm cách được người ta khen ngợi, thán phục.
- trả lại (4): Bản hy-ngữ nói
trống: apodôsei, “sẽ trả lại cho
người ấy” (apo hàm ý có điều gì đó
ràng buộc; một món nợ). Trong ngôn ngữ thương mại, đây là việc thanh toán một
hóa đơn.
- phòng (6): Tameion, “phong” đây, trong ngôi nhà
Paléttina, là một thứ “buồng (để thực phẩm)” thường ở dưới hầm, không có cửa sổ
tức cũng không có ánh sáng (x. Is
26,20; 2 V 4,33).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Nguyên
tắc chung (1)
Câu
mở đầu này nối kết ch. 6 với 5,20: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn (dịch
sát: “nếu sự công chính của anh em không dồi dào hơn) các kinh sư và người
Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “sự công
chính” (sedeqah) được dùng để tổng
hợp các tương quan của con người với Thiên Chúa, đó là sự đạo đức, tôn giáo
tính, đức tin.
Vị
Thiên Chúa của Đức Giêsu là Người Cha (3,17; 5,16.45; 6,1.4.6.8.9.14.15.18;
7,11.21). Các tương quan với Ngài phải mang dấu ấn là sự tín tưởng, tín nhiệm,
nhất là sự chân thật. Ngài là Đấng không thể bị lừa dối bởi những chuyện bề
ngoài, đóng kịch. Trước nhan Ngài, điều đáng kể là các hành vi chứ không phải
là các lời nói. Sự trong sáng, sự chân thật không những là đặc tính của các tương
quan với Thiên Chúa mà còn với cả anh chị em đồng loại nữa. Lời khuyên Đức
Giêsu ban cho các môn đệ là “đừng phô trương công đức (= dịch sát, “làm sự công
chính, dikaiosynên”) trước mặt (pros) người ta, để hòng được họ thấy (theathênai)” (x. cha Nguyễn Thế Thuấn). Người
không nhắm đến các việc làm mà là ý hướng. Làm các hành vi phụng tự hoặc các
điều Luật đòi hỏi để được người ta thấy có nghĩa là hành động để nhận lời khen
và tiếng vỗ tay của họ. Làm như thế là nhắm tới danh thơm tiếng tốt của mình.
Đây là một thứ tôn giáo giả danh, nhắm trình diễn (theaomai), thì trống rỗng, vì phá hỏng giá trị của việc làm.
Do
Thái giáo quy định nhiều việc thực hành đạo đức. Mt nêu ra ba hành vi tiêu biểu
của “sự công chính” của người
* Ba việc
đạo đức (2-6.16-18)
Cần ghi nhớ hai cách thực thi: 1) “để được
người ta thấy” và “được họ khen ngợi” (cc. 2.5.16); đó là cách của bọn “đạo đức
giả”; 2) trong quan hệ thân tình với “Chúa Cha, Đấng thấy trong nơi bí ẩn” (cc.
4.6.18); đây là cách Đức Giêsu chờ đợi các môn đệ theo.
Một hành vi thực hiện
trước nhan Chúa Cha “nơi kín đáo: (cc. 4.16.18) không có nghĩa là một “hành vi
bí mật”, mà là bất cứ hành vi nào, kể cả hành vi công khai, được thực hiện
trước nhan Chúa Cha, Đấng “thấy trong nơi kín đáo”, nghĩa là Đấng thấu suốt ý
hướng sâu xa nhất của các con tim.
a)
Việc bố thí (cc. 2-4). Bố thí là việc
làm “công chính” theo phép cải danh[1], tức là thay vì nói là “bố thí”, người ta nói là “sự công chính”. Lý do:
sự bất bình đẳng trong xã hội trên đất nước Paléttina đặc biệt sau Lưu đày đã
khiến người ta hiểu sự công chính-từ bi thương xót ưu tiên theo nghĩa là “bố
thí” (x. Xh 22,20-26; 23; Lv 25; Đnl 15; Hc 29,1tt). Việc
bố thí càng trở nên quan trọng hơn với các ngôn sứ và các bậc hiền giả. Vụ việc
của người nghèo được Thiên Chúa coi là vụ việc của chính Ngài. Việc bố thí nằm
trên đường hướng của lễ hy sinh: nó xóa tội lỗi và cho con người xứng đáng nhận
ơn cứu độ (x. Đn 4,24 (LXX); Hc 35,2). “Đừng … như bọn đạo đức giả
thường làm”. Các hành vi mà người đạo đức giả làm không quy hướng về Thiên Chúa
hoặc về sự thiện hảo của người thân cận, nhưng cho các quyền lợi riêng tư của
người ấy, cho tiếng tăm của riêng người ấy trước mặt người đời.nếu đó là động
lực thúc đẩy người ấy hành động, người ấy khôngthể nhận được bất cứ phần thưởng
nào từ phía Thiên Chúa. Người môn đệ Chúa Kitô phải bố thí theo cách ngược lại với
bọn đạo đức giả, nghĩa là “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (c. 3). Hình
ảnh này không muốn nói là phải nhắm mắt lại khi biếu tặng một món gì, nhưng là
phảicoi mình là xa lạ với chính các hành vi tốt lành của mình.
b) Cầu
nguyện (cc. 5-6). Cầu nguyện trong Đền Thờ, tại hội đường và các nôi công
cộng, riêng tư hoặc trong nhà, chiếm một phần quan trọng trong đời sống người
Do Thái (x. Is 58,3-7; Er 2,4; Tb 12,8; Br 1,5). Không
có giờ nào trong ngày mà lại khôngcó kèm theo một lời ngợi khen (chúc tụng)
dâng kên Thiên Chúa. Tân Ước cũng nói đến đòi hỏi này (x. Lc 5,33; 1 Tx 5,17). Trong
bài giảng này, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ coi chừng những méo mó mà sự đạo
đức được tổ chức, nhất là đạo đức công cộng, có thể gặp. Bổn phận phải ngỏ lời
với Thiên Chúa vào những lúc nhất định trong ngàyđã đưa người Do Thái đến những
thái độ đạo đức (đứng, giang tay hoặc giơ tay, cúi mình, quý gối, phủ phục,
v.v.) tại bất cứ nơi nào họ hiện diện, kể cả nơi công cộng.sự khoe khoang cũng
có thể len lỏi vào trong lối hành xử chủ yếu thánh thiêng này. Bọn “đạo đức
giả” không phải chỉ là những người giả bộ một kiểu đạo đức thực ra không có (x.
Mt 22,18), mà còn là tất cả những ai, ý thức hay không ý thức, chỉ quan tâm đến
hành vi bên ngoài, đến dáng vẻ bề ngoài, đến nghi thức. Họ nghĩ rằng khi mình
làm tất cả những điều này đúng luật, thì Thiên Chúa phải coi là đã được phục
vụ, cho dù ý hướng của người ta có đi tới tận đâu, hoặc chỉ nhắm cho được người
ta nể trọng và ca ngợi. Đức Giêsu không hề có ý sửa đổi nghi thức Do Thái về
cầu nguyện, nhưng chỉ gợi ra cách cầu nguyện đúng đắn khi bào là tránh sự khoe
khoang, vụ hình thức, giả hình. Lời nhắc nhở của Người cũng ở trong chiều hướng
của truyền thống ngôn sứ và khôn ngoan (x. Am
5,21-25; Hs 8,11-13; Mk 6,6-8; Gr 7; Ed 18; Is 58,1-12; Ge 2,12-13; v.v.). Lời Đức Giêsu bảo “vào phòng, đóng cửa lại” (c.
6) không phải là một lời dạy phải theo sát mặt chữ. Ai cầu nguyện trong tình
cảnh ấy không chắc chắn là không bị hư danh thúc đẩy. Ngay cả trong thinh lặng
của phòng mình, người ta vẫn có thể cầu nguyện như làm một hành vi ích kỷ. Đức
Giêsu muốn nói là phải làm sao để không xóay vào mình nhưng là một gặp gỡ với
Thiên Chúa. Khi đó, người ta có thể cầu nguyện nơi công cộng, với cộng đoàn, mà
vẫn đạt mục tiêu là đối thoại thực sự với Thiên Chúa, cũng như có thể cầu
nguyện riêng tư, nơi phòngh kín, àm vẫn không đạt mục tiêu. Dù sao “việc cầu
nguyện ẩn giấu” vẫn giúp dễ đi tới tương
quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Vì thế, Đức Giêsu có thể kết luận: “Và
Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
c) Ăn
chay (cc. 16-18). Ăn chay là một cách quan trọng để thực hành “sự công
chính” cũ và mới. Kiêng cữ các thực phẩm nhiều ngày, nhiều tuần , là điều quen
thuộc trong thế giới Do Thái. Nếu tính theo ngày, có thể ăn chay từ một đến 40
ngày; nếu tính theo tuần, có thể ăn chay từ một đến ba tuần. Kể từ thời Lưu
đày, người ta tăng thêm các thời gian ăn chay hàng năm (Ngày Lễ Xá tội, Kỷ niệm
tàn phá Đền Thờ; các tai họa công cộng; v.v.. Xem Dcr 7,3.5; 8,19; Er 4,16;
Nkm 9,1). Ngày chay nổi tiếng là ngày
Kippur (Lv 16,29; 23,27-32), vì việc
ăn chay có kèm theo các nghi lễ nhằm nêu bật ra bên ngoài ý nghĩa thống hối của
nó: than vãn, gào khóc, mặc các bộ áo thô hèn, rắc bụi và tro lên người, bỏ các
quan hệ vợ chồng, bỏ săn sóc thân thể, bỏ tắm rửa, xức dầu thơm, không đi giày,
không chào hỏi, ngủ trên đất, tham dự các buổi hội họp phụng vụ. Những người
đạo đức ăn chay mỗi tuần hai lần. Việc ăn chay hạ thấp con người và tiêu diệt
các khát vọng vô trật tự của họ, như thế, nó thanh luyện, xá tội, ban ân huệ
(x. 1 Sm 7,6; 2 Sm 12,6; 1 V 21,27; Gr 36,9; Ge 1,13-14; 2,15; Gn 3,7;
Er 8,21-23; Đn 9,3; Tb 12,8; Et 4,16; Tv 35,13; 69,11; v.v.).
Đức
Giêsu khôngkết án việc ăn chay nhưng cách thức đôi khi người ta theo để ăn
chay. Thay vì diễn tả sự hạ mình của cá nhân, nó lại trở thànhmột cơ hội để tỏ
mình ra với tính kiêu ngạo, tức hoàn toàn ngược lại với những gì việc ăn chay
phải diễn tả ra. Thay vì là một hành vi thống hối và quay về với Thiên Chúa, nó
lại là một khẳng định về tính khoe khoang. Sứ hoán cải chỉ có ở bề ngoài, không
có thật; trái tim, tâm trí vẫn như cũ, vẫn còn xa Thiên Chúa. Việc ăn chay của
người môn đệ, cũng như việc bố thí và cầu nguyện, phải làm kín đáo. Đức Giêsu
không hề có ý đề nghị một lối sống thẩm mỹ thống hối, nhưng mời thính giả xét
lại các ý hướng từng thúc đẩy họ làm các việc đạo đức. Rửa mặt, xức dầu thơm là
những hành vi mở đầu chó lễ mừng hơn là cho ngày tang ma, nên chúng che giấu
được các từ bỏ mà hối nhân bắt mình phải làm. Trong thực tế, người môn đệ ăn
chay có thể giữ một thái độ mừng lễ bởi vì biết giá trị của việc thống hối của
mình trước nhan Thiên Chúa. Do đó, người ấy xử sự như đi đến một bữa tiệc mừng.
Toàn
bản văn này cũng mang một sứ điệp như đoạn 5,13-16: mọi lối xử sự của người
Kitô hữu phải tỏ lộ Thiên Chúa ra và đưa đến chỗ tôn vinh Người, chứ không phải
là một cơ hội để đưa mình ra mà khoe khoang hay tự mãn.
+ Kết luận
Người nào làm một hành vi tôn giáo mà
nhằm một phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng thần linh và vĩnh
cửu. Người nào làm vì Thiên Chúa, nghĩa là cách nhưng-không, không tìm phần
thưởng, thì được phần thưởng.
Toàn
bản văn và văn cảnh (x. Mt 5,43-48;
6,9-13) mời ta nối kết đề tài phần thưởng với đề tài Chúa Cha và quna hệ
Cha-con. Để đáp lại những hành vi nhân loại diễn tả hữu-thể-trước-Chúa-Cha,
điều sẽ được ban, trước tiên đó là quan hệ đáp lại từ phía Chúa Cha. Các hành
vi tôn giáo trung thực này sẽ sản siunh hoa trái bên trong: Thiên Chúa “đáp
lại” quan hệ ta thiết lập với Người. Vậy có thể nói phần thưởng nằm ngay bên trong:
nó chính là dự tăng trưởng quan hệ Cha-con.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Cách thức “sống
sự công chính” theo Tin Mừng, là sự kín đáo, chiều sâu nội tâm của các ý hướng,
quên mình và ưu tiên cho danh dự và quyền lợi của Thiên Chúa. Một đời sống tôn
giáo giả danh, quy ngã, thì đã chiếm mất chỗ của sự đạo đức thật, chủ yếu là
hướng thần. Đây là một sự đảo lộn vừa phi lý vừa nguy hiểm.
2. Khi bố thí,
người Kitô hữu phải coi là mình ở xa chính mình đến nỗi mình không còn có thể
phân biệt những gì mình đang làm. Đức Giêsu bảo chúng ta là phải tránh mọi ý
ngầm khi làm hành vi lành thánh để bào toàn được tính cao siêu và ngay thẳng
của việc giúp đỡ người anh em. Sự khác biệt cốt yếu giữa việc bố thí của bọn
đạo đức giả và của người Kitô hữu là một
bên làm “trước mặt loài người”, còn bên kia làm “trước mặt Thiên Chúa”. Bọn đạo
đức giả thì lấy loài người làm thẩm phán đánh giá việc mình làm, còn Kitô hữu
thì chờ đợi sự đánh giá của chính Thiên Chúa.
3. Xu hướng
dụng-cụ-hóa việc cầu nguyện là sự méo mó khó giải thích nhất của sự đạo đức,
bởi vì xu hướng này vận dụng vào mà phục vụ chính ta tất cả những gì chủ yếu
thuộc về Thiên Chúa. Để cầu nguyện, không phải chỉ nhìn nhận Thiên Chúa cách lý
thuyết là đủ, mà phải gặp gỡ Ngài, cảm nhận về Ngài, trao đổi trò chuyện với
Ngài như với người bạn, một người cha, một đồng nghiệp. Nơi cô tịch không những
giúp tránh khoe khoang, mà còn giúp thông giao với Thiên Chúa.
4. Việc ăn chay,
cũng như mọi đau khổ khác, là một nguồn vui cho người ăn chay, bởi vì nó cho họ
được đến gần Thiên Chúa hơn. Lời Đức Giêsu mời gọi hãy có một thái độ vui tươi
thay vì u ám thảm sầu nhấn mạnh đến ý nghĩa chung cuộc của việc thống hối Kitô
giáo: được chịu đau khổ là một ân huệ, thì được ăn chay cũng thế.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
[1] Phép cải danh (HL. antonomasia) là một phương thức tu từ, trong đó người ta dùng tên riêng thay cho tên chung hoặc dùng tên chung thay cho tên riêng. Ví dụ: Hắn là một thằng Sở Khanh; người họ Hứa (do quen hứa suông). Xem Đinh Trọng Lạc, 99 Phương tiện và Biện pháp tu từ tiếng Việt (Nxb Giáo dục; 2003) 60tt.